Khoảnh Khắc Nghề Y - Lặng Lẽ Bên Đời

Bác Sĩ Đa Khoa

Thành viên
Tham gia
26/6/2023
Bài viết
1
Tôi học Y, nhưng hành nghề báo, “nhà báo” cấp ngành của tỉnh lẻ. Được cầm bút, cầm máy kể những câu chuyện về ngành mình cũng có bao niềm vui.

Tôi yêu những nụ cười hồ hởi của các bác sĩ Bệnh viện Hàm Tân khi lần đầu tiên họ mổ bắt con cho một sản phụ người dân tộc thiểu số ngay tại đơn vị mình, thay vì chuyển viện. Cái bệnh viện bé xíu được cơi nới từ một trạm y tế xã. Tôi trân trọng các bác sĩ Bệnh viện Quân dân y Phú Quý khi trong vòng 20 phút, họ “mổ bụng” người mẹ đẻ khó để em bé 2,7 kg thành công dân đảo. Lần đầu tiên nghe tiếng khóc chào đời giữa trùng khơi ấy có gì đó đặc biệt trong tôi. Trong khi nhiều người học thành bác sĩ thì tìm cách vào đất liền, hai nữ bác sĩ của ca mổ ấy ở lại và gắn bó với đảo nhỏ của mình, dẫu vô vàn khó khăn cả chuyên môn lẫn điều kiện vật chất.

Khi huyện Hàm Tân chưa chia tách như bây giờ, tôi có dịp chứng kiến tấm lòng cao cả của rất nhiều thầy thuốc của bệnh viện tuyến huyện. Trước hết, một vị bác sĩ từ TP.HCM về nhà để tang cha mà vẫn sẵn lòng trở thành trưởng kíp mổ một ca thủng tim thập tử nhất sinh. Sau đó là tập thể y sinh thực tập chìa tay ra hiến máu một cách nhiệt tình cho bệnh nhân “4 không” (mạch = 0, huyết áp = 0, không giấy tờ tùy thân, không người nhà) ấy. Chính vì không có người nhà, nên các thầy thuốc chăm lo cho anh như chính người thân của mình, không một đòi hỏi nhỏ nhoi nào. Ngày bệnh nhân ra viện, cứ gặp ai mặc áo choàng trắng là anh chắp tay vái một cách thành kính những người đã cứu mạng mình. Hình ảnh bệnh nhân được cứu sống từ những con người vị tha, vô tư ấy theo tôi mãi đến bây giờ.

Ngày xã Đa Mi (huyện Hàm Thuận Bắc) mới thành lập, cái được gọi là Trạm Y tế cheo leo trên dốc núi, chỉ có một cái bàn, hai cái ghế, điện thoại bàn mang số hiệu tỉnh Lâm Đồng. Một anh y sỹ và một cô điều dưỡng cứ thế mà mang thùng vắc-xin leo hết dốc này sang đồi kia, tháng này sang tháng khác tiêm chủng cho trẻ nhỏ. Nhìn hai bóng dáng hun hút theo dáng núi mờ sương mới thấy rằng mỗi sự hy sinh, tận tụy vì sức khỏe đồng bào mang một sắc thái khác nhau. “Nghề mình nó vậy mà!”, anh y sỹ thản nhiên trả lời như không có gian lao, nhọc nhằn gì ở xã vùng cao đầy khó khăn này.

Mới đây thôi, khi hỏi chuyện hai bà mẹ có con điều trị methadone tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, tôi thấy tia hy vọng sáng lên trong đôi mắt quá mệt mỏi của họ. Một người bày tỏ: “Có chỗ này thấy yên tâm lắm chú ạ. Ở đây coi con tôi là bệnh nhân, hỏi han, động viên đủ điều. Mặc cảm vì con cũng bớt đi nhiều lắm!”. Dẫu biết là nhiệm vụ chuyên môn, nhưng cứ nghĩ đến việc trực tất cả các ngày trong năm để phục vụ bệnh nhân thì mới thấy giá trị của sự yên tâm mà bà mẹ nọ gửi trao cho thầy thuốc.

“Có ai lựa ngày mình cấp cứu vào thứ bảy, chủ nhật, tết, lễ gì đâu mà biểu con nó về nhà đúng như nó hứa”. Tôi nghe ông nông dân giải thích cho vợ khi mà con trai duy nhất của ông không về cúng giỗ. Anh ấy là bác sĩ khoa cấp cứu.

Hình như các phương tiện thông tin đại chúng thì thích khai thác đề tài sai sót của ngành Y thay vì kể những câu chuyện về sự hy sinh thầm lặng của họ. Sự hy sinh đó bao gồm tất cả những ai đang phục vụ cho công tác dự phòng và điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Có thể họ là vị bác sĩ “mát tay” đáng kính, là cô điều dưỡng thuần thục kỹ thuật, là anh tài xế căng thẳng nhưng an toàn trong chuyển viện cấp cứu, là chị hộ lý vệ sinh, là những y tế thôn, cộng tác viên… và nhiều người “vô danh” khác.

Tôi may mắn có hai nghề. Tôi vẫn đang làm công việc ghi chép hành trình không bằng phẳng nhưng chan chứa tình người của anh em mình. Có người bảo, Ngày Thầy thuốc thì bác sĩ ít thấy được tặng hoa như thầy cô nhân Ngày Nhà giáo. Thôi thì so sánh là khập khiễng. “Mỗi vết thương lành một nỗi vui”, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết như thế. Ừ nhỉ.
 
Quay lại
Top Bottom