"Hãy thay đổi để vượt bão"

Linh Nhi

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/7/2015
Bài viết
1.309
tai-xuong-20-.jpg

“Hãy thay đổi để vượt bão. Hãy sẵn sàng chết để tái sinh!” - đó là một đúc kết đầy ý nghĩa mang đậm triết lý nhân sinh được trích ra trong một bài viết từ website cá nhân của tiến sĩ Alan Phan – một doanh nhân Việt kiều từng có nhiều bài viết, ấn phẩm phân tích sâu sắc về kinh tế - tài chính.

Ông hiện là Chủ tịch quỹ đầu tư Viasa tại Hongkong và Thượng Hải, là doanh nhân Việt kiều đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên sàn chứng khoán Mỹ vào năm 1987.

Năm 1999, Tập đoàn Harcourt của ông có thị giá 670 triệu USD. Tiến sĩ Alan Phan đã xuất bản tám cuốn sách bằng tiếng Anh và tiếng Việt về kinh tế tài chính tại các quốc gia mới nổi.

Trong môi trường cạnh tranh hết sức khốc liệt hiện nay, “hãy thay đổi” cũng là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam rất quan tâm. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Alan Phan về vấn đề này.

Thưa ông, trong suốt quãng đường kinh doanh của mình, đã bao nhiêu lần ông phải “thay đổi” để “vượt bão”?

Thật tình thì 42 năm là một thời gian khá dài, nếu kể chuyện thay đổi thì phải nói là thay đổi rất nhiều. Nhưng có những cái mốc lớn mà tôi muốn chia sẻ ở đây. Thứ nhất là vào năm 1975, tôi đi qua Mỹ với 600 USD.

Đang là một doanh nhân có khoảng 12.000 nhân công và sáu nhà máy ở Việt Nam mà qua Mỹ với 600 USD thì đương nhiên là phải có những thay đổi công việc, thay đổi tư duy, thay đổi mọi thứ… để làm lại từ đầu. Sau đó tôi cũng khá thành công, làm ở nhiều lĩnh vực.

Đến năm 1982, lạm phát ở Mỹ cũng như sự suy thoái kinh tế lên đến mức trầm trọng, dưới thời Tổng thống Ronald Reagan. Lúc đó tôi đang làm địa ốc, xây dựng 120 biệt thự ở Scottsdale, bang Arizona và dự án thất bại làm tôi gần như phá sản. Phải thay đổi một lần nữa để kinh doanh, để vượt bão.

Tới năm 1995, tôi có một công ty lên sàn chứng khoán Mỹ nhưng vẫn chưa đi tới đâu. Đó là thời điểm internet bắt đầu bùng nổ ở Mỹ. Tôi suy nghĩ nếu mình làm internet thì cơ hội đột phá sẽ mạnh hơn.Tất cả mọi người đều là những tay chơi mới trong trò chơi internet này, chưa ai biết nhiều về nó, nên cũng chưa ai có những lợi thế cạnh tranh lâu đời để những người khác phải bị thua thiệt.

Thế nhưng tại Mỹ toàn những cao thủ, nên sự cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn. Cho nên tôi lại khăn gói đi sang Trung Quốc vì đây là thị trường mới mở, còn mới mẻ, tôi cũng làm ăn ở đó nhiều năm, có đôi chút kinh nghiệm. Tôi dời nhà sang Hongkong, sau đó là Thượng Hải, làm một công ty chuyên về công nghệ thông tin (IT).

Lúc đó có thể nói, tôi là một trong những người vừa có tiền, vừa có căn bản và những mối quan hệ bên Mỹ, được người Hoa rất kính nể. Do đó, tôi xây được Harcourt lên thành công ty IT hàng đầu ở Trung Quốc. Năm 1999, tức là sau năm năm ra đời, Hartcourt đạt thị giá gần 700 triệu USD trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Đó là một trong những cách tư duy để thay đổi và khi thay đổi, dám chấp nhận hành xử theo suy nghĩ của mình thì sự thành công hay thất bại sẽ rất ấn tượng.

Tức là từ những cột mốc vượt bão như thế ông mới rút ra được kinh nghiệm rằng phải thay đổi tư duy thì mới thích ứng được hoàn cảnh mới, mới dẫn đến thành công?

Đó là điều kiện tiên quyết. Không có thay đổi tư duy, thì vẫn phải trì trệ trong đống bùn, đợi chờ phép lạ.

Thế còn những yếu tố quan trọng tiếp theo là những yếu tố nào thưa ông?

Tiếp theo là sự sáng tạo. Tức là phải dám suy nghĩ khác người, phải dám đi vào lề trái. Phải tập hợp những anh em, những bạn trẻ để cùng đi với nhau. Không thể làm theo một quy tắc A, B, C, D…

Đây là lúc phải suy nghĩ, đúc kết, phân tích tình hình và quan trọng hơn hết, là phải hành động. Không thể cứ ngồi suy nghĩ mãi. Đương nhiên, khi hành động thì cơ hội thất bại cũng gần như tương đương với thành công. Và ta phải đối diện với nó.

Như ông vừa nói, phải đối diện với thất bại. Vậy thì có cách nào để tự tin vượt qua thất bại để đạt đến thành công hay không?

Thật ra không phải là sự tự tin. Chúng ta phải phân tích thật kỹ càng cơ hội thất bại và thành công. Nhưng tôi nghĩ tôi khác nhiều doanh nhân ở chỗ tôi không coi thất bại là kẻ thù. Mình phải coi thất bại là một người bạn, vì thật tình, nó giúp mình nhiều hơn thành công. Chúng ta phải quan niệm thất bại chỉ là một kết quả thôi.

Tôi đã nói rất nhiều với các bạn trẻ rằng Edison cũng đã thất bại mấy trăm lần trong phòng thí nghiệm trước khi đạt đến thành công là sáng chế ra bóng đèn điện. Một hai lần thất bại của chúng ta có là gì đâu. Tư duy của người Á Đông mình, coi thất bại là một chuyện đáng xấu hổ, cố che giấu đi, mặc cảm về điều đó. Để rồi không dám làm những gì mình thích, co rúm lại để che giấu đi những thất bại bị cho là đau thương.

Đối với tôi, dù thất bại hay thành công cũng chỉ là một cái kết quả để mình đi tiếp, có vậy thôi. Từ bạn bè cho đến nhân viên, đối tác, khách hàng…hễ thất bại tôi đều thẳng thắn “chúng ta đã thất bại trong vấn đề đó, bây giờ sẽ cùng tìm ra một giải pháp để sửa đổi và tìm ra con đường đi mới”.

Ông nói thất bại cũng là một giá trị mới trong việc kinh doanh của mình, nhưng thực tế khi làm ăn với một đối tác, một doanh nghiệp, nếu chúng ta biết được rằng họ thành công, luôn có hướng đi lên thì vẫn an toàn hơn là cộng tác với một doanh nghiệp gặp quá nhiều thất bại, quá nhiều thăng trầm?

Không, đó chỉ là tư duy phần lớn của xã hội Á Đông. Chứ còn đối với người Mỹ, nếu anh nói rằng mình chưa lần nào thất bại thì họ lại đâm ra sợ, nhất là những nhà đầu tư. Anh đến với tôi mà bảo rằng “trong việc làm ăn tôi chưa từng thất bại” thì tôi sẽ nghĩ “chắc là anh này sắp thất bại đây rồi”.

Vấn đề là không tệ đến mức tiếp tục thất bại nhiều lần trong những tình huống giống như các thất bại trong quá khứ. Phải biết thay đổi để không lặp lại sai lầm. Học một bài học và tiếp tục đi.

Qua quá trình kinh doanh, ông đã rút ra được một kinh nghiệm rất quý giá như thế. Vậy thì bí quyết của ông để có được sự thay đổi đúng đắn, để không bị “bão” nhấn chìm là gì?

Có ba vấn đề thường gây ra thất bại. Thứ nhất là chủ quan. Đôi khi mình lạc quan một cách sai lầm. Mình nghĩ khả năng của mình cao hơn trong thực tế. Đó là một lối tư duy rất nguy hiểm.

Thứ hai là khi tình thế thay đổi rồi, anh vẫn tiếp tục phương pháp cũ đã mang đến thành công cho mình thì cũng sẽ là một cơ hội để đưa đến thất bại. Khi tình thế thay đổi thì lối làm việc cũ cũng phải thay đổi theo. Ở Việt Nam, bất động sản và chứng khoán đang suy sụp, nếu mình không thay đổi thì sẽ vô tình mời gọi tai họa đến.

Thứ ba là những dự đoán về tương lai phải chính xác. Nếu dựa trên những dữ kiện, những số liệu sai lầm thì sẽ đưa ra những dự đoán sai lầm. Vì vậy, phải nghi ngờ và nghiên cứu kỹ lại tất cả những số liệu.

Tôi thấy đó là một nhược điểm của những doanh nghiệp Việt Nam. Những dự đoán của họ rất mơ hồ, kém chính xác. Ngoài ra còn có yếu tố may mắn nữa. Nhưng nếu vượt qua được ba điểm đó thì tương đối tránh được nguy cơ thất bại.

Ông suy nghĩ thế nào về ý chí của mỗi doanh nhân, doanh nghiệp khi dấn thân vào thương trường?

Có những người sinh ra đã có ý chí rất mạnh, cũng có những người rất yếu đuối. Nó là sự kết hợp và tích tụ của nhiều yếu tố đã xảy ra trong quá khứ. Nhưng tôi luôn cho rằng nếu mình yếu đuối, thì mình có thể tập luyện để cải thiện nó. Có rất nhiều những khóa học, các bài học trên internet giúp rèn luyện kỹ năng, làm cho tinh thần của mình mạnh hơn.

Thứ hai là niềm tin về những gì cao cả hơn đời sống, nhất là về tôn giáo, bất kể tôn giáo nào. Khi có một niềm tin nào đó thì tinh thần của con người thường mạnh hơn. Vì vậy, yếu tố tâm linh là một yếu tố cũng cần nên suy xét.

Theo ông, giá trị của ý chí trong việc kinh doanh, khởi nghiệp, làm giàu của mỗi con người như thế nào?

Ý chí là một yếu tố quan trọng trong rất nhiều yếu tố, là động lực thúc đẩy mình đi tới. Như tôi nói, không có một việc kinh doanh nào luôn thông suốt cả. Và thật ra nó càng thông suốt thì mình càng nên sợ, bởi vì sẽ có những biến chuyển rất bất ngờ.

Khi gặp những rắc rối, những khó khăn thì ý chí là một điều có thể đẩy mình vượt qua. Đương nhiên, đây là một yếu tố rất cốt lõi giúp ta thành công.

Cảm ơn ông!

(Theo Doanh Nhân Sài Gòn)
 
×
Quay lại
Top Bottom