Khái niệm tài chính là gì?

novatic

Thành viên
Tham gia
19/9/2019
Bài viết
2
Tài chính là một phạm trù kinh tế, tồn tại khách quan và mang tính lịch sử. Tài chính chỉ ra đời và tồn tại trong những điều kiện kinh tế xã hội nhất định. Những điều kiện kinh tế xã hội này là những tiền đề khách quan cho sự ra đời và phát triển của tài chính. Những tiền đề đó là nền kinh tế hàng hóa-tiền tệ và nhà nước.
Lịch sử phát triển xã hội loài người đã chứng minh rằng, vào thời kỳ cuối của chế độ công xã nguyên thủy, sự phát triển của phân công lao động xã hội đã làm xuất hiện chế độ tư hữu, sự ra đời của sản xuất và trao đổi hàng hoá. Hàng hoá sản xuất ra không chỉ nhằm mục đích tự cấp mà còn được đem trao đổi nhằm thỏa mãn các nhu cầu khác nhau trong tiêu dùng. Lúc đầu là hàng đổi hàng, sau đó, do yêu cầu trao đổi và phạm vi trao đổi được mở rộng, tiền tệ xuất hiện đóng vai trò như một loại hàng hoá đặc biệt mang tính chất là vật ngang giá chung. Thông qua đồng tiền, các thành viên trong xã hội có thể sử dụng để đổi lấy bất kỳ loại hàng hóa theo nhu cầu. Những hình thái đầu tiên của tiền tệ có thể được quy ước là vỏ sò, lông thú, kim loại…Về sau, để thuận tiện hơn cho việc cất giữ, mang theo, trao đổi, tiền tệ dần dần đưọc chuyển sang hình thức tín tệ. Các bên trong mối quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa có thể quy ước vật ngang giá chung có giá trị là tiền. Cùng với với quá trình phát triển của sản xuất và trao đổi hàng hoá và sự ra đời của tiền tệ, chế độ tư hữu đã nảy sinh và kéo theo những hệ quả xã hội như tình trạng phân chia giai cấp, phân biệt giữa giàu nghèo… Trên cơ sở của những hệ quả đó, xã hội bắt đầu xuất hiện hiện tượng cho vay nặng lãi-biểu hiện của hình thức phân phối lại của cải xã hội theo ý chí chủ quan. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng, với dấu hiệu của hành vi phân phối của cải xã hội dưới hình thức giá trị là tiền, hoạt động cho vay nặng lãi là một trong những hiện tượng kinh tế tất yếu của thời kỳ này và được coi là những hình thức, mầm mống đầu tiên của các quan hệ tài chính, tiền tệ ra đời.

Song song đó, cũng do sự xuất hiện của chế độ tư hữu dẫn đến việc xã hội phân chia giai cấp được thể hiện bằng những nhóm người có lợi ích cơ bản đối lập nhau. Sự đấu tranh giữa các giai cấp trong thời kỳ cuối của xã hội công xã nguyên thủy đã dẫn đến sự ra đời tất yếu của nhà nước, một tổ chức mang quyền lực chính trị cao nhất do giai cấp thống trị nắm giữ. Để tồn tại nhà nước cần phải đảm bảo được các chức năng, nhiệm vụ của mình bằng nguồn lực tài chính nhất định. Do vậy, Nhà nước bắt buộc phải huy động được tiền tệ trong xã hội nhằm hình thành nên nguồn lực tài chính phục vụ cho việc duy trì sự tồn tại của mình. Nhà nước đã sử dụng quyền lực chính trị của mình như một công cụ để có thể tham gia vào quá trình phân phối của cải trong xã hội mà biểu hiện rõ ràng nhất là việc nhà nước quy định các khoản thuế và tiến hành thu thuế trong xã hội, trên cơ sở đó huy động nguồn tài chính. Nói cách khác, hoạt động phân phối mà nhà nước tham gia trước hết là nhằm tập trung vào tay nhà nước những nguồn của cải nhất định dùng để tài trợ cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước, trên cơ sở đó, duy trì được sự tồn tại của bộ máy nhà nước.

Như vậy, nền sản xuất hàng hóa, chế độ tư hữu là những tiền đề thúc đẩy sự ra đời của nhà nước. Đến lượt mình, nhà nước đã tác động tích cực trở lại đối với sự phát triển của các quan hệ sản xuất hàng hóa-tiền tệ, làm cho những quan hệ này ngày càng mở rộng. Khi phạm vi của các quan hệ hàng hóa-tiền tệ ngày càng được mở rộng thì các quan hệ mang tính chất phân phối, biểu hiện của hoạt động tài chính cũng ngày càng phát triển.

Từ đó, có thể hình dung rằng, hiện tượng tài chính chứa đựng trong đó những quan hệ xã hội được hình thành trong quá trình nhà nước và các chủ thể khác trong xã hội thực hiện các hoạt động mang tính chất phân phối của cải xã hội dưới hình thức giá trị trên nền tảng của mối quan hệ hàng hoá-tiền tệ và sự cần thiết phải phân phối (hoặc phân phối lại của cải trong xã hội).

Về khái niệm tài chính, các sách báo kinh tế, pháp lý thường lý giải theo những phương diện khác nhau:

-Tài chính bao gồm các quỹ tiền tệ được hình thành bởi nhà nước nhằm thực hiện những chức năng và nhiệm vụ của nhà nước. Đây là cách hiểu trực quan lên hiện tượng tài chính. Cần phải phân biệt rõ, tài chính không phải là tiền tệ, nhưng các quỹ tiền tệ được hình thành bởi Nhà nước chính là những biểu hiện bên ngoài của tài chính. Cụ thể hơn các quỹ tiền tệ chính là biểu hiện về mặt vật chất của tài chính để qua đó mà tài chính tồn tại thực trong đời sống kinh tế-xã hội.

-Tài chính là tổng hợp các quan hệ kinh tế, hình thành trong quá trình thành lập, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ nhất định của Nhà nước, để thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước. Đây là cách hiểu tài chính trừu tượng, xuất phát từ bản chất bên trong của tài chính – vốn là các quan hệ phân phối của tài chính là phân phối tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân – kết quả của các hoạt động kinh tế.

Một cách khái quát, tài chính được xác định như sau: tài chính là hiện tượng đặc trưng bằng sự vận động độc lập tương đối của tiền tệ với chức năng phương tiện thanh toán và phương tiện cất trữ trong quá trình tạo lập hay sử dụng các quỹ tiền tệ đại diện cho những sức mua nhất định ở các chủ thể kinh tế – xã hội. Tài chính phản ánh tổng hợp các mối quan hệ kinh tế trong phân phối các nguồn lực tài chính thông qua tạo lập hay sử dụng các quỹ tiền tệ nhằm đáp ứng yêu cầu tích luỹ hay tiêu dùng của các chủ thể (pháp nhân hay thể nhân) trong xã hội.[1]

Từ nội dung trên, hiện tượng tài chính có thể được thể hiện thông qua những phương diện sau:

-Có sự vận động độc lập tương đối của các nguồn tài chính được biểu hiện cụ thể thông qua sự vận động của một lượng tiền tệ nhất định.

-Có các quan hệ phân phối (hoặc phân phối lại) của cải xã hội.

-Có sự hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ
 
×
Quay lại
Top Bottom