GIỮ HỒN CHO GỐM CỔ

thuyman

Thành viên
Tham gia
8/10/2021
Bài viết
1
Từ xa xưa, nghệ thuật tạo hình và trang trí trên gốm đã phản ánh rất rõ tâm tư, tình cảm, tín ngưỡng người Việt.

Người bạn thân quen

So với các nước khác trên thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia có nghề gốm xuất hiện khá sớm. Theo các tài liệu cổ, gốm Việt xuất hiện từ cách đây hàng ngàn năm. Trải qua nhiều thời kỳ, gốm phát triển phong phú cả về chất liệu cũng như hoa văn và gắn bó mật thiết với cuộc sống, trở thành vật dụng quen thuộc trong các gia đình Việt.

Sau ngày đất nước thống nhất, hầu hết các nghề thủ công được hồi sinh, trong đó nghề gốm là một nghề đã được khôi phục và phát triển rất nhanh. Nhiều trung tâm gốm trở lại hoạt động sôi nổi và rất năng động như Bát Tràng, Đông Triều, Phù Lãng, Biên Hòa...

Nếu là người Việt, có lẽ không ai có thể phủ nhận vai trò của gốm trong đời sống. Nhìn ở một góc độ cụ thể hơn, đặc trưng đồ gốm sứ phản ánh văn hóa ẩm thực Việt. Nhìn một bộ đồ gốm sứ bày trên bàn ăn, ta có thể nhận biết đó là bàn ăn của người Hoa hay người Việt. Người Việt thường có một tô lớn, một đĩa lớn đặt giữa vì món ăn chung, kể cả chén nhỏ đựng nước chấm cũng chung, chỉ có chén ăn cơm là riêng. Hay khi xuất hiện chiếc thìa thì ta biết là có món canh: ăn nước lẫn với cái, trước đó là món luộc: nước riêng cái riêng nhưng vẫn ăn cả cái và nước...

Khó mà tưởng tượng, nếu không có sự xuất hiện của gốm, cuộc sống của người Việt sẽ trở nên “khó khăn” tới mức nào. Gốm không chỉ là công cụ hữu ích mà còn là đồ vật trang trí tiềm ẩn nhiều nét văn hóa đặc sắc và giá trị. Bởi vậy, việc gìn giữ gốm cổ cũng rất quan trọng!


Việc không của riêng ai

Chúng ta đều biết, “nghề chơi” thường lắm công phu, đối với gốm sứ, người chơi không chỉ cần hiểu sâu sắc về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, mà cần đặc biệt lưu ý đến tiêu chuẩn về an toàn sức khỏe, về môi trường.

Ở làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), người ta đều biết đến nhà Vạn Vân với mái phủ kín cây xanh chứa hơn 400 món đồ gốm sứ cổ từ thế kỷ 15-19. Không gian này đang trưng bày những sản phẩm cổ của làng Bát Tràng như lọ rồng, ấm men lam, bộ khuôn bản dập làm gốm. Thời gian qua, nhà Vạn Vân đón hàng trăm lượt khách đến thăm mỗi dịp cuối tuần. Nhiều khách nước ngoài và bạn trẻ thích thú bởi không gian xanh mát, cổ kính của ngôi nhà và quan trọng là được tìm hiểu về gốm sứ Việt Nam. Ngày nay, những mô hình như Vạn Vân xuất hiện khá nhiều tại làng gốm cổ Bát Tràng. Điều này cho thấy những tín hiệu đáng mừng về ý thức gìn giữ gốm cổ của người Việt.


Ở Sài Gòn, những người đam mê gốm hẳn đã nghe đến “Vua gốm sứ Sài Gòn” - cái tên mà giới sưu tầm đồ cổ đặt cho nhà sưu tập Đinh Công Tường - người đã có hơn 20 năm tìm kiếm và góp nhặt những món đồ cổ bằng gốm sứ từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 20 và lưu giữ cho đến ngày nay. Sau nhiều năm sưu tầm, ông Tường đã sở hữu một khối tài sản mà nhiều người trong giới chơi đồ cổ cũng phải ngưỡng mộ với hơn 100 ngàn cổ vật các loại.

Có những món độc nhất vô nhị như chiếc bình cổ có tên “Bắc - Trung - Nam” có giá hàng trăm triệu đồng, tô triều đình Huế (chỉ dùng cho vua chúa, quan lại), cặp bình độc nhất vô nhị là cặp bình hình thoi, với nước men trắng xanh cực hiếm. Ngoài ra, ông Tường còn sưu tầm đầy đủ bộ gốm sứ cổ của 3 miền Bắc, Trung, Nam qua nhiều thời kỳ như gốm Óc Eo, Đông Sơn, Chăm, Chu Đậu, Bát Tràng hay gốm Biên Hòa thế kỷ 18-19.

Ông Tường bắt đầu bước vào nghề sưu tập khi mới 23 tuổi. Sau hơn 20 năm, đến nay ông Tường mới có khối tài sản đồ cổ lớn nhất TP. Hồ Chí Minh cũng như cả nước. Ông cho biết: “Bộ sưu tập này không chỉ được xem là kho tàng lưu trữ những giá trị văn hóa rất lớn mà còn là cơ sở để thế hệ trẻ sau này biết đến, giữ gìn và phát huy nền văn hóa lâu đời của dân tộc”.


Ai đó từng nói, gốm như một mạch ngầm trong dòng chảy văn hóa, kết nối xưa và nay. Gốm đã bước từ cuộc sống dung dị hàng ngày để trở thành những tác phẩm nghệ thuật làm say lòng biết bao thế hệ. Bởi vậy, sưu tầm và gìn giữ hồn sắc cho gốm không chỉ là niềm đam mê của riêng cá nhân nào đó, mà còn là trách nhiệm của cả một tập thể.

Nhắc đến các dòng gốm trên bản đồ đất Việt, yếu tố thủ công là một trong những chi tiết chế tác chủ đạo, xuyên suốt trên sản phẩm qua mọi thời kỳ. Đến với thế giới hiện đại, khi kỹ thuật hỗ trợ việc tạo hình, ép khuôn, lò nung gốm đã phát triển vượt bậc, nhiều nghệ sĩ gốm vẫn chọn con đường sáng tác theo lối cũ, nhưng với tư duy đậm chất đương đại.

Định hình một dòng gốm mới mang sắc thái riêng, dựa trên cái cũ, nhưng thoát khỏi bóng dáng xưa để làm mới bản thân. Sự kết giao hoàn hảo giữa “thủ công” và “đương đại” ấy ngày càng góp phần phong phú thêm bản sắc, đưa gốm Việt vượt khỏi quy giới của sản phẩm gia dụng theo hình thức chế tác từ làng nghề phổ thông, trở thành những tác phẩm nghệ thuật giá trị cao.
 
×
Quay lại
Top Bottom