Kính Vạn Hoa - tập 51 - Một ngày kì lạ

zhd.95

Kẻ săn đêm
Thành viên thân thiết
Tham gia
18/10/2012
Bài viết
5.692
Kính Vạn Hoa tập 51: Một ngày kỳ lạ - Nguyễn Nhật Ánh

Chương 1


Thầy Phú làm cả lớp há hốc miệng khi ra đề tập làm văn "Bạn hãy kể lại một ngày kỳ lạ trong đời bạn".

Học văn tự sự, dĩ nhiên học sinh lớp mười phải biết sử dụng những yếu tố miêu tả và biểu cảm trong bài làm. Nhưng những đề văn tụi nó từng gặp như "Cảm xúc của bạn về ngày đầu tiên bước chân vào trường trung học phổ thông", "Ghi lại những cảm nghĩ chân thực của bạn về người thân yêu nhất" hay "Nêu cảm nghĩ sâu sắc về một cuốn sách mà bạn không thể nào quên" thì đứa nào cũng làm được. Dù gì thì những cảm xúc đó tụi nó cũng từng trải qua. Nay ghi lại, có thể hay hoặc không hay, nhưng dẫn sao thì đứa kém nhất vẫn có thể nặn ra đuợc mươi, mười lăm dòng để nộp cho thầy.

Đằng này, thầy lại bắt học trò kể lại "một ngày kỳ lạ". Đâu phải đứa nào cũng có điều kỳ lạ để kể.

Thằng Đặng Đạo bóp muốn móp cả trán, rồi quay sang nhỏ Vành Khuyên, thở hắt ra.

- Chịu. Tôi chẳng nghĩ ra chuyện gì kỳ lạ hết.

Vành Khuyên rầu rĩ:

- Mình cũng vậy.

Nãy giờ con nhỏ vẫn chống tay lên cằm, thừ ra như người mất của. Cái dáng ngồi đó, Vành Khuyên không phải là đứa sở hữu độc quyền. Có cả đống đứa ngồi giống hệt như nó.

Ở bàn bên cạnh, nhỏ Hiền Hoà thậm chí không chỉ chống cầm. Nó nhai nhai cán bút, liếc thằng Dưỡng:

- Bạn nghĩ ra ý gì chưa?

- Ý gì là ý gì?

- Một ngày kỳ lạ đó?

Dưỡng nháy mắt:

- Nghĩ ra rồi.

- Hay quá vậy! - Hiền Hoà reo khẽ, mắt nó sáng trưng - Bạn nghĩ ra ý gì vậy, kể cho mình nghe đi!

- Kể sao được mà kể! - Dưỡng nhún vai - Kể ra, bạn "cóp" ý của tôi sao?

- Mình không "cóp" đâu - Hiền Hoà liếm môi, có vẻ như nó rất muốn giơ tay thề - Mình chỉ nghe cho biết thôi. Nghe xong, biết đâu mình nghĩ ra được cái ý của mình.

- Vậy tôi nói nha.

- Ừ, bạn nói đi! - Hiền Hoà dòm lom khom vào mặt bạn. – Ngày kỳ lạ của bạn là gì?

Dưỡng lim dim mắt:

- Ngày kỳ lạ nhất của tôi chính là ngày thầy Phú ra cái đề "một ngày kỳ lạ" này. Quá sức kỳ lạ luôn! Hổng biết cách sao làm bài hết á!

Câu pha trò của Dưỡng khiến Hiền Hoà dở cười dở mếu. Nó chồm tới thụi bình bịch vô lưng thằng này:

- Giỡn nè!

- Giỡn gì mà giỡn! - Dưỡng co mình để né đòn, miệng rối rít – Tôi nói thiệt chứ bộ!

- Thiệt nè!

Hiền Hoà "xì" một tiếng, lại nghiến răng thụi tiếp.

Nó chỉ dừng tay khi tiếng thầy Phú đột ngột cất lên:

- Dưỡng, Hiền Hoà, ai em làm gì vậy?

Hiền Hoà giật bắn người, lật đật sửa lại thế ngồi, mặt tái xanh. Thằng Dưỡng cũng gằn mặt xuống bàn, như thể cái đầu đột nhiên quá nặng đối với nó.

Thầy Phú nghiêm mặt, đi xuống chỗ hai đứa học trò trong ánh nhìn hồi hộp của cả lớp. Thầy nghiên đầu nhìn tờ giấy trước mặt Dưỡng và Hiền Hoà, ngoài đề bài và hai chữ "Bài làm" vẫn chưa có một chữ nào.

- Thế đấy! - Thầy nhún vai. Làm bài không lo làm, chỉ ngồi đùa giỡn!

Cả lớp vẫn lặng yên quan sát diễn biến.

Hiển Hoà và Dưỡng không dám ngước lên, thầy Phú chỉ nhìn thấy hai chỏm tóc của tụi nó. Tự nhiên thầy phát bực:

- Sao bây giờ em "hiền hoà" quá vậy, Hiền Hoà?

Hiền Hoà vẫn im ru, mặc dù nó nghe rõ tiếng khúc khích vang lên ở đâu đó.

- Con gái mà ngồi đánh nhau trong lớp! - Thầy tiếp tục gầm gừ - Em đứng lên đi! Và giải thích cho thầy biết chuyện gì xảy ra vậy?

Hiền Hoà rụt rè đứng lên. Ở bên cạnh, thằng Dưỡng len lén nhìn nhỏ bạn, ánh mắt như cầu cứu. Nhưng khổ nỗi, Hiền Hoà không trông thấy vẻ mặt sắp lăn ra xỉu của bạn mình. Nó đang lo lắng nhìn thầy Phú, miệng lắp bắp:

- Thưa thầy… thưa thầy…

- Sao?

- Thưa thầy… em chỉ đùa thôi ạ.

- Đùa? - Thầy Phú quắc mắt - Tự nhiên đùa?

Tia nhìn nghiêm khắc của thầy khiến Hiền Hoà bủn rủn tay chân. Nó đã định bịa ra một lý do nào đó nhưng cái cách thầy ghim mắt vào nó như đe nẹt "Em chớ dại mà nói dối đấy" khiến nó chẳng còn tâm tư đâu tìm cách gỡ tội cho Dưỡng.

- Thưa thầy… không phải tự nhiên ạ.

- Thế thì tại sao?

- Tại vì em hỏi bạn Dưỡng ngày kỳ lạ của bạn ấy là gì…

Trong khi thằng Dưỡng rúm người lại, bụng chửi thầm con nhỏ Hiền Hoà "không chút hiền hoà" này tơi tả thì tụi bạn hồi hộp nín thở chờ xem phần tiếp theo của vụ án", một phần vì hiếu kỳ, phần khác tụi nó cũng đang bí nên muốn nghe xem cái ngày kỳ lạ của thằng Dưỡng là ngày gì.

- Em nói tiếp đi! – Thầy Phú hất đầu – Thầy vẫn chưa thấy lý do gì để em đấm bạn túi bụi như thế.

Hiền Hoà liếc Dưỡng, thấy mặt mày thằng này xám xịt như vừa đút đầu vào đống tro, bất giác áy náy quá chừng. Nó lấm lét nhìn thầy Phú, cắn môi đáp:

- Em hỏi thật nhưng bạn Dưỡng trả lời đùa nên em … đánh bạn ấy ạ.

Dưỡng sè sẹ thở ra, bụng cảm kích nhỏ bạn không để đâu cho hết. Nhưng vừa thở ra Dưỡng đã phải vội vàng hít vô. Nó đau khổ khi thấy thầy Phú quyết không để cho cuộc điều tra kết thúc ở chỗ mù mờ như vậy:

- Bạn Dưỡng trả lời đùa là trả lời như thế nào?

Hiền Hoà bất giác thấy vai mình trĩu xuống. Đột nhiên nó nhận ra mình cà lăm:

- Thưa thầy… thưa thầy…

Nó ngưng một lát rồi lại "thưa thầy… thưa thầy…"

- Thầy nghe rồi, em khỏi cần thưa nữa! - Thầy Phú nhăn mặt.

- Bạn Hiền Hoà ơi, thầy đang cần bạn trả lời chứ đâu cần bạn thưa! - Thằng Lâm ngứa miệng "đế" một câu khiến thầy Phú phải quay xuống, trừng mắt.

Hiền Hoà cắn môi muốn rớm máu. Nó nhìn xuống mười ngón tay đang ngọ nguậy trên bàn, lí nhí:

- Thưa thầy, bạn Dưỡng nói… ngày kỳ lạ của bạn ấy là… là…

Tới đây, Hiền Hoà lại ngắc ngứ.

Bây giờ không chỉ thầy Phú mmà cả lớp cũng sốt cả ruột.

Từ trong góc lớp, thằng Đỗ Lể chép miệng nói trổng:

- Băng cátxét nhà ai bị nhão vậy bà con?

Hiền Hoà nghe rõ mồn một câu trêu chọc của Đỗ Lễ, lo lắng ngước mặt lên. Bắt gặp ánh mắt chờ đợi của thầy Phú, nó giật thót một cái, lúng túng đưa tay gãi gáy và mở miệng một cách khó khăn:

- Bạn Dưỡng bảo ngày kỳ lạ nhất của bạn ấy chính là ngày… là ngày… là ngày…

- Là ngày gì? - Thầy Phú chịu hết nổi, gần như quát lên.

Hiền Hoà quýnh quáng:

- Dạ… là ngày thầy ra cái đề "một ngày kỳ lạ" này ạ.

Nói xong, nó sợ sệt cúi đầu xuống, như thể trót làm chuyện gì hết sức bậy bạ.

Trong khi thằng Dưỡng chết điếng trên chỗ ngồi, thầy Phú chết điếng trên chỗ đứng thì ở chung quanh những tiếng "hí hí, há há" rúc rích vang lên như có một bầy chuột đang liên hoan dưới gầm bàn khiến mấy đứa trong ban cán sự lớp như Xuyến Chi, Minh Trung, nhỏ Hạnh hấp tấp quay mặt ra bốn phía, trợn mắt hăm doạ.

Lớp trưởng Xuyến Chi tim nhảy tưng tưng. Nó liếc mắt một vòng rồi len lét liếc về phía thầy Phú, thắc thỏm chờ một trận lôi đình nổ ra.

Thầy Phú có vẻ muốn nổ ra một cơn bão giận dữ thật. Mặt thầy tím lại, rất giống một đám mây nguyên tử. Nhưng hên cho cả lớp, và cả cho thằng Dưỡng, là thầy vẫn đứng yên, chờ cho màu tím nhạt đi.

Rồi thầy nhìn Dưỡng, giọng bình tĩnh:

- Tại sao em nói thế, Dưỡng?

Dưỡng lập cập đứng lên khỏi chỗ. Nó gãi tai, ấp úng:

- Tại em thấy cái đề "kỳ lạ" này khó quá, thưa thầy.

Thầy Phú chưa kịp nói,thằng Lâm đã bô bô:

- Thưa thầy, thằng Dưỡng nói đúng đó, thầy. Em nặn óc cả buổi mà chẳng nảy ra được cái ý nào hết, thầy ơi.

- Em cũng vậy, thưa thầy. - Thằng Quang sốt sắng hùa theo – Hình như trong đời em hổng có ngày nào là ngày kỳ lạ hết á.

Chỉ chờ có vậy, cả đống cái miệng nhao nhao:

- Mấy bạn nói đúng đó, thầy.

- Em cũng vậy, thầy ơi.

Thằng Hải quắn còn bạo dạn rấn tới:

- Hay thầy đổi cái đề khác đi, thầy!

Thầy Phú thoáng cau mày, có vẻ bất ngờ trước phản ứng của học trò. Thầy vẫy tay ra hiệu cho Dưỡng và Hiền Hoà ngồi xuống rồi quay đầu nhìn cả lớp, hắng giọng:

- Các em nghe thầy nói nè. Nếu các em không nhớ được một ngày kỳ lạ trong đời mình thì các em có thể tưởng tượng ra. Thầy đâu có bắt buộc đó phải là câu chuyện thật.

Lớp học lại nhốn nháo:

- Ủa, vậy hả thầy?

- Được phép tưởng tượng hả thầy?

- Hay quá, thầy ơi! Vậy thì em làm được!

- Em tưởng tượng em gặp ông Bụt giống như cô Tấm được không thầy?

Thầy Phú dễ dãi:

- Các em tha hồ tưởng tượng, miễn là câu chuyện của các em phải có ý nghĩa.

Câu nói của thầy Phú giống như một hiệu lệnh. Thầy vứa dứt lời, cả lớp cắm đầu vào tập hí hoáy viết.

Tiểu Long huých khuỷu tay vô hông Quý ròm:

- Mày có khối chuyện kỳ lạ, khỏi cần tưởng tượng, sướng há?

- Xiên xỏ gì đó, mày?

Tiểu Long cười hì hì:

- Tao nói thiệt chứ xiên xỏ gì. Mày từng khoe với nhỏ Hạnh nửa đêm mày đang ngủ bỗng có một con rắn hổ mang bò ngang bụng mà. Rồi chuyện mày đi bè bị sóng đánh lật úp, mày phải bơi gần hai cây số để vào bờ nữa. Toàn chuyện kỳ lạ, hiếm có!

- Tao đập mày nghe, mập!

Quý ròm nghiến răng, thu nắm đấm nhưng chưa kịp thụi Tiểu Long phát nào đã hấp tấp rụt tay lại.

Trên bảng thầy Phú đang quét mắt về phía nó.
 
Chương 2



Quý ròm ngồi ở bàn thứ tư, đếm từ trên xuống, dãy bàn gần cửa ra vào.

Ngồi bên phải nó là Tiểu Long, ngồi bên trái nó là nhỏ Hạnh.

Lúc làm bài, nó cựa quậy không yên, lúc nghiêng sang trái lúc chồm sang phải, cố xem thử hai đứa bạn nó viết những gì.

Nhưng Quý ròm chả nhìn thấy gì cả. Cứ mỗi lần nó nhướn cổ nhòm vào tập, hai đứa bạn nó đều lấy tay che kín.

- Coi chút đi! – Quý ròm năn nỉ nhỏ Hạnh.

- Coi gì mà coi. Quý lo làm bài đi kìa!

- Tôi làm gần xong rồi.

- Vậy ngồi yên cho người khác làm.

Quý ròm cáu lắm, không thèm ỉ ôi nữa. Nó quay sang Tiểu Long:

- Coi chút đi!

- Coi làm gì! Tao có đòi coi bài của mày đâu!

Quý ròm kéo cánh tay Tiểu Long đang che bài làm.

- Bỏ tay ra đi! Tao coi chút xíu thôi.

Tiểu Long vờ nhìn lên bảng:

- Thầy Phú đang "chiếu tướng" mày kìa!

Thế là Quý ròm lật đật buông tay ra, bụng tức anh ách.

Tuần sau, khi thầy Phú phát bài làm ra Quý ròm mới biết tại sao hai đứa bạn thân thiết nhất của mình kiên quyết không cho mình xem bài làm của tụi nó.

Hoá ra "một ngày kỳ lạ" của Tiểu Long và nhỏ Hạnh đều có nhân vật chính là… Quý ròm.

Theo Tiểu Long, ngày kỳ lạ nhất trong đời nó là ngày nó phát hiện ra Quý ròm đi… ở đợ cho người ta. Nó kể trong bài làm rằng nó suýt chút nữa bất tỉnh nhân sự khi phát hiện thằng bạn ròm của nó lui cui quét nhà quét sân cho anh em thằng Thời ra làm sao, lom khom xách nước đổ vô lu cho anh em thằng Thời như thế nào. Ngay cả chuyện thằng Quý rò xắt chuối nấu cám cho heo nó cũng lôi ra kể tuốt tuồn tuột…

Thầy Phú đọc tới đâu, tụi bạn trong lớp cười lăn bò càng đến đó.

Nhưng đến khi Tiểu Long cắt nghĩa tại sao Quý Ròm lại è lưng ra làm việc cho anh em thằng Thời quần quật như thế thì tụi bạn không cười nữa, thay vào đó những tiếng khụt khịt cảm động vang lên không ngớt, cứ như thể cả lớp bất thần bị cúm.

Cho đến lúc đó Quý ròm vẫn ngồi chết trân trên ghế, bụng rủa thầm thằng mập về cái tội vạch áo… bạn cho người xem lưng. Chỉ khi thầy Phú đọc đoạn kết bằng giọng điệu ngân nga đầy biểu cảm khiến đứa nào đứa nấy rưng rưng, Quý ròm mới thở phào và bắt đầu vênh váo ngoảnh mặt nhìn quanh.

Nhưng Quý ròm chỉ vênh váo được chút xíu thôi. Rồi lập tức xìu mặt xuống khi tụi bạn thi nhau khen Tiểu Long tới tấp:

- Bạn Tiểu Long tưởng tượng hay ghê!

- Tưởng tượng thế mới là tưởng tượng chứ!

Gia Nghĩa xuýt xoa:

- Ờ, nghe cứ y như thật!

Thằng Lâm oang oang:

- Hừm, còn khuya bạn Quý mới sử xự được như vậy ở ngoài đời!

Tiếu Long liếc bạn, thấy Quý ròm ngồi xụi lơ như con mèo ướt, liền quay sang chỗ thằng Lâm ngồi, quắc mắt:

- Tao viết chuyện thật đó, không phải bịa đâu!

Lâm bĩu môi:

- Xì! Có ma mới tin mày!

Quý ròm đúng là xui tận mạng. Những gì Tiểu Long và nhỏ Hạnh viết về nó đều là chuyện có thật. Nhưng chuyện "kỳ lạ" thằng Long kể thì không đứa nào thèm tin còn chuyện "kỳ lạ" nhỏ Hạnh kể thì tụi nó đều tin răm rắp. Mà chuyện nhỏ Hạnh kể thì đâu có hay ho gì đâu.

Đối với nhỏ Hạnh, ngày kỳ lạ nhất trong đời nó là ngày nó phát hiện Quý ròm, một đứa được sinh ra không phải để đánh nhau, được nhỏ Quỳnh Dao nhờ đi đánh nhau giúp và kết quả là một bên mắt của thằng ròm bầm tím như quả cà *** dê.

Quý ròm bấm bụng nghe thầy Phú đọc bài làm của nhỏ Hạnh, chỉ mong thầy đọc xong, tụi bạn tiếp tục trầm trồ:

- Bạn Hạnh tưởng tượng hay ghê!

Hoặc nức nở:

- Hay quá! Nghe cứ y như thật!

Nhưng những điều xảy ra sau đó có gì giống như thế.

Thầy Phú vừa dứt lời, Lan Kiều quay sang Quỳnh Như:

- Quỳnh Dao là em của bạn phải không?

- Ờ.

- Chuyện Quỳnh Dao nhờ bạn Quý đi đánh nhau có thật không vậy?

Con nhỏ Quỳnh Như vô tâm, không biết nỗi khổ của thằng ròm, nhanh nhẩu đáp:

- Thật chứ sao không!

Ngồi ngay sau lưng Quỳnh Dao là Hải quắn. Hải quắn cười hê hê:

- Cần gì phải hỏi! Năm ngoái bạn Quý uýnh lộn bầm mắt , đóng vai "độc nhãn long" suốt một tuần, ai mà chẳng thấy!

Lần này tới lượt nhỏ Hạnh cảm thấy áy náy với Quý ròm. Nó nguýt Hải quắn, phân bua:

- Chuyện này Hạnh tưởng tượng ra đấy, không phải thật đâu!

Hải quắn bắt chước thằng Lâm, cong môi "xì" một tiếng:

- Chối gì mà chối! "Nhân chứng", "vật chứng" sờ sờ ra đó mà kêu là tưởng tượng.

- Kệ nó! Quý ròm níu tay nhỏ Hạnh, kêu khẽ. Nó sợ nhỏ Hạnh đôi co, thằng Lâm và thằng Quới Lương sẽ nổi hứng nhảy vô nói lung tung.

Nhỏ Hạnh nghe lời bạn, không thèm ọ ẹ với tụi "tứ quậy" nữa. Nó quay sang Quý ròm, chép miệng:

- Hạnh xin lỗi Quý nhé.

- Hạnh có lỗi gì đâu! – Quý ròm cười gượng- Cái ngày con quỷ con Quỳnh Dao xúi tôi đánh lộn đúng là ngày kỳ lạ thật mà.

Ở trên bảng, thầy Phú bắt đầu đọc đến bài làm của nhỏ Ngọc Thời. Ngọc Thời ngồi bàn trên cùng, ngay cạnh lớp phó kỷ luật Minh Trung, đối diện với bàn giáo viên. Cũng như Minh Trung, nó là học sinh trường Thống Nhất chuyển lên.

Tụi bạn lập tức quên ngay chuyện "kỳ lạ" của Quý ròm, vểnh tai nghe từng lời của thầy Phú.

Theo Ngọc Thời thì ngày kỳ lạ nhất trong đời nó là ngày nó không nhận ra… ba nó. Năm đó nó học lớp bảy. Có một hôm mẹ nó kẹt công chuyện, nhờ ba nó đi đón con. Xưa nay ba nó chưa bao giờ đặt chân tời trường nó học. Sáng đi chiều về, chỉ toàn mẹ nó đưa đón. Cho nên nó không nghĩ người đàn ông đang đứng đằng kia là ba nó. Tan học mười lăm phút, nó cùng tụi bạn chơi đá cầu ở sân trước, chốc chốc lại ngước nhìn ra cổng xem mẹ nó tới chưa. Trong một lần liếc mắt như vậy, giữa đám đông phụ huynh lố nhố tới đón con, nó thấy một người đàn ông quen quen, liền gật đầu chào rồi quay lại chơi tiếp, không nghĩ đó là ba nó. Lát sau mẹ nó tới, thấy ba nó ngồi lơ ngơ trên xe, ngạc nhiên hỏi "Sao anh còn ngồi đây? Con đâu?" Ba nó chỉ tay về phía nó "Nó chơi đá cầu đằng kia". "Anh gọi nó chưa?". "Chưa gọi. Nhưng nó thấy anh rồi. Chắc nó còn ham chơi. Kệ, cho nó chơi thêm một chút". Mẹ nó dựng xe, hằm hằm bước lại phía nó, mắng "Sao con thấy ba tới đón mà để ba đợi cả buổi vậy? Ham chơi vừa vừa thôi chứ!". Nó ngạc nhiên "Ủa, con có thấy ba đâu?". "Sao ba bảo con nhìn thấy ba rồi". Mẹ nó chỉ tay về phía ba nó "Ba con kìa". Lúc đó nó tá hoả "Trời, khi nãy con thấy ai quen quen, tưởng ba của bạn nào liền gật đầu chào. Con đâu nghĩ là ba đi đón con". Từ bữa đó, mẹ nó cứ kể đi kể lại chuyện "kỳ lạ" đó hoài khiến lần nào ba nó cũng nhăn như bị "Biết rồi! Khổ lắm! Anh đã hứa là sắp tới anh sẽ đi đón con thường xuyên rồi mà!"…

Chuyện "kỳ lạ" của Ngọc Thời làm tụi bạn cười ngặt nghẽo.

Quỳnh Như nghiêng đầu về phía Lan Kiều, tủm tỉm:

- Làm gì có chuyện đó, Lan Kiều há!

Thằng Tần hét tướng:

- Chuyện này bịa là cái chắc rồi!

- Chuyện thiệt đó! - Thằng Lâm ngoác miệng – Tôi từng gặp một chuyện giống y như vậy. Lần đó tôi đang đi ngoài đường, gặp ba tôi đi ngược chiều, tôi thấy quen quen, gật đầu chào. Hình như ba tôi cũng thấy tôi quen quen nên gật đầu chào lại. Hai bên chào nhau lịch sự hết biết luôn!

- Xạo đi mày! - Thằng Tần quay xuống, nheo nheo mắt.

- Lại thằng ghẻ ngứa này! – Lâm gầm lên – căn cứ vào đâu mà mày nói tao xạo.

- He he, căn cứ vào cái tật hay xạo của mày chứ căn cứ vào đâu!

Lớp học mỗi lúc một bát nháo, đến mức thầy Phú phải đập tay xuống bàn:

- Các em im lặng nào. Thầy đã nói với các em rồi. Quan trọng là câu chuyện các em kể nêu lên được ý nghĩa gì, có giúp chúng ta rút ra được bài học nào không. Còn đó là chuyện thật hay chuyện tưởng tượng không phải là điều cốt yếu, các em không nên tranh cãi.

Bài văn tiếp theo của thằng Cung, quả nhiên cả lớp không làm ầm ĩ nữa. Ngay cả những cái miệng lách chách của tụi "tứ quậy" (à quên, bây giờ gọi là "tam quậy" mới đúng) cũng im thít. Tụi học trò sở dĩ đột ngột trở nên ngoan ngoãn như vậy không phải vì lời giáo huấn của thầy Phú đã kịp ngấm vào óc tụi nó mà vì "một ngày kỳ lạ" của thằng Cung không có gì để cãi nhau. Đứa nào cũng biết thừa Cung bịa ra chuyện nó vớt được một cái lọ cổ trong con mương sau hè nhà nó. Và dĩ nhiên khi nó mở nắp thì có một ông thần lót tót chui ra. Để tạ ơn kẻ đã giải thoát mình, ông thần ban cho nó một điều ước. Thế là Cung ước được trở thành người vẽ đẹp nhất thế gian. Từ đó, tờ báo tường do "hoạ sĩ" Cung trang trí luôn luôn được giải nhất toàn trường. Đặc biệt, từ lúc được ban phép lạ, các chi tiết trong tranh của Cung vô cùng sinh động, mắt biết liếc, môi biết cười, chim biết vỗ cánh, càng biết đong đưa.

Câu chuyện của Cung được thầy Phú cho 8 điểm khiến tụi bạn phản đối ầm ầm:

- Chuyện của bạn Cung kỳ lạ thật, nhưng có ý nghĩa gì đâu thầy?

- Ờ, câu chuyện chẳng chứa bài học nào hết mà được tới 8 điểm!

Thầy Phú mỉm cười:

- Bài học qua câu chuyện này là con người sống ở đời phải biết ước mơ, các em à.

Tiếp theo bài văn của Cung, thầy Phú lần lượt đọc thêm bài của Xuyến Chi, Vành Khuyên, Đặng Đạo và thằng Mười.

Cùng với bài làm của Hạnh, Tiểu Long và Ngọc Thời, đó là những bài có điểm cao nhất.
 
Chương 3



Bài làm của Quý ròm không lọt vô tám bài được khen trước lớp. Không biết có phải vì vậy mà nó không nói tiếng nào trên đường về? Tiểu Long vừa đạp xe vừa liếc bạn, bụng băn khoăn.

Nghĩa ngợi một lát, không nhịn được, Tiểu Long tấp xe sát vào xe Quý ròm, khịt mũi:

- Gì buồn vậy mày?

- Ờ. - Giọng Quý ròm hờ hững.

Tiểu Long tò mò:

- Mày kể chuyện gì trong bài làm của mày vậy?

Chắc thằng mập tưởng mình buồn vì chuyện này! Quý ròm hiểu ra, vờ tếp tục dàu dàu:

- Có chuyện gì đâu mà kể! Những chuyện kỳ lạ nhất của tao, mày và Hạnh đã tranh nhau kể hết rồi, thế là tao bí!

Quý ròm làm Tiểu Long áy náy quá. Như một chiếc xe sắp hết xăng, nó cứ khụt khịt liên tục, quai hàm bạnh ra vì phải suy nghĩ quá sức, cuối cùng vẫn không biết nên nói câu gì để an ủi bạn.

- Quý chỉ xạo là giỏi! - nhỏ Hạnh thình lình lên tiếng - Trước khi thầy phát bài, Quý có biết Hạnh và Long viết gì đâu!

- Ờ há! - Tiểu Long vỡ lẽ, quay nhìn Quý ròm – Mày đừng có đổ thừa nha mày.

Quý ròm toét miệng cười:

- Ai biểu mày cứ hỏi hoài chuyện này chi!

- Tại tao thấy mày buồn.

- Buồn đâu mà buồn!

Tiểu Long chớp mắt:

- Thế sao nãy giờ mày im thin thít vậy?

- Tại tao đang suy nghĩ.

Nhỏ Hạnh lại vọt miệng:

- Quý đang suy nghĩ xem có nên nhận lời con nhỏ Quỳnh Dao làm thêm "một chuyện kỳ lạ" nữa không chứ gì?

Nhỏ Hạnh trêu, nhưng Quý ròm phớt tỉnh. Nó nói, giọng nghiêm trang:

- Tôi đang suy nghĩ về bài làm của thằng Mười.

- Bài của bạn Mười? - Nhỏ Hạnh ngạc nhiên.

- Ờ, tôi thật sự không biết câu chuyện của nó là chuyện thật hay chuyện bịa?

- Dĩ nhiên là chuyện bịa rồi. - Tiểu Long kêu lên – Mày quên chính thằng Mười đã viết như thế trong bài làm sao: Nhà nó nghèo và nó đã ra hè đốt nhang khấn vái, thế là hôm sau có người gửi tiền cho nó…

Thằng Mười đã viết như thế thật. Nó bảo từ ngày ba mẹ nó chia tay, nhà nó lâm vào cảnh túng bấn. Đã mấy lần nó định bỏ học đi kiếm việc làm nhưng mẹ nó kiên quyết bắt nó đi học. Nhưng nó đã chán học đến tận cổ. Một ngày, nó ra sau hè đốt nhang khấn vái trời phật, xin ơn trên rủ lòng thương giúp gia đình nó thoát cảnh khó khăn. Chán nản quá thằng Mười khấn vái thế thôi chứ bụng chẳng tin tưởng gì. Nào ngờ hôm sau nó dến lớp, bác bảo vệ trường ngoắt nó ra một chỗ, giúi vào tay nó một gói tiền, bảo có một người đàn ông nhờ chuyển cho nó. Nó hỏi nhưng bác bảo vệ bảo không biết người đàn ông đó là ai. Thời gian đầu, mẹ con nó vô cùng thắc mắc về nghĩa cử của người đàn ông bí mật kia. Nhưng dò hỏi mãi mà không có kết qả, mẹ con nó đành làm quen với ý nghĩ chắc có người tốt bụng nào đó muốn giúp đỡ gia đình nó. Và vị ân nhân bí mật này không muốn mẹ con nó trả ơn nên không chịu tiết lộ tung tích. Kể từ bữa đó cứ vài ba tháng Mười lại nhận được một gói tiền để đóng các khoản học phí và mua sắn quần áo sách vở. Chuyện kỳ lạ của Mười xảy ra vào năm lớp tám.

Dĩ nhiên Quý ròm nhớ như in câu chuyện này. Cho nên nó phát khùng lên với Tiểu Long:

- Quên sao được mà quên! Mày có muốn tao kể lại vanh vách câu chuyện của thằng Mười không?

- Nếu không quên sao mày còn thắc mắc thật hay bịa? - Tiểu Long tặc lưỡi - Thế mày tin vào chuyện khấn vái à?

- Quý không tin chuyện khấn vái đâu. - Nhỏ Hạnh chen vô – Nhưng những chi tiết khác, Quý nghĩ là chuyện thật, đúng không Quý?

- Ờ, tôi thấy nghi nghi.

Tiểu Long trề môi:

- Tao thì tao chẳng thấy gì đáng nghi cả.

Quý ròm sầm mặt:

- Kệ mày! Còn tao, tao cứ nghi!

------------------------

Hôm sau, Quý ròm lân la lại gần thằng Mười.

- Mười nè. – Nó đập tay lên vai thằng này.

Mười quay lại, sững sốt khi nhận ra Quý ròm. Mười thuộc tổ 3, ngồi cạnh nhỏ Thuỷ Tiên trong lớp. Cả hai đều là học sinh lớp 9A2 trường Thống Nhất chuyển lên (tụi nó ngồi đúng vào vị trí của thằng Phước và nhỏ Tú Anh năm ngoái)

Nhưng với Thuỷ Tiên, bọn Quý ròm có qua có lại. Sau vụ giúp đỡ thằng Lâm – "Kẻ Thần Bí", tụi nó thậm chí còn chơi thân với nhau. Thằng Mười lại khác, Quý ròm chưa từng trò chuyện với nó bao giờ. Hai bên xa cách như mặt trời mặt trăng, mặc dù thằng này chỉ ngồi cách Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh có một dãy bàn.

Cho nên Quý ròm không hề ngạc nhiên trước ánh mắt trố lên của Mười. Nó đập tay lên vai bạn một cái nữa, cười hề hề:

- Mày hay ghê?

- Tao á?

- Ừ.

Mười tiếp tục thô lố mắt:

- Tao làm gì mà hay?

- Bài văn hôm qua của mày đó! – Quý ròm xuýt xoa – Điểm cao ơi là cao! Cao hơn cả tao nữa!

Mười biết Quý ròm là "thần đồng toán" của trướng Tự Do năm ngoái. Năm nay, trường Đức Trí cũng không có ai là đối thủ của Quý ròm, kể cả tụi học sinh lớp mười một, mười hai. Được một siêu học sinh như Quý ròm khen ngợi, Mười sướng lắm. Mặt nó lập tức đỏ lên:

- Tao chỉ gặp may thôi.

- Mày đừng có vờ khiêm tốn. – Quý ròm hấp háy mắt, không ngừng rót mật vào tai bạn. – Mày làm văn tuyệt cú mèo! Mày bịa chuyện mà cứ y như thật ấy.

Mười đã hết sửng sốt trước sự xuất hiện của Quý ròm. Bây giờ màu đỏ lan tới tận hai vành tai nó. Nó ấp úng, người lân lân:

- Tao nghĩ gì viết nấy thôi.

Câu trả lời của thằng Mười chẳng có chút giá trị gì với Quý ròm. Nó nhìn chằm chặp vào mặt thằng này, định hỏi thẳng có thật là mày bịa ra không đấy, nhưng cuối cùng nó khôn khéo đánh một đường vòng:

- Mày được điểm cao thế này chắc ba mày mừng lắm?

- Ba tao không ở chung với mẹ con tao từ lâu rồi.

Mười buồn bã đáp, nhưng buột miệng xong nó đột ngột ngó lơ chỗ khác, như thể nhận ra mình vừa nói hớ.

Như vậy chi tiết ba mẹ nó chia tay là có thật! Quý ròm nghĩ, loay hoay không biết phải hỏi câu gì tiếp theo. Nó liếc trộm thằng Mười mấy làn, thấy thằng này cũng đang liếc trộm nó. Chắc nó đang đề phòng mình! Quý ròm lại nhủ bụng, nhưng nó chưa kịp dò hỏi tiếp thì tiếng chuông vào học đã reo lên.

Như chỉ đợi có vậy, thằng Mười reo lên theo:

- Tao xếp hàng vô lớp đây!

Nói xong, nó co giò phi một mạch.

Trưa, Quý ròm kể lại cuộc trò chuyện giữa nó và Mười cho Tiểu Long và nhỏ Hạnh nghe, rồi chép miệng:

- Thằng Mười này khả nghi lắm!

- Mày nhiễm "máu thám tử" của thằng nhóc Mạnh từ hòi nào vậy hả ròm? - Tiểu Long chà tay lên mũi, ngoẹo đầu nói – Sao dạo này mày nhìn thứ gì cũng thấy khả nghi hết vậy?

Nhỏ Hạnh tủm tỉm:

- Ờ, gần đây trông Quý lạ ghê!

Câu nói trêu của Tiểu Long và nhỏ Hạnh khiến Quý ròm nổi điên. Nó gầm gừ:

- Hôm trước hai bạn lội chuyện "đời tư" của tôi ra làm trò cười cho cả lớp, tôi chưa "tính sổ" đó nha! Ở đó mà chọc quê! Hừ hừ!
 
Chương 4



Quý ròm nằm ngả lưng trên ghế xếp, mắt dán vào màn hình tivi mà đầu óc để tận đâu đâu. Nó đang nghĩ đến thằng Mười. Nếu chuyện thằng Mười kể trong bài làm là thật thì mẹ con Mười nhận được sự giúp đỡ của con người bí ẩn kia đã hơn hai năm rồi. Có lẽ thằng Mười đã giấu kỹ chuyện này suốt hai năm qua. Quý ròm đoán vậy, vì nó thấy tụi bạn trường Thống Nhất chẳng đứa nào có phản ứng gì đặc biệt trước bài làm của Mười. Chắc tụi nó nghĩ chắc đó là câu chuyện tưởng tượng. Nhưng nếu thằng Mười muốn giấu bạn bè chuyện này tại sao nó lại kể vanh vách trong bài làm của mình? Quý ròm thắc mắc quá. Nó đứng lên khỏi ghế xếp, thò tay tắt tivi rồi đi tới đi lui trong nhà, bao nhiên dấu hỏi cứ lăn tăn trong óc.

- Anh làm gì mà đi lòng vòng hoài vậy?

Tiếng nhỏ Diệp thình lình vang lên bên tai khiến Quý ròm giật thót.

Nó dừng bước, quay đầu nhìn nhỏ em, ấp úng:

- Làm gì hả? Ờ, anh đang… tập thể dục.

- Tập thể dục? - Nhỏ Diệp vẫn tròn xoe mắt – Anh siêng lên từ bao giờ thế?

- Này! – Quý ròm ưỡn ngực – Mày đừng quên anh mày năm nay đã là học sinh cấp ba rồi đấy nhé. Đã là người lớn rồi.

- Nhưng chẳng người lớn nào tập thể dục ở trong nhà hết. - Nhỏ Diệp nheo mắt nhìn bộ ngực lép kẹp của ông anh, "xì" một tiếng. – Em thấy người lớn toàn đi bộ ngoài trời không hà.

- Mày ngốc quá! Trước khi đi bộ ngài trời người ta phải tập đi bộ trong nhà trước.

Thấy nhỏ em có vẻ không tin, Quý ròm nhìn lên trần nhà, tặc lưỡi:

- Cũng giống như hồi mày tập chạy xe đạp vậy. Mày phải chạy lòng vòng trong sân cho quen rồi mới dám chạy ra đường đúng không?

Nhỏ Diệp bất giác thộn mặt ra:

- Ờ… ờ…

- Còn "ờ, ờ" gì nữa. – Quý ròm nạt – Bao giờ tao chả nói đúng. Chỉ có mày là hay cãi bướng thôi.

Sợ nhỏ em phát hiện ra chuyện đi bộ và chuyện tập chay xe đạp khác nhau xa lắc như mặt đất với sao Hoả, Quý ròm vội bước lại xa-lông, ngồi phịch xuống:

- Diệp nè.

- Gì hở anh?

- Em ngồi xuống đây đi. Anh có chuyện này muốn hỏi em.

Trước vẻ mặt ngơ ngác của nhỏ em, Quý ròm hắng giọng:

- Ví dụ như có ai đó cho em tiền, cứ vài ba tháng một lần, suốt mấy năm trời như vậy, em có thấy khó chịu không?

- Sao lại khó chịu? - Nhỏ Diệp liếm môi – Có người cho mình tiền, mình thấy dễ chịu quá đi chứ!

Rồi nó toét miệng ra cười:

- Không ai cho em tiền, em mới thấy khó chịu!

Đang cười, nó bỗng dựng mắt lên:

- Ủa, bộ anh tính cho em tiền hả?

- Bậy. Tao có tiền đâu mà cho. Nhưng mà tao chưa nói hết…

Quý ròm gãi cổ:

- Người ta cho em tiền nhưng em không biết người đó là ai…

- Làm sao mà không biết được?

- Nếu người đó gửi theo đường bưu điện hoặc bí mật nhờ… bác bảo vệ trường đưa cho em thì em đâu có biết.

- Người có cố tình giấu mặt hở anh?

- Người đó giấu mặt kỹ lắm, tìm thế nào cũng không ra.

Nhỏ Diệp băn khoăn:

- Ờ, nếu thế thì khó chịu thật.

- Khó chịu thì em làm gì cho hết khó chịu? – Quý ròm liếm môi – Em có đem chuyện này nói cho bạn biết không?

- Nói làm gì? - Nhỏ Diệp giãy nảy, làm như nó vừa nhận được một cọc tiền thật – Mình chưa biết người đó là ai, cho tiền mình với ý đó gì, tốt hay xấu, làm sao dám kể cho người khác biết.

- Ờ há!

Quý ròm gục gặc đầu. Nó không ngờ mọi chuyện lại đơn giản đến thế. Quý ròm thuộc loại người thông minh, nhưng cũng vì thông minh quá mà nó hay nghĩ ngợi sâu xa. Nhỏ Diệp chả thèm vắt óc làm gì cho mất công, nó nghĩ sao nói vậy. Nhờ vậy mà Quý ròm mới hiểu được tâm trạng của thằng Mười.

Quý ròm phấn khởi quá. Nó tiếp tục "khai thác" nhỏ em:

- Em nói là em không dám kể cho người khác biết, thế sao khi thầy giáo ra đề văn "Hãy kể lại một chuyện kỳ lạ trong đời", em lại lôi chuyện này ra kể.

Nhỏ Diệp chun mũi:

- Năm nay em học cô giáo văn chứ không phải thầy giáo văn.

- Ờ thì cô giáo.

- Nhưng cô giáo em không hề ra đề văn nào như anh nói.

- Anh chỉ ví dụ thôi mà. Ví dụ cô em ra một cái đề như vậy, và em đem câu chuyện bí mật của em vào bài làm. Tại sao em không tưởng tượng ra một câu chuyện khác?

- Tại sao à? - Nhỏ Diệp nhíu mày - Tại vì… tại vì em không giỏi tưởng tượng chứ sao.

- Em không sợ bạn bè biết à?

Nhỏ Diệp hất mặt:

- Đây chỉ là bài làm văn thôi mà. Lam sao người khác biết đó là chuyện thật.

Lần thứ hai Quý ròm buột miệng "ờ há". Lần này "ờ há" xong, nó co giò chạy ra cửa, rối rít:

- Cảm ơn em nhé. Anh phải đi đây!

- Ê! - Nhỏ Diệp nhảy tưng tưng – Anh nói chiều nay anh dạy em làm toán mà.

Nghe đến chuyện nhờ vả, Quý ròm chả buồn "anh anh, em em" nữa:

- Tao bận rồi! Lát mày nhờ anh Vũ đi!

Buông thõng một câu, Quý ròm dắt xe vọt mất.

Nó đang nôn nóng gặp nhỏ Hạnh.

-----------------------

Trái với sự chờ đợi của Quý ròm, nhỏ Hạnh chẳng có vẻ gì hào hứng trước câu chuyện của nó.

- Tất cả chỉ là suy luận thôi. – Nhỏ Hạnh tưới nước lên mấy chậu cây, thong thả nói.

- Nhưng suy luận đúng sẽ dẫn đến hành động đúng. – Quý ròm hừ mũi – Hơn nữa, thực tế là ba mẹ thằng Mười đã không còn sống chung với nhau. Chuyện đó không còn là suy luận nữa.

Nhỏ Hạnh buông thùng tưới xuống, nghiêng mặt hỏi:

- Thế Quý định sẽ hành động như thế nào?

Quý ròm thở hắt ra:

- Tôi cũng chưa biết nữa.

Nhỏ Hạnh cười:

- Vậy mà mới rồi còn oang oang "suy luận đúng sẽ dẫn đến hành động đúng"!

- Hạnh đừng có trêu! – Quý ròm nổi quạu – Tôi nghĩ đến nát óc rồi nè.

- Ai biểu Quý nghĩ đến nát óc làm gì - Nhỏ Hạnh nhìn bạn qua khoé mắt, giọng tinh nghịch – Thông minh như Quý chỉ cần suy nghĩ theo cách bình thường thôi.

- Suy nghĩ theo cách bình thường ư? – Quý ròm lẩm bẩm – Suy nghĩ theo cách bình thường…

Nó nhắm tịt mắt lại:

- Suy nghĩ bình thường… suy nghĩ bình thường…

Trông nó giống như pháp sư đang đọc thần chú.

Tiểu Long bước vào trong lúc Quý ròm đang "suy nghĩ bình thường", suýt chút nữa đã hét lên nếu nhỏ Hạnh không kịp ra hiệu cho nó im lặng.

Tiểu Long nhón gót đi vòng qua người Quý ròm, sè sẹ đến bên nhỏ Hạnh, thì thào:

- Thằng ròm bị làm sao vậy?

- Quý đang "suy nghĩ bình thường" - Nhỏ Hạnh thì thào đáp trả, cố nén cười.

Tiểu Long đưa tay quẹt mũi:

- "Suy nghĩ bình thường" mà sao trông nó "khác thường" quá vậy? Tôi cứ tưởng nó bị chạm dây thần kinh chứ!

Tiểu Long nói vo ve như muỗi kêu nhưng Quý ròm vẫn nghe thấy. Nó mở bừng mắt ra:

- Thần kinh cái đầu mày!

Quý ròm làm Tiểu Long giật bắn người. Nó bước lui một bước, há hốc miệng:

- Mày suy nghĩ kiểu gì mà tai thính như tai mèo vậy hả ròm?

- Tại tao suy nghĩ xong rồi. – Quý ròm toét miệng cười, nó liếc nhỏ Hạnh. - Trước tiên tụi mình cần phải gặp Minh Trung hoặc Thuỷ Tiên, đúng không Hạnh?

Nhỏ Hạnh chưa kịp mở miệng, Tiểu Long đã láu táu:

- Mày định gặp tụi học trò trường Thống Nhất để dò hỏi về thằng Mười chứ gì!

- Đúng rồi! – Quý ròm nheo mắt nhìn bạn – Mày thông minh lắm. Phải chi mày thông minh trước khi tao kịp nghĩ ra chuyện đó thì đỡ cho tao biết mấy.

Tiểu Long biết thằng ròm trêu mình nhưng chả phật ý tí ti ông cụ nào, còn nhe răng cười hì hì:

- Nếu tao thông minh như mày nói thì mày đâu có thường xuyên "khen" tao là "đồ ngốc tử"!
 
Chương 5



Cả Minh Trung lẫn Thuỷ Tiên đều xác nhật giống nhau: Đầu năm lớp 8 thằng Mười học rất bết, suýt chút nữa bị ở lại lớp, nhưng đến giữa năm nó đột ngột học khá hẳn lên. Nếu không thế năm nay nó đã không vô nổi lớp mười trường Đức Trí.

Thuỷ Tiên nói một hồi, rồi ngờ ngợ nhìn Quý ròm:

- Ủa, bạn hỏi chuyện này chi vậy?

- Hỏi cho biết vậy thôi. – Quý ròm nói dối – Mình đang định tổ chức một nhóm học toán…

- Hay quá! - Thuỷ Tiên sáng mắt – Quý cho mình tham gia với nha!

Quý ròm nhìn lên trời:

- Để từ từ tôi tính…

- Có gì đâu mà tính. Quý cứ "ừ" đại đi!

- Không được. – Quý ròm ra vẻ khó nghĩ - Phải tính toán cẩn thận. Con trai con gái học chung phức tạp lắm!

- Xì!

- "Xì" gì mà "xì"! – Quý ròm tủm tỉm – Trai gái học chung lỡ có đứa nào độc mồm độc miệng đồn ầm lên thằng Mười nhảy vô ôm đại lấy bạn khiến bạn thét lên be be thì tai tiếng chết!

Biết Quý ròm nhắc lại chuyện xảy ra trong vườn nhà thằng Tần hôm trước để trêu mình, Thuỷ Tiên thò tay ra nhưng nó chưa kịp véo thì thằng ròm đã bỏ chạy mất.

So với Thuỷ Tiên, nhỏ Minh Trung biết nhiều về gia cảnh thằng Mười hơn. Tại nó là lớp phó kỷ luật của thằng này mấy năm liền mà. Theo như Minh Trung kể với nhỏ Hạnh thì ba mẹ thằng Mười ly hôn năm Mười học lớp bảy. Sau đó mấy tháng thì ba nó có vợ khác, nhỏ Minh Trung bảo vậy. Nó nói hồi đó thằng Mười không có biểu hiện gì suy sụp, nhưng đến khi lên lớp tám tự dưng Mười đâm ra chán đời, chẳng thèm ngó ngàng gì đến bài vở, tưởng nghỉ học luôn rồi. Phải mất máy tháng trời Mười mới gượng lại được.

Cũng như Thuỷ Tiên, kể xong Minh Trung ngạc nhiên hỏi:

- Sao tự nhiên bạn lại hỏi về chuyện này?

Đã bàn bạc từ trước, nhỏ Hạnh đáp giống y Quý ròm:

- Bạn Quý có ý định tổ chức một nhóm học toán, tính rủ bạn Mười tham gia.

Thông tin Thuỷ Tiên và Minh Trung cung cấp hoàn toàn khớp với suy luận của Quý ròm.

- Như vậy câu chuyện về người đàn ông bí mật thằng Mười viết trong bài làm là có thật rồi. – Nó liếc nhỏ Hạnh, hào hứng nói, chân vẫn nhấn mạnh bàn đạp.

- Sao Quý biết?

- Chuyện rõ như ban ngày mà Hạnh cũng hỏi. – Quý ròm hừ mũi – Ba mẹ nó chia tay, nhà nó lâm vào cảnh túng bấn thiếu trước hụt sau. Chỉ đến khi vị ân nhân kia ra tay giúp đỡ thì nó mới có điều kiện tập trung cho việc học hành được.

Nhỏ Hạnh nheo mắt:

- Thiếu gì bạn có hoàn cảnh khó khăn mà vẫn học giỏi!

Lý lẽ của nhỏ Hạnh vừng chắc đến mức Quý ròm đâm ngập ngừng:

- Thế theo Hạnh…

- Biết đâu năm lớp tám Mười bỗng nhiên học khá lên là do bạn ấy đã vượt qua được chấn thương tình cảm.

- Hạnh nghĩ vậy à? – Quý ròm liếm môi hỏi, trán cau lại.

Nhỏ Hạnh nhún vai:

- Chẳng lẽ Quý cho nghĩ như vậy là không đúng sao?

Tiểu Long nãy giờ không nói tiếng nào, bây giờ bất thần chen ngang:

- Như vậy tiền bạc chẳng đóng vai trò gì trong chuyện này rồi.

Quý ròm sầm mặt:

- Ai bảo mày vậy?

Thấy thằng ròm gừ gừ phát ớn, Tiểu Long nhích xe ra sao, khụt khịt mũi ấp úng:

- Thì… thì Hạnh bảo chứ ai!

Tiểu Long làm Quý ròm tự ái quá. Nó đưa tay quẹt mồ hôi trên trán:

- Mày vả Hạnh cứ đợi đi!

Nó đập tay lên ghi-đông xe, quả quyết:

- Tao sẽ có cách chứng minh!

Nhỏ Hạnh liếc bạn, chúm chím:

- Hạnh biết Quý định làm gì rồi. Quý định đi gặp "bác ấy", đúng không?

--------------------------------

Chậm chạp như Tiểu Long dĩ nhiên không hiểu từ "bác ấy" trong câu nói úp mở của nhỏ Hạnh ám chỉ người nào. Nhưng Quý ròm thì hiểu ngay, vì ngay lúc đó nó cũng đang nghĩ đến "bác ấy". Nó thoáng nghĩ đến chuyện trực tiếp gặp thằng Mười hoặc mẹ nó để dò hỏi, nhưng sau khi suy đi tính lại Quý ròm chọn cách đi gặp bác bảo vệ trường Thống Nhất, tức là trường cũ của thằng Mười. Chỉ có "bác ấy" mới giúp nó chứng minh cho Tiểu Long và nhỏ Hạnh thấy nó không phải là đứa mắc chứng hoang tưởng.

Quý ròm lại nghĩ đến nhỏ Diệp. Trong kế hoạch đi tìm chứng cứ của Quý ròm, nhỏ Diệp đóng một vai trò quan trọng. Cái vai trò quan trọng đó thật ra rất dễ đóng: nhỏ Diệp chỉ cần ngồi thu lu trên xe cho Quý ròm chở đi, tới nơi nó chỉ cần đứng giữ xe cho Quý ròm vào gặp bác bảo vệ. Nhỏ Diệp không cần nói một câu gì hết, giống như diễn viên kịch câm vậy. Còn dễ hơn diễn viên kịch câm nữa, vì nó thậm chí chẳng phải làm bất cứ động tác gì. Nhỏ Diệp đi theo chỉ để Quý ròm chứng minh với bác bảo vệ mình là một đứa trẻ tử tế. Chỉ những đứa trẻ ngoan mới đi đâu cũng chở em gái kè kè sau lưng. Những đứa hoang đàng thì đừng hòng.

Nhỏ Diệp không biết tính toán của ông anh nên chiều đó nghe Quý ròm rủ rê, nó trợn ngược mắt lên:

- Trời đất ơi! Bộ trời sắp mưa hay sao mà bỗng nhiên anh rủ em đi chơi!

Quý ròm nhìn ra ngoài trời, cười gượng:

- Chắc trời sắp mưa thiệt rồi đó mày.

- Anh rủ em đi đâu vậy? – Như không nghe thấy Quý ròm, nhỏ Diệp hấp háy nói. – Đi chơi bowling hay đi ăn buffet vậy hả anh?

- Sao mày ưa mơ mộng quá vậy! - Mặt Quý ròm thiểu não – Tao đâu có nhiều tiền mà dẫn mày tới mấy chỗ đó.

- Vậy chắc anh rủ em đi câu cá

- Không.

- Vậy là đi coi phim?

- Cũng không luôn.

Nhỏ Diệp gãi cổ, đã bắt đầu sốt ruột:

- Chứ đi đâu, anh nói ra luôn đi!

Quý ròm nuốt nước bọt:

- Tao định rủ mày tới trường Thống Nhất chơi.

- Trường Thống Nhất? - Nhỏ Diệp há hốc miệng – Chơi gì ở đó vậy? Hay chiều nay trường Thống Nhất có hội thi văn nghệ?

Quý ròm hít vô một hơi:

- Chiểu nay ở đó chẳng có gì hết à.

Nhỏ Diệp có cảm giác vừa rơi vô một đám sương mù. Nó lắc đầu, mở to mắt nhìn ông anh:

- Chứ anh rủ em tới đó làm gì?

Quý ròm nhìn lên trần nhà:

- Giữ xe giùm tao.

- Trời ơi! - Nhỏ Diệp kêu lên thảng thốt – Lâu lâu mới được ông anh quý hoá rủ đi đâu chơi một lần, tưởng sao hoá ra đi theo để giữ xe!

- Đừng la to như thế! Chuyện này rất hệ trọng nên anh mới phải nhờ đến em! - Vẻ mặt Quý ròm đột nhiên nghiêm nghị và cầu khẩn, đang "mày tao" lập tức chuyển sang "anh em" ngọt xớt.

- Chuyện gì mà ghê thế, anh kể em nghe đi! - Nhỏ Diệp đột nhiên tò mò, nó tự động xích sát về phía Quý ròm, cảm thấy vai trò của mình quan trọng hẳn.

- Bây giờ anh chưa kể được đâu! Đã bảo là chuyện hệ trọng mà! – Quý ròm nhìn nhỏ em qua khoé mắt, tặc lưỡi – Em đi với anh đi, lát về anh kể cho nghe.

Thấy ông anh bộ tịch có vẻ nghiêm trọng, nhỏ Diệp thắc mắc quá. Nhưng nó không hỏi nữa, lặng lẽ theo Quý ròm bước ra cửa.

Quý ròm đèo nhỏ Diệp chạy vòng vèo ngoài phố, đầu loay hoay hình dung cuộc đối thoại với bác bảo vệ trường Thống Nhất.

Trường Thống Nhất nằm trên đường Nguyễn Tri Phương, Quý ròm chưa đến trường này bao giờ nhưng nó từng chạy ngang đó nhiều lần.

Phòng bảo vệ nằm ngay cổng, bên trái lối vào. Vừa tới nơi, Quý ròm dừng xe trước cổng, dòm dáo dác. Thấy có người thấp thoáng bên trong, nó kêu nhỏ Diệp đứng ngoài coi xe rồi đi thẳng vô.

- Đi đâu đó cháu?

Một giọng nói khàn khàn phát ra từ phòng bảo vệ khi Quý ròm thò tay đẩy cánh cổng sắt khép hờ.

Quý ròm quay nhìn cái đầu của người đàn ông trung niên có mái tóc xoăn tít hiện ra chỗ ô cửa, cố nhoẻn một nụ cười thân thiện, ngoan ngoãn đáp:

- Dạ thưa bác, cháu là bạn của Mười.

Người đàn ông thoáng giật mình:

- Mười nào?

- Dạ, Mười học sinh 9A2 năm ngoái.

- Cậu ấy đâu còn học ở đây nữa. - Người đàn ông nheo mắt nhìn Quý ròm, giọng nghi hoặc – Cháu là bạn của Mười mà không biết chuyện đó à?

- Dạ, biết chứ ạ. – Quý ròm trưng vẻ mặt ngây thơ không chê vào đâu được - Bạn Mười bây giờ học lớp 10A9 bên trường Đức Trí, chung lớp với cháu. Chính bạn Mười nhờ cháu đến gặp bác.

Người đàn ông cau mày nhìn thằng bé liến thoắng trước mặt:

- Cậu ấy nhờ cháu đến đây à?

- Vâng ạ.

- Có chuyện gì sao cậu ấy không đến gặp tôi nhỉ. - Người đàn ông lẩm bẩm, rồi đánh mắt về phía nhỏ Diệp đang đứng cạnh chiếc xe dựng bên kia cổng rào, ông hất đầu hỏi – Ai đi cùng cháu thế? Em cháu à?

- Vâng, đó là em gái cháu – Quý ròm mặt dàu dàu, giọng thật như đếm - Bạn Mười hôm nay bị ốm, hai anh em cháu đi mua thuốc giùm bạn ấy. Thế là bạn ấy nhờ cháu ghé trường Thống Nhất…

Người đàn ông có vẻ bị lay động, đối với ông vẻ mặt thằng ròm thậm chí trông còn đáng tin hơn những gì nó nói. Ờ, thằng bé quý bạn là thế! Ông hài lòng nghĩ và lại nhìn thằng nhóc còm nhom trước mặt, giọng đã bắt đầu cởi mở:

- Cháu nói đi. Cậu Mười nhờ cháu tới gặp tôi có chuyện gì vậy?

Quý ròm nuốt nước bọt:

- Dạ, bạn ấy muốn hỏi bác lâu nay… lâu nay có ai gửi gì cho bạn ấy không?

Quý ròm vừa nói vừa chăm chú theo dõi nét mặt của người đàn ông. Nó thoáng chột dạ khi thấy gò má ông ta hơi giật giật, liền đưa tay gãi đầu, ấp úng nói thêm:

- Dạ, mấy hôm nay bạn Mười đang… gặp khó khăn…

Cho đến lúc đó, Quý ròm vẫn không biết chắc suy đoán của mình có đúng không. Nếu người bảo vệ không biết gì về chuyện này, có nghĩa là nó đã để cho trí tưởng tượng của mình đi quá xa. Có nghĩa là câu chuyện thằng Mười viết trong bài văn hoàn toàn là câu chuyện bịa. Và cũng có nghĩa là nhỏ Hạnh và Tiểu Long sẽ cười vào mũi đó ba ngày ba đêm chưa dứt.

Hồi hộp và lo lắng, Quý ròm dán chặt mắt vào người bảo vệ, rùng mình khi bắt gặp cảm giác ông cũng đang lặng lẽ dò xét nó. Và trái tim Quý ròm như rơi xuống đâu đó chỗ dạ dày khi người đàn ông lắc đầu ngơ ngác nói:

- Cháu nói gì tôi không hiểu!

"Vậy là mình đoán sai rồi!", Quý ròm thất vọng thì thầm với chình mình, trong một thoáng nó cảm giác như mình đang bước hụt chân. Nó nhìn người bảo vệ, cố cất cao giọng, vai trĩu xuống như khung xương trong người thình lình lệch qua một bên:

- Cảm ơn bác, cháu về đây!

Người đàn ông nói với theo khi Quý ròm bước ra cổng, ông gần như chồm cả người qua ô cửa:

- Này cháu! Thế cháu không thể nói rõ hơn…

Quý ròm quay mặt lại, cười gượng:

- Dạ thôi. Cháu nghĩ không cần đâu ạ.

Híc, có chuyện gì đâu mà "nói rõ"! Toàn là do mình nghĩ ngợi lung tung thôi! Quý ròm nghĩ bụng nhưng vừa dợm chân, có cảm thấy có một luồng điện chạy qua người khi nghe người đàn ông lẩm bẩm sau lưng:

- Từ khi nó chuyển sang trường khác, có ai gởi tiền cho nó nữa đâu!

Quy ròm quay hắt lại, tia nhìn của nó như đóng đinh vào mặt người bảo vệ:

- Bác vừa nói gì thế?

- Tôi có nói gì đâu. - Người đàn ông giật mình – Thôi, cháu về đi cháu! Trời bắt đầu nóng rồi đó.

Chộp được câu nói của người bảo vệ như bắt được vàng. Quý ròm dễ gì chịu bỏ đi. Nó đứng lì tại chỗ, liếm đôi môi khô khan:

- Như vậy là bác từng chuyển tiền cho bạn Mười phải không bác?

- Cháu nói gì tôi không hiểu - Người đàn ông lộ vẻ bối rối, không biết mình đang lặp lại câu nói khi nãy.

Quý ròm vẫn lì lợm:

- Thế bác có biết người hay nhờ bác giữ tiền cho bạn Mười là ai, hình dáng như thế nào…

- Ôi, tôi không biết gì về chuyện đó đâu, cháu ơi!

Người bảo vệ nói như rên. Nói xong người đàn ông đột ngột thấp xuống. Quý ròm biết ông ta đã ngồi xuống ghế, một động tác cho biết câu chuyện đã kết thúc.
 
Chương 6



Nhỏ Diệp xịu mặt khi thấy Quý ròm lò dò đi ra:

- Anh làm gì trong đó mà lâu thế?

Quý ròm hơn hớn nói, vẫn chưa hết sung sướng với kết quả của cuộc điều tra:

- Làm chuyện hệ trọng! Chẳng có chuyện hệ trọng nào trên đời có thể làm nhanh cả.

Nhỏ Diệp giương mắt nhìn ông anh, liếm môi hỏi:

- Thế bây giờ anh kể em nghe "chuyện hệ trọng" của anh được chưa?

Quý ròm cầm lấy ghi-đông xe:

- Dĩ nhiên là được.

Quý rom bắt đầu kể. Nó vừa đạp xe vừa hắng giọng:

- Lớp anh có một học sinh mới tên là Mười…

Lúc nãy Quý ròm không dám cho nhỏ Diệp biết nó tới trường Thống Nhất để làm gì. Nó sợ sự thật không giống như những gì nó phỏng đoán, nhỏ Diệp sẽ trêu nó như Tiểu Long từng trêu nó "Anh nhiễm "máu thám tử" của thằng nhóc Mạnh từ hồi nào vậy hả?". Nhưng bây giờ thì khác. Bây giờ thì nó tha hồ bốc phét:

- Em biết không, ngay khi nghe bài văn của thằng Mười, anh đã biết tỏng đây là chuyện đời của nó. Thế mà anh nói đến khản cả cổ, Tiểu Long và nhỏ Hạnh vẫn một mực không tin, tức ơi là tức! Cho nên anh mới đến trường cũ của thằng Mười để hỏi cho ra lẽ.

Nhỏ Diệp reo lên:

- Thế ra đề văn "một ngày kỳ lạ" anh nói với em hôm trước là chuyện của anh Mười này đó hả?

- Chứ gì nữa! Anh thăm dò ý kiến của em mà. Giống như thủ tướng thăm dò ý kiến của dân chúng vậy đó.

Không để ý đến giọng điệu huênh hoang của ông anh, nhỏ Diệp nhíu mày:

- Nếu chỉ có vậy thì một mình anh tới trường Thống Nhất cũng được mà. Trường nào chẳng có bãi giữ xe.

- Em không hiểu! – Quý ròm chép miệng - Muốn moi tin tức từ bác bảo vệ không phải là chuyện đơn giản. Quan trọng là phải làm cho bác ấy tin. Nếu không tin bác ấy sẽ nghĩ anh là kẻ xấu, gặp bác ấy định gạt gẫm gì đây.

Nhỏ Diệp ngẩn ra:

- Nhưng chuyện đó thì liên quan gì tới em?

- Sao lại không liên quan! – Quý ròm hùng hồn - Tại em là cô bé có gương mặt hồn nhiên, trong sáng, thánh thiện, nói tóm lại là một… gương mặt thiên thần!

Nghe Quý ròm hăm hở tuôn một tràng, nhỏ Diệp cười khúc khích:

- Anh trêu em phải không? Em giống con ma lem thì có!

- Bậy nào! Em đừng đánh giá mình thấp như thế chứ! – Quý ròm nói giọng phật ý – Em biết không, khi nãy lúc anh gặp bác bảo vệ để hỏi chuyện thằng Mười, bác ấy chẳng tin anh tẹo nào hết á. Cặp mắt bác ấy lúc nào cũng lộ vẻ ngờ vực, bác ấy nhìn anh cứ như thằng ăn cắp ấy. Nhưng đến lúc trông thấy… gương mặt thiên thần của em ở bên ngoài cổng rào, bác ấy liền hào hứng khai tuốt tuồn tuột mọi chuyện…

- Tuốt tuột đâu mà tuốt tuột! - Nhỏ Diệp đấm tay lên lưng Quý ròm - Vừa rồi anh bảo bác ấy chẳng chịu nói gì hết, khi anh quay lưng đi mới nghe bác ấy lẩm bẩm mà. Bộ anh quên rồi sao?

- Ờ, tao quên! – Quý ròm cười giả lả, chống chế - Lúc này tao hay quên ghê! Chắc tao… già rồi!

Nó hít vô một hơi, phớt lờ tiếng cười hí hí của nhỏ em sau lưng:

- Nhưng dù là lẩm bẩm bác ấy cũng lẩm bẩm tuốt tuột, mày hiểu không?

- Tức là bác ấy cố tình lẩm bẩm hả?

- Ờ. Nác ấy đã lờ làm ra vẻ không biết gì về chuyện thằng Mười nên không thể quay ngoắt 1800 được. Thế là bác ấy vờ buột miệng lẩm bẩm, cố ý để tao nghe thấy…

Nhỏ Diệp không thắc mắc nữa. Quý ròm mừng rơn khi thấy nhỏ em đột nhiên ngoan ngoãn hẳn. Chỉ khi gần về đến nhà, nhỏ Diệp mới chép miệng cảm khái:

- Chắc anh già thật rồi.

Quý ròm giật thót:

- Mày nói sao?

- Anh chẳng nói dạo này anh hay quên là gì?

- Ở… ờ…

Nhỏ Diệp nhắc:

- Vụ anh chỉ em làm toán đó.

- Con nhóc này! – Quý ròm hừ mũi – Sao mày không nhờ anh Vũ chỉ cho?

- Em nhờ rồi.

- Thế anh Vũ nói sao?

- Ảnh nói "Con nhóc này! Sao mày không nhờ anh Quý chỉ cho!"

--------------------------

Nhỏ Hạnh và TIểu Long tròn xoe mắt khi nghe Quý ròm kể lại chuyến đi điều tra của mình.

Tiểu Long quẹt mũi lịa lịa:

- Thế những gì thằng Mười viết trong bài làm đều là chuyện thật hả mày?

Quý ròm lừ mắt:

- Bộ mày không nghĩ ra câu hỏi nào có ý nghĩa hơn hả mập?

Tiểu Long không giận, chỉ tặc lưỡi:

- Lạ quá há!

- Chẳng có gì lạ hết! – Quý ròm triết lý - Cuộc đời là vậy, luôn dành cho ta những bất ngờ!

Quý ròm đưa tay sờ cằm, tiếc hùi hụi là cằm nó chẳng có sợi râu nào hết.

- Ờ, bất ngờ thật đấy! - Nhỏ Hạnh cắm môi - Hạnh không nghĩ bạn Mười lại đem chuyện bí mặt của mình viết vô bài làm.

- Tôi đã nói rồi mà! – Quý ròm vênh váo nhìn nhỏ bạn - Thằng Mười là đứa có trí tưởng tượng nghèo nàn nên nó đành phải lấy chuyện thật ra viết. Đơn giản vậy thôi!

Nhỏ Hạnh lắc mái tóc:

- Ờ, bây giờ thì Hạnh tin rồi.

Tiểu Long đột ngột hỏi:

- Tin rồi thì làm gì nữa hả ròm?

Quý ròm ngớ ra trước thắc mắc của bạn:

- Làm gì nữa hả? Ờ… ờ… tao cũng chẳng biết nữa.

Nó đưa tay vò đầu:

- Thực ra tao mò đến trường Thống Nhất hỏi han chẳng qua vì muốn chứng minh cho mày và nhỏ Hạnh thấy tao không phải là đứa suy luận vớ vẩn thôi.

Nhỏ Hạnh nheo mắt:

- Thế Quý không muốn tìm hiểu xem vị ân nhân bí mật của mẹ con bạn Mười là ai à?

- Có gì đâu mà tìm với hiểu! – Quý ròm nhún vai – Ai chẳng biết người đó là ba nó!

- Sao mày biết đó là ba thằng Mười? – Tiểu Long ngạc nhiên lên. Nó nhíu mày, đập tay lên trán rồi đập thêm cái nữa, cuối cùng gục gặc đầu lẩm bẩm - Ờ, mà người đó là ba nó chứ ai!

Quý ròm vỗ vai Tiểu Long, khoái chí:

- Bữa nay tao thấy mày thông minh đó, mập!

- Thông minh gì đâu... – Đang lỏn lẻn, Tiểu Long thình lình giương mắt ếch - Ủa, nếu người đó là ba thằng Mười tại sao nó viết trong bài làm là mẹ con nó không biết người đó là ai?

- Khổ mày ghê! – Câu vặn vẹo của Tiểu Long làm Quý ròm nhăn hí, nó nhìn thằng này bằng ánh mắt nó vẫn nhìn con Tai To nhà nhỏ Hạnh mỗi khi con cún này ị bậy – Tao mới khen mày thông minh, mày đã chứng minh ngược lại liền là sao hả?

Tiểu Long ngơ ngác:

- Tao hỏi vậy không đúng sao?

- Đúng sao được mà đúng! – Quý ròm vung tay, hùng hổ - Mày nghe tao hỏi nè! Nếu thằng Mười nói huỵch toẹt người đàn ông bí mật kia chính là ba nó thì câu chuyện của nó có đáng gọi là "kỳ lạ" không hả?

- Ờ... ờ...

Tiểu Long lúng túng chà tay lên mũi, chưa kịp nghĩ ra như thế là "kỳ lạ" hay "không kỳ lạ", Quý ròm đã gắt:

- "Ờ, ờ" cái gì! Ba cho con tiền ăn học thì "kỳ lạ" gì chứ!

- Ờ, không kỳ lạ! – Tiểu Long lật đật gật đầu, không rõ vì câu nói của thằng ròm hay vì giọng điệu cáu kỉnh của thằng này.

- Thầy Phú bảo viết về "một ngày kỳ lạ" mà thằng Mười viết truyện "không kỳ lạ" thì nó có bị dê-rô không hả?

- Ờ... ờ... dê-rô! – Tiểu Long lại gật đầu như máy, bụng nghĩ thầm: Dê-rô sao được mà dê-rô! Bét lắm nó cũng được điểm hai, điểm ba! Xưa nay chỉ có đứa nào bỏ giấy trắng thầy Phú mới cho dê-rô thôi!

Quý ròm đâu có khả năng đi guốc trong bụng Tiểu Long. Thấy thằng này nói đâu gật đó, nó toét miệng cười sung sướng:

- Như vậy là mày hiểu rồi đó. Vị ân nhân kia chính là ba nó, nhưng nó vờ ra vẻ không biết là ai để cho bài làm của nó được điểm cao thôi!

Tiểu Long chỉ không đồng ý với Quý ròm vụ "dê-rô", chứ chuyện Quý ròm bảo người đàn ông kia chính là ba thằng Mười thì nó tin ngay. Cứ vài tháng lại gửi tiền cho thằng Mười đóng học phí và mua sắm quần áo sách vở, chỉ có cha con mới quan tâm lo lắng như vậy thôi.

- Thế nhỡ người đó là chú nó, bác nó hay cậu nó thì sao? – Nhỏ Hạnh thình lình hỏi.

Sự vặn vẹo của nhỏ Hạnh làm Quý ròm bực mình:

- Chú nó, bác nó, cậu nó đâu có điên! Muốn giúp đỡ mẹ con thằng Mười thì họ đem tiền đến tận nhà trao tận tay chứ việc gì phải úp úp mở mở như thế.

- Đúng là ba nó rồi, Hạnh ơi! – Tiểu Long hùa theo Quý ròm.

Nhỏ Hạnh nguýt thằng mập qua khóe mắt:

- Long hay quá há! Nếu là ba bạn Mười thì bác ấy càng không cần phải lén lút...

- Nhức đầu thiệt à nha! – Tiểu Long chỉ hai tay lên thái dương – Hết thằng ròm lại đến nhỏ Hạnh nổi máu thám tử. Chác tôi phải xuống Vũng Tàu triệu tập thằng nhóc Mạnh lên đây để nhập bọn quá à.

Quý ròm cao giọng:

- Ba thằng Mười đi lấy vợ khác, vì vậy bác ấy không dám giáp mặt mẹ con thằng Mười. Lý do quá đơn giản mà!

Nó nhìn nhỏ Hạnh, cười hì hì:

- Tại Hạnh còn nhỏ nên Hạnh chưa hiểu thôi!

- Xì. – Nhỏ Hạnh cong môi – Quý làm như Quý lớn lắm ấy!

Cho tới lúc đó nhỏ Hạnh vẫn nghi ngở điều mà Quý ròm và Tiểu Long cho là đương nhiên. Nó cảm thấy nếu muốn giúp đỡ con trai, ba thằng Mười đâu có nhất thiết phải hành động bí mật như vậy. Nhưng đến ngày hôm sau, nhỏ Hạnh buộc phải thừa nhận Quý ròm và Tiểu Long nói đúng.

Hôm đó, cô Bé Ba phân nhỏ Hạnh và thằng Mười vào chung một nhóm trong giờ tin học. Người đông, máy ít, bao giờ đến tiết thực hành, phòng máy của nhà trường bao giờ cũng vang lên những tiếng giành nhau chí chóe. Hai đứa một máy và đứa nào cũng muốn mình là người đầu iên ngồi vô máy nên khung cảnh trông bát nháo như một cái chợ và lần nào cô Bé Ba cũng hò hét đến khô cả cổ mới dẹp yên được đám tiểu quỷ.

Trước đây, nhỏ Hạnh chưa bao giờ học chung máy với Mười. Nên nó ngạc nhiên quá. Tại thằng Mười không thèm giành máy với nó như những đứa khác. Thằng Mười thờ ơ nói:

- Hạnh cứ dùng máy trước đi!

Mười ngồi ngoan ngoãn bên cạnh, không những không giục bạn mà còn chỉ tay vô màn hình, leo lẻo mách nước cho nhỏ Hạnh:

- Đây là font chữ Unicode. Muốn đổi sang font VNI, Hạnh phải nhấn tổ hợp phím Ctrl+Shift+F6.

- Muốn dấu thanh ở đầu dòng không bị rơi xuống, Hạnh phải vô AutoCorrect bỏ dòng tùy chọn thứ hai.

Nhỏ Hạnh tròn mắt nhìn Mười, không hiểu thằng này làm sao biết được những thủ thuật đó khi mà hôm nay lớp tụi nó mới bắt đầu học bài Làm quen với Word.

Thằng Mười cảm thấy nhột nhạt khi nhỏ Hạnh nhìn mình chằm chằm. Nó giải thích với vẻ bãn lẽn:

- Tôi học qua bài này rồi.

Nhỏ Hạnh đẩy gọng kính trên sống mũi, mỉm cười:

- Chắc Mười đi học thêm ở các lớp tin học?

- Ờ. Tôi vọc máy suốt ngày mà. – Thằng Mười gật đầu, vẻ thân thiện của nhỏ bạn khiến nó quên ngay ngượng ngập, thậm chí nó còn cao hứng khoe – Hồi đầu năm học ba tôi mua cho tôi một cái computer xịn lắm.

- Ba Mười rành máy tính quá há?

- Ba tôi chỉ cho tiền thôi. – Mười vui vẻ - Tôi nhờ thằng bạn thân hồi cấp hai dẫn đi mua.

Thằng Mười thao thao, quên bẵng nó đang xì ra những gì nó giấu giếm bấy lâu nay. Nó chỉ giật mình khi nhỏ Hạnh ngó sững nó:

- Ủa, ba Mười không còn ở chung với mẹ con Mười nữa mà.

- Sao Hạnh biết?

Tới lượt thằng Mười nhìn sững nhỏ Hạnh. Thấy vẻ cảnh giác ánh lên trong mắt thằng này, nhỏ Hạnh không dám nói nó vừa dò hỏi nơi nhỏ Minh Trung.

- À, chuyện này thì Hạnh nghe bạn Quý nói.

Hôm trước thằng Mười có hớ hênh để lộ chuyện gia đình nó cho Quý ròm nghe thật.

- Ra vậy! – Mười gục gặc đầu, trán từ từ dãn ra.

Nhưng mới dãn ra sơ sơ, trán nó đã nhăn tít trở lại. Tại nhỏ Hạnh quyết không bỏ lỡ thời cơ, vội vàng hỏi tiếp:

- Thế ra ba của Mười vẫn hay cho tiền Mười?

- Ờ... ờ...

Thằng Mười đang ấp úng, nhỏ Hạnh hỏi "dộp" luôn:

- Vậy người đàn ông vẫn nhờ bác bảo vệ chuyển tiền cho Mười là ba Mười, đúng không?

- Ờ... ờ...

Thằng Mười lại "ờ, ờ", cái cách "chất vấn" dồn dập của nhỏ bạn làm nó đột ngột mất tập trung.

Đến khi nó choàng tỉnh, đang loay hoay chưa biết phản ứng thế nào, nhỏ Hạnh đã nhoẻn miệng cười:

- Ba Mười thương Mười ghê há!

Nhận xét của nhỏ bạn vô tình chạm vào nỗi buồn sâu kín trong trái tim thằng Mười. Lòng chùng xuống, trong một thoáng Mười không muốn gân cổ phủ nhận chuyện ba nó gửi tiền cho nó nữa.

- Ờ. – Nó thở dài – Ba tôi rất thương tôi.

Nhỏ Hạnh tặc lưỡi cảm khái:

- Cha mẹ nào mà chẳng thương con!

Tự nhiên Mười nói:

- Ba tôi thương tôi hơn mẹ tôi.

Như chưa hết bức xúc, nó lại khụt khịt:

- Chuyện ăn học, mua sắm của tôi, toàn ba tôi lo hết.

Nhỏ Hạnh có vẻ ngỡ ngàng trước thú nhận đột ngột của Mười, nhưng nó không nói gì. Nó chỉ không hiểu tại sao thằng này lại tâm sự chuyện đó với nó. Có lẽ Mười ít bạn, chuyện riêng tư lại không thể chia sẻ với ai, hôm nay mình vô tình gợi đến đề tài này nên nó ấm ức cởi lòng ra đó thôi! Nhỏ Hạnh thầm nhủ và đưa mắt liếc Mười, thấy thằng này dường như đang nhận ra vừa rồi nó không làm chủ được bản thân. Mặt nó ửng đó và hai tay nó lóng ngóng chà lên mép bàn, như thể làm vậy thì sẽ chùi sạch những gì nó vừa thốt ra trong cơn kích động.
 
Chương 7



Thằng Mười vô cùng hãnh diện khi nhỏ Hạnh, Quý ròm và Tiểu Long kéo nhau đến nhà nó chơi, nhất là kéo đến với mục đích chiêm ngưỡng cái computer của nó.

Hôm trước, thấy Mười lộ vẻ bối rối khi lỡ lời tâm sự chuyện gia đình, nhỏ Hạnh khéo léo lái câu chuyện ra xa đề tài tế nhị này bằng cách hỏi thăm về cái computer của Mười. Thế là thằng Mười bỗng chốc hóa thành con người khác. Mặt rạng ra, nó toét miệng khoe không ngớt cái máy của nó, nào là bộ nhớ bao nhiêu "mê", ổ cứng bao nhiêu "ghi", cặp loa bao nhiêu "oát"...

Nhỏ Hạnh sợ thằng Mười cụt hứng, cứ luôn miệng "ối chà" làm thằng Mười nở từng khúc ruột. Cuối cùng, thấy quảng cáo bằng miệng không đủ, nó sốt sắng rủ nhỏ Hạnh đến nhà nó chơi để tận mắt xem cái máy.

- Hạnh rủ Quý và Long nữa nha! – Nhỏ Hạnh mỉm cười đề nghị.

Thằng Mười biết thừa ba đứa này vốn chơi thân với nhau, gật đầu ngay tút xuỵt:

- Ờ. Cả ba luôn!

Lúc ba đứa vừa đặt chân vào nhà, Mười đã tíu tít khoe với mẹ nó:

- Bạn học của con đó, mẹ.

Tụi nhỏ Hạnh cúi đầu, lễ phép:

- Chào bác ạ.

Mẹ thằng Mười là một phụ nữ nom hiền hậu. Bà nhìn đám bạn của con, niềm nở:

- Vào nhà chơi đi, các cháu.

Mười tiếp tục khoe bạn:

- Bạn Hạnh là lớp phó học tập đó, mẹ. Còn bạn Quý là "thần đồng toán" trường con.

Nó chỉ Tiểu Long, ấp úng:

- Còn bạn Tiểu Long là...

Tiểu Long học tập chẳng có gì xuất sắc nên thằng Mười cứ "là, là" cả buổi. Tiểu Long đành nhe răng cười, đỡ lời:

- Dạ, con là bạn của lớp phó học tập và "thần đồng toán" ạ.

Không biết có nghe rõ câu pha trò của Tiểu Long không mà mẹ thằng Mười long lanh mắt, vui vẻ:

- Các cháu giỏi quá! Mười chơi với các cháu thế nào cũng học được nhiều điều hay!

Vẻ mừng rỡ trên nét mặt mẹ thằng Mười và cái cách bà nhìn thằng con âu yếm khiến nhỏ Hạnh ngạc nhiên khi nhớ lời thằng Mười bữa trước. Mười bảo mẹ nó không thương nó bằng ba nó. Nhưng theo sự cảm nhận của nhỏ Hạnh thì có lẽ bà thương con không kém gì các bà mẹ khác trên đời.

Mười kéo ba đứa bạn vào phòng riêng của nó:

- Vô đây chơi!

Phòng học của Mười khá rộng, sáng sủa nhưng hơi bề bộn. Một chiếc gi.ường ngủ kê sát cửa sổ. Kế gi.ường ngủ là bàn học ngổn ngang tập vở, cạnh đó là bàn đặt computer cũng bừa bãi không kém với bút thước, giấy vở, mấy cọng dây thun, kim kẹp, kẹo cao su bày vương vãi.

Mười gạt các thứ linh tinh sang một bên, thò tay khởi động máy, mở các thông số ra khoe.

Khoe một hồi, nó mở nhạc cho mấy đứa bạn nghe.

- Mày tải nhạc trên mạng xuống à? – Quý ròm hỏi.

- Không. – Mười lắc đầu – Tao chép từ đĩa.

- Sao mày không vô các trang web âm nhạc tải xuống? Trong đó có đủ loại nhạc hết.

- Máy tao chưa nối mạng. – Mười chép miệng – Tao chơi game hay "chát chít" toàn phải ta tiệm nét gần nhà.

Nhỏ Hạnh đẩy gọng kính trên sống mũi:

- Sao Mười không nói với ba Mười? Ba Mười thương Mười lắm mà.

Mười chưa kịp đáp, mẹ nó đã bước vô phòng.

- Chào bác ạ. – Tụi Quý ròm rập ràng.

- Cứ tự nhiên đi, các cháu! – Mẹ thằng Mười nói, rồi bà quay sang thằng con – Con định xin tiền ba con làm gì hả con?

- Bạn Mười định gắn internet đó, bác. – Tiểu Long hớt lẻo.

- Gắn internet là sao hả mấy cháu?

Thế là tụi Quý ròm xúm vào quảng cáo giùm cho thằng Mười về công dụng và lợi ích của internet. Tụi nó phớt lờ vụ game ghiếc, chỉ khoe nhặng về các tiện ích mà bất cứ bậc làm cha làm mẹ nào cũng phải xuýt xoa "hay quá há tụi con!". Mẹ thằng Mười cũng thế. Nghe nói gắn internet có thể ngồi nhà học ngoại ngữ, mua đồ qua mạng, trò chuyện với người thân ở xa, bà cứ tấm tắc mãi.

Bà nhìn nhỏ Hạnh:

- Gắn cái này có tốn nhiều tiền không hả tụi cháu?

- Chừng một triệu à, thưa bác. – Quý ròm nhanh nhẩu – Có khi bữa nay còn rẻ hơn. Tại người ta đang đua nhau khuyến mãi mà.

Mẹ thằng Mười quay sang con trai:

- Vậy con viết thư xin ba đi con!

Thằng Mười cũng muốn gắn internet từ lâu rồi nhưng nó ngại. Nó sợ mẹ nó la xin tiền ba gì mà xin hoài. Bây giờ nghe mẹ nó nói vậy, Mười nôn nao quá:

- Dạ, thôi khỏi thư từ. Để tối nay con qua thăm ba.

Mười sướng quá. Nó không ngờ rủ tụi nhỏ Hạnh về nhà chơi lại "thu hoạch" được cái lợi lớn đến thế. Từ lúc đó cho đến khi tụi ban nó ra về, Mười cứ luôn miệng rối rít "Tụi mày tốt quá!", "Tụi mày hay ghê!" đến mức Quý ròm bực mình:

- Bạn tốt có gì lạ đâu mà mày nói hoài thế? Bộ trước giờ mày chơi toàn bạn xấu không hả Mười?

-----------------------------

- Quý và Long thấy gì lạ không? – Nhỏ Hạnh hỏi, trên đường về.

- Thấy. – Quý ròm đáp.

- Chuyện gì lạ?

- Câu hỏi của Hạnh đó. – Quý ròm nhăn mặt – Hỏi mà không ai biết Hạnh hỏi gì!

- Hạnh không giỡm với Quý nha.

- Tôi cũng đâu có giỡn. Hạnh hỏi vậy ai biết đường đâu mà trả lời.

Tiểu Long khụt khịt mũi:

- Hạnh muốn hỏi về những chuyện xảy ra trong nhà thằng Mười phải không?

Nhỏ Hạnh cười khúc khích:

- Không ngờ Long lại thông minh hơn Quý. Thế mà trước nay Hạnh cứ nghị ngược lại. Thật là sai lầm!

- Vậy bây giờ Hạnh sửa chữa sai lầm đi! – Quý ròm hừ giọng, ra vẻ giận dỗi.

- Được thôi! – Hạnh quay sang Tiểu Long – Thế Long có phát giác ra điều gì lạ lùng không?

- Chuyện lạ lùng hả? – Tiểu Long nhíu mày – Có gì lạ lùng đâu ta!

Nhỏ Hạnh nhìn bạn, khuyến khích:

- Long cố nghĩ thử xem:

Tiểu Long suy nghĩ thêm một lát, rồi nhè nhẹ thở ra:

- Chịu, Tôi thấy nhà thằng Mười có gì khác lạ so với nhà người ta đâu!

Nhỏ Hạnh chớp mắt hỏi:

- Theo Long, nhà bạn Mười có nghèo không?

- Nghèo gì mà nghèo! – Tiểu Long nhảy nhổm trên yên xe – Tivi, tủ lạnh, máy giặt, nhà nó có thiếu thứ gì đâu. Phòng riêng của nó còn lớn hơn và đẹp hơn phòng học của Hạnh nữa.

- Thế sao trong bài văn hôm nọ, Mười nói là nhà nó lâm vào cảnh túng bấn đến mức nó định bỏ học?

Tiểu Long ngẩn ra:

- Ờ há! Nếu thế thì lạ thật!

- Lạ gì mà lạ! – Quý ròm hắng giọng – Hồi trước nhà nó nghèo, gần đây nhà nó khá lên không được sao!

- Ờ há! – Tiểu Long ngẩn ra lần thứ hai – Nếu thế thì không lạ.

Nhỏ Hạnh nhún vai:

- Nếu như Quý nói đúng thì sự lạ nằm ở chỗ này: Tại sao nhà Mười đã khá giả rồi mà khi cần mua sắm thứ gì Mười toàn phải xin tiền ba nó?

Tiểu Long đầu quay như chong chóng. Hai đứa bạn nó mỗi đứa mỗi phách, khổ nỗi đứa nào nói nó cũng thấy đúng. Nó đang định "ờ há" lần thứ ba thì Quý ròm đã cướp lời:

- Vậy mà cũng hỏi. Tại ba nó rộng rãi hơn mẹ nó chứ có gì đâu!

Nó tặc lưỡi:

- Nhà ai mà chẳng vậy. Giữa ba và mẹ nó, bao giờ cũng có một người dễ dãi và một người khó tính. Tụi mình cũng vậy thôi, mỗi khi cần tiền tụi mình cũng lựa người mà xin, đúng không nào?

- Ờ... ờ... đúng.

Bị hỏi thình lình, Tiểu Long bối rối hùa theo. Hiển nhiên là nó thấy thằng ròm nói đúng, mặc dù từ xưa đến nay so với Quý ròm và nhỏ Hạnh nó là đứa ít khi xin tiền ba mẹ.

Tới đây thì nhỏ Hạnh không cật vấn nữa. Cũng như Tiểu Long, nó thấy những lý do Quý ròm nêu ra hoàn toàn xác đáng. Nhưng không hiểu sao, trong thâm tâm nhỏ Hạnh cứ cảm thấy ngờ ngợ. Lý lẽ của Quý ròm đúng là khó bắt bẻ, nhưng dù sao đó cũng chỉ là những giả định. Thực tế có diễn ra như Quý ròm suy luận hay không là chuyện khác.

Nhỏ Hạnh lặng lẽ đạp xe, đầu nghĩ ngợi miên man: Ba thằng Mười bây giờ đã có gia đình khác, cho nên rất khó hiểu cái chuyện mẹ nó việc gì cũng nhất nhất bảo nó viết thư xin tiền ba nó trong khi bà thừa sức lo liệu. Tại sao bà làm vậy? Bà là con người keo kiệt hay bà muốn người chồng phải chia sẻ trách nhiệm nuôi con? Những người vợ trong hoàn cảnh của bà có phải ai cũng làm như thế không ?

Quý ròm chạy một quãng, thấy nhỏ Hạnh mặt mày đăm chiêu không nói không rằng, liền ngoác miệng trêu:

- Thôi đi, Hạnh ơi! Làm thám tử làm gì cho mau già, tôi thấy Hạnh tiếp tục muôi ý định trở thành chủ tiệm hủ tiếu bò viên là hay nhất đó!

Lần đầu bị Quý ròm chọc ghẹo mà nhỏ Hạnh không cười. Cũng không phản ứng tẹo nào. Tâm trí nó vẫn đang cột chặt vào câu hỏi: Mình có đẩy trí tưởng tượng đi quá xa không?

Đó là câu hỏi cách đây mấy ngày Quý ròm đã tự hỏi mình khi đối diện với bác bảo vệ trường Thống Nhất.
 
Chương 8



Nhỏ Hạnh phải khó khăn lắm mới dỗ được giấc ngủ. Rất nhiều lần nó muốn gạt ra khỏi đầu óc những thắc mắc vẩn vơ để thanh thản chợp mắt nhưng ngay lập tức nó nhận ra càng muốn quên điều gì thì con người ta càng nghĩ mãi về điều đó.

Hồi chiều nghe Mười bảo lát tối nó sẽ đi gặp ba nó để xin tiền, nhỏ Hạnh đã định rủ Quý ròm tới nấp trước nhà Mười, chờ thằng này dắt xe ra hai đứa sẽ bí mật bám theo. Nhưng thấy thằng ròm chẳng hào hứng gì chuyện này, lại luôn miệng trêu mình, nhỏ Hạnh nín thinh luôn. Hơn nữa, chính nó cũng nghi ngờ những nghi ngờ của mình. Nó thấy mọi thứ sao mà mơ hồ quá. Có thể cuộc đời đơn giản hơn nó tưởng và câu chuyện trong thực tế không hề vô lý như nó tưởng.

Sáng hôm sau, nhỏ Hạnh đến trường sớm hơn thường lệ.

Nhỏ Hạnh nôn nóng muốn gặp Mười để hỏi xem ba nó có cho tiền nó không.

Thằng Mười chưa đến. Nhưng Quý ròm và Tiểu Long đã ngồi đợi sẵn trên băng ghế ở góc sân.

Nhỏ Hạnh tròn xoe mắt khi thấy tụi bạn. Tiểu Long và Quý ròm có mặt ở trường vào giờ này cũng kỳ lạ chẳng kém gì mặt trời mọc lúc nửa đêm.

- Quý và Long tính giở trò gì mà giờ này đã có mặt ở trường rồi? – Nhỏ Hạnh ôm cặp tiến lại, ngạc nhiên hỏi.

Quý ròm cười khì khì:

- Tụi này ngồi đợi Hạnh chứ giở trò gì!

- Ngồi đợi Hạnh? – Nhỏ Hạnh nheo mắt ngờ vực hỏi – Đợi chi vậy?

Quý ròm vuốt tóc:

- Kể Hạnh nghe chuyện này.

Nhỏ Hạnh ngồi xuống mép ghế, nôn nao:

- Chuyện gì bí ẩn quá vậy?

Quý ròm hắng giọng, chậm rãi:

- Chiều hôm qua, tôi đạp xe qua nhà Tiểu Long.

Nhỏ Hạnh trề môi:

- Kệ Quý!

Quý ròm vẫn tỉnh bơ, tiếp:

- Sau đó Tiểu Long chở tôi tới nhà thằng Mười.

- Long và Quý quay lại đó làm gì? – Nhỏ Hạnh ngơ ngác – Bộ chiều hôm qua mấy bạn bỏ quên thứ gì hả?

Tiểu Long nuốt nước bọt:

- Tụi này quay lại nhưng không vô nhà.

- Hạnh biết rồi. – Nhỏ Hạnh sáng sắt lên – Ra là vậy!

Tiểu Long cau mày:

- Hạnh biết gì?

Nhỏ Hạnh nhún vai:

- Long và Quý bám theo Mười tới nhà ba nó chứ gì?

Cả mắt lẫn miệng Tiểu Long lập tức vẽ thành hình chữ O:

- Sao Hạnh biết được?

- Thì chiều hôm qua Hạnh đã nghĩ đến chuyện đó rồi. – Nhỏ Hạnh đẩy gọng kính trên sống mũi, tủm tỉm – Nhưng thấy Long và Quý không tin Hạnh nên Hạnh làm thinh luôn.

Quý ròm xộc tay lên tóc:

- Nhưng khi về đến nhà thì tôi cảm thấy những thắc mắc của Hạnh không phải là không có lý. Thế là tôi chạy qua rủ thằng mập...

Nhỏ Hạnh nheo mắt:

- Sao Quý không rủ Hạnh?

Quý ròm cười:

- Hạnh là tiểu thư. Để cho Hạnh ngủ.

Quý ròm trả lời bông phèn. Nhưng nhỏ Hạnh không buồn hỏi nữa. Nó hiểu tâm trạng của bạn nó. Chiều hôm qua Quý ròm không những không tin các suy luận của nhỏ Hạnh, còn ngoác mồm chế giễu. Cho nên nó không muốn nhỏ Hạnh thấy nó xoay chuyển ý nghĩ nhanh như vậy.

Chỉ sau khi thám thính có kết quả, Quý ròm mới ngượng ngập thú nhận.

- Kết quả ra sao hở Quý? – Nhỏ Hạnh ý tứ hỏi, cố tình để Quý ròm khoe công trạng.

- Ối trời! – Như chỉ đợi có vậy, Quý ròm ngửa mặt lên trời – Gian khổ cực kỳ!

- Gì mà gian khổ?

- Nhà ba thằng Mười nuôi bốn, năm con chó béc giê. Con nào con nấy to như con voi. Tụi này mới lấp ló ngoài hàng rào, chúng đã xồ ra sủa váng cả óc!

Quý ròm vừa kể vừa đưa tay bịt tai để minh họa cho nhỏ bạn thấy tụi nó đã trải qua những giây phút căng thằng như thế nào. Nhưng thằng Tiểu Long thật thà bất ngờ làm Quý ròm cụt hứng:

- Bốn, năm con đâu mà bốn, năm con! Có hai con à!

- Ờ thì hai con! Nhưng hai con hay bốn, năm con cũng đâu có gì khác nhau! – Quý ròm nói bừa – Cũng là số nhiều thôi mà!

Tiểu Long lại nói:

- Nhưng hai con chó đó không phải là chó béc giê. Chỉ là hai con chó phốc nhỏ xíu à.

Lần này Quý ròm chưa kịp chống chế, nhỏ Hạnh đã vọt miệng nạt Tiểu Long:

- Sao Long lại nói vậy! Chó phốc nhỏ như con chuột hay chó béc giê to như con voi cũng đâu có gì khác nhau! Cũng là chó thôi mà!

Trong khi Tiểu Long cười hí hí thì Quý ròm trợn mắt nhìn nhỏ Hạnh:

- Hạnh có muốn nghe tiếp không vậy? Cứ kê tủ đứng vô miệng tôi hoài làm sao tôi kể!

- Ờ, Quý kể tiếp đi! – Nhỏ Hạnh cố nín cười – Nhưng đừng kể chuyện chó nữa.

Quý ròm chép miệng:

- Thực ra thì hai con chó đó có chạy ra, nhưng chạy ra để vẫy đuôi chứ không sủa. Tụi này đứng bên ngoài quan sát, chỉ nhìn thấy ba thằng Mười lúc ông đi ra mở cửa cho nó, còn sau đó hổng thấy gì rõ rệt hết vì thằng Mười và ba nó ngồi khuất sau bức vách. Nhưng tiếng ba nó than thở thì tụi này nghe rất rõ.

Nhỏ Hạnh nhíu mày:

- Ba nó than thở sao?

- Ba nó than ghê lắm! – Tiểu Long hăng hái đáp thay Quý ròm – Tôi nghe tiếng ba thằng Mười nói như rên rỉ "Ba dạo này làm gì có tiền mà con xin hoài vậy hả con?"

Lòng nhỏ Hạnh tự nhiên chùng xuống. Nó nhìn hai bạn, giọng buồn bã:

- Vậy là Mười thất bại rồi.

Nó ngoái đầu nhìn ra cổng trường, tặc lưỡi:

- Sao Mười nói với Hạnh là ba nó rất thương nó. Thương nó còn hơn mẹ nó nữa.

Tiểu Long gãi gáy:

- Hổng lẽ nó nói xạo?

Quý ròm bỗng xuỵt khẽ:

- Nó tới kìa!

Thằng Mười dắt xe qua cổng, đun đầu xe vô bãi gửi rồi lơn tơn ôm cặp đi ra, không biết tụi Quý ròm đang quan sát nó.

- Ê, ròm! – Tiểu Long khịt mũi – Tao thấy nó chẳng buồn chút nào hết. Lạ quá hén mày?

Nhỏ Hạnh cắn môi:

- Ờ, lạ thật đó, Quý! Trông bộ tịch tưởng như ba nó vừa cho nó cả đống vàng.

Quý ròm xoa tay:

- Để tôi kêu nó lại xem.

Nói xong, nó đứng bật lên khỏi chỗ, gân cổ hét tướng:

- Mười!

Mười quay mặt về phía tiếng kêu, toét miệng ra cười khi thấy tụi Quý ròm ngồi dồn cục trên băng ghế và đang thô lố mắt ra nhìn nó.

Đợi Mười lại gần, Quý ròm ngoẹo đầu hỏi:

- Tối hôm qua mày có đến nhà ba mày không vậy?

- Có.

- Có à. – Quý ròm nặn ra vẻ mặt tòm mò – Thế ba mày có nhà không?

- Có.

Trong khi Quý ròm gạn hỏi, Tiểu Long và nhỏ Hạnh dán mắt vào mặt thằng Mười dò xét, ngạc nhiên thấy thằng này chẳng lộ vẻ gì rầu rĩ. Mọi bộ phận trên cơ thể nó, từ mắt, miệng, đôi môi, mái tóc đến bàn tay, cánh tay đều tương tắn, chẳng có vẻ gì của một đứa bị ba từ chối cho tiền cả.

Quý ròm chắc cũng đang nhận thấy thế nên nó bắt đầu thận trọng hơn trong lúc đặt câu hỏi:

- Ừm... ừm... thế mày có hỏi xin tiền ba mày chứ?

- Dĩ nhiên rồi. – Mười liếm môi – Tụi mày cũng biết tao ghé ba tao là để xin tiền gắn internet mà.

Quý ròm chậm rãi xoáy mắt quanh gương mặt thằng Mười, như muốn dùng tia nhìn để quét sạch khả năng nói dối của thằng này trước khi hỏi câu quyết định:

- Thế ba mày có cho tiền mày không?

Cả Tiểu Long và nhỏ Hạnh cũng đột ngột bất động trên băng ghế, nín thở rình nghe câu trả lời của Mười.

Và cả ba đứa đều không kềm được sửng sốt khi nghe thằng Mười hí hửng đáp:

- Có chứ.

Nó còn vui vẻ khoe:

- Lần nào tao xin tiền ba tao xũng cho tao hết á.

Trong một lúc, Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh đưa mắt nhìn nhau và đứa này đều đọc thấy trong mắt đứa kia câu hỏi giống hệt mình: "Tại sao thằng Mười nói dối tụi mình?"

Thằng Mười không những nói dối, mà còn nói dối siêu đẳng. Quý ròm là bậc thầy nói dối, nhưng mỗi khi phịa chuyện con nhà Quý ròm đều ngước mặt lên trời. Còn thằng Mười nói dối mà không thèm ngó đi đâu, tia nhìn vẫn tỉnh queo rọi thẳng vào mặt người đối diện thì nó đúng là sư phụ của Quý ròm. "Thằng này mà viết sách dạy nói dối chắc bán chạy như tôm tươi!", Quý ròm nhủ bụng, óc xoay tít để nghĩ cách "lật tẩy" Mười. Nó gục gặc đầu, thận trọng giăng bẫy:

- Thế lúc mày tới dì mày có nhà không?

Mười vẫn bình thản:

- Có.

Chỉ đợi có vậy, Quý ròm hớn hở thắt nút thòng lọng:

- Có dì mày ở đó mà ba mày vẫn móc tiền ra cho mày à? Xì, tao cóc tin!

Mười đá vào chân Quý ròm, cười hì hì:

- Mày không biết rồi! Ba tao đâu có đưa tiền cho tao ngay lúc đó!

Nó hấp háy mắt:

- Ba tao có mẹo của ba tao. Không bao giờ tao xin tiền mà ba tao đưa ngay. Ba tao lúc nào cũng than nghèo hết á.

- Ờ. – Nhỏ Hạnh ra vẻ hiểu biết – Ba Mười không muốn làm dì Mười buồn.

Tiểu Long đưa tay quẹt mũi:

- Thế ba mày đưa tiền cho mày vào lúc nào?

- Xưa nay hễ tao viết thư xin ba tao vào hôm trước là thế nào sáng hôm sau tao cũng nhận được tiền. – Mười khịt mũi nói thêm. – Nói chung là mẹ tao không muốn tao đến gặp ba tao. Cần tiền thì tao viết thư, rồi mẹ tao đem ra bưu điện gửi. Chỉ hôm nào nôn nóng quá, tao mới đạp xe qua nhà ba tao.

Tiểu Long nghếch mắt:

- Thế vụ tiền bạc thì sao?

- Sao là sao?

Tiểu Long chép miệng:

- Ba mày tới trường đưa tiền cho mày à?

Câu hỏi của Tiểu Long khiến Mười lúng túng. May cho nó, trong khi có đang lưỡng lự không biết có nên trả lời thắc mắc của thằng mập hay không thì tiếng chuông inh ỏi vang lên.

Lần thức hai, tiếng chuông vào học đã giải thoát Mười khỏi tình huống khó xử.

- Tao xếp hàng vô lớp đây!

Như lần trò chuyện với Quý ròm trước đây, Mười buông gọn một câu rồi hối hả phi thẳng, không để đứa nào kịp níu kéo.

Nhỏ Hạnh đâu có cần níu kéo. Nó chỉ thò tay kéo Tiểu Long và Quý ròm khi hai đứa này dợm bước:

- Gợm đã! Sáng nay ba Mười sẽ đến gặp bác bảo vệ trường để đưa tiền nhờ chuyển cho Mười.

Quý róm gật đầu:

- Tôi biết rồi.

Nhỏ Hạnh nói nhanh:

- Tụi mình cần theo dõi.

- Theo dõi làm gì? – Tiểu Long nhăn nhó – Ba nó sợ dì nó nên chạy tới trường đưa tiền cho nó. Không cần theo dõi mình cũng biết rồi kia mà.

- Long không thấy lạ à? Nếu là ba nó sao ông không trực tiếp đưa tiền cho nó mà phải nhờ bác bảo vệ?

- Nó ngồi trong lớp, làm sao nhận tiền?

- Nếu ba nó muốn đưa tiền tận tay nó thì thiếu gì cách. Ba nó có thể đến trường vào đầu giờ hoặc cuối giờ.

- Ba nó không làm vậy có lẽ vì sợ dì nó bắt gặp – Quý ròm sờ cằm – Sau những lần thằng Mười viết thư hoặc đến nhà xin tiền, biết đâu dì nó không âm thầm theo dõi ba nó. Nhở bác bảo vệ làm trung gian là hay nhất.

Nhỏ Hạnh khăng khăng:

- Vẫn có điều gì đó hơi khác thường trong chuyện này.

- Thế Hạnh muốn là gì? - Quý ròm hừ giọng – Hạnh nên nhớ tôi chỉ xác nhận bảo vệ trường Thống Nhất từng chuyển tiền cho thằng Mười. Còn bảo vệ trường Đức Trì thì tôi không biết à.

- Cũng thế thôi. – Nhỏ Hạnh quả quyết, cái cách nó lắc mái tóc trông còn quả quyết hơn . – Bác bảo vệ trường mình chắc chắn cũng được nhờ làm chuyện đó.

Quý ròm mặt mũi méo xẹo:

- Còn Hạnh thì nhờ mình... nghỉ học sáng nay để theo dõi vụ chuyền tiền?

- Nghỉ học thì không tốt rồi. Nhưng tụi mình không còn cách nào khác.

Nhỏ Hạnh liếc về phía cửa lớp 10A9, sốt ruột:

- Quyết định lẹ lên Quý. Tụi bạn vô lớp hết rồi.

- Được thôi! – Quý ròm thở hắt ra – Tôi và Tiểu Long sẽ chiều theo ý Hạnh.

Nhỏ Hạnh đứng lên:

- Mình sẽ chép bài giùm Quý và Long.

Tiểu Long gãi cổ:

- Cả tôi cũng đi theo thằng ròm hả?

- Thật tôi chưa thấy lớp phó học tập nào lại xúi bạn bè nghỉ học như Hạnh. Chắc vụ này phải dưa vô sách kỷ lục Guiness quá!

Nhìn Quý ròm vừa than vừa dang hai tay, nhỏ Hạnh cười khổ:

- Chuyện bắt đắt dĩ mà. Đâu phải khi nào tụi mình cũng biết được chính xác ngày ba Mười tới trường. Đây là cơ hội tốt nhất để tụi mình tìm hiểu chuyện này.

Tiểu Long ngần ngừ:

- Nhỡ ba nó tới gặp bác bảo vệ vào buổi chiều thì sao? Chắc gì sáng nay bác ấy đã đến trường?

- Tiểu Long! – Quý ròm tằng hắng – Theo như ý Hạnh thì ba thằng Mười không muốn giáp mặt nó. Do đó ông sẽ đến vào buổi sáng, lúc thằng Mười còn kẹt trong lớp học.

Nó kéo tay Tiểu Long, nhưng mắt lại nguýt nhỏ Hạnh:

- Đi thôi! Lớp phó học tập nhớ nghĩ ra lý do vắng mặt cho hai học sinh siêng học này nhé.

- Long và Quý yên tâm đi! Hạnh sẽ nói hai bạn tối hôm qua rủ nhau đi ăn thứ bậy bạ gì đó, sáng nay vừa đến trường đã đau bụng đến ngất xỉu nên đi khám bác sĩ rồi.

Nhỏ Hạnh vừa nói vừa cười. Nhưng Quý ròm không cười, thậm chí mặt nó như bị ai kéo lệch đi:

- Quý nhờ Hạnh nghĩ ra lý do chứ đâu phải nhờ Hạnh trù ẻo tụi này!
 
Chương 9



Lớp trưởng Xuyến Chi không hề nghi ngờ chút nào về lý do vắng mặt bất ngờ của Quý ròm và Tiểu Long. Gì chứ nhức đầu, đau bụng ai mà chả bị. Thỉnh thoảng nó vẫn gặp trường hợp bất khả kháng này. Hơn nữa, Quý ròm và Tiểu Long xưa nay vẫn là học sinh gương mẫu. Lớp phó học tập Hạnh, "nhân chứng" của vụ này, càng gương mẫu hơn.

Xuyến Chi tin như sấm. Chỉ có lớp phó kỷ luật Minh Trung là ngờ ngợ. Giờ ra chơi, nó lại gần nhỏ Hạnh:

- Bạn Quý và bạn Long bị sao thế?

- Đau bụng.

- Đau gì ghê vậy? Đau đến mức nghỉ học cơ à?

- Ờ, đau lắm.

- Hồi sáng mình thấy Quý và Long tươi tỉnh lắm kia mà. – Nhỏ Minh Trung tiếp tục truy vấn, trông nó giống như người say mê đánh lưới, chưa bắt được mẻ cá nào chưa thôi.

Nhỏ Hạnh nhìn bạn, dè dặt:

- Minh Trung nhìn thấy hai bạn đó ở đâu?

- Chẳng phải Quý, Long và Hạnh ngồi đùa giỡn chỗ băng ghế đằng góc sân sao? Tới khi chuông reo vào lớp, mình vẫn thấy ba bạn ngồi ở chỗ đó mà.

- Ờ.

- "Ờ" là sao? Như vậy thì Quý và Long đâu có đau? – Cặp mắt Minh Trung phát ra thứ ánh sáng không thể nhầm của người đang ngờ vực cả thế giới.

- Lúc đó thì không đau. Nhưng ngay sau đó thì đau. Đau đến ngất xỉu luôn! – Nhỏ Hạnh bình tĩnh đáp, hết sức ngạc nhiên về sự nói dối trơn tru của mình.

Nhỏ Hạnh nói kiểu đó, Minh Trung hết đường bắt bẻ. Vì cái thời điểm "ngay sau đó" mà nhỏ Hạnh nói, Minh Trung đã ngồi trong lớp rồi. Nó không nhìn thấy cái cảnh "đau đến ngất xỉu" của Tiểu Long và Quý ròm nếu quả thực cái cảnh đó có xảy ra.

Minh Trung đi, thằng Mười đến.

Mười mở đầu đúng cái câu Minh Trung vừa mở đầu, như thể hai đứa nó học chung một kiểu nhập đề:

- Bạn Quý và bạn Long bị sao thế?

- Đau bụng.

- Đau dữ lắm hả?

Nhỏ Hạnh gật đầu:

- Ờ, đau dữ lắm.

Sợ thằng Mười không tin, nó lật đật nói thêm, nố nén cười khi bắt gặp cảm giác nó đang nói bằng cái miệng dóc tổ của Quý ròm:

- Khi nãy Long và Quý mặt mày tái mét, mồ hôi túa ra khắp người.

Mặt thằng Mười ngẩn ra:

- Lúc nói chuyện với tôi, hai đứa nó còn tươi hơn hớn mà.

- Ờ. Nhưng Mười vừa vô lớp là Quý và Long liền ngã vật xuống ghế.

Thằng Mười không phải là lớp phó kỷ luật. Ngạc nhiên thì nó hỏi thế thôi, chứ không nhiễm thói quen "điều tra" như nhỏ Minh Trung. Thậm chí nó không buồn tự hỏi tại sao những người "mặt mày tái mét", "mồ hôi túa ra khắp người" rồi sau đó "ngã vật xuống ghế" lại có đủ sức đạp xe về nhà trong khi phòng y tế nhà trường gần xịt lại không chịu lết vô. Mười chỉ chép miệng:

- Ngộ quá há.

Lúc thằng Mười nói "ngộ quá há" thì cách chỗ nó đứng chừng một trăm mét Tiểu Long cũng đang nói "ngộ quá há".

Tiểu Long đang cùng Quý ròm ngồi trong quán giải khát cách cổng trường chừng ba mươi mét, tay múc từng muỗng xi rô dâu cho vào miệng và khi Quý ròm cằn nhằn "Tao không hiểu nhỏ Hạnh nghĩ ngợi thế nào mà kêu tao và mày ra đây ngồi" thì Tiểu Long dừng cái muỗng trên không để cái miệng có thì giờ phát biểu cảm tưởng bằng ba tiếng "ngộ quá há".

- "Ngộ" cái đầu mày! – Quý ròm xẳng giọng, nó đang bực mình vì dòm đến mờ cả mắt suốt hai tiếng đồng hồ vẫn chẳng thấy kẻ khả nghi nào mò tới chỗ phòng bảo vệ.

Tiểu Long đưa tay gãi đầu, giọng tỉnh khô:

- Cái đầu tao có gì đâu mà ngộ!

- Dạo này mày đối đáp giỏi quá ha. – Quý ròm lườm bạn – Đối đáp giỏi như thế sao lúc nãy mày không phản đối ý kiến của Hạnh mà lót tót theo tao ra ngồi trơ thổ địa ngoài này?

Tiểu Long rụt cổ:

- Thông thái như mày còn nghe lời Hạnh răm rắp, nói gì tao!

Chẳng thèm dùng ống hút hay dùng muỗng, Quý ròm bưng ly xi rô húp một cái rột, như thể mượn thứ nước dâu ngọt lịm kia nhấn chìm nỗi chán chường trong lòng. Nó đặt ly xuống, khua chân đá Tiểu Long một cái dưới gầm bàn:

- Theo mày, sáng nay ba thằng Mười có sẽ xuất hiện không?

Tiểu Long bối rối đưa tay quẹt mũi:

- Làm sao tao biết được?

- Làm sao để biết được, đó là chuyện của mày. Tao chỉ cần mày trả lời câu hỏi của tao thôi.

Tiểu Long gãi cằm, ngạc nhiên thấy lúc nó chưa gãi cằm thì cằm nó không ngứa nhưng khi nó cào móng tay lên thì cằm lại ngứa quá chừng.

Nó gãi và nghĩ, nghĩ và gãi, cảm thấy mình thích hợp với chuyện gãi hơn là chuyện nghĩ. Nhưng nó biết thế nào nó cũng phải trả lời Quý ròm. Làm thinh là không xong với thằng này.

- Theo tao thì... thì... – Cuối cùng thì Tiểu Long ép mình phải mở miệng, mặc dù ngay cả nó cũng không biết "theo ý nó" thì ba thằng Mười có sẽ đến trường Đức Trí sáng nay không..

- Thì sao? – Tiểu Long quắc mắt.

Tiểu Long nuốt nước bọt:

- Thì... thì...

Tiểu Long tìm cách kéo dài thời gian và trong khi nó thấp thỏm chờ ở miệng Quý ròm một câu nói kháy thì thằng này cả người lẫn ghế đột ngột lạng qua một bên, miệng la hoảng:

- Coi chừng thằng Mười nhìn thấy tụi mình!

Cũng như Quý ròm, Tiểu Long hấp tấp thụt người ra đằng sau chiếc tủ trái cây và lật đật lia mắt về phía cổng trường. Quả nhiên, thằng Mười lúc này đang lượn lờ trước phòng bảo vệ. Nó đang lúi cúi tìm tìm dưới đất, bộ tịch giống như kẻ vừa làm rớt thứ gì đó.

- Nó làm rớt tiền hả mày? – Tiểu Long thắc mắc.

Quý ròm nhún vai:

- Theo tao, nó chẳng làm rớt thứ gì hết.

- Thế nó đang kiếm gì vậy?

Giọng Quý ròm vẫn ráo hoảnh:

- Nó cũng chẳng kiếm cái gì sất.

Câu trả lời của Quý ròm làm Tiểu Long giương mắt ếch:

- Thế...

- Nó chỉ làm bộ thế thôi. – Quý ròm vịn tay lên vai bạn, gật gù giải thích – Nó muốn dò xem ba nó đã gửi tiền ở phòng bảo vệ cho nó chưa đó mà.

- A, tao hiểu rồi. – Tiểu Long reo lên, trông nó sung sướng như thể chính nó phát hiện được nguyên nhân – Nếu ba nó đã gửi tiền, thế nào khi trông thấy nó lảng vảng ở gần đó bác bảo vệ cũng gọi nó lại để đưa tiền.

- Thì vậy. – Quý ròm vuốt tóc.

- Điều đó chứng tỏ nhỏ Hạnh đã suy đoán chính xác. Rõ ràng xưa nay ba nó đều gửi tiền vào buổi sáng.

Thằng Mười vẫn loanh quanh vô vọng trước phòng bảo vệ cho đế khi tiếng chuông vào học vang lên cho biết ba nó vẫn chưa đến trường. Và nếu ba nó chỉ đến vào buổi sáng như nhỏ Hạnh nói thì lát nữa đây chắn chắn ba nó sẽ xuất hiện. Quý ròm nghĩ vậy nên nó chăm chú dán mắt về phía phòng bảo vệ, mặt mày trông còn căng thẳng hơn lúc nãy.

Lần này Quý ròm và Tiểu Long không phải đợi lâu.

Học trò kéo nhau vào lớp chừng hai mươi phút, tụi nó đã thấy một người đàn ông mặc áo phông xanh, cỡi chiếc max đỏ, rề rề chạy tới gọc đường và dừng xe ngay trước cổng.

Quý ròm bấm tay bạn:

- Tới rồi.

Tiểu Long căng mắt nhìn qua bên kia đường, liếm môi hỏi:

- Ba thằng Mười hả?

- Ba nó chứ ai?

Ba thằng Mười không dẫn xe vào trong sân trường. Ông tắt máy, dựng xe bên lề đưởng, bật khóa cổ, rồi vội vã đẩy cổng bước về phía phòng bảo vệ.

Có vẻ như ba thằng Mười và bác bảo vệ đã quen nhau từ trước. Ba thằng Mười tới bên cừa sổ, đưa thứ gì đó cho bác bảo vệ, nói vài câu, gật đầu chào rồi quay trở ra. Hết sức nhanh chóng.

Ở khoảng cách quá xa, Quý ròm và Tiểu Long không trông rõ cái mà ba thằng Mười đưa cho bác bảo vệ là vật gì nhưng tụi nó cũng đoán được đó là tiền.

Tiều Long nhìn Quý ròm:

- Đuổi theo chứ?

- Ờ.

Quý ròm đáp, nó rút tờ hai chục đặt lên bàn, quay về phía chủ quán, kêu lớn:

- Tiền đây nha!

- Nhưng đuổi theo làm gì hở mày? – Tiểu Long chùi tay lên trán, nó đứng dậy theo Quý ròm bước ra cửa vừa thắc mắc – Bây giờ chắc ba thằng Mười sẽ về nhà hoặc tới chỗ làm...

- Tao cũng chẳng hiểu... – Quý ròm tặc lưỡi. Nhưng vừa cầm lấy ghi-đông xe, nhác thấy ba thằng Mười chạy ngang trước mặt, nó đã tái mặt kêu – Đuổi theo mau!

- Gì thế?

Tiểu Long phóc lên yên, ngạc nhiên nhìn bạn.

- Người đàn ông đó không phải là ba thằng Mười!

Buông thõng một câu, Quý ròm nhấn bàn đạp phóng vụt đi. Phát hiện bất ngở của thằng ròm làm Tiểu Long cuống quýt. Nó luýnh quýnh đến suýt làm ngã xe.

Cũng may, người đàn ông trước mặt chạy không nhanh lắm.

Lúc bình thường, Quý ròm yếu như sên, đi đâu cũng nhờ Tiểu Long chở. Mỗi đứa một chiếc, bao giờ cũng thấy nó chạy tuốt phía sau. Vậy mà lúc này nó phóng như tên bắn khiến Tiểu Long phải la oai oái:

- Đợi tao với!

Quý ròm vẫn không giảm tốc độ:

- Lẹ lên! Coi chừng mất dấu!

Tiểu Long cắm cúi nhấn bàn đạp. Nó hổn hển nói, khi đuổi kịp thằng ròm:

- Chạy gần quá coi chừng ông biết à.

- Chắc ổng không để ý. Ổng có biết tụi mình là ai đâu!

Người đàn ông áo xanh không để ý hai thằng nhóc phía sau thật. Ông không ngoái đầu lại lấy một lần, chiếc Max đỏ vẫn chạy với tốc độ đều đều không đổi.

Chạy một lát, Tiểu Long đâm ngứa ngáy:

- Ông đó là ai vậy hả mày?

Quý ròm nguýt bạn:

- Mày hỏi tao, tao biết hỏi ai?

Rồi nó tặc lưỡi:

- Chắc ổng là bạn của ba thằng Mười.

- Ba thằng Mười không đến trường được nên nhờ ổng đi giùm hả?

- Ờ, tao đoán vậy. Chắc sáng nay ba thằng Mười kẹt chuyện gì.

Buột miệng xong, Quý ròm biết ngay là mình đoán sai. Trông thái độ của bác bảo vệ hồi nãy thì rõ ràng người đàn ông áo xanh không phải là kẻ xa lạ. Chắc chắn ông ta đã đến đây không chỉ một lần! Quý ròm nhíu mày, tự giải thích. Có lẽ xưa nay ba thằng Mười toàn nhờ người bạn này đi gửi tiền. Ông không dám đặt chân đến trường vì sợ người vợ sau bắt gặp. Chắc vậy!

Người đàn ông trước mặt bất thần rẽ phải rồi rẽ trái, rồi lại rẽ phải khiến Quý ròm vội ngưng ngay suy nghĩ. Nó và Tiểu Long cố mở to mắt, bụng nơm nớp lo sợ bị cắt đuôi.

Loanh quanh khoảng nửa tiếng đồng hồ, người đàn ông dừng lại trước cổng chợ An Tây, dẫn xe vào gửi.

Tiểu Long chống chân xuống đất, liếc bạn:

- Giờ sao mày? Đứng ngoài này hay vào theo?

Quý ròm hất đầu:

- Tụi mình gửi xe rồi bám theo!

- Bám theo làm gì? – Tiểu Long trố mắt – Tụi mình đứng đây đợi cũng được vậy.

Tiểu Long hừ mũi:

- Mày cứ nghe tao đi!

Tiểu Long phân vân quá, nhưng nó không quen cãi lời bạn. Nó leo xuống xe, lẽo đẽo theo Quý ròm vào bãi gửi.

Lúc tụi nó dắt xe vào thì người đàn ông áo xanh đi ra, tay đang nhét chiếc vé vào túi áo. Ông bước vội vã, lướt mắt qua hai đứa nhóc nhưng không biểu lộ thái độ gì. Tiểu Long thở phào: Thằng ròm nói đúng! Ông này không biết mình và thằng ròm là ai!

Khi hai đứa nó quay ra, chạy lên bậc thềm thì người đàn ông áo xanh vừa ngoặt quanh dãy ki-ốt bên trái.

- May qua! Ông ta kia kìa.

Quý ròm kêu khẽ và co giò chạy theo.

Nhưng vừa rẽ khỏi dãy ki-ốt, nó thình lình khựng lại khiến thằng Tiểu Long bám sát phía sau đập mặt vào ót nó một cái "cộp" khiến cả hai cái miệng đều bật kêu lớn "ui da".

Tiểu Long bụm mặt, cự nự:

- Mày làm trò gì thế hả ròm?

Quý ròm hấp tấp quát:

- Lùi lại mau! Coi chừng mẹ thằng Mười trông thấy tụi mình.

Quý ròm nói nhanh, nhưng đôi chân của tụi nó không nhanh bằng ánh mắt của mẹ thằng Mười.

Mẹ thằng Mười đang ngồi trong sạp vải, chưa kịp gật đầu với người đàn ông áo xanh đang tiến lại, đã vội quét mắt về phía phát ra hai tiếng "ui da".

Bắt gặp hai gương mặt trông quen quen, bà thoáng ngạc nhiên nhưng rồi bà nhớ ngay ra là hai đứa bạn học của thằng Mười tối hôm qua vừa đến chơi với con trai bà.

Bà mỉm cười với Tiểu Long và Quý ròm lúc này đang ngượng ngịu ngó nhau, mặt đứa nào đứa nấy đỏ đến mang tai:

- Tụi cháu đi đâu đây?

Người đàn ông không quan tâm đến hai đứa nhóc, giọng vui vẻ:

- Tôi làm xong việc chị giao rồi đó, chị Sáu.

Mẹ thằng Mười quay nhìn người đàn ông:

- Cảm ơn cậu Tám nhiều nghe.

Ánh mắt của hai đứa nhóc đi qua đi lại giữa mẹ thằng Mười và người đàn ông một cách sửng sốt, đầu óc vón cục lại, cảm thấy trí tưởng tượng của tụi nó không thấm tháp gì với những gì tụi nó đang nhìn thấy.
 
Chương 10



Thằng Mười đang học lớp bảy thì ba mẹ nó ra tòa ly hôn.

Lúc đó ba nó đang phải lòng một người phụ nữ khác, người bây giờ là vợ sau của ba nó.

Năm đó, thằng Mười mười hai tuổi.

Mười hai tuổi, Mười còn quá nhỏ để cảm nhận được sự mất mát. Mẹ nó bảo vì ba mẹ giận nhau nên ba nó không ở nhà thường xuyên như trước, chỉ thỉnh thoảng về nhà thăm nó thôi. Thằng Mười đón nhận chuyện đó một cách hồn nhiên, thậm chí nó còn khoái chí vì nếu ba nó đi vắng dài ngày thì nó tha hồ được lêu lổng.

Đến đầu năm học lớp tám, Mười mới biết chuyện gì đã thực sự xảy ra giữa ba mẹ nó. Từ đó, Mười đâm ra mặc cảm. Càng ngày nó càng nhận ra nó đang trải qua một cuộc sống không bình thường. Nó cảm thấy nó thua kém bạn bè. Trong lớp nó cũng có những đứa mồ côi cha. Như thằng Oánh chẳng hạn. Nhưng ba thằng Oánh qua đời khi thằng này còn bé. Còn ba nó thì vẫn sống sờ sờ ra đó nhưng lại không ở với mẹ con nó. Trong khi mẹ con nó ra vào lặng lẽ trong ngôi nhà thiếu vắng đàn ông thì ba nó đang sống hạnh phúc với một người phụ nữ khác, trong một gia đình khác.

Mười ba tuổi, Mười bắt đầu căm ghét ba nó.

Mẹ thằng Mười dần dần nhận ra sự thay đổi tâm tính của con trai.

Bà nhỏ nhẹ nói, không muốn chứng kiến cảnh đứa con thù ghét người sinh ra mình:

- Ba con không có lỗi gì trong chuyện này hết, Mười à. Ba mẹ tính tình không hợp nhau thì không sống với nhau nữa thôi.

Thằng Mười sầm mặt xuống khi nghe mẹ nó bào chữa cho ba nó:

- Mẹ lại bênh ba. Tại "bà ta" nên ba không sống với mẹ con mình.

Mười không chịu gọi người vợ sau của ba nó là "dì" hay "má Hai" như người ta vẫn gọi. Nó lúc nào cũng "cô ta", nổi cáu lên thì "bà ta"

Mẹ thằng Mười lại nhẹ nhàng khuyên giải:

- Con nghĩ về dì con không đúng rồi. Dì con không liên quan gì đến chuyện này. Sau khi chia tay mẹ, ba con mới gặp dì con.

Mười không nghĩ là mẹ nói dối. Nhưng nó vẫn tức tối:

- Ba con không thương con. Nếu ba thương con thì đã không lập gia đình với "bà ta".

- Mỗi người một hoàn cảnh con à. Mai này lớn lên con sẽ tha thứ cho ba con.

Mẹ thằng Mười lại bùi ngùi nói. Nỗi giận của một người vợ trong lòng bà gần đây đã bị nhấn chìm dưới nỗi lo của một người mẹ khi thấy đứa con vì buồn bực mà bắt đầu xao nhãng chuyên học hành. Bà nhìn thằng Mười, hy vọng đầu óc nó sẽ lấy lại được thăng bằng nếu nó biết nghe lời bà.

Nhưng Mười có vẻ sẵn sàng làm mọi chuyện, trừ chuyện tha thứ cho ba nó.

- Từ lâu ba không còn quan tâm đến con nữa! – Nó nói, giọng giận dỗi.

- Sao con lại nói thế! – Mẹ thằng Mười giật mình, vội nói – Ba con lúc nào cũng quan tâm đến con. Chỉ tại con không biết đó thôi.

- Mẹ dựa vào đâu mà nói vậy? – Thằng Mười ngạc nhiên nhìn mẹ nó, căn cứ vào ánh mắt thì nó có vẻ như đang nghĩ là mình vừa nghe nhầm.

Mẹ thằng Mười đành tiếp tục nói dối con trai. Bà bảo ba nó vẫn thường tạt qua sạp vải của bà ở chợ An Tây để hỏi thăm sức khỏe và chuyện học hành của nó. Có những hôm ba nó ghé về nhà, thấy phòng học của nó ngổn ngang, ba nó xoay trần ra lui cui dọn dẹp cả buổi...

Thằng Mười thuỗn mặt nghe mẹ nó nói, lòng rưng rưng từng phút một. Nó bắt gặp nó đang hối hận vì đã trách oan ba nó.

Thấy con trai có vẻ xiêu xiêu, mẹ thằng Mười chép miệng:

- Ba con nói con cần gì thì nói với ba, ba sẽ mua cho con! Miễn là con cố học cho giỏi, thế là ba mẹ vui lòng rồi.

Kể từ hôm đó, Mười đã thôi chán nản. Nó đã chú tâm dến bài vở hơn. Nó cảm thấy cuộc sống không tồi tệ như nó nghĩ, và cảm giác nặng nề không còn xâm chiếm nó như những ngày trước đây.

Lần đầu tiên Mười xin tiền ba nó là để mua một chiếc xe đạp. Lúc đó, Mười vừa thi xong học kỳ một năm lớp tám, đang thèm một chiếc xe để đi chơi với tụi bạn trong những ngày hè.

Mẹ thằng Mười dĩ nhiên thừa sức mua xe cho con nhưng khi Mười vòi tiền, bà thở dài:

- Dạo này mẹ đang làm ăn khó khăn. Con viết thư hỏi ba con xem?

Mười không ngờ nó mới viết thư hôm trước, sáng hôm sau nó đã lập tức nhận được tiền của ba nó.

Giờ ra chơi, không biết bác bảo vệ hỏi ai mà biết nó tên Mười.

Lúc bác ngoắt nó lại, thiệt tình là nó run lắm. Ở trường tụi nó ngán nhất là thầy giám thị, hai là bác bảo vệ. Bị một trong hai nhân vật này điểm danh thê nào cũng có chuyện rắc rối.

Nhưng hôm đó bác bảo vệ kêu nó lại chỉ để hỏi:

- Cháu là Phan Đình Mười học sinh lớp 8A2 phải không?

- Dạ phải. – Lúc đó nó lí nhí đáp, bụng giật thon thót, không biết mình phạm phải tội gì.

Mười trân trân nhìn bác bảo vệ, lo lắng khi thấy ông cúi xuống ngăn bàn tìm cái gì đó. Và nó hết sức ngạc nhiên khi thấy ông lấy ra một bao thư đẩy về phía nó:

- Có người gửi cho cháu cái này nè.

- Thư gì vậy bác? – Nó liếm môi hỏi, chưa dám cầm lấy bao thư.

- Thì cháu cứ mở ra xem đi!

Mười đón lấy bao thư, hí hoáy mở ra. Mắt nó tròn xoe khi thấy một xấp tiền nằm bên trong.

- Ai gửi tiền cho cháu vậy bác? – Nó sửng sốt nhìn bác bảo vệ, không hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao.

- Bác cũng không biết. – Bác bảo vệ khẽ lắc đầu – Bác hỏi, nhưng người đó không chịu nói tên.

Mười nhìn xuống bao thư trên tay rồi ngước mắt lên, bần thần hỏi:

- Người đó là nam hay nữ vậy hả bác?

- Nam

Bác bảo vệ gọn lỏn, rồi ông nheo mắt:

- Chắc có "mạnh thường quân" nào muốn giúp đỡ cháu nhưng không muốn cháu trả ơn. Từng có nhiều chuyện như vậy mà.

Mười nghĩ ngay đến ba nó. Đúng là ba nó rồi. Chắc ba nó không muốn cho tiền người con riêng trước mặt dì nó nên ông đã nghĩ ra cách này. Suốt buổi sáng nó ngồi học mà bụng cứ xốn xang. Nó vừa thấy buồn cười vừa thương ba nó.

Trưa, Mười đem tiền về khoe với mẹ nó:

- Ba gửi tiền cho con mua xe đạp nè. Mẹ.

Mẹ nó vờ vĩnh:

- Ba con đến trường gặp con à?

- Ba không gặp con. – Mười lắc đầu. – Ba đưa tiền cho bác bảo vệ nhờ bác ấy đưa lại.

Mẹ nó nheo mắt:

- Sao bác bảo vệ biết người đó là ba con?

- Bác bảo vệ đâu có biết. – Mười thấp thỏm nói, cảm thấy mẹ nó hình như không tin nó. – Bác ấy có hỏi nhưng ba con không nói mình là ai.

Mẹ thằng Mười tiếp tục làm bộ dò hỏi:

- Vậy sao con nghĩ đó là ba con?

Các cách hỏi của mẹ làm thằng Mười thấy tổn thương quá. Nó kêu lên, như thể kêu oan giùm ba nó:

- Là ba chứ ai nữa hả mẹ?

Mẹ thằng Mười chỉ chờ có vậy, cuối cùng bà gật đầu khi nhận ra niềm tin vững chắc của đứa con vào tình cảm của ba nó:

- Ờ, chắc là ba con rồi.

Sau xe đạp đến máy nghe nhạc, đồng hồ đeo tay, rồi quần áo mũ nón... suốt từ năm lớp tám đến nay hễ thích thứ gì thằng Mười đều thoải mái xin tiền ba nó, bên cạnh các khoản tiền định kỳ cứ vài ba tháng ông lại gửi cho nó qua phòng bảo vệ nhà trường. Gần đây nhất ông cho nó tiền sắm computer và sáng nay là tiền gắn internet...

Mười hoàn toàn không biết số tiền đó là của mẹ nó.

-----------------------------

Tiểu Long và Quý ròm nghe mẹ thằng Mười kể chuyện mà tưởng như đang nghe chuyện cổ tích, miệng há hốc, mồ hôi chảy ròng ròng trên cổ. Chuyện thằng Mười kể trong bài làm văn đã kỳ lạ rồi, hóa ra sự thật đằng sau câu chuyện kỳ lạ đó còn kỳ lạ gấp trăm lần. Hai đứa thô lố mắt ngắm người phụ nữ nhỏ thó dịu dàng đang ngồi thu mình trong sạp hàng trước mặt bằng ánh mắt xúc động và ngưỡng mộ như đang ngắm một kỳ quan. Chỉ vì thương con, mẹ thằng Mười không những không lên án chồng mà còn tìm mọi cách bảo vệ ông bằng cách tô vẽ ông thành một con người đẹp đẽ để hình ảnh người cha không sụp đổ trong mắt đưa con. Thậm chí, để nuôi nấng thành công hỉnh ảnh đó qua thời gian, bà không những phải cắn răng chịu đưng nỗi đau của một người vợ bị phụ rẫy mà còn cam tâm gánh chịu nỗi thiệt thòi của một người mẹ khi đóng vai một phụ huynh không có khả năng lo cho các con ăn học chu toàn.

- Các cháu đã khám phá ra bí mật này nên bác đành phải nói sự thật cho các cháu biết. – Mẹ thằng Mười chép miệng nói, nhìn vẻ mặt bình tĩnh của bà Quý ròm ngạc nhiên không biết là bà làm cách nào để chịu đựng được tất cả những chuyện đó.

Nó nhìn bà, ngập ngừng:

- Thế chú áo xanh khi nãy...

- Đó là em trai bác. Là cậu Tám của thằng Mười. Bác phải thuyết phục mất mấy ngày chú ấy mới thông cảm và nhận lời giúp bác.

Mẹ thằng Mười cười nhẹ:

- Cậu ấy vẫn còn giận ba thằng Mười mà.

Tiểu Long khịt mũi:

- Thế còn bác bảo vệ trường Thống Nhất và trường Đức Trí...

- Lúc đầu bác và cậu Tám định giấu các bác ấy. Chuyện trong nhà có hay ho gì mà nói ra hả các cháu. – Đôi mắt mẹ thằng Mười thoáng xa xăm. – Nhưng các bác ấy cứ gặng hỏi. Cũng đúng thôi, nếu không biết nguồn gốc và lý do của số tiền đó, ai đời nào dám nhận. Cuối cùng cậu Tám đành phải nói rõ cho các bác ấy biết...

Lúc Tiểu Long và Quý ròm chào về, mẹ thằng Mười cẩn thận nói thêm, nửa như dặn dò nửa như năn nỉ:

- Nếu các cháu thương bác, thương thằng Mười thì các cháu không được để cho Mười biết chuyện nghe các cháu!

Hai cái miệng cùng "dạ", vẫn chưa hết bàng hoàng, nhưng thực sự thì cả Tiểu Long lẫn Quý ròm đều cùng chung một ý nghĩ: Dứt khoát phải cho thằng Mười biết được tình thương mênh mông mẹ nó dành cho nó!

Tiểu Long dắt xe ra khỏi bãi, nôn nóng:

- Tụi mình phải quay về trường tìm Hạnh.

- Kể cho Hạnh nghe chuyện này á?

- Ờ. Nghe xong, chắc Hạnh xỉu ra giữa lớp quá à.

Quý ròm nhún vai:

- Tao nghĩ khi xúi tụi mình... trốn học để theo dõi người gửi tiền có lẽ Hạnh cũng lờ mờ đoán ra sự lắt léo trong chuyện này rồi.

Tiểu Long dựng mắt lên nhìn bạn:

- Hạnh biết chuyện này do mẹ thằng Mười bày ra sao?

- Hạnh chỉ không tin người gửi tiền là ba thằng Mười thôi. Nhưng Hạnh không biết người đó là ai. Có lẽ Hạnh không hình dung ra đó là mẹ thằng Mười.

- Ở, ngay cả tụi mình cũng không tưởng tượng nổi. – Giọng Tiểu Long trở nên bâng khuâng. – Đến giờ, đã nghe mẹ thằng Mười kể rõ đầu đuôi rồi mà tao vẫn chưa quen được với câu chuyện này.

Quý ròm gục gặc đầu, nó muốn nói một nhận xét thật sâu sắc và cảm động về mẹ thằng Mười không nghĩ ra được câu nào vừa ý, đánh chép miệng:

- Một người mẹ hiếm có!

Lúc hai đứa về tới trường thì lớp học đã tan.

Quý ròm nhìn tụi bạn chen nhau ùa ra sân, định bụng lát nữa sẽ nói với nhỏ Hạnh rằng hôm nay mới đúng là "một ngày kỳ lạ" trong đời nó. Ờ, chưa bao giờ nó chứng kiến một câu chuyện lạ lùng như vậy. Rồi nó và Tiểu Long còn phải bàn bạc với nhỏ Hạnh nữa, bà đứa nó sẽ nghĩ cách làm sao cho thằng Mười biết được sự thật về vị ân nhân bí mật kia mà hình ảnh của ba nó vẫn nguyên vẹn trong tâm trí nó như mẹ nó hằng muốn. Ôi, khó quá! Khó ơi là khó!

Nhưng cái khó đó có thể từ từ tính toán. Còn cái khó mà Quý ròm và Tiểu Long phải đối diện ngay lúc này mới thiệt là gay go: nhỏ Hạnh chưa thấy mặt mũi đâu, tụi nó đã chạm mặt nhỏ Minh Trung và thằng Mười ngay trước cổng trường rồi.

Vừa nhác thấy lớp phó kỷ luật dắt xe ra, Quý ròm và Tiểu Long chưa kịp tránh, Minh Trung đã kêu lớn:

- Ê! Long, Quý!

Quý ròm đành bước lại, cười giả lả:

- Lớp mình tan học rồi hở?

Minh Trung không thèm trả lời Quý ròm. Nó quét mắt nhìn hai đứa từ đầu đến chân rồi từ chân lên đầu, theo cái cách công an dò xét tội phạm, giọng nghi ngờ:

- Long và Quý đi khám bệnh về đó à?

- Ờ.

- Thế bác sĩ bảo sao?

Quý ròm nhìn lên trời:

- Bác sĩ bảo tụi này bị ngộ độc thức ăn.

Minh Trung nhìn lom khom vào mặt Quý ròm, gục gặc đầu:

- Ngộ độc thức ăn là đau lắm đó. Đau vật vã luôn.

- Bạn nói đúng ghê! – Quý ròm gần như reo lên – Suốt buổi sáng tụi này đau lăn lộn luôn. Suýt rơi xuống khỏi gi.ường mấy lần. Ba, bốn bác sĩ phải xúm vô giữ chặt tay chân tụi này lại.

- Thế sao bây giờ mặt mày Long và Quý trông tươi tỉnh vậy? Trông còn khỏe mạnh hơn cả mình nữa!

Minh Trung đột ngột hỏi "độp" một câu khiến Quý ròm và Tiểu Long chết đứng.

Đã thế, thằng Mười vừa trờ tới, nghía miệng xía vô:

- Hề hề! Nghe nói hồi sáng tụi mày đau đến "ngã vật xuống ghế" cơ mà! Sao tụi mày hết bệnh nhanh thế?

- Tại mấy bạn không biết đó thôi! – Quý róm tặc lưỡi, đầu óc xoay tít - Ở bệnh viện có loại nước biển... hay lắm! Người sắp chết mà truyền vô một chai này là có thể ngồi bật dậy ngay.

Tiểu Long phục miệng lưỡi thằng ròm quá. Nó thấy Minh Trung và thằng Mười hỏi ngặt, tưởng sắp òa ra khóc đến nơi, nào ngờ thằng bạn nó chỉ bịa một câu là thoát hiểm nhẹ như bỡn. Nó sướng quá, hứng chí a dua:

- Còn chạy ra sân đá bóng được nữa ấy chứ!

- Thôi đi, mày! – Quý ròm nạt – Đá bóng sao nổi mà đá bóng! Chỉ đạp xe chạy về trường như tụi mình là giỏi rồi!

Thấy hai đứa này nói qua nói lại, Minh Trung bán tín bán nghi. Nhưng nó không buồn hạnh họe nữa. Nó liếc đồng hồ trên tay rồi leo lên xe, dọa:

- Mình mà biết hai bạn bịa chuyện để trốn học là lớn chuyện đấy!

Thằng Mười dòm theo Minh Trung một lát rồi quay lại nhìn Tiểu Long và Quý ròm, nhe răng cười:

- Chết tụi mày rồi!

- Tụi tao đau bụng thiệt chứ bộ!

Quý ròm nhăn nhó nói, đầu không ngớt băn khoăn: Không rõ nhỏ Hạnh có nghĩ ra cách gì hay để tiết lộ cho thằng Mười biết bí mật của mẹ nó không há? Hay mình lại phải về nhà hỏi ý kiến nhỏ Diệp giống như... thủ tướng thăm dò ý kiến dân chúng? Quý ròm là một đứa siêu thông minh nhưng chưa bao giờ nó bắt gặp mình bối rối đến thế. "Thần đồng toán" khi đối diện với "bài toán" rắc rối của cuộc đời chợt nhận ra còn lâu lắm mình mới trở thành người lớn nổi.

Mười không biết Quý ròm đang nhức đầu vì nó, toét miệng rủ:

- Tối nay tụi mày và nhỏ Hạnh đến nhà tao chơi nữa nhé! Chiều nay tao kêu người đến gắn internet!

Nó vỗ vỗ tay vô cặp sách, mặt hơn hớn:

- Sáng nay ba tao mới gửi tiền cho tao nè!
 
×
Quay lại
Top Bottom