Không bỏ cuộc

cacabala00

Cựu quản lý
Tham gia
26/5/2010
Bài viết
811
Ra trường, cũng như những đứa bạn của mình, nó bắt đầu công cuộc xin việc.

Thôi thì, ngày đêm mò mẫm tìm thông tin trên mạng, gửi mail xin việc đi khắp nơi, phô tô và công chứng một đống văn bằng, chứng chỉ… Tất cả những việc ấy đều được làm với niềm hứng khởi ban đầu như không biết đến mệt mỏi....
bocuoc.jpga.jpg

Nhưng thời buổi người khôn của khó, nhất là khi cái ngành mà nó học lại được coi là một ngành dễ thất nghiệp thì kiếm được một công việc như ý quả là chẳng dễ dàng. Đi phỏng vấn mòn chân qua các công ty, văn phòng, nó mới nhận ra đội quân tìm việc như nó vô cùng đông đảo, hùng hậu và dạn dày kinh nghiệm lẫn độ “máu lửa”. Nó nhớ nhất là lần phỏng vấn ở một công ty địa ốc, những ứng viên như nó được mời phỏng vấn 5 người/lượt. Người tuyển dụng thì vừa hỏi vừa nói những câu cớt nhả làm nó ra về mà vẫn còn ức chế. Rồi thời gian qua đi, bạn bè nó cũng dần làm việc ở các công ty, doanh nghiệp. Chỉ có nó, hình như là quá “kén cá chọn canh” nên vẫn long nhong ngoài đường với vòng quay: nộp hồ sơ - phỏng vấn - trượt lại nộp hồ sơ - phỏng vấn. Cho đến hôm nay, lúc được công ty này gọi điện yêu cầu nộp hồ sơ thì nó mừng húm.
Nó thích cảm nhận ban đầu của nó về công ty này. Họ lịch sự, nhã nhặn và chuyên nghiệp. Ngay trong những email, điện thoại hay lần tiếp xúc đầu tiên, nó đều thấy một sự trọng thị nhất định của công ty dành cho những ứng viên. Vượt qua vòng sơ tuyển hồ sơ, làm bài test vòng 1, nó được vào làm bài test vòng 2 và nếu đạt yêu cầu thì sẽ đến vòng cuối cùng là phỏng vấn.
Hôm ấy, nó đến sớm với bộ quần áo chỉn chu nhất, gương mặt rạng rỡ nhất. Không như nó dự kiến, chỉ có mỗi mình nó trong cái phòng rộng thênh thang. Nhận đề bài test vòng 2 từ tay chị nhân viên mà nó tá hỏa. Đề bài khó hơn những đề thi cuối kì của nó nhiều. Và hơn hết, nó toàn bằng tiếng Anh. Thực ra, cũng có một đoạn bằng tiếng Việt đấy. Nhưng trước đó, thì yêu cầu lại là: “Bạn hãy dịch đoạn văn sau sang tiếng Anh” nên nó cũng… á khẩu luôn.
Đáp ứng mong mỏi của nó, có ngay một cuốn từ điển chuyên ngành dày cộp để nó tham khảo. Thêm vào nữa, là một đống văn bản ở giá sách bên cạnh. Tóm lại, nó có thể sử dụng mọi cách miễn là hoàn thành bài test trong thời gian cho phép là 2h.
Lúc bắt đầu làm, nó tự động viên mình là hãy cố gắng. Đề tuy dài và khó nhưng nếu cố gắng thì rất có thể nó sẽ làm được tầm 70 - 80% hoặc ít hơn một chút. Nhưng đến lúc bắt tay làm thực sự thì nó mới hiểu, làm được bài test này là không đơn giản một chút nào. Nó dò dẫm dịch yêu cầu của đề ra tiếng Việt. Những từ chuyên ngành dài ngoằng, và rất nhiều nghĩa làm nó bối rối một lúc lâu. Một phần tư thời gian trôi qua, nó làm xong một bài. Rồi một bài ngăn ngắn nữa cũng được hoàn thành ngay sau đó. Cho đến hai bài xương xẩu nhất, dịch Anh - Việt và Việt - Anh, đến lúc này, nó đã hơi nản nản rồi.
Toàn bài dịch Anh - Việt có khoảng 8 đoạn văn ngắn. Hết một nửa thời gian rồi mà nó mới dịch sang đoạn thứ 3. Đang dịch, tự dưng nó chững lại và nhẩm tính, nếu nó có ngồi ở đây đến hết giờ thậm chí đến tối nữa thì nó cũng sẽ không thể nào làm hết bài test này được. Nó chợt nhận ra tình thế bất lợi của mình là thực tế, chỉ có mình nó ngồi giữa căn phòng vắng lặng và cặm cụi làm một bài test dài mà không có ai bên cạnh. Công việc - nếu cũng giống như những bài test này thì quả là mang tính học thuật quá nhiều. Nó tưởng tượng nếu như may mắn, nó được nhận vào làm và sẽ phải làm những việc thế này, liệu nó có kiên nhẫn làm hết từ ngày này sang ngày khác không? Chắc chắn là không.
Nhận lại đề bài từ nó, chị nhân viên tuyển dụng rất ngạc nhiên: “Làm xong rồi hả em? Nhanh thế?” Với cái vẻ tự nhiên thường có của mình, nó thật thà: “Không ạ! Đề bài khó quá. Em có ở lại đến hết giờ thì cũng không làm hết được. Thôi, em gửi chị đề và bài làm luôn”. Chị nhân viên có vẻ hơi thất vọng: “Sao em không ở lại làm đến hết giờ? Còn sớm mà, mới hết có hơn nửa thời gian”. Xem qua những bài nó đã làm được, chị ấy mỉm cười và nói có vẻ tiếc: “Em làm bài cũng được đấy chứ. Thực ra, bọn chị không yêu cầu các em hoàn thành hết các bài này. Với những sinh viên mới ra trường như các em, hoàn thành hết bài này trong 2h là cực kì khó. Vì vậy, chỉ cần các em hoàn thành từ 50% trở lên và không bỏ về sớm thì đều được phỏng vấn rồi. Lúc này, kết quả cuối cùng không còn phụ thuộc vào bài test mà vào những câu trả lời trực tiếp của các em”. Nghe đến đấy, một cảm giác hụt hẫng tràn ngập trong nó. Vì nó biết, nếu cố gắng thêm nữa, thì con số 50% kia không quá xa vời. Nhưng biết làm sao được, vì nó vừa mới quyết định là bỏ cuộc mà. Nghĩ lại, nó thấy mình ngốc quá.
Một tuần sau, nó nhận được mail của chị. Thực ra, chị không cần làm vậy vì kết quả đã được thông báo ngay từ hôm đấy. Có lẽ, vì chút cảm tình ban đầu nên chị đã mail cho nó. Mail viết: “Đọc CV và hồ sơ của em, chị rất ấn tượng. Rất tiếc vì em đã không cố gắng đến phút cuối cùng. Chị hi vọng, em sẽ tìm được một công việc ưng ý. Nếu có dịp, chị hi vọng chúng ta sẽ được hợp tác cùng nhau. Có một câu chị muốn nói với em: “Người chiến thắng là người không ngừng cố gắng, ngay cả khi, không ai còn muốn cố gắng nữa” em ạ”. Nó không hiểu sao chị có thể dành thời gian cho nó như vậy, vì giữa nó với chị, mới chỉ hơn hai người xa lạ một chút thôi. Nhưng, nhờ chị, mà nó có cảm giác ấm áp rất lạ khi nghĩ về những người tuyển dụng. Nó cũng học thêm được một điều nữa, rằng, trong tuyển dụng hay trong tất cả các việc khác, thái độ sống là rất quan trọng. Có một thái độ sống mà nó mới học được là không bỏ cuộc. Có lẽ, cụm từ này sẽ được ghi thêm vào cuốn sổ tay chuyên ghi các câu danh ngôn của nó. Và từ nay, nó cũng sẽ luôn nhắc mình ba từ ấy: “không bỏ cuộc”.
Mực Tím
 
Cái này cần phải ghi nhớ, :)
trình tiếng anh của mình gà vầy ko biết làm nơi đâu :(
 
Thanks! Rất ý nghĩa và có ích cho mình. Mình cũng chưa phải là người kiên trì. Phải nhớ:“Người chiến thắng là người không ngừng cố gắng, ngay cả khi, không ai còn muốn cố gắng nữa”.
 
mình cũng rất tam đắc "người chiến thắng là người không ngừng cố gắng,ngay cả khi không ai còn muốn cố gắng nữa".................
 
×
Quay lại
Top Bottom