- Tham gia
- 21/7/2011
- Bài viết
- 4.659
Mình về đột ngột làm ông bà mừng đến nỗi không ăn cơm được, cứ ngồi rưng rưng, ông thì cứ lặp đi lặp lại "Ông bất ngờ quá! Ông bất ngờ quá!" rồi cười móm mém, cái miệng hầu như chẳng còn cái răng nào lập bà lập bập.
Em Phương đi Bắc với cô Thiện 1 tuần. Mình gọi điện hỏi có đi đâu chơi không? Em trả lời "Không, ở nhà nói chuyện với chú Dũng cũng vui rồi!" Nghe em nói thế mà sao thấy cay cay sống mũi. Có những niềm vui thật bình dị và giản đơn.
Quê nội nghèo thật nghèo, ông bà nội già thật già, có tám người con, bây giờ ông bà nội sống với chú út, chú bệnh từ nhỏ, đến bây giờ vẫn cần sự chăm sóc của ông bà từ miếng ăn giấc ngủ.
Năm ngoái mình về, mùa đông lạnh buốt, căn nhà gỗ nhỏ bé vẫn bị những cơn gió vặn vẹo tìm cho ra những lỗ hổng (dù đã được bịt bằng giấy và bịch nilon) để ùa vào làm tê buốt những ngón tay ngón chân nứt nẻ của người già. Cảnh quê bình yên nhưng sao vẫn xót xa những tiếng ho của ông giữa đêm lạnh vắng, gương mặt mốc thỉu của chú vì lạnh mà không thể biểu lộ, bà cầm gậy đi lại nặng nhọc hay chỉ ngồi một chỗ la lối những con gà con chó...
Mảnh vườn, ao cá trước sau rộng thênh thang, nghĩ mà thèm cho những ngôi nhà chật chội chen chúc ở thành phố. Buổi sáng thức dậy cái lạnh tê tê trên da mặt, bàn tay nấu bếp ga còn lười phải loay hoay nấu nước và bữa sáng bằng rơm rạ. Bạn Hà đã lúi húi đào được bụi sắn (củ mì) sau nhà, bắc lên luộc và nướng. Trời lạnh ngồi bên bếp lửa thật là thích. Nhưng những cọng rơm mau tàn, cháy bùng lên rồi tắt, hơi ấm chẳng còn lại là bao...
Có lẽ mình sống sung sướng quen rồi, không chịu được khổ cực. Cả vườn chẳng có gì đáng giá ngoài vài cây chanh trái đèo, vài cây chè để bà hái lá nấu nước thì chỉ còn hai bụi sắn góc vườn, bà yêu thương cho mình nhổ lên một bụi để nấu, để nướng, để thoả cái thú "về quê". Vậy mà mình nấu xong cũng có ăn đến đâu, cắn một miếng là ngán tận cổ, không nuốt nổi. Trong khi ông bà muốn ăn cũng phải đắn đo chờ con phần cháu.
Ông có dáng thật cao, và gầy, khi ông bỏ áo ra vắt trên vai để lộ ra cánh tay khẳng khiu và những chiếc xương sườn dường như chỉ còn được bọc bởi lớp da già nua, mỏng mảnh. Trời lạnh thế mà ông vẫn không mặc nhiều áo ấm. Tất cả những gì con cháu gửi về ông đều dành hết cho bà và chú.
Mình về đột ngột làm ông bà mừng đến nỗi không ăn cơm được, cứ ngồi rưng rưng, ông thì cứ lặp đi lặp lại "Ông bất ngờ quá! Ông bất ngờ quá!" rồi cười móm mém, cái miệng hầu như chẳng còn cái răng nào lập bà lập bập. Bà ngồi nhai trầu cứ tính nói gì đấy rồi lại thôi, khe khẽ đưa tay lên lau mắt. Mình sợ nhất là như thế, sợ nhất sợi dây tình cảm làm người ta không đành đoạn, làm sao có thể đành..
Chú không thể ra khỏi gi.ường, trời lạnh lắm mà chú chẳng thể nói được với ai là chú rất lạnh. Da mặt chú khô, mốc trắng và nứt nẻ. Gương mặt không biểu cảm, nhưng mình nghĩ chú có thể biểu hiện một chút qua đôi mắt, đó là mình nghĩ thế thôi, không biết có ai cảm thấy thế nữa không, tại vì chỉ là biểu lộ một chút thôi, rất ít. Nhưng như thế rất khó để cho người khác biết chú muốn gì, chú cảm thấy thế nào. Người ta có thể nói chuyện với nhau, giao tiếp được với nhau còn không hiểu được nhau huống chi chỉ là ánh mắt!
Chú sợ mùa đông (cái này mình nói giùm), thích các mùa còn lại. Mùa đông chú chỉ ngồi một chỗ, ở trên gi.ường, hai chân sưng tấy, da mốc và nứt nẻ, chỉ nhìn thấy thôi cũng đã đủ thắt lòng. Còn thắt lòng hơn khi cảnh tượng ấy còn có thêm hai ông bà già phải ngày đêm chăm bẵm. Mùa đông càng u ám.
Các mùa khác thì thích hơn, chú sẽ đi chơi, đi ra ngoài đường làng, đi ra ruộng, chỉ đi quanh quanh thôi. Vừa đi vừa hát những câu ngô nghê không biết học được ở đâu. Những câu hát không rõ lời, rõ chữ, nhưng lại ra nhạc, lắng nghe kỹ sẽ là những bài "em đi chùa hương" "bèo dạt mây trôi" hay những bài hát con nít mà đài phát thanh đầu làng hay phát đi phát lại. Chỉ một hai câu lặp đi lặp lại, chú có vẻ rất vui. Và về nhà đúng bữa cơm.
Nhớ có lần nào em Phương nói chú mặc đồ đẹp chụp hình nhé. Chú đi lấy bộ đồ mà chú thích nhất ra đứng ngoài sân để chụp hình, hình chụp lên không đẹp, nhưng chú đòi xem, xem xong đôi mắt chú buồn thiu, không đòi xem nữa. Mình luôn luôn nhớ ánh mắt chú lúc đó, có tia sáng nào đó tự nhiên vụt tắt. Mình đã tự nhủ phải một lần nào đó chụp lại cho chú một tấm khác, ở góc độ khác để chú được nhìn thấy mình xinh đẹp.
Mình hỏi chú, "cháu là Thuỷ con bố Hùng, chú có nhớ bố Hùng không?", gương mặt vô cảm khẽ gật đầu, có lẽ trong cái thế giới đằng sau gương mặt ấy là cả một niềm vui và nỗi nhớ dâng trào.
Mình không phải là một người giỏi giao tiếp, giỏi biểu lộ tình cảm, cái này còn thua em Phương xa, biết thế mà không học tập được. Mình không thể hỏi han ông bà nhiều, không thể bóp tay bóp chân cho bà, không biết đường đưa cho ông chai dầu gió, không thể nói chuyện huyên thuyên với chú. Mình thật tệ!
Mình chỉ ở quê có một ngày, một ngày chưa đủ để cảm giác hết "cái sự quê" nhưng cũng đủ để nhớ, để mà day dứt liệu có vội vàng? Ngày hôm sau tiễn mình đi, ông vẫn còn chưa hết bất ngờ của ngày hôm trước.
Chiều nay lại gọi điện thoại cho em Phương, em nói chú Dũng đang ngồi hát ngêu ngao. Ngoài ấy trời đẹp, trăng trong veo...