- Tham gia
- 26/8/2010
- Bài viết
- 2.078
“Hầu hết mọi người là người khác. Những suy nghĩ của họ là ý kiến của người khác, cuộc sống của họ là sự bắt chước, cảm xúc của họ là một câu trích dẫn” ,Oscar Wilde.
Khi đọc truyện Gatsby vĩ đại của Scott Fitzgerald, tôi vô cùng thích thú với đoạn mở đầu:
“Hồi tôi còn nhỏ tuổi, nghĩa là hồi dễ bị nhiễm các thói hư tật xấu hơn bây giờ, cha tôi có khuyên tôi một điều mà tôi ngẫm mãi cho đến nay:
– Khi nào con định phê phán người khác thì phải nhớ rằng không phải ai cũng được hưởng những thuận lợi như con cả đâu.
Ông không nói gì thêm, nhưng vì hai cha con chúng tôi xưa nay vẫn rất hiểu nhau mà chẳng cần nhiều lời nên tôi biết câu nói của ông còn nhiều hàm ý khác. Vì vậy tôi không thích bình phẩm một ai hết. Lối sống ấy đã mở ra cho tôi thấy nhiều bản tính kì quặc, nhưng đồng thời khiến tôi trở thành nạn nhân của không ít kẻ chuyên quấy rầy người khác.”(*)
Tôi cũng rất thích một chi tiết trong truyện Doraemon, đó là mỗi khi Nôbita và Doraemon lạc vào một thế giới khác, bất cứ thế giới nào, thì ở nơi đó cũng xuất hiện những nhân vật có nhân dáng tương tự Nôbita, Xuka, Xêkô, Chaien…. nhưng tính cách lại có thể rất khác. Điều đó luôn khiến tôi mỉm cười.
Cuộc sống này cũng vậy… Ở đâu đó ngoài kia là những người có thể giống ta. Ở đâu đó ngoài kia là những người có thể rất khác ta. Có người ưa tụ tập với bạn bè. Có người mê mải rong chơi. Có người chỉ thích nằm nhà để đọc sách. Có người say công nghệ cao. Có người mê đồ cổ. Có người phải đi thật xa đến tận cùng thế giới thì mới thỏa nguyện. Có người chỉ cần mỗi ngày bước vào khu vườn rậm rạp sau nhà, tìm thấy một vạt nấm mối mới mọc sau mưa hay một quả trứng gà tình cờ lạc trong vạt cỏ là đủ thỏa nguyện rồi. Tôi nhận ra rằng, hai sự phấn khích đó có thể rất giống nhau. Cũng giống như người ta có thể phản ứng rất khác nhau khi đứng trước thác Niagara hùng vĩ, người này nhảy cẫng lên và ghi nhớ cảnh tượng đó suốt đời, nhưng cũng có người nhìn nó và nói: “Thác lớn nhỉ?” rồi quên nó đi ngay sau khi trở về nhà mình. Sao ta phải lấy làm lạ về điều đó? Sao ta phải bực mình về điều đó? Sao ta lại muốn rằng tất cả mọi người đều phải nhảy lên khi nhìn thấy thác Niagara?
Chúng ta vẫn thường nghe một người tằn tiện phán xét người khác là phung phí. Một người hào phóng đánh giá người kia là keo kiệt. Một người thích ở nhà chê bai người khác bỏ bê gia đình. Và một người ưa bay nhảy chê cười người ở nhà không biết hưởng thụ cuộc sống…Chúng ta nghe những điều đó mỗi ngày, đến khi mệt mỏi, đến khi nhận ra rằng đôi khi phải phớt lờ tất cả những gì người khác nói, và rút ra một kinh nghiệm là đừng bao giờ phán xét người khác một cách dễ dàng.
Cách đây nhiều năm, khi xe hơi ở VN vẫn còn là thứ vô cùng xa xỉ, người bạn của tôi sau một thời gian quyết tâm dành dụm và vay mượn đã mua được một chiếc. Chỉ là một chiếc xe cũ thôi. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ anh chỉ là một nhà báo với thu nhập vừa phải và vẫn đang ở nhà thuê. Gia đình phản đối nói anh phung phí. Đồng nghiệp xì xầm rằng anh đua đòi. Bạn bè nghi ngại cho là anh học làm sang. Nhưng anh vẫn lẳng lặng làm. Và anh tâm sự với tôi rằng: từ hồi còn nhỏ xíu, anh đã luôn mơ mình được ngồi sau vô lăng, được tự lái xe lên rừng xuống biển. Ước mơ đó theo anh mỗi ngày. Vì vậy anh đã gom góp suốt thời gian qua, cho đến khi có thể mua được một chiếc xe cho riêng mình. Chỉ thế thôi. Rồi anh nhìn tôi và hỏi: Tại sao tôi phải trì hoãn ước mơ chỉ vì sợ người khác đánh giá sai về mình? Sao tôi phải sống theo tiểu chuẩn của người khác?
Tôi không thể tìm ra một câu trả lời đủ thuyết phục cho câu hỏi đó. Bởi thế, tôi luôn mang theo câu hỏi của anh bên mình. Nó nhắc tôi rằng, rất nhiều khi chúng ta vì quá lo lắng về những điều người khác đã nói, sẽ nói, và có thể nói mà không dám sống với con người và ước mơ đích thực của mình.
Một người bạn khác của tôi đeo đuổi việc làm từ thiện, quyên góp, chia sẻ. Ban đầu vì lòng trắc ẩn. Rồi vì niềm vui cho chính bản thân. Rồi, như một món nợ ân tình phải trả. Rồi, như một cuộc đời phải sống. Chị như ngọn nến cháy hết mình cho người khác. Ấy vậy mà rất nhiều lần tôi thấy chị khóc vì những lời người khác nói về mình. Như vậy đó, kể cả khi ta hành động hoàn toàn vô vị lợi, cũng không có nghĩa là ta sẽ ngăn ngừa được định kiến và những lời gièm pha ác ý. Vậy sao ta không bình thản bước qua nó mà đi?
Thỉnh thoảng chúng ta vẫn gặp những người tự cho mình quyền được phán xét người khác theo một định kiến có sẵn. Những người không bao giờ chịu chấp nhận sự khác biệt. Đó không phải là điều tồi tệ nhất. Điều tồi tệ nhất, là chúng ta chấp nhận buông mình vào tấm lưới định kiến đó. Cuộc sống của ta nếu bị chi phối bởi định kiến của bản thân đã là điều rất tệ, vậy nếu bị điều khiển bởi định kiến của những người khác hẳn còn tệ hơn nhiều. Sao ta không thể thôi sợ hãi, và thử nghe theo chính mình?
Thật ra, cuộc đời ai cũng có những lúc không biết nên làm thế nào mới phải. Khi ấy, ba tôi dạy rằng, ta chỉ cần nhớ nguyên tắc sống cơ bản cực kỳ ngắn gọn: Trước hết, hãy tôn trọng người khác. Rồi sau đó, nghe theo chính mình. Hãy tôn trọng. Bởi cuộc đời là muôn mặt, và mỗi người có một cách sống riêng biệt. Chẳng có cách sống nào là cơ sở để đánh giá cách sống kia. John Mason có viết một cuốn sách với tựa đề “Bạn sinh ra là một nguyên bản, đừng chết như một bản sao” Tôi không biết nó đã được dịch ra tiếng Việt chưa, nhưng đó là một cuốn sách rất thú vị. Nó khiến tôi nhận ra rằng mỗi con người đều là một nguyên bản, duy nhất, độc đáo và đáng tôn trọng. Hãy nghe theo chính mình, bởi chính bạn là người sẽ hưởng thụ thành quả, hay gánh chịu hậu quả, cho dù bạn có làm theo hay sống theo ý muốn của bất cứ ai.
Tôi luôn xem nguyên tắc ấy như đôi giày mà tôi phải mang trước khi ra khỏi nhà. Xỏ chân vào đôi giày đó, và đi khắp thế gian, đến bất cứ nơi nào bạn muốn. Con người sinh ra và chết đi đều không theo ý mình. Chúng ta không được sinh ra với ngoại hình, tính cách, tài năng, hay sự giàu có mà mình muốn chọn lựa.
Nhưng chúng ta đều có một cơ hội duy nhất để được là chính mình. Chúng ta có một cơ hội duy nhất để sống như mình muốn, làm điều mình tin, sáng tạo điều mình mơ ước, theo đuổi điều mình khao khát, yêu thương người mình yêu. Bạn biết mà, cơ hội đó chính là cuộc đời này - một chớp mắt so với những vì sao. Bởi thế, đừng để mình cứ mãi xoay theo những tiếng ồn ào khác, hãy lắng nghe tiếng nói trái tim của bạn.