tyrannosaurus
Thành viên
- Tham gia
- 15/1/2025
- Bài viết
- 2
.PHẦN MỞ ĐẦU.
*** Biểu tượng của hòa bình
“Fri!”
Ngài đại tá Mer gọi tôi nhẹ nhàng và ngọt xớt. Tôi gọi đó là một bãi nước bọt ngọt ngào. Một phần cũng vì ngài đại tá mắc cái tật mỗi khi reo lên thường hay dễ làm văng nước bọt ra ngoài. Nhưng vì người ta vị nể ngài đại tá, nên kể cả có phiền, cũng chẳng ai tỏ ra khó chịu.
Tôi cứ thích để ngài đại tá chờ. Tôi cúi xuống rỉa lông rỉa cánh, làm cho thật lâu la và bày ra một bộ dáng đỏng đảnh kiêu căng hết sức.
“Fri!” – Lại thêm một bãi nước bọt nữa, lần này thúc giục hơn hẳn. Tôi cho rằng ngài đại tá đang khẩn khoản gọi mình. Tôi từ từ ngẩng lên, nhìn ngài đại tá bằng đôi mắt lay láy vô tội. Ngài đại tá có vẻ hài lòng, ngài thở ra, và nhìn lại tôi bằng đôi mắt chằng chịt những suy nghĩ. Chúng giăng trên nhãn cầu ngài đại tá như tấm lưới, siết chặt đôi mắt khắc nghiệt của ngài và như đang vò nát nó, kể cả khi khóe miệng ngài đại tá đang hơi nhếch lên một chút.
Ngài đại tá để tôi chờ lâu, như cách tôi bắt ngài phải chờ. Dạo này thường hay thế. Mãi rồi ngài mới chìa ngón trỏ xù xì ra gãi gãi cằm và xoa xoa mỏ của tôi. Và rồi ngài để tôi ngả đầu vào đấy. Ngài đại tá nheo đôi mắt xám lạnh lại, cố làm cho nảy ra một tia trìu mến, khiến những nếp nhăn rạch bên khóe mắt càng thêm sâu. Ngài thở nhiều hơn bình thường, nhịp độ còn hơn cả những đợt sóng tấp vào bờ biển xứ Nixventy phản chiếu trong đôi mắt lộn xộn của ngài.
Tôi thấy có điều gì xa lạ, kể cả cảm giác này đã chợt nảy lên trong tôi bấy lâu nay! Nhưng là điều gì mới được? Đâu đó năm năm trước, ngài đại tá vẫn vuốt ve tôi mỗi sáng như vậy, và tôi cũng thích tựa đầu lên ngón tay ngài và rên ư ử. Nhưng cảm giác rất khác. Như thể một kẻ khác đang làm những điều này với tôi, và tất cả những gì tôi làm chỉ là phản xạ có điều kiện.
Ngài lấy cái lọ thức ăn và thêm vào cái khay bằng đồng được mắc trên cái cành cây nạm vàng mà tôi được đậu lên đó. Tôi dè dặt ăn khi ngài vỗ vỗ bàn tay thô kệch trên lưng mình. Đột nhiên ngài đại tá vỗ hai cái nhanh. Tôi hiểu ngài sẽ không vỗ thêm cái nào nữa. Đó là cách ngài thông báo ngài sẽ rời đi.
Ngài đại tá khoác chiếc áo choàng lên người, bước ra khỏi phòng gấp gáp.
Ngài đại tá không đóng cửa sổ.
Trong ký ức của tôi, cửa sổ của căn phòng của ngài đại tá, nằm trên tầng 4 của điện Venty, tồn tại như một bóng ma. Ngài đại tá vẫn sợ tôi bay mất nên thường kiểm tra rất cẩn thận. Tôi cũng không đoái hoài cái cửa sổ đó. Nhưng tôi nhớ như in, tới mức ám ảnh nó trông như thế nào. Tôi đã nhìn thấy nó khi ngài đại tá đưa tôi về đây lần đầu tiên, vào cái ngày ngài được lên chức làm đại tá của Venty. Tôi nhớ những họa tiết hình giọt nước được làm bằng đá thạch anh xanh trên cánh cửa sổ, những khe hở trong suốt nắng lọt qua ấm áp trên đôi cánh của tôi, cách giọt nước họa tiết ấy trở nên long lanh lạ kỳ. Nhưng ngoài lần đầu tiên nhìn cánh cửa sổ ấy, tôi không thèm nhìn nó nữa.
Ngài đại tá hay nhìn cửa sổ vì cửa sổ hướng ra Nixventy – xứ sở là quê hương của ngài. Bên ngoài cánh cửa ấy cũng là nhà của tôi – bầu trời – nơi mà tôi đã sống tới lõi đời ngoài đó. Đáng lẽ tôi thuộc về nó. Nhưng không phải chỉ có giống loài tự xưng là con người, đòi thống trị trên mặt đất mới có lòng tự tôn. Tôi cũng biết chọn tôi nên bay trên khoảng trời như thế nào. Được bay thỏa thích và tự do – cách gọi thật mỉa mai – quả là sung sướng một cách mà tôi cảm thấy nó đến là ngu xuẩn. Tại sao tôi lại được sinh ra với đôi cánh trắng để bay trên những khoảng trời máu phụt lên, nhuộm đỏ những đám mây, và những nòng pháo nôn ồng ộc khói vào không trung? Một bầu trời bẩn thỉu để bay và mặt đất thì quá dơ dáy để đậu. Cái cành nạm vàng của đại tá Mer, và cánh tay của ngài, xem chừng là thứ sạch sẽ nhất. Nó có thể là một vũng lầy kéo tôi xuống, một vũng lầy hào nhoáng, không cho tôi giãy giụa và bay lên, nhưng nó không tanh tưởi.
Nên tôi cứ đứng đây và cảm thấy mình như chết rồi.
Và tôi cũng chỉ ở đây vì là biểu tượng của hòa bình. Trong tôi có niềm tin cho khát vọng của ngài đại tá về hòa bình, dù rằng hòa bình của ngài là đau thương cho nhiều người khác. Ngài ấy chỉ chưa biết nên làm thế nào. Những người như ngài ấy chỉ đi giành giật hòa bình của dân chúng. Ngài Mer khăng khăng gọi tôi là biểu tượng của hòa bình. Nhưng người ta nhìn tôi như nhìn một con chim, thiếu điều sẽ ăn sống tôi hay lịch sự hơn thì đem thui với lửa vì chết đói. Tôi có thể biết những ánh mắt của nhân dân đau khổ khi chồng con bị gọi đi lính và chém giết chồng con của những người khác. Tôi nghĩ hòa bình là thứ cần được chia đều hơn là giành giật. Nếu thật sự tôi là biểu tượng của hòa bình, tôi sẽ đi chia cho tất cả. Nhưng ngài đại tá cứ thích giữ rịt tôi bên ngài. Và lâu lâu ngài chỉ cho tôi nụ cười của những người lính thắng trận trở về… Tôi biết đấy không phải hòa bình do tôi mang lại, nhưng chí ít khi có kẻ thắng người thua, xung đột sẽ lắng xuống, tạm gọi là yên ổn. Trong thế giới động vật mà loài người luôn cho rằng hạ đẳng hơn, mặc dầu chính những quy luật của chúng tôi đã đẻ ra con người, xung đột kết thúc khi hai con đánh nhau và có một con chết. Nhưng chúng tôi không gọi đó là hòa bình, chúng tôi gọi đó là sống còn. Sau cùng, chẳng có hòa bình nào sất. Chúng tôi cứ cố gắng sống đến mãn kiếp rồi chết. Con người không như vậy… Chúng quá phức tạp. Chúng đặt tên cho một thứ không thể nhìn thấy được và gán cái tên ấy cho sinh vật chúng coi là hạ đẳng. Rồi chúng đánh nhau để có hòa bình, giành giật sự sống. Đáng lẽ chúng cứ sống đến mãn kiếp rồi chết có phải yên lành không. Đằng này còn thù hằn, còn trả thù, và đánh nhau mãi không mỏi…
Đôi khi tôi nghĩ sao tất cả không chết hết đi! Hòa bình cho tất cả những sinh linh không tên không tuổi, không cứ phải thiết tha với sự sống, cũng chẳng nhận thức được sự sống, càng không tham sống sợ chết nhưng lại hiện hữu dai dẳng nhất. Như… những bọt sóng kia, những cái lá kia, những hòn đá kia,…
Bây giờ tôi vẫn suy nghĩ về “hòa bình” mà ngài Mer đã nói.
“Bao giờ hòa bình, tớ sẽ thả cậu đi. Tớ cũng sẽ đề xuất ban hành bộ luật bảo vệ chim chóc. Cậu sẽ không bị người ta bắt nữa. Tổ tiên của tớ gọi cậu là biểu tượng của hòa bình.”
Con người thích đặt khái niệm cho mọi thứ. Chẳng có thứ gì là biểu tượng của một thứ không tồn tại cả. Tôi cũng chỉ là một con chim. Tôi không thể ban phát hòa bình cho ai cả. Nhưng ngài Mer – khi ấy là một cậu lính trong trận chiến với quân Gapos xâm lược, nhất quyết giữ tôi lại…
“Cậu hãy ở đây với tớ và đội quân Venty được không? Chúng ta có biểu tượng của hòa bình, vậy là chúng ta sẽ thắng. Tớ sẽ giữ cho cậu thật sạch sẽ, cậu cũng sẽ được ăn uống đủ đầy nữa.”
Rồi cậu lính mơ mộng tới đần độn ấy đã khoe tôi khắp với đội của cậu. Những người lính đã ré lên: “Chúng ta có hòa bình. Chiến tranh sẽ kết thúc với chiến thắng của chúng ta.”
Thật quá dở người khi người ta tin vào tôi như bọn cuồng tín. Tôi chỉ là một con chim.
Nhưng rồi kể từ khi quân Venty có tôi, họ đã chống trả quyết liệt tới cùng trước những lần xâm phạm của Gapos. Buộc Gapos phải thôi dở trò xâm lăng. Hai bên đàm phán và quyết định chấm dứt việc đánh nhau vào năm 145. Người dân Venty cứ cho rằng đó là hòa bình. Nhưng đôi khi loài người đơn giản và ngây thơ hơn cả loài chim.
Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, tôi nhìn về phía cánh cửa sổ được mở tung. Tôi biết ngài đại tá Mer đã cho rằng biểu tượng của hòa bình không cần ở đây nữa….
Sau nhường ấy năm làm biểu tượng của hòa bình, tôi chưa thực biết nó là gì.