Khám phá những di sản thế giới độc đáo của Việt Nam

kate6789

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
23/8/2016
Bài viết
117
Việt Nam tự hào là một dân tộc nhỏ bé mà kiên cường với bề dày lịch sử 4000 năm. Cùng với đó là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú đa dạng và nền văn hóa đặc sắc.

Trong đó không thể không kể đến hàng loạt các di sản thiên nhiên thế giới được tổ chức UNESCO công nhận.
Hiện nay, Việt Nam đang sở hữu trên 20 công trình kiến trúc, địa danh du lịch, thành phố, cũng như các bộ môn nghệ thuật, … được xếp hạng là di sản thế giới. Trong đó nổi bật nhất là 5 di sản thế giới dưới đây.
1. Vịnh Hạ Long

Treo_thuyen_kayak.png

Chèo thuyền Kayak là 1 trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất cho du khách đến Hạ Long


Nằm trên địa phận thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, cái tên Vịnh Hạ Long đã vang danh khắp thế giới với vai trò là đại diện của Việt Nam để đứng lên vị trí 1 trong 7 Kỳ quan thiên nhiên thế giới thời hiện đại.
Vịnh Hạ Long, nơi Rồng đáp xuống với diện tích khoảng 1.553 km² bao gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ cũng vinh dự nằm trong danh sách các Di sản thiên nhiên thế giới được bảo tồn và gìn giữ.
Ngày 17 tháng 12 năm 1994, trong kỳ họp thứ 18 tại Thái Lan, Ủy ban Di sản Thế giới đã công nhận vịnh Hạ Long vào danh mục di sản thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng toàn cầu về mặt thẩm mĩ theo tiêu chuẩn của Công ước Quốc tế về bảo vệ Di sản tự nhiên và văn hóa của thế giới.
Tiếp đó, sau quá trình khảo sát và thẩm định hồ sơ, Vịnh Hạ Long tiếp tục được công nhận là Di sản thế giới lần 2 về mặt giá trị địa chất địa mạo vào tháng 7 năm 2000. Theo đánh giá của UNESCO đây "là ví dụ nổi bật đại diện cho các giai đoạn của lịch sử Trái Đất, bao gồm bằng chứng sự sống, các biến đổi địa chất do quá trình kiến tạo địa chất hay các đặc điểm địa chất và địa văn”.
Hiên nay, tỉnh Quảng Ninh đang xúc tiến đệ trình UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long là Di sản thế giới lần thứ 3, dựa trên những giá trị về khảo cổ học và đa dạng sinh học trong vùng Vịnh.
2. Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng

Phong-Nha-Ke-Bang0.JPG

Phong Nha - Kẻ Bàng đã hai lần được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới

Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng thuộc tỉnh Quảng Bình – miền Trung Việt Nam. Với tổng diện tích 343.300ha, trong đó vùng lõi là 123.300ha và vùng đệm là 220.000ha, Vườn quốc gia trải rộng trên diện tích các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch và Minh Hóa.
Nổi bật với giá trị về lịch sử địa chất, địa hình, địa mạo, Phong Nha – Kẻ Bàng được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho những cảnh quan kì bí, hùng vĩ. Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng ẩn chứa bao điều bí ẩn của tự nhiên, những hang động kỳ vĩ, những khối thạch nhũ khổng lồ là một tuyệt tác nghệ thuật của thiên nhiên với tuổi đời hàng triệu năm. Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới: lần thứ nhất vào tháng 7/2003 tại Hội nghị lần thứ 27 họp ở Paris (Pháp) và lần thứ 2 vào tháng 7/2015 tại Hội nghị lần thứ 39 họp ở Bonn (Cộng hòa Liên bang Đức). Đây cũng là Vườn quốc gia đầu tiên trong khu vực đạt ¾ tiêu chí của UNESCO: “Là những mẫu hình nổi bật tiêu biểu cho các giai đoạn lớn của lịch sử trái đất, bao gồm hồ sơ về sự sống, các tiến trình địa chất có ý nghĩa đang diễn ra trong sự phát triển của địa hình hoặc các đặc điểm địa mạo hay địa văn có ý nghĩa”, "là ví dụ nổi bật đại diện cho các tiến trình sinh thái trong sự tiến hóa và phát triển của các hệ sinh thái trên cạn", và "sở hữu môi trường sống tự nhiên có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học".
Phong Nha – Kẻ Bàng được ví như một bảo tàng địa chất khổng lồ và ẩn chứa vô số những bí ẩn về quá trình hình thành trái đất từ 400 triệu năm về trước. Qua những giai đoạn kiến tạo địa chất quy mô lớn và kéo dài, với những chuyển động đứt gãy, uốn nếp, … tạo nên những bồn trầm tích bị sụt lún và những dãy núi trung điệp cũng như cấu trúc địa lý đa dạng phức tạp, góp phần tạo nên sự đa dạng về địa chất, địa hình, địa mạo của cảnh quan nơi đây.
3. Quần thể di tích Cố đô Huế

kinh-thanh-hue-2.png

Quần thể kiến trúc uy nghiêm, hùng vĩ của Kinh thành Huế hòa hợp với khung cảnh thơ mộng của Huế


Với bề dày lịch sử gần 400 năm với 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, rồi thành Kinh đô của triều đại Tây Sơn, tiếp đến là Kinh đô của Việt Nam dưới thời phong kiến 13 đời vua Nguyễn, Quần thể di tích Cố đô Huế với những giá trị lịch sử và văn hóa đặc sắc đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Quần thể di tích này được UNESCO công nhận tại phiên họp lần thứ 17 của Uỷ ban Di sản thế giới, Colombia từ ngày 6 đến 11/12/1993.
Quần thể di tích là hàng loạt các công trình uy nghiêm hùng tráng như Kinh thành Huế, Hoàng thành Huế, Tử cấm thành, Ngọ Môn, Đại nội, … được thiết kế hài hòa giữa kiến trúc Đông và Tây, đồng thời, Kinh thành Huế cũng kết hợp vô cùng hài hòa với núi Ngự Bình, dòng Hương Giang, cồn Giã Viên,..
Cùng tồn tại với thời gian không chỉ có những công trình nguy nga tráng lệ mà còn là những điệu múa, những bài ca xứ Huế, những màn biểu diễn nghệ thuật mà ngày trước chỉ có vua chúa mới được thưởng thức. Những giọng hò, những bài ca Huế ấy giờ đây đã trở thành những món ăn tinh thần không thể thiếu cho mỗi du khách đặt chân đến với Cố đô.
4. Đô thị cổ Hội An

hoian-song-thu-bon.jpg

Sông Thu Bồn tạo nên điểm nhấn cho nét cổ của Hội An


Từng là thương cảng sầm uất nhất khu vực miền Trung Việt Nam trong nhiều thế kỷ, Hội an là nơi tập trung, giao lưu gặp gỡ của nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới, do đó ở Hội An du khách có thể thấy sự kết hợp hài hòa của các nền văn hóa Đông Tây. Dù hòa nhập với các nền văn hóa phương Tây nhưng Hội An không hề mất đi bản sắc riêng của một đô thị cổ phương Đông.
Ngày nay về Hội An du khách vẫn có thể cảm nhận được gần như nguyên vẹn hơn một nghìn di tích kiến trúc như phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ, mộ cổ... Các kiến trúc vừa có sắc thái nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, vừa thể hiện sự giao lưu hội nhập văn hoá với các nước phương Đông và phương Tây.
Cùng với đó là những phong tục tập quán, nghi lễ, sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng cũng như các món ăn truyền thống vẫn lưu giữ, bảo tồn cùng với bao thế hệ người dân phố cổ. Tại kỳ họp thứ 23 từ ngày 29/11 đến 4/12/1999 ở Marrakesh (Maroc), Tổ chức Văn hoá - Khoa học - Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) đã ghi tên Hội An vào danh mục các Di sản Văn hoá Thế giới.
5. Thánh địa Mỹ Sơn

thanh-dia-my-son3.jpg

Nơi đây từng là Thánh địa Ấn Độ giáo của vương quốc Champa


Mảnh đất Quảng Nam dù nhỏ bé nhưng lại có vinh dự to lớn khi là quê hương của 2 di sản thế giới. Không chỉ có Hội An, Quảng Nam còn có khu đền tháp Mỹ Sơn cũng được công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Nơi đây từng là Thánh địa của Ấn Độ giáo của vương quốc Champa, nơi làm lễ thánh tẩy, dâng cúng lễ vật của những vị vua sau khi lên ngôi. Công trình là di chứng lưu giữ nhiều giá trị vô giá về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật qua một thời gian dài từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIII. Vì thế, những công trình này được đánh giá ngang hàng với nhiều di tích nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á.
Điều làm nên một di sản thế giới còn nằm ở bí ẩn về kiến trúc xây dựng quần thể công trình này. Bí ẩn mà thậm chí các nhà khoa học tài ba trên thế giới chưa tìm ra ấy là về các vật liệu để tạo nên một công trình bề thế mà không cần đến các vật liệu thông dụng như ngày này.
Tháng 12/1999, tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Di sản thế giới được tổ chức ở Marrakesh (Maroc), Khu đền tháp Mỹ Sơn đã được UNESCO chọn là một trong các Di sản Văn hóa thế giới theo tiêu chuẩn 2 như là một ví dụ điển hình về trao đổi văn hoá và theo tiêu chuẩn 3 như là bằng chứng duy nhất của một nền văn minh châu Á đã biến mất.
Hội tụ đầy đủ các yếu tố về mặt địa thế, con người, cùng vô số những di sản quý báu, Việt Nam một quốc gia nhỏ bé nhưng chắc chắn có thể sánh ngang với các cường quốc trên thế giới nếu có thể bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống quý báu mà chúng ta đang sở hữu.

ThiencamTravel
thiencamtravel.vn
https://thiencamtravel.vn/tin-tuc-du-lich/kham-pha-nhung-di-san-the-gioi-doc-dao-cua-viet-nam.html
 
×
Quay lại
Top Bottom