Kỹ năng quản lý nhân sự: Lãnh đạo và cảm giác

nhutnguyen168

Thành viên
Tham gia
20/5/2019
Bài viết
0
Nhà quản lý ở bất cứ lĩnh vực nào cũng cần tích lũy kỹ năng quản lý nhân sự. Là một quản lý nhân sự nhiều năm kinh nghiệm, tôi nghiệm ra rằng tất cả các lý thuyết về lãnh đạo “leadership” đều đúng, đều hay và đa số đều chỉ đọc cho biết còn khi áp dụng thực tế thì các “leader” thường xử lý theo kiểu “cảm tính” hoặc “ngẫu hứng”.
Kỹ năng quản lý nhân sự là kỹ năng quan trọng nhất đối với các nhà quản lý Việt.

“Sáng hôm nay trời thế nào?” đó là câu hỏi mà các đồng nghiệp thường hỏi nhau trước khi đến gõ cửa phòng của các “leader”. Xin nói nhỏ: câu hỏi đó đôi khi cũng áp dụng cho nhân viên của tôi khi đến hỏi về việc gì đó.

Khong chỉ là Leader hôm nay không vui mà còn Leader từ “xưa đến giờ” không ưa mình, và nhân viên đến trước cửa phòng quản lý với tim đập thình thịch, mồ hôi toát ra, tay chân lạnh… Kết quả sau đó là tiếng la lớn của vị quản lý kia, hoặc việc rút lui với gương mặt tràn đầy thất vọng hay chán chường.

Có ai trong chúng ta chưa gặp việc tương tự hoặc chưa một lần chứng kiến những cảnh trên? Hẳn là không ai đủ tự tin để nói là “chưa bao giờ” nhưng sẽ là “ôi, tưởng gì, chuyện như cơm ba bữa”…

Hầu hết chúng ta đều không nghĩ về sự lãnh đạo như là một cảm giác.

Chúng ta đều biết thế nào là nhà quản lý thành công. Họ là những nhà quản lý có số lời tăng lên nhiều lần theo từng năm, nhân viên gắn bó với công ty và phát triển tốt những khả năng của mình…

Theo tôi, tất cả gói gọn trong một từ “cảm giác”. Nhà quản lý nhân sự thành công chỉ cần tập trung vào mọi khả năng lãnh đạo, mọi lời nói, hành động… vào việc xây dựng cảm giác cho nhân viên của mình.

Nếu bạn tạo cho nhân viên có “cảm giác” họ có giá trị thì chắc chắn nhân viên của bạn sẽ làm việc hết mình cho sự phát triển của bạn.

Cụ thể ư, có bao giờ bạn dành thời gian cho những cuộc trò chuyện nho nhỏ với nhân viên bên ly cà phê nóng hoặc một ly cam mát lạnh cùng câu hỏi “bạn muốn tôi làm gì hơn để cuộc sống của bạn dễ dàng hơn, để bạn có thể thăng tiến hơn bây giờ? Cái gì đang cản trở bạn và tôi có phải là một trong những nguyên nhân đó?”

Những nhà quản lý thành công mà tôi biết, họ đều rất “rảnh rỗi”, kỹ năng quản lý nhân sự rất tốt và luôn sẵn sàng cho những cuộc đối thoại xây dựng lòng tin, lòng trung thành và tình bạn như vậy. Nhân viên không còn cảm giác đây là chủ, nhưng họ còn được mời gọi để trở thành “chủ” của chính công việc mình đang đảm nhận. Họ trở nên có trách nhiệm và kiểm soát được tình hình hiện tại cũng như bám sát được mục tiêu đã cam kết.

Sự tương tác giữa các nhân viên với nhau trong một đội, giữa các đội trong một công ty và giữa nhân viên với quản lý luôn nên được coi trọng hàng đầu. Nhân viên có thể làm việc tại nhà khi cần, nhưng họ không thể luôn như thế. Việc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp làm bầu không khí nóng lên, sự chia sẻ trở nên dễ dàng hơn và tất nhiên là tiến độ công việc sẽ nhanh chóng hơn là tiến hành qua email…

Người quản lý phải luôn ý thức được những gì mình đang làm vì điều đó sẽ khiến cho nhân viên sẵn sàng làm việc cho bạn hoặc không.

Bạn không thể chỉ trích mọi lúc mà vẫn tạo được không khí làm việc tự giác, nhân viên của bạn sẽ luôn lo lắng, bị áp lực không biết quản lý có hài lòng về mình không? Cảm giác này đem đến cho nhân viên sự thụ động hoặc tranh thủ tình cảm của quản lý.

Bạn cũng không thể lúc nào cũng chỉ tin vào suy nghĩ của bản thân mình vì bạn có thể gắn mác cho mỗi nhân viên không theo năng lực thật sự của họ, đồng thời bóp chết khả năng đáng ra sẽ làm cho công ty có những cải tiến thực sự.

Làm thế nào để chúng ta có thể quản lý được cảm xúc và dẫn dắt được cảm xúc của nhân viên. Phải chăng là cần nhảy lên và hò hét mỗi khi giận dữ vì có điều không vừa ý hoặc im lặng câm nín dù cho nhân viên hết tháng này đến tháng khác không về mang đủ doanh số cần thiết? Mỗi chúng ta đều có cơ thể, tâm trí và tinh thần. Điều quan trọng là chúng ta lựa chọn thể hiện loại cảm xúc nào ở nơi làm việc, nơi mà chúng ta nắm giữ vị trí “Leader”.

Chúng ta có nên luôn biểu hiện thật bình tĩnh mọi nơi, mọi lúc, rằng chúng ta không có cảm giác hoặc chứng minh mình luôn làm chủ mọi tình huống và tự thuyết phục bản thân là như vậy mình sẽ mạnh mẽ hơn. Hay chúng ta bày tỏ sự tức giận của mình bằng những hành vi không nên có của người quản lý thành công?

Khi nhà quản lý, quản lý nhân sự lựa chọn cách giải quyết cảm xúc cũng chính là lựa chọn loại tiếp cận với cảm giác của nhân viên. Thay vì nói: “tại sao mày ngu thế, tại sao lại thiếu suy nghĩ như thế, người thì to mà óc như trái nho…” thì bạn có thể nói :”tôi cảm thấy ngạc nhiên về quyết định, cách làm này của bạn, bạn có thể giải thích cho tôi hiểu cách nghĩ của bạn?” Hoặc “theo bạn, chúng ta có cơ hội khác không? Chúng ta có thể xử lý việc khác không?”…

Nếu nhà quản lý luôn làm việc dựa trên hiểu biết cảm xúc của chính mình và của nhân viên, bạn sẽ không để cuộc đối thoại đi đến chỗ tiêu cực, nhưng luôn là tích cực hơn và mở cửa hoàn toàn tâm hồn, cảm xúc của nhân viên, đồng thời tạo ra nguồn năng lượng tích cực cho các giải quyết các vấn đề hiện tại. Đây chính là quá trình tăng trưởng của bản thân bạn và phát triển nhân viên tốt nhất. Hãy truyền thêm đam mê và cảm hứng cho nhân viên (nếu không truyền được thì cũng đừng có bóp chết cảm hứng làm việc của họ). Đây không phải là sáo ngữ hoặc là điều khó thực hiện. Chúng ta có thể nói truyền đam mê và cảm hứng cho nhân viên chính là một công cụ lãnh đạo tuyệt vời mà các nhà quản lý phải luôn hướng đến. Nó sẽ giúp nhà lãnh đạo có được một đội quân thiện chiến, tình nguyện và quên mình.

Tôi thích sự biểu hiện. Một nhà quản lý, quản lý nhân sự khi thấy một nhân viên nào đó lên tiếng về chính sách, phong cách làm việc của quản lý và cho rằng đây là nhân viên “khó bảo” mà tìm cách loại bỏ thì thật sai lầm. Đó cũng là lý do tại sao nhiều công ty phải chịu cảnh công nhân đình công, lãng công nhiều ngày. Không có gì là không có nguyên nhân của nó. Làm thế nào để nhà quản lý có thể biết được nhân viên của mình đang nghĩ gì?

Hãy để cho nhân viên có thể biểu hiện bằng cảm xúc của mình

Bằng mọi cách có thể, như những hộp thư kín chẳng hạn… Khi nhân viên có thể nói chuyện được với nhà quản lý và chia sẻ cảm xúc, chắc chắn nơi đó đang dần trở thành nơi đáng để làm việc và nhà quản lý đó là người thực sự có khả năng dẫn dắt.

Khi bạn truyền cảm hứng, điều đó có nghĩa là bạn đang sẵn sàng lắng nghe cảm xúc của người khác và hướng chúng theo mình. Nếu nhà quản lý nói chung, nhà quản lý nhân sự nói riêng có thể trau dồi kỹ năng quản lý nhân sự, tạo niềm tin nơi nhân viên, họ có thể biết tất cả những con sóng nhỏ đang mang đến những hậu quả khó lường để ngăn chặn chúng và còn hơn thế nữa.

Hẳn chúng ta luôn vô cùng chán ghét và luôn tìm cơ hội để ra đi mỗi khi rơi vào tay của một vị quản lý không thể làm chủ được cảm xúc của mình. Chẳng ai trong chúng ta muốn cho người khác đi xe hoặc lái xe chở mình khi họ đang say. Chẳng ai muốn đi theo ai mà không biết sẽ đi đâu. Nhà lãnh đạo biết mình sẽ ở đâu trong vòng năm năm tới sẽ luôn thấy những thành quả của mình, cũng như nhà lãnh đạo biết thể hiện cảm xúc thích hợp từng thời điểm sẽ luôn thành công trong mọi tình huống kinh doanh.

Kinh doanh không chỉ là chọn đúng thời điểm, đúng nhu cầu của thị trường mà còn là sở hữu một nguồn lực mạnh mẽ, như một đội quân có đủ sức mạnh và dẻo dai trên chiến trường, do đó, tích lũy và trau dồi kỹ năng quản lý nhân sự rất quan trọng…

Kỷ Yếu Ngày Nhân Sự Việt Nam

* Tác giả: Đinh Thị Phước Duệ – Giám đốc nhân sự Công ty Vietceramics International J.S.C
 
×
Quay lại
Top Bottom