Hành trình chuộc tội: Từ tội phạm trở thành siêu thám tử Pháp

minho

hello there!
Thành viên thân thiết
Tham gia
12/1/2013
Bài viết
518
Từ một kẻ tội phạm, người đàn ông này đã gia nhập đội ngũ cảnh sát và trở thành một trong những người hùng của nước Pháp.

Eugène François Vidocq là một con người kì lạ, ông xuất thân trong một gia đình hiền lành nhưng lại chọn cách trưởng thành như một tên tội phạm và kết thúc cuộc đời trong tư cách một anh hùng của nước Pháp…

Từ tên tội phạm khét tiếng…
Vidocq sinh ngày 24/7/1775 tại Arras, là con trai thứ ba của một thợ nướng bánh hiền lành. Nhưng khác hoàn toàn với người cha, Vidocq có cá tính nổi loạn, hay lý sự, cãi nhau, kết giao bạn bè lung tung, đặc biệt rất thích đấu võ nên nhiều người gọi cậu là Vidocq ồn ào.

Năm 14 tuổi, Vidocq ăn trộm tiền bố mẹ rồi trốn ra nước ngoài. Cậu đi khắp nơi, rồi bị bọn tội phạm ép tham gia vào một gánh xiếc giang hồ. Tại đây, Vidocq phải làm việc cực khổ, chịu đánh đập, bỏ đói tàn tệ.

Nhưng với bản tính ranh mãnh, cậu đã đầu độc những người giam cầm mình rồi quay về với ba mẹ. Ít lâu sau, máu phiêu lưu lại khiến Vidocq làm một việc nông nổi là gia nhập trung đoàn Bourbon ở độ tuổi vô cùng non nớt.

Eugene-Francois.jpg

Ba mẹ cậu lo lắng, sợ rằng Vidocq sẽ bị đàn anh bắt nạt nhưng trái lại, chỉ 6 tháng trong quân ngũ, tay lính "non nớt" này đã chiến thắng 15 tay kiếm giỏi nhất của trung đoàn. Vidocq nhanh chóng được thăng chức.

Khi không tham gia chiến trận, Vidocq tiếp tục dấn thân vào các cuộc đấu kiếm. Trong một lần, cậu thách đấu với một sĩ quan cấp cao, nhưng bị khước từ. Quá tức giận vì nghĩ đối thủ xem thường mình, Vidocq liền đấm vào mặt vị sĩ quan nọ. Bấy giờ, trong quân đội Pháp có quy định, tấn công cấp trên đồng nghĩa với án tử hình. Lo sợ phải ra tòa án binh với mức án cao nhất, Vidocq đào ngũ và tìm đường về quê nhà Arras.

Khi về tới Arras, Vidocq tròn 18 tuổi. Với ngoại hình cao lớn và nổi tiếng trong vùng về sự dũng cảm, khả năng đấu kiếm, không ít phụ nữ muốn làm vợ cậu ta, trong đó có Louise, con gái một lái buôn giàu có. Chẳng bao lâu sau, đám cưới của Vidocq và Louise diễn ra tại nhà thờ ở Arras.

Đáng buồn thay, trong một lần trở về nhà sớm, Vidocq bắt gặp vợ mình ngoại tình với một sĩ quan trong vùng. Sau khi cho họ một trận đòn nhừ tử, cậu quyết định lên đường phiêu lưu một lần nữa.

Eugene-Francois1.jpg

Giấy tờ liên quan đến án 8 năm lao động khổ sai của Vidocq​

Vào tháng 3/1795, Vidocq bị bắt vào tù ở Paris vì tội sử dụng giấy tờ giả. Do sợ ngồi tù lâu, Vidocq đã tìm cách đào tẩu. Nhưng khi vượt ngục thành công, Vidocq hay tin viên cai ngục nhà tù đã bị xử phạt vì cuộc đào tẩu của mình.

Cảm thấy tội lỗi, Vidocq quay về đầu thú để giúp viên cai ngục. Tòa án quyết định phạt Vidocq 8 năm lao động khổ sai tại mỏ đá. Tại đây, một lần nữa, Vidocq trốn thoát rồi trốn qua Hà Lan, gia nhập đội quân cướp biển Fromentin khét tiếng, chuyên tấn công tàu thuyền của chính phủ và chia cho người nghèo. Thật không may, khi đến Ostend, băng cướp bị phục kích, toàn bộ thủy thủ đoàn bị bắt, giam giữ tại nhà tù Toulon.

Eugene-Francois2.jpg

Nhà tù Toulon được gọi là pháo đài bất khả xâm phạm, nhưng chỉ vài tháng Vidocq đã vượt ngục thành công. Cứ như vậy, Vidocq chạy chốn khắp nơi và trở thành mục tiêu săn đuổi hàng đầu của cảnh sát. Mãi đến khi 34 tuổi, Vidocq mới thoát khỏi con đường tội phạm.

Vào tháng 5/1809, ông đến gặp công tố viên Henry phụ trách Sở tội phạm ở Paris bày tỏ nguyện vọng muốn trở thành một người tốt. Vidocq mong muốn được cùng hợp tác với cảnh sát để tiêu diệt các tổ chức tội phạm nguy hiểm.

Công tố viên Henry thực sự ấn tượng với thành tích của Vidocq cùng tài năng và sự dũng cảm của y nên đã chấp nhận Vidocq như một nhân viên dưới quyền mình. Cả hai cùng ký một thỏa thuận, mọi tội danh của Vidocq sẽ biết mất hoàn toàn nếu có thể giúp cảnh sát phá những vụ án hóc búa.

... tới một cảnh sát gương mẫu…
Nhiệm vụ đầu tiên của Vidocq là giả dạng một tù nhân để thu thập thông tin trong trại giam La Force. Sau 20 tháng, thông tin mà Vidocq mang về giúp cho cảnh sát Paris phá được rất nhiều vụ trọng án nghiêm trọng. Không ít các băng đảng tội phạm đã bị lực lượng cảnh sát triệt hạ. Sau nhiều cân nhắc, công tố viên Henry và cấp trên đã quyết định đưa Vidocq ra ngoài.

Eugene-Francois3.jpg

Hình ảnh nhà tù La Force​

Ngay tiếp sau đó, Vidocq giả vờ vượt ngục khỏi La Force và trà trộn vào một tổ chức chuyên cá độ, buôn người. Tại đây, Vidocq thu về vô số thông tin quan trọng để tóm gọn Watrin - thợ làm tiền giả khét tiếng. Sau đóng ông dũng cảm lấy bản thân để dụ một tổ chức sát thủ khét tiếng ra mặt.

Sự dũng cảm của Vidocq làm Henry rất cảm động. Vị công tố viên đáng kính quyết định xóa bỏ mọi tội danh và cấp chức vụ cho Vidocq. Ngoài ra, cựu tội phạm năm nào còn được đặc quyền tùy ý tuyển dụng thêm nhiều nhân viên để phục vụ cho công tác điều tra.

Từ đây, một lực lượng mới được hình thành, những nhân viên cảnh vụ mang thường phục dưới sự chỉ đạo của Vidocq. Thay vì tuyển dụng những sinh viên trẻ từ học viện cảnh sát, ông lại thu nhận những người đã từng là tội phạm.

Eugene-Francois4.jpg

Một sự bắt giữ tội phạm nhờ sự chỉ điểm của Vidocq​

Vidocq có một triết lý sống rất nhân văn, những người từng lầm lỡ nếu được cho cơ hội chắc chắn sẽ là một người tốt cho xã hội. Với những nhân viên đặc biệt này, Vidocq đã tóm được vô số bọn tội phạm.

Từ đây, vị thanh tra tội phạm rất được người dân yêu quý. Người Paris gọi ông là một sát thủ của giới tội phạm, anh hùng của thành phố. Tính tới năm 1817, đội đặc nhiệm của Vidoq đã bắt được gần 900 tên tội phạm nguy hiểm.

Thám tử tư đầu tiên
Công tố viên Henry về hưu năm 1820, nhiều thành viên trong sở cảnh sát vì ghen tị với thành tích của ông nên đã tung các tin tức về quá khứ tội lỗi. Quá chán nản, năm 1827, Vidocq xin từ chức ở tuổi 52. Khi không còn vướng bận công việc nhà nước, Vidocq lao mình vào công việc kinh doanh. Năm 1832, Vidocq đã khai trương công ty thám tử tư đầu tiên trên thế giới.

Eugene-Francois5.jpg

Công ty rất đắt khách, chuyên điều tra giải quyết những tội phạm lừa đảo. Trong đó nổi tiếng nhất là vụ bắt giữ Champiax - một tay lừa đảo khét tiếng ở Paris. Hắn đã lừa tiền của hàng loạt cửa hàng rồi dùng tài ngụy trang để lẩn trốn. Nhưng ngón nghề của Champiax chỉ là "trò mèo" với Vidocq, ông nhanh chóng bắt được hắn và tìm được chỗ cất giấu số tiền lừa đảo.

Tuy nhiên, khi thấy Champiax khóc lóc van xin, Vidocq lại mủi lòng thả hắn ra. Không ngờ, tên lừa đảo này lại chạy tới sở cảnh sát tố cáo Vidocq tội cướp đoạt tài sản. Sở cảnh sát vì ghen ghét với danh tiếng của ông đã không điều tra mà cho bắt ngay Vidocq. Trong suốt thời gian bị giam giữ, Vidocq bị đối xử một cách tồi tệ. Ông bị đánh đập, bỏ đói và sống trong một phòng giam ẩm thấp, tối tăm.

Eugene-Francois6.jpg

Chân dung Vidocq của họa sĩ Achille Devéria​

Tại phiên toà, dù có tới hàng chục người làm chứng chống lại lời khai gian trá của Champaix nhưng trước sức ép của sở cảnh sát, tòa án tuyên phạt án Vidocq 5 năm tù.

Quá phẫn nộ, người dân Paris tổ chức biểu tình ở khắp nơi, nhiều tờ báo đứng ra vạch trần sai trái của sở cảnh sát Paris. Ít lâu sau, một phiên tòa khác được mở lại và tại đây Vidocq được tuyên bố vô tội.

Những tưởng biến cố trên sẽ khiến Vidocq sợ hãi cuộc chiến với tội phạm. Nhưng không, ông tiếp tục nhận lời tham gia hỗ trợ cảnh sát anh tìm kiếm tội phạm, trở thành nhân viên mật vụ Pháp dù tuổi đời đã gần 80. Mãi đến khi mất vì đột quỵ năm 82 tuổi (năm 1857), Vidocq mới chính thức từ bỏ công việc bảo vệ công lý của mình.



Theo PLXH
 
×
Quay lại
Top Bottom