Học sinh cần bản lĩnh “nói không” với cám dỗ

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
“Nhiều bạn học giỏi nhưng đau đáu nuôi mục đích học tập là để có cơ hội đi du học rồi làm việc ở nước ngoài chứ không muốn trở về xây dựng đất nước. Học giỏi nhưng chúng ta cần bản lĩnh để giữ chất xám cho đất nước”.

Đó là chia sẻ của bạn Hà Văn Sang, học sinh (HS) Trường THPT Nguyễn Du, gương mặt “HS 3 tích cực” TPHCM tại tọa đàm xây dựng hình mẫu HS trong giai đoạn mới diễn ra trong khuôn khổ ngày hội tuyên dương “HS 3 tích cực” TPHCM năm 2012.
HS này cho rằng, một trong những nhiệm vụ của HS là học giỏi nhưng nhiều bạn bỏ quên mục tiêu góp sức mình để xây dựng đất nước. “Mẫu hình HS Việt Nam là phải góp sức hướng về đất nước, làm đẹp cho đất nước”.

Bên cạnh 3 tiêu chí cần thiết như học tập tốt; rèn luyện đạo đức, lối sống; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhiều tranh luận cho rằng HS ngày nay cần phải có bản lĩnh, lý tưởng sống vì cuộc sống bây giờ có nhiều cám dỗ.

hstichcuc1-0ade2-713934-7302.jpg

Bạn Võ Thanh Ngọc, Trường THPT Thủ Đức cho rằng HS ngày nay phải có bản lĩnh hòa nhập mà không hòa tan.

Bạn Võ Thanh Ngọc, Trường THPT Thủ Đức cho hay một bộ phận đang chạy theo xu thế từ bên ngoài thâm nhập vào làm mai một văn hóa, truyền thống của dân tộc. Thế nên, mẫu hình HS giai đoạn mới đòi hỏi thế hệ trẻ phải có bản lĩnh để hòa nhập mà không bị hòa tan.

Bạn Huỳnh Minh Quang, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong bày tỏ, tuy thế hệ HS bây giờ không phải sống trong thời chiến nhưng mẫu hình HS giai đoạn giao lưu văn hóa, kinh tế cũng đòi hỏi rất nhiều yếu tố.
Không chỉ học giỏi mà phải là học tập một cách tích cực, đạo đức không chỉ là ngoan ngoãn vâng lời mà phải có bản lĩnh. Ngoài ra, HS tham gia nhiều hơn nữa các hoạt động xã hội, vì cộng động và đòi hỏi cả khả năng giao tiếp”, Minh Quang cho hay.
Tuy nhiên, điều làm HS này trăn trở là các bạn trẻ Việt Nam đang rất thiếu định hướng để thực sự phát triển được thế mạnh, tố chất của bản thân. Ví dụ như trong việc chọn nghề nghiệp, nhiều người thi vào các trường do bố mẹ áp đặt hoặc chọn theo bạn bè, theo nghề hot chứ không xác định được mình thích gì và mình có thể làm gì.

hstichcuc2-0ade2-713934-5420.jpg

"Học sinh 3 tích cực" TPHCM tìm hiểu về yêu cầu hình mẫu HS ngày nay.

Tiếp ý kiến này, bạn Nguyễn Quỳnh Mai, Trường THPT Phú Nhuận bày tỏ hầu hết các bạn HS đều biết nhiệm vụ học giỏi nhưng hiện nay họ còn rất bị động trong việc học.
“Nhiều HS luôn than phiền chương trình, cách dạy bây giờ nặng về lý thuyết, thiếu thực hành. Thế tại sao chúng ta không biết cách tự tạo cho mình những phương pháp học chủ động hơn, tự mình tìm cơ hội thực hành từ lý thuyết đã có?”, Quỳnh Mai đặt ra vấn đề.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Chơn Trung (bí danh Sáu Quang), nguyên Bí thư Thành đoàn TPHCM chia sẻ nhiều câu chuyện về hình mẫu học trò trong thời chiến với những gương điển hình như anh Trần Văn Ơn, chị Trần Bội Cơ…
“Bây giờ không còn chiến tranh, nhiệm vụ chính là xây dựng đất nước nhưng chúng ta cũng không được quên nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đối với học trò, nhiệm vụ học tập, mở mang kiến thức, tu dưỡng đạo đức ở bất kỳ giai đoạn, thời kỳ nào cũng là yêu cầu hàng đầu. Bởi đó chính là yếu tố để xây dựng cũng như bảo vệ Tổ quốc”, ông Trung nhấn mạnh.

Ông Trung cho rằng, nếu chúng ta chỉ dựa vào bên ngoài ngoài thấy các em ham hố cái này cái nọ rồi đánh giá học trò tha hóa, sống không lý tưởng là không chính xác. Điều này có nhưng chỉ xuất hiện ở một phận nhỏ còn đại bộ phận thế hệ trẻ vẫn luôn cháy bỏng cống hiến, xây dựng Tổ quốc.
Và để lòng yêu nước này được phát huy, đồng tình với ý kiến các em HS, đại diện thế hệ học trò thời kỳ trước cho rằng chúng ta cần trang bị cho các em bản lĩnh để các em tránh được mọi cám dỗ trong tất cả các hoàn cảnh.
Theo Dân Trí
 
×
Quay lại
Top Bottom