(Lập Nghiệp)- Tuổi trẻ thì phải dám nghĩ, dám nói, dám làm

leduy

Là chính anh
Thành viên thân thiết
Tham gia
26/8/2010
Bài viết
2.078
ThumbnailSizeOrigin.aspx

(SVVN)Từ một cử nhân Lâm nghiệp trở thành Bí thư Đảng ủy xã Thượng Sơn (Vị Xuyên, Hà Giang), câu chuyện về quá trình lập thân, lập nghiệp thành công của bí thư Lý Tiến Công như một tấm gương sáng cho thanh niên Hà Giang.

Đâu cần thanh niên có…

Hưởng ứng phong trào Thanh niên xung kích của tỉnh Hà Giang, năm 2005, sau khi tốt nghiệp ngành Lâm nghiệp của trường ĐH Lâm nghiệp, Lý Tiến Công khoác ba lô, xung phong xin về thực tế tại xã Thượng Sơn, một xã vùng cao xa xôi, khó khăn vào bậc nhất của huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang lúc bấy giờ. “Những ngày đầu làm việc tại địa phương thật nhiều thử thách, nhất là đối với một thanh niên vừa học xong như tôi. Quen với nhịp sống hiện đại, không phải không có lúc tôi lo lắng mình sẽ bị tụt hậu”, anh Công tâm sự. Xã Thượng Sơn là một xã miền núi nhiều dân tộc, trong đó người Dao chiếm đến 80%. Phong tục, tập quán, cung cách sinh hoạt của mỗi dân tộc lại có những nét riêng, anh Công cho biết: “Muốn làm việc được với người dân tộc thì phải hòa nhập vào cuộc sống của họ. Không có cách nào khác là phải đi vào thực tế, bám làng bám bản, cùng ăn, cùng ở, cùng nói chung ngôn ngữ”.
Vượt qua mọi rào cản về tinh thần, khó khăn về vật chất, 5 tháng đầu, anh làm tất cả mọi việc. Từ những việc đúng chuyên môn như Khuyến nông khuyến lâm, đến những việc chưa từng học qua như tổ chức hành chính, điều tra số liệu, khai sinh, khai tử, soạn thảo văn bản. Khó nhất là mỗi lúc vướng mắc ở địa phương thì không biết hỏi ai và giải quyết thế nào. Trước khi đi xuống xã, anh được tỉnh tập huấn một khóa Quản lý hành chính cấp cơ sở, nhưng lý thuyết thì luôn khác xa với thực tế. Bắt tay vào công việc lạ lẫm, càng làm càng thấy thiếu hụt kiến thức, khiến anh không ăn không ngủ được. “Là thanh niên xung kích có trình độ đại học chẳng nhẽ lại không bằng các cán bộ địa phương”, với lòng tự trọng của tuổi trẻ, anh Công tự mày mò học hỏi để hoàn thành công việc. Anh tự mày mò học sử dụng máy vi tính thành thạo để hướng dẫn lại cho anh em, đồng nghiệp ở xã. Anh cho biết, thời gian đầu, cứ sáng đi tối về, ngày nào cũng vượt qua hơn 40 cây số từ xã về thành phố để mua sách tự học và hỏi han kinh nghiệm của những cán bộ đi trước.

Tuoi%20tre%20%28Ly%20Tien%20Cong%20-%20bi%20thu%20Dang%20uy%20xa%20Thuong%20Son%20-%20Vi%20Xuyen%20%20-%20Ha%20Giang%29.jpg
Cuối năm 2006, khi bắt đầu quen với công việc và người dân ở Thượng Sơn thì anh Công lại được tỉnh trưng tập phụ trách việc “Dồn điền đổi thửa” ở một xã miền núi khác: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên, tôi sẵn sàng lên đường”. Nhưng chỉ sau 3 tháng, như một duyên nợ với Thượng Sơn, Lý Tiến Công lại được gọi trở lại để chính thức trở thành cán bộ văn hóa và giới thiệu trở lại Thượng Sơn giữ vị trí Thường trực Đảng ủy xã, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy xã. Ở vị trí của người lãnh đạo, anh Công đã cùng cán bộ xã tổ chức lại công tác hành chính, kiện toàn chi bộ, hoàn thành nhiệm vụ của huyện giao phó. Đến tháng 4/2010, tại Đại hội Đảng bộ xã Thượng Sơn, Lý Tiến Công đã được bầu chọn giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Thượng Sơn, tham gia Ban Chấp hành huyện ủy Vị Xuyên. “Tôi vẫn chưa bằng lòng!”
Hai năm liền dẫn dắt Đảng bộ xã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của huyện ủy, Lý Tiến Công đưa ra nhiều chỉ đạo đúng đắn để cải tổ bộ máy hành chính địa phương và cải thiện mọi mặt đời sống của nhân dân Thượng Sơn. Lãnh đạo phát triển toàn diện một xã vùng cao lớn của huyện Vị Xuyên với hơn 1000 hộ dân, nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của huyện, của tỉnh. Ở mảnh đất này, anh còn có một gia đình nhỏ với người vợ đảm đang và cậu con trai đã 5 tuổi. Lập thân, lập nghiệp thành công, nhưng anh Công vẫn xua tay khi nói đến hai chữ “thành công”: “Những gì tôi làm được vẫn là chưa đủ so với tình nghĩa mà mảnh đất này dành cho tôi. Tôi vẫn còn muốn làm nhiều hơn thế để xây dựng Thượng Sơn thoát nghèo, trở thành một xã giàu mạnh của huyện”.
Ý thức được sự quan trọng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong sự phát triển của địa phương, Lý Tiến Công vận động và tạo điều kiện cho những cán bộ trẻ đi học tập lên cao hơn. Chấp nhận thiếu hụt cán bộ tạm thời, anh Công xác định: “Để anh em cán bộ đi học vừa có thêm kiến thức, vừa được va chạm với bên ngoài, học hỏi, chọn lọc những cái hay cái tốt để về giúp cho địa phương. Từ đó, xây dựng đội ngũ cán bộ xã chuẩn”. Bên cạnh đó, anh Công còn chú trọng việc thu hút nhân tài là những tân cử nhân tốt nghiệp đại học trở về địa phương làm việc. Năm 2011, xã Thượng Sơn có 17 cán bộ đi học lên đại học. Dự kiến đến năm 2015, 80% cán bộ xã Thượng Sơn có trình độ đại học, cao đẳng.
Xã Thượng Sơn là vùng chè Shan tuyết lâu đời nhất ở nước ta. Đó là thứ chè Shan lá to, búp và lá non có nhiều lông trắng như tuyết, sinh trưởng khoẻ, chịu ẩm, chịu lạnh. Chè ở Thượng Sơn là những cây cổ thụ cao, có chất lượng tuyệt hảo nhưng năng suất còn thấp. Tham vọng của Lý Tiến Công là đưa loại cây này trở thành đặc sản nổi tiếng xứng với giá trị của hai chữ Shan tuyết chỉ có ở Thượng Sơn. Hiện nay, anh đang bắt tay thực hiện những dự án xin tài trợ từ nước ngoài để cải thiện công nghệ chế biến và hợp tác sản xuất với những doanh nghiệp lớn để nâng cao chất lượng và sản lượng cho cây chè. Từ đó, gây dựng thương hiệu quốc tế cho cây chè Thượng Sơn.
Những bài học kinh nghiệm

“Trước khi nói đến trình độ chuyên môn, làm gì thì làm, tôi nghĩ cái cần nhất vẫn là tâm huyết!”, anh Công chia sẻ: “Làm việc tại Ủy ban thì phải coi trụ sở như nhà mình, coi dân như người thân trong nhà. Các bạn vun vén cho gia đình mình thế nào thì hãy lo lắng cho nhân dân y như thế!”. Từ nơi khác đến làm việc và sinh sống tại một xã miền núi đa dân tộc, tấm lòng chân tình và sự nhiệt huyết có lẽ là kim chỉ nam để giúp người cán bộ thân dân, gần dân.
“Tôi nghĩ, tuổi trẻ thì có quyền được sai. Quan trọng là sau những sai lầm ấy, bạn làm được gì?”. Anh Công kể, những ngày đầu ở cương vị lãnh đạo, anh luôn mong muốn thay đổi ngay lập tức những thiếu sót, yếu kém còn tồn tại ở địa phương. Nhưng càng chỉ đạo quyết liệt thì lại càng khó thực hiện. Anh nghiệm ra rằng: Những thứ đã ăn sâu bám rễ, trở thành lề thói của người dân thì không phải ngày một ngày hai có thể xóa bỏ và thay đổi. Làm việc với nhân dân thì không thể “phải thế này mới đúng, như thế kia là sai”, mọi thứ đều phải kiên trì, phải từ từ, dần dần thì mới có thể thành công.
“Từ thực tế bản thân, tôi thấy bám làng, bám bản có lẽ luôn là trở ngại khó vượt qua nhất của các thanh niên khi trở về làm việc tại địa phương”. Theo anh Công, đây cũng chính là điều kiện tiên quyết để xem bạn có thể bám trụ và lập nghiệp tại địa phương hay không. Đặc biệt là với cán bộ lãnh đạo, việc đi sâu đi sát vào thực tế nhân dân là vô cùng quan trọng: “Cùng anh em đi xuống làng bản mới thấy được dân cần gì, thiếu gì. Nếu cứ ngồi ở trụ sở nghe báo cáo rồi chỉ đạo nọ kia, đấy chỉ là kiểu làm việc quan cách, hình thức và không thể có hiệu quả!”. “Người miền núi thường sống với nhau nặng vì cái nghĩa, cái tình. Sự giằng buộc về tình cảm luôn có sức mạnh hơn so với những cám dỗ khác!”, anh Công chia sẻ.
Ở vị trí của người lãnh đạo, anh Công luôn đánh giá cao vai trò của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng, kiến thiết quê hương. “Tuổi trẻ ai cũng chỉ có một lần, nên tôi luôn tranh thủ sống sao cho đừng hoài phí. Tuổi trẻ sôi nổi luôn đầy ắp những dự định, những ước mơ, hoài bão táo bạo, nhưng đã nghĩ được thì phải nói được và thực hiện cho bằng được những suy nghĩ và mong muốn ấy! Tôi luôn tâm niệm, nói thì phải đi đôi với làm, kiến thức nằm trong giáo trình, sách vở chỉ có ý nghĩa khi được chúng ta vận dụng vào cuộc sống”
.

Hoài Thương
ActionAid.gif
 
×
Quay lại
Top Bottom