Giới trẻ với trào lưu “cú đêm sành điệu”

quynhthu

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
24/6/2010
Bài viết
590



“Hôm qua thức đến 3 giờ, sáng dậy bị chảy máu cam luôn… Vẫn biết là thức khuya có hại mà sao vẫn không bỏ được”, đó là status của admin sáng lập fan­page "Những người thích thức khuya".


Mốt “cú đêm”

Facebook hiện nay có sơ sơ khoảng gần 20 hội những người thích thức khuya, được đặt nhiều tên khác nhau như Hội những người thích thức khuya, Biệt đội cú đêm… Đặc điểm chung của các hội này là sáng vắng khuya đông.

Có hội còn tuyển thành viên bằng cách phải lên điểm danh lúc 2 giờ sáng liên tiếp trong 7 ngày mới được gia nhập hội. Tuyển chọn “gắt gao” như thế mà hội này cũng đã tuyển được gần 3.000 thành viên, có fanpage con số “cú đêm” đã hơn 30.000 thành viên.

Lệ Uyên - bí thư đoàn trường Nguyễn Khuyến (TP.HCM) cho biết: “Nhiều bạn đi học thêm về đến nhà đã là 21giờ, ăn uống, tắm rửa xong mới ngồi vào bàn học. Cứ vậy các bạn say sưa đến sáng luôn…”.

Cũng có những lí do không mấy cần thiết vẫn khiến cho teen “thức cùng trăng sao” như bạn K. Nh trường Nguyễn Khuyến thường thức tới 3 giờ sáng để online chat, facebook hay xem phim trực tuyến. Nh. cho biết: “Khi vô mạng, mình không còn biết thời gian gì cả, vì thế sau một hồi say sưa, nhìn lên đồng hồ thì… hết hồn”.

Tuy nhiên, “thức khuya không có lí do đang là… lí do số 1, do chính các hội những người thức khuya thăm dò. Trên fanpage của Hội thức khuya, admin đăng câu hỏi: “Từ 0giờ trở đi là lúc mà mọi người hầu như đã đi ngủ và mơ những giấc mơ đẹp rồi.

Nhưng với chúng ta mới chỉ bắt đầu thôi... Tại sao bạn tham gia hội chúng mình? Sao bạn hay thức khuya vậy?” thì hơn 2/3 câu trả lời có theo kiểu: “Thức khuya để tự kỉ thôi chứ không biết để làm gì!”, có bạn còn vô tư: “Thích là thức chứ sao, cần biết lí do, lí chấu làm gì?”.

hoanhi2605124_a9824.jpg

Một trong những hình ảnh về hội chứng thức xuyên màn đêm của giới trẻ.

Minh Phương (cựu học sinh trường Mạc Đĩnh Chi, Q.6, TP.HCM) cho biết: “Mình và người yêu tham gia Biệt đội cú đêm được một năm nay rồi. Hôm nào ngủ trước 12giờ đêm là bị các thành viên khác vào face chọc ghê lắm. Hai đứa mình ráng động viên nhau thức!”.

Quốc Huy (lớp 12T2 THPT Tân An, Long An) thì cho biết một lí do khá “lạ”: “Bạn gái mình nói người nào thức khuya sẽ sâu sắc và có chất hơn. Vì thế mình ráng thức, vừa tranh thủ học bài vừa nhắn tin nói chuyện cho người ta biết là mình vẫn còn thức…”

Thành viên Hye In trên fanpage của những người thức khuya còn “thẳng thắn tuyên bố”: “Thức khuya là sành điệu. Tớ chỉ yêu người biết thức khuya và chịu thức khuya cùng tớ!”.

Sành điệu hay tiêu điều?

Như chính một cú đêm đã thừa nhận thức khuya rất có hại cho sức khỏe. Hậu quả nhãn tiền thường xảy ra ngay ngày hôm sau. Khả Tú (lớp 11 trường Nguyễn Khuyến) chia sẻ: “Mỗi lần thức khuya xong, ngày hôm sau đến lớp mình thường rơi vào trạng thái đờ đẫn. Mắt thì thâm quần, làn da tái ngắt”.

Thành viên Suri94 của biệt đội cú đêm kể: “Sáng hôm ấy mình đang chạy xe đi học thì bỗng thấy xây xẩm mặt mày, ngã xuống đường lúc nào không hay. Bác sĩ chẩn đoán mình bị suy nhược thần kinh do thường xuyên thức đến 2 giờ sáng mới đi ngủ”.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang (Giám đốc TT Giám định tâm thần TP.HCM) cho biết: “Trong số những bệnh nhân có vấn đề về tâm thần, có khá nhiều người bị mất ngủ kéo dài, hoặc chủ động thức khuya kéo dài”.

hoanhi2605126_bac40.jpg

Đừng tự hành xác mình vì sự "sĩ diện ảo". (ảnh minh họa)

Theo bác sĩ Quang, đồng hồ sinh học của con người nói chung, thời gian để nghỉ ngơi hợp lí nhất từ 11 giờ đêm - 5 giờ sáng. Do đó, cần ngủ trước và dậy sau thời gian này để cơ thể có thể phục hồi sức khỏe, tăng khả năng miễn dịch tốt nhất.

Việc thường xuyên thức khuya khiến chúng ta rơi vào trạng thái sa sút tinh thần, suy nhược, sức đề kháng cơ thể sẽ giảm, dễ cảm cúm, viêm đường tiêu hóa… Ban đêm là thời gian hệ thần kinh cần nghỉ ngơi, vì ban ngày nó đã hoạt động rất mạnh để giúp con người làm việc và sinh hoạt. Thời gian nghỉ ngơi không nên dưới 6 - 8 giờ/ đêm.

Những người thức khuya thì thần kinh giao cảm vẫn phải hoạt động mạnh. Như vậy, về lâu dài hệ thần kinh sẽ bị suy nhược, có dấu hiệu lão hóa như: hay quên, không tập trung, dễ căng thẳng, cáu gắt… Biểu hiện thường thấy nhất là việc chóng mặt, nhức đầu…

Chưa hết, thiếu ngủ sẽ khiến cho mạch máu luôn ở trong trạng thái căng thẳng, không cung cấp đủ máu cho tai giữa, ảnh hưởng rất lớn đến thính giác, thị giác. Như vậy, nếu thường xuyên thức khuya còn dẫn đến sức nghe và sức nhìn bị giảm nữa đó teen.

Nếu bạn đang phải thức khuya để học bài chuẩn bị cho kì thi sắp đến thì hãy tranh thủ sắp xếp thời gian ngủ sớm lúc nào hay lúc ấy. Còn với những “cú đêm sành điệu” thì cân nhắc xem liệu mình có đủ sức khỏe để chạy theo “mốt” thức đêm này bao lâu nữa…

Theo Toàn Thiện – Ngọc Trâm – Thu Hương
Mực Tím
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top Bottom