Làm thế nào để nói “không” mà vẫn lịch sự

Newsun

Believe in Good
Thành viên thân thiết
Tham gia
11/11/2008
Bài viết
9.439
Trong cuộc sống, có nhiều khi chúng ta đối mặt với những tình huống nên nói “không” với một lời đề nghị. Tuy vậy, đó không phải là việc dễ dàng với chúng ta.


Ảnh: Eric Lin (Flickr.com)

Chúng ta lo lắng không biết mọi người sẽ nói gì nếu chúng ta từ chối. Chúng ta cũng cho rằng việc nói “không” sẽ làm cho mối quan hệ với người kia bị rạn nứt vĩnh viễn.

Trong hầu hết các trường hợp, những nỗi sợ hãi đó là thừa thãi. Đó chỉ là do trí tưởng tượng của chúng ta vẽ nên mà thôi, còn trên thực tế, không có gì đáng sợ xảy ra cả nếu chúng ta từ chối lời đề nghị.

Tại sao bạn nên từ chối một lời đề nghị
Có quá nhiều lí do giải thích tại sao bạn nên từ chối, nếu bạn bị yêu cầu làm việc đó.

Tăng chất lượng công việc
Việc nói “không” sẽ làm tăng chất lượng công việc, bởi bạn không nhận thêm công việc, những gì có khả năng làm bạn mất tập trung. Thêm vào đó, bạn có cơ hội tập trung vào những công việc hiện tại tốt hơn, đảm bảo hoàn tất chúng.

Giữ vững tiến độ
Bạn sẽ có nhiều cơ hội giữ vững tiến độ của công việc nếu nói “không”.
Ví dụ, nếu bạn sắp phải chuyển một phần công việc cho khách hàng, bạn muốn giữ đúng tiến độ đã thỏa thuận từ trước. Việc nói “có” với một lời đề nghị bổ sung có khả năng làm gia tăng khối lượng công việc lên đáng kể, và khi đó bạn không còn có khả năng lo tất cả công việc cùng một lúc nữa.

Làm chủ cuộc sống
Nếu bạn gặp vấn đề với việc nói “không”, thì đó sẽ là cơ hội tốt nhất để người khác lợi dụng lòng tốt của bạn.
Tuy vậy, nếu bạn quyết định nói không, thì chính bạn chứ không phải ai khác điều khiển cuộc sống của bản thân bạn. Bạn quyết được nhiệm vụ nào cần phải nhận, những cuộc họp cần dự, hay những hoạt động cần tham gia khi rảnh rỗi.

Nắm chắc những giá trị cốt lõi của bản thân
Tất cả chúng ta đều có những giá trị cốt lõi để hướng tới. Ví dụ, với riêng tôi, sự chân thật là một trong số những giá trị khá quan trọng. Đó là lí do vì sao tôi thấy việc gắn liền với một việc bị buộc phải nói dối là điều khó khăn.
Con người bên trong bạn rất có thể sẽ khuyên bạn nói “không”, bất cứ khi nào những giá trị của bản thân bạn sắp bị xâm phạm.

Ít căng thẳng hơn
Gắn bó mật thiết với hiệu suất công việc, nói “không” là một cách giảm căng thẳng. Khi bạn không bị quá tải công việc và những lịch trình dày đặc, bạn ít phải bận tâm hơn.
Điều đó sẽ ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe và niềm vui của bạn.

Cách từ chối thông minh

Khi đã hiểu được lợi ích của việc nói “không”, bạn cũng nên biết cách sử dụng những kiểu nói “không” khác nhau.
Dưới đây là những cách nói bản thân tôi đã từng áp dụng. Nếu việc từ chối không cực kì dễ dàng, thì cũng thuận lợi hơn cho bạn khi áp dụng những mẹo này.

1. Xem xét tình huống
Khi có ai đó gặp bạn và yêu cầu bạn làm điều gì đó, đầu tiên bạn phải cân nhắc tình huống.
Nếu tình huống đó quan trọng và người kia rất cần sự giúp đỡ của bạn (ví dụ trong một tai nạn giao thông), thì dĩ nhiên bạn phải nhận lời.

Tuy nhiên, trong những tình huống hàng ngày thì lời đề nghị thường rất có thể ít quan trọng hơn (đồng nghiệp mời bạn đi uống nước sau giờ làm chẳng hạn), bạn có quyền chọn giữa “có” và “không”.
Bạn cũng rất có thể dành nhiều thời gian hơn để giải thích lí do bạn chọn nói “không”.

2. Khôn khéo, nhưng kiên quyết
Tôi hay bắt đầu câu trả lời từ chối dưới dạng “Thật không may, tôi không thể…” và sau đó là lời giải thích tại sao tôi không đáp ứng lời đề nghị đó.

Cái chính ở đây là phải nói “không” một cách lịch sự, nhưng kiên quyết. Có một số người tỏ ra bất lịch sự khi họ nói từ chối, tôi luôn thấy sự lạnh lùng trong cách cư xử như vậy.

Tuy vậy, trong những trường hợp mà lời nhắn (hay lời từ chối) trở nên quá rõ ràng, tôi vẫn ưu tiên cách nói nhẹ nhàng và lịch sự.

3. Tỏ rõ vừa đủ quan điểm của bạn
Hãy nói rõ ý kiến của bạn. Câu trả lời của bạn có thể là hoàn toàn “không” chứ không phải chỉ là “có lẽ”. Đừng khiến mọi người thắc mắc vì câu trả lời của bạn.

Hãy trả lời một cách rành mạch và to vừa đủ, như vậy người kia hiểu ý bạn ngay.

4. Thành thật
Khi nói “không”, hãy thành thật với lời giải thích của bạn. Đừng bịa đặt những lí do giải thích vì sao bạn không thể hoàn thành lời đề nghị. Bởi sẽ thật xấu hổ nếu người khác biết bạn nói dối.

Còn nữa, nếu người bạn nói dối ngẫu nhiên lại là đồng nghiệp hay bạn bè, sẽ có những hậu quả tiêu cực cho mối quan hệ của bạn.

5. Ích kỉ
Điểm cuối cùng và có lẽ cũng là điểm quan trọng nhất khi nói “không” đó là nếu người kia có quyền yêu cầu bạn, thì bạn cũng có quyền trả lời “không”.

Bạn cũng nên so sánh tình trạng của mình với lời đề nghị trước khi đưa ra câu trả lời. Bạn có sẵn sàng chấp nhận với nó, nó có đảo lộn lịch làm việc của bạn và bạn có thể giải quyết lời đề nghị đó ngay không.

Lời kết

Tôi cố gắng coi những mẹo và cách thức này như bản hướng dẫn của mình mỗi khi đánh giá một lời đề nghị – và khi tôi quyết định nói “không”.

Nói “không”, thật dễ hiểu, không phải là điều dễ dàng gì. Nhưng cũng vào lúc đó, nếu bạn tỏ ra lịch sự và chân thật, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Tuy vậy, tôi không nói mình luôn luôn nói “không”. Trên thực tế, đôi khi bạn phải trả lời “có”. Điều này tất nhiên tùy thuộc vào tình huống lúc đó.

Đánh giá cẩn thận tình huống trước khi trả lời là cách thông minh giúp bạn vượt qua tình huống đó.

Trần Hương Trang dịch từ bài viết của Timo Kiander trên trang Stevenaitchison.co.uk.
Nguồn tranthutrangfc.wordpress.com
 
Hiệu chỉnh:
×
Quay lại
Top Bottom