Khóc - cười “tám” chuyện nơi công sở

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Hiện tượng buôn chuyện nơi công sở không còn mới mẻ. Đây là hiện tượng có mặt tốt, mặt xấu nhưng luôn bị những người bên ngoài nhìn vào một cách thiếu thiện cảm...

Buôn chuyện mọi lúc mọi nơi


images672804_5.jpg

Buôn chuyện có thể giúp gắn kết mọi người, nhưng cũng có thể gây mất đoàn kết

Chị Loan (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nghỉ sinh con 3 tháng nay, hàng ngày bận túi bụi với chuyện chăm sóc trẻ sơ sinh, nhưng chị vẫn dành thời gian gọi điện thoại cho chị em ở cơ quan hỏi thăm tình hình, cập nhật những chủ đề đang “hot” ở công sở.

Với chị em công sở, ngồi tám chuyện trên trời dưới bể đang là một thói quen ngấm sâu, chiếm phần lớn thời gian nghỉ trưa mỗi ngày. Chị Phương (công tác tại một cơ quan nhà nước ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết. Phòng chị phần lớn là phụ nữ. Đến cơ quan ngoài làm công việc, không thể không có những khoảng thời gian túm năm tụm ba ở phòng làm việc, ở nhà ăn cơ quan, hay quán trà, quán cafe.

Thôi thì lúc nào cũng ngồi buôn chuyện được. Dù các thành viên tham gia cuộc tám chuyện không ngồi túm tụm lại, mỗi người một bàn làm việc, ngồi ở các góc khác nhau trong phòng cũng có thể rôm rả nhập cuộc.

Chị Thủy (cán bộ cấp trưởng phòng của một cơ quan ở phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội) kể về những kiểu tụ tập buổi trưa để buôn chuyện của chị em ở cơ quan mình. Trước đây, buổi trưa có thể là thời gian ăn uống, nghỉ ngơi (ngủ trưa nửa giờ, một giờ), hay sinh hoạt câu lạc bộ thể dục, thể thao (bóng bàn, yoga...). Nhưng sau một thời gian hưởng ứng, đến bây giờ chị em trong cơ quan chị vẫn không thể không dành thời gian để tụ tập buôn chuyện vào buổi trưa. Khủng nhất là có những chị em có thể buôn chuyện từ một đến vài giờ vào buổi trưa, đến chiều vào giờ làm việc rồi vẫn say sưa buôn ở quán café, quán trà, thậm chí ở ngay giữa phòng làm việc. Nhất là những hôm sếp trong cơ quan vắng mặt, đi công tác thì... những cuộc buôn chuyện luôn kéo dài lê thê và trở nên vô cùng cuốn hút các chị em.

“Tám” đủ thứ chuyện

images672805_6.jpg

Nhiều chị em thích tám chuyện nơi công sở
Một số người không có thói quen buôn chuyện nơi công sở thì tỏ ra rất ngạc nhiên, không hiểu sao những người thích buôn chuyện có thể lôi ra nhiều chuyện để buôn dài... tập như thế. Thực tế có tham gia, hoặc ngồi bên ngoài nghe các chị em “tám” chuyện thì mới thấy độ phong phú về nội dung bất tận của các cuộc buôn chuyện.

Chuyện được lôi ra buôn phổ biến ở cơ quan muôn thủa vẫn là chuyện chồng, con... Các chị em mỗi ngày 8 tiếng làm việc với nhau, có khi còn nhiều hơn thời gian giao tiếp với chồng, con (nếu trừ thời gian nấu ăn mỗi ngày trong bếp gia đình, thời gian ngủ, nghỉ của mỗi người). Chị Phương kể, có hôm, vừa bước chân vào phòng làm việc, một chị làm cùng phòng than thở: “Thu nhập thì bị giảm, các khoản tiền đóng học, tiền học thêm cho con cái, tiền đi chợ thì cứ tăng. Lĩnh lương xong vài ngày đếm lại người ngây ra cứ như bị đánh mất tiền...”.

Chỉ cần thế, lập tức các chị em khác trong phòng mỗi người thêm một lời, hai lời, nhiều lời, rồi cả phòng gần như không tập trung làm việc được để buôn sâu, buôn kỹ, buôn rộng ra về chủ đề thu – chi trong mỗi gia đình. Chị này thì nói: “Nhà em hai vợ chồng làm mửa mật, cố tiết kiệm 5, 6 năm nay mà chưa đủ tiền sửa cái bếp và nhà vệ sinh. Nhiều lúc bỏ đồng lớn, đồng bé ra đóng học cho con, ma chay, cưới xin... mà cứ ngao ngán khi nghĩ về cái bếp cũ kỹ”. Chị khác lại thêm vào: “Gớm, còn tính tiết kiệm để sửa nhà cửa được.

Nhà em thì vẫn phải chui rúc, chung đụng với gia đình chồng, bao năm nay mà chưa bao giờ dám mơ có một ngày được ở riêng như nhà chị. Lo kiếm tiền để sống được đã mướt mồ hôi. Chị có nhà riêng là mơ ước của em đấy!”... Cứ như vậy, những câu chuyện được đưa đẩy có khi chỉ bắt đầu với một lời than thở của ai đó trước chị em trong phòng. Có khi, câu chuyện cũng chỉ bắt đầu với một lời nhận xét về cô giáo của con ở trường; về chuyện con bị bạn bắt nạn; hay có khi chỉ là chuyện đồng phục ở trường đẹp - xấu. Có khi buôn chuyện một nhân vật nào đó mà hầu hết chẳng ai biết mặt, biết tên, rồi các chị em mở rộng ra buôn như một hiện tượng đáng chú ý trong xã hội...

Ngoài những chuyện tào lao có thể trở thành chủ đề chính của những cuộc buôn chuyện, thì có những chuyện mang tính nghiêm trọng cũng thành nội dung của các cuộc “tám”, như chuyện hạnh phúc của gia đình đồng nghiệp, bản thân; hay những chuyện về công việc quản lý của sếp; thậm chí chuyện bệnh tật, sống - chết của ai đó...

Lợi và không lợi

Nhiều người trong cuộc cho biết, thói quen buôn chuyện có những mặt lợi của nó, có những thú vị và hiệu quả xả stress bất ngờ, nhưng ngược lại nó cũng gây ra những hệ lụy không lường hết được.

Dù thu hút nhiều người tham gia và tham gia thường xuyên mỗi ngày khi đến nơi làm việc, song phải thừa nhận “tám” chuyện công sở luôn bị những người bên ngoài nhìn vào một cách thiếu thiện cảm. Những người hay chuyện, lôi kéo những người khác tham gia buôn chuyện đều bị đánh giá là lắm chuyện, tọc mạch, thậm chí bị coi là người thừa thời gian và đáng lo ngại đối với những bí mật của đồng nghiệp, những người xung quanh.

Không ít chuyện buôn nơi công sở giúp giải tỏa phần nào những mối lo, những khó khăn trở ngại trong cuộc sống của mỗi người, sau khi được những người khác tham gia góp ý, hiến kế... Như chuyện dạy dỗ con cái, chuyện khó ứng xử trong mối quan hệ với chồng, với nhà chồng, với những người không làm việc cùng nơi công sở. Hay việc đối phó với những tình huống hiểm nguy trong cuộc sống, như phòng trộm cướp khi đi ra đường, khi đến lễ hội; ý thức tham gia giao thông; ứng xử với người giúp việc cho gia đình, ứng xử với giáo viên của con; chọn trường, chọn lớp cho con; chia sẻ những kinh nghiệm nuôi dạy con cái; hay có khi chỉ là chia sẻ cách nấu một món ăn ngon. Việc “tám” chuyện bổ ích có thể giúp gắn kết các đồng nghiệp trong một cơ quan, giúp giải tỏa được khó khăn về tâm lý, giải quyết khó khăn trong công việc...

Cứ hình dung nếu một ngày bạn đến nơi làm việc, các đồng nghiệp mặt lạnh tanh với nhau, không ai nói với ai câu nào, có khó khăn gì trong cuộc sống, có cảm xúc vui buồn gì cần chia sẻ cũng không được ai quan tâm, tham gia; Nếu như một ngày đến nơi làm việc bạn chỉ biết đến mỗi công việc, thì thời gian kéo dài triền miên ngày này qua ngày khác ở công sở sẽ khiến bạn thêm căng thẳng, thậm chí đến một lúc sẽ cảm thấy nản chán, vô vị.

Tuy nhiên, nếu buôn chuyện có mục đích xấu, nhằm vào chủ đề chỉ trích hay nói xấu, bôi nhọ danh dự, hạ thấp uy tín của một cá nhân hay một nhóm người nào đó ngoài nhóm người tụ tập buôn chuyện thì cuộc “tám” chuyện lại mang một màu sắc đen tối, khiến tăng thêm sự mất đoàn kết trong một cơ quan, công sở. Đó là chưa kể, việc ngồi lê, buôn chuyện nếu chiếm thời gian quá nhiều, tới vài tiếng mỗi ngày, có thể khiến mỗi thành viên tham gia “tám” chuyện lãng phí thời gian, mà lẽ ra để dành cho nghỉ ngơi, quan tâm thiết thực đến bản thân và những người xung quanh hơn. Bên cạnh đó, buôn chuyện không có điểm dừng, một nhóm người đi sâu vào chỉ trích, nói xấu, suy luận, xuyên tạc thái quá về một ai đó trong công sở có thể khiến những người xung quanh có cái nhìn méo mó về bản chất con người, gây tổn thương không thể lường trước được.

Những quan hệ và chuyện buôn nơi công sở cần có giới hạn, có chừng mực, điểm dừng. Đó là điều không phải ai thích buôn chuyện công sở cũng có thể tự kiểm soát được bản thân mỗi khi bước vào một cuộc “tám” chuyện.
Theo giaoducthoidai.vn
 
×
Quay lại
Top Bottom