- Tham gia
- 7/4/2013
- Bài viết
- 1.689
Cái buồn buồn của một trưa vắng len lỏi vào cùng tiếng gió khô xào xạc khóm mía, rồi tiếng một con nhặng cô độc vo ve đâu đấy, xa xa là tiếng những gốc tre gốc mai cọ vào nhau kẽo kẹt, tiếng nứa phơi ngoài sân nắng thi thoảng nổ lép bép.
Tôi tin là linh hồn bà ngoại vẫn còn, vẫn luôn ở bên tôi, ở bên những người thân yêu, chẳng phải vì những điều mà người ta hay nói, mà đó là từ một suy ngẫm cá nhân, cũng chẳng hẳn kiểu tư duy logic, mà có lẽ là liên tưởng thì đúng hơn. Hồi bé, chừng lên sáu lên bảy, trong những trưa vắng trốn giấc ngủ, tôi hay thơ thẩn đi lang thang mon men bóng râm mái hiên lợp cọ khu tập thể trường cấp III heo hút đỉnh đồi, ngắm những vườn mía, rào tạm bợ bằng những cây sắn khô, mà lũ ong bầu rất ưa thích đục tổ. Tôi ngắm lũ ong, ngắm những con chuồn chuồn, còn bọn tò vò thì lượn lờ xây xây trát trát những mái vòm đất ngẫu hứng, làm thành những cái gara kỳ lạ trên vách nứa đan nong đôi, xà nhà, nơi yên nghỉ cho lũ nhện mà chúng bắt được.
Lũ ve kim đôi lúc ri rỉ đâu đó, mùi rễ cây và cỏ héo vườn nhà ai đưa lại, rồi những cơn gió nóng thổi mùi cỏ gianh khô tới.
Tôi ngồi trên bậu cửa một lớp học, đang kỳ nghỉ hè nên cả dãy nhà lá vách nứa chạy dài vắng vẻ không một bóng người. Tôi quan sát những cái phễu cát và bụi mà những con vật nhỏ kỳ lạ tạo nên, không biết phải gọi chúng bằng tên gì, chúng gần giống như một con mối bị vặt cách vậy, lại hơi giống nhện nữa, nhưng hình như cũng trốn trong những cái kén tí xíu. Chúng chọn những chỗ nền đất nện có nhiều bụi mịn lắng đọng, bằng những cái chân tí xíu hay cách nào không rõ, tạo ra những cái bẫy hình phễu nhỏ như đồng xu, mà những thứ rơi vào đó sẽ bị chúng cắn, nuốt, thường xuyên nạn nhân là lũ kiến vụng về, mấy con nhện non đi lạc, vài con sâu non bị gió hất bay từ tán lá ngoài cửa sổ tình cờ rơi xuống... Chúng tôi hay lấy đọt cỏ non câu chúng lên làm tù binh trong những lọ penicinile tí xíu có nắp cao su. Để làm gì chẳng biết, có thể là để thi xem ai câu được nhiều nhất. Đọt cỏ non mềm, và chúng luôn bị chúng tôi lừa, cứ thấy cọng cỏ ngọ nguậy là chúng đội đám bụi chui lên cắn câu liền.
Một mình, trò câu kéo này nhanh chóng tẻ nhạt, tôi bứt cây cỏ mảnh để câu chuồn chuồn, cứ lắc cho đầu hoa cỏ quay như chong chóng là lũ chuồn ngô tưởng mồi, bị thôi miên, chúng lao tới bắt mồi, và tôi nhanh tay chộp lấy. Nhưng trời nắng thì khó câu, nắng vỡ đầu cứ chả chơi, tôi quay sang ngắm trận chiến sống còn giữa hai đàn kiến, chúng lao vào cắn nhau chí tử, và khi kết thúc, chúng phơi thây la liệt như trận Wartrloo. Dạo đó bố tôi còn ở trong quân ngũ, gửi về cho tôi những chiếc ngòi bút lá tre chấm mực, mà bìa hộp vẽ trận Warterloo rất đẹp. Đến lượt tôi hoa mắt vì mải theo dõi cuộc chiến sinh tồn này, tôi bị mê hoặc, bị thôi miên, rơi vào tình trạng đờ đẫn, nhìn ra nắng sân trường cứ hoa lên muôn vàn đom đóm, và những làn hơi nóng run rẩy bốc lên khiến mọi thứ càng giống như một ảo ảnh, xa xăm. Có tiếng một con mọt đang nhẫn nại đục khoét bàn ghế ngủ say, hoặc đâu đó ở trên những thanh xà tre trên đầu, bụi mọt rơi xuống rất khẽ, nhanh chóng tan ra vào không khí...
Trong những lúc như thế, tôi sẽ kiếm một chiếc bàn gỗ phẳng phiu, mát mẻ, nằm ngửa nhìn ra ngoài cửa sổ liếp nứa luôn mở toang, ngắm những tán cây xanh khu đồi vắng sát bên. Đó là những cây trẩu có hoa, có quả, mùi rất thơm. Có những tán lá cọ xanh mướt, lấp lánh nắng, và màu trời xanh ẩn hiện qua đó, ánh nắng chói lóa rung rung, hay là những tán cọ rung rung không biết nữa... Tôi sẽ nghĩ đến những điều xa xăm, hoặc nhớ lại một điều xa xăm nào không rõ...
Tất cả những điều đó hiện về trong thoáng chốc trên chuyến xe đêm, khi tôi cùng họ hàng đưa thi hài bà ngoại về hỏa táng, chuyến đi dài hơn ba trăm cây số. Tôi đã bốn mươi, tứ tuần rồi ư? Bà tôi đã hưởng thọ chín mươi rồi ư? Có người họ hàng nào đó, một bà cô hơn tôi vài tuổi, gợi nhớ kỷ niệm về tôi hồi còn bé, khi mới lên bốn lên năm kéo mo cau chở cô em gái đi chơi. Cô nói dù chỉ hơn vài tuổi, nhưng cô nhớ mãi về tôi, một cậu bé bụ bẫm, ấn tượng, nghịch ngợm, hiếu động, và luôn tha thẩn vườn cây góc sân... Tôi tự hỏi tôi còn nhớ được những gì suốt thời ấu thơ? Tôi nghĩ bụng ôi thế thì nhiều lắm, có viết lại cả đời cũng không bao giờ cạn, chúng không mất đi bao giờ, chỉ cần vài phút lạc vào đó thì chẳng thể dứt ra nổi, những ký ức sẽ theo nhau dắt díu về...
Tôi bỗng có ý nghĩ trí nhớ con người thật kỳ lạ, nó không thể khô cứng đơn giản như những nhà khoa học giả cầy nào đó tuyên bố bằng những công thức có vẻ rất khoa học, về sự thu nhận tín hiệu bộ não, nơi cho ký ức lưu trú, thùy trái, thùy phải, rồi ngăn này tình cảm, ngăn kia lý trí, ngăn kia nữa ký ức, ngăn kìa là chỉ huy ra mệnh lệnh, nơi khác dành cho những phản xạ sinh tồn... những lý lẽ nghe chừng rất hợp lý, mà ký ức của chúng ta dường như nấp đâu đó trong những nếp gấp, những kẽ nứt li ti đó, để một ngày nọ duyên cớ vì đâu bỗng nhảy phắt ra như vừa mới hôm qua, vừa mới đây.
Tất cả những tế bào, những mô, những dây thần kinh, những nơ ron, và ti tỉ thứ mà chúng ta gọi tên... chúng cứ liên tục thay đổi từng giây từng phút, dịch chuyển, hoán đổi, và không còn như tích tắc trước đó, nếu chúng có là những nhà kho lưu trữ đi nữa, thì cái nhà kho này luôn thay mái, luôn thông thống mở toang cửa. Và những ký ức như những cơn gió, chúng đi vào đi ra cái nhà kho đó nào ai hay. Nên linh hồn tôi vào một buổi trưa hè cả thế gian say ngủ đó, nó đi lang thang cách đây hơn ba mươi năm, giờ mới quay về, vào lúc tôi tiễn đưa linh hồn bà ngoại tôi tới cõi vĩnh hằng, mà bà và tôi và tất cả chúng ta thực ra đã tham dự cùng nhau, từ muôn kiếp, và chúng ta vẫn song hành, hoặc đi lạc, thơ thẩn bấy lâu, chẳng ai hay. Mỗi linh hồn có những cuộc dạo chơi khác nhau, đan xoắn phi thời gian, bởi ngay chính thời gian cũng đan xoắn mà chẳng thể định nghĩa, lý giải, thời gian cũng đi hoang như chúng ta mà thôi. Chính vì thế tôi tin là linh hồn bà ngoại tôi vẫn còn đó, đang dạo chơi những con đường vòng, vui thú và hồn nhiên cũng như khi còn trẻ thơ, như tôi đó, vào một buổi trưa hè năm nao...
...
Tôi tin là linh hồn bà ngoại vẫn còn, vẫn luôn ở bên tôi, ở bên những người thân yêu, chẳng phải vì những điều mà người ta hay nói, mà đó là từ một suy ngẫm cá nhân, cũng chẳng hẳn kiểu tư duy logic, mà có lẽ là liên tưởng thì đúng hơn. Hồi bé, chừng lên sáu lên bảy, trong những trưa vắng trốn giấc ngủ, tôi hay thơ thẩn đi lang thang mon men bóng râm mái hiên lợp cọ khu tập thể trường cấp III heo hút đỉnh đồi, ngắm những vườn mía, rào tạm bợ bằng những cây sắn khô, mà lũ ong bầu rất ưa thích đục tổ. Tôi ngắm lũ ong, ngắm những con chuồn chuồn, còn bọn tò vò thì lượn lờ xây xây trát trát những mái vòm đất ngẫu hứng, làm thành những cái gara kỳ lạ trên vách nứa đan nong đôi, xà nhà, nơi yên nghỉ cho lũ nhện mà chúng bắt được.
Lũ ve kim đôi lúc ri rỉ đâu đó, mùi rễ cây và cỏ héo vườn nhà ai đưa lại, rồi những cơn gió nóng thổi mùi cỏ gianh khô tới.
Tôi ngồi trên bậu cửa một lớp học, đang kỳ nghỉ hè nên cả dãy nhà lá vách nứa chạy dài vắng vẻ không một bóng người. Tôi quan sát những cái phễu cát và bụi mà những con vật nhỏ kỳ lạ tạo nên, không biết phải gọi chúng bằng tên gì, chúng gần giống như một con mối bị vặt cách vậy, lại hơi giống nhện nữa, nhưng hình như cũng trốn trong những cái kén tí xíu. Chúng chọn những chỗ nền đất nện có nhiều bụi mịn lắng đọng, bằng những cái chân tí xíu hay cách nào không rõ, tạo ra những cái bẫy hình phễu nhỏ như đồng xu, mà những thứ rơi vào đó sẽ bị chúng cắn, nuốt, thường xuyên nạn nhân là lũ kiến vụng về, mấy con nhện non đi lạc, vài con sâu non bị gió hất bay từ tán lá ngoài cửa sổ tình cờ rơi xuống... Chúng tôi hay lấy đọt cỏ non câu chúng lên làm tù binh trong những lọ penicinile tí xíu có nắp cao su. Để làm gì chẳng biết, có thể là để thi xem ai câu được nhiều nhất. Đọt cỏ non mềm, và chúng luôn bị chúng tôi lừa, cứ thấy cọng cỏ ngọ nguậy là chúng đội đám bụi chui lên cắn câu liền.
Một mình, trò câu kéo này nhanh chóng tẻ nhạt, tôi bứt cây cỏ mảnh để câu chuồn chuồn, cứ lắc cho đầu hoa cỏ quay như chong chóng là lũ chuồn ngô tưởng mồi, bị thôi miên, chúng lao tới bắt mồi, và tôi nhanh tay chộp lấy. Nhưng trời nắng thì khó câu, nắng vỡ đầu cứ chả chơi, tôi quay sang ngắm trận chiến sống còn giữa hai đàn kiến, chúng lao vào cắn nhau chí tử, và khi kết thúc, chúng phơi thây la liệt như trận Wartrloo. Dạo đó bố tôi còn ở trong quân ngũ, gửi về cho tôi những chiếc ngòi bút lá tre chấm mực, mà bìa hộp vẽ trận Warterloo rất đẹp. Đến lượt tôi hoa mắt vì mải theo dõi cuộc chiến sinh tồn này, tôi bị mê hoặc, bị thôi miên, rơi vào tình trạng đờ đẫn, nhìn ra nắng sân trường cứ hoa lên muôn vàn đom đóm, và những làn hơi nóng run rẩy bốc lên khiến mọi thứ càng giống như một ảo ảnh, xa xăm. Có tiếng một con mọt đang nhẫn nại đục khoét bàn ghế ngủ say, hoặc đâu đó ở trên những thanh xà tre trên đầu, bụi mọt rơi xuống rất khẽ, nhanh chóng tan ra vào không khí...
Trong những lúc như thế, tôi sẽ kiếm một chiếc bàn gỗ phẳng phiu, mát mẻ, nằm ngửa nhìn ra ngoài cửa sổ liếp nứa luôn mở toang, ngắm những tán cây xanh khu đồi vắng sát bên. Đó là những cây trẩu có hoa, có quả, mùi rất thơm. Có những tán lá cọ xanh mướt, lấp lánh nắng, và màu trời xanh ẩn hiện qua đó, ánh nắng chói lóa rung rung, hay là những tán cọ rung rung không biết nữa... Tôi sẽ nghĩ đến những điều xa xăm, hoặc nhớ lại một điều xa xăm nào không rõ...
Tất cả những điều đó hiện về trong thoáng chốc trên chuyến xe đêm, khi tôi cùng họ hàng đưa thi hài bà ngoại về hỏa táng, chuyến đi dài hơn ba trăm cây số. Tôi đã bốn mươi, tứ tuần rồi ư? Bà tôi đã hưởng thọ chín mươi rồi ư? Có người họ hàng nào đó, một bà cô hơn tôi vài tuổi, gợi nhớ kỷ niệm về tôi hồi còn bé, khi mới lên bốn lên năm kéo mo cau chở cô em gái đi chơi. Cô nói dù chỉ hơn vài tuổi, nhưng cô nhớ mãi về tôi, một cậu bé bụ bẫm, ấn tượng, nghịch ngợm, hiếu động, và luôn tha thẩn vườn cây góc sân... Tôi tự hỏi tôi còn nhớ được những gì suốt thời ấu thơ? Tôi nghĩ bụng ôi thế thì nhiều lắm, có viết lại cả đời cũng không bao giờ cạn, chúng không mất đi bao giờ, chỉ cần vài phút lạc vào đó thì chẳng thể dứt ra nổi, những ký ức sẽ theo nhau dắt díu về...
Tôi bỗng có ý nghĩ trí nhớ con người thật kỳ lạ, nó không thể khô cứng đơn giản như những nhà khoa học giả cầy nào đó tuyên bố bằng những công thức có vẻ rất khoa học, về sự thu nhận tín hiệu bộ não, nơi cho ký ức lưu trú, thùy trái, thùy phải, rồi ngăn này tình cảm, ngăn kia lý trí, ngăn kia nữa ký ức, ngăn kìa là chỉ huy ra mệnh lệnh, nơi khác dành cho những phản xạ sinh tồn... những lý lẽ nghe chừng rất hợp lý, mà ký ức của chúng ta dường như nấp đâu đó trong những nếp gấp, những kẽ nứt li ti đó, để một ngày nọ duyên cớ vì đâu bỗng nhảy phắt ra như vừa mới hôm qua, vừa mới đây.
Tất cả những tế bào, những mô, những dây thần kinh, những nơ ron, và ti tỉ thứ mà chúng ta gọi tên... chúng cứ liên tục thay đổi từng giây từng phút, dịch chuyển, hoán đổi, và không còn như tích tắc trước đó, nếu chúng có là những nhà kho lưu trữ đi nữa, thì cái nhà kho này luôn thay mái, luôn thông thống mở toang cửa. Và những ký ức như những cơn gió, chúng đi vào đi ra cái nhà kho đó nào ai hay. Nên linh hồn tôi vào một buổi trưa hè cả thế gian say ngủ đó, nó đi lang thang cách đây hơn ba mươi năm, giờ mới quay về, vào lúc tôi tiễn đưa linh hồn bà ngoại tôi tới cõi vĩnh hằng, mà bà và tôi và tất cả chúng ta thực ra đã tham dự cùng nhau, từ muôn kiếp, và chúng ta vẫn song hành, hoặc đi lạc, thơ thẩn bấy lâu, chẳng ai hay. Mỗi linh hồn có những cuộc dạo chơi khác nhau, đan xoắn phi thời gian, bởi ngay chính thời gian cũng đan xoắn mà chẳng thể định nghĩa, lý giải, thời gian cũng đi hoang như chúng ta mà thôi. Chính vì thế tôi tin là linh hồn bà ngoại tôi vẫn còn đó, đang dạo chơi những con đường vòng, vui thú và hồn nhiên cũng như khi còn trẻ thơ, như tôi đó, vào một buổi trưa hè năm nao...
...