Giáo sư, Tiến sĩ được kéo dài thời gian giảng dạy: Bao giờ?

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Trước khi nghĩ đến đãi ngộ về vật chất, cần tạo điều kiện tốt nhất để nhà nghiên cứu và giảng dạy được sáng tạo, cống hiến tài năng, tâm huyết cho đất nước. Điểm đột phá chính là tạo điều kiện làm việc tốt và có tư duy mới, sớm hoàn thiện chính sách tiếp tục sử dụng cán bộ giảng dạy ĐH, CĐ trình độ cao đã hết tuổi lao động.
2013_213_13_a1.jpg
Cần tạo điều kiện tốt nhất để nhà nghiên cứu,
giảng dạy được cống hiến tài năng
Trí thức là nguồn lực đặc biệt
"Nhân lực KH&CN là tài nguyên vô giá của đất nước, trí thức KH&CN là nguồn lực đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế tri thức”, Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 6, khóa XI đã khẳng định. "Phải có sự đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh điều này tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 31-7 thảo luận về dự thảo Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…”.
Các văn bản Nghị quyết luôn quan tâm và đề cao vai trò của nhân tài khoa học và giảng dạy, nhưng thực tế chúng ta lại hầu như chưa có chính sách cụ thể nào thực sự trọng dụng, sử dụng lâu dài và tôn vinh cán bộ khoa học và giảng dạy đầu ngành.
Đây là sự lãng phí nguồn chất xám lớn, kéo dài hàng chục năm qua. Đó cũng là một trong những lý do nước ta, một dân tộc 90 triệu dân, nhưng số bài viết công bố trên các Tạp chí khoa học quốc tế, bằng phát minh sáng chế lại chỉ bằng một trường ĐH trung bình trên thế giới, thua kém một số các nước trong vùng như Thái Lan, Singapore..
Nghịch lý thiếu GS giảng dạy, thừa GS về hưu
Trong các đợt kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 50 của Quốc hội khóa 12 vừa qua về điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, Bộ GD&ĐT đã phải cho dừng tuyển sinh nhiều ngành do không đủ điều kiện tối thiểu về số lượng giảng viên có trình độ TS, thạc sĩ. Theo GS.TSKH Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, dựa vào số liệu thống kê sơ bộ, tỷ lệ đào tạo TS trong 10 năm nữa cũng chưa theo kịp tỷ lệ TS nghỉ hưu nếu chỉ xét về tiêu chí tuổi.
Cần nhấn mạnh, hiện ta có 74.149 giảng viên ĐH, CĐ, tỷ lệ có chức danh GS chỉ chiếm 0,5%, PGS 3,37%, trình độ TS trên 10%, thạc sĩ khoảng 40%... Số GS, PGS được công nhận hàng năm không đủ bù cho số nghỉ hưu - trung bình mỗi năm khoảng 800 người. Nhưng từng có một trường ĐH lớn của quốc gia ra văn bản buộc GS trên 62 tuổi không được hướng dẫn nghiên cứu sinh. Các cơ sở đào tạo ĐH và ĐHQG trong cả nước hiện đều máy móc bắt các GS đầu đàn, kể cả những người có uy tín trong giới học thuật trong và ngoài nước, đến tuổi là về hưu. Làm vậy liệu có phù hợp với thông lệ quốc tế và truyền thống "thầy già con hát trẻ”?
Luật viên chức hiện hành số 58/2010/QH và Nghị định về tuyển dụng và sử dụng và quản lý viên chức số 29/2012/NĐ-CP, có quy định Chế độ hưu trí khá chung chung, đại trà. Theo đó, "đơn vị sự nghiệp công lập có thể ký hợp đồng vụ, việc với người hưởng chế độ hưu trí nếu đơn vị có nhu cầu và người hưởng chế độ hưu trí có nguyện vọng…”.
Đáng lẽ cần có các tiêu chí thật cụ thể "đính kèm” Luật này, để giữ lại người tài là GS, TS, thạc sĩ ở các cơ sở đào tạo. Chẳng hạn, quy định GS giỏi – là người có năng lực "cầm đầu” nhóm nghiên cứu, có bài NCKH đăng trên các tập chí quốc tế, viết sách, có uy tín giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu sinh, tham gia các hoạt động học thuật trong và ngoài nước… Với người không đạt tiêu chí đó, sẽ không giữ, dù họ là GS và chưa đến tuổi nghỉ hưu, như các nước vẫn làm.
Luật Giáo dục đại học - thiếu Nghị định hướng dẫn
Bộ GD-ĐT gần đây lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Nghị định "Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học (GD ĐH) ”, cụ thể hóa Điều 46 của Luật GD ĐH - quy định giảng viên có trình độ TS, có chức danh GS, PGS đang giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại cơ sở giáo dục ĐH công lập khi đến tuổi nghỉ hưu có thể được xem xét kéo dài thời gian dạy và NCKH. Trong thời gian làm việc kéo dài, họ được hưởng lương và các chế độ theo ngạch, bậc lương đang hưởng, được xét tăng lương theo quy định và chế độ đã hưởng trước đó.
Để sớm hiện thực hóa điều này, Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ GD-ĐT dành cho các giảng viên có trình độ tiến sĩ, giảng viên có chức danh GS, PGS được kéo dài thời gian giảng dạy. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có văn bản số 1392/ VPCP-KGVX ngày 20-2-2013, sau khi Luật GD ĐH có hiệu lực thi hành từ 1-1-2013, yêu cầu Bộ GD-ĐT khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật GD ĐH. Nhưng tới nay, đã 6 tháng vẫn chưa thấy Bộ GD&ĐT có động thái "trình”các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật này.
Đã đến lúc phải thay đổi tư duy về chính sách đãi ngộ và trọng dụng cán bộ giảng dạy và nghiên cứu có trình độ cao. Phải coi đây là một vấn đề cấp bách cần được giải quyết kịp thời, có chính sách trọng dụng đặc biệt và cần hơn là đổi mới chính sách tiếp tục sử dụng cán bộ KH&CN trình độ cao đã hết tuổi lao động.
Đừng để quá muộn
Hiện "dòng” giảng viên đầu ngành trình độ cao vẫn không ngừng "chảy” về hưu chỉ căn cứ vào độ tuổi, vào thứ chính sách "phi thực tế”. Như vậy, chỉ một hai năm nữa, nếu không có giải pháp cấp bách hữu hiệu các trường ĐH Việt Nam sẽ thiếu hụt trầm trọng đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ, "rỗng ruột” đội ngũ GS,PGS đầu ngành, đồng thời "chảy máu chất xám” từ khu vực nhà nước ra trường tư, ra nước ngoài…Không lẽ không có ai phải chịu trách nhiệm về sự lãng phí, nghịch lý kéo dài này?
Vả lại thời gian từ nay đến 2020 còn rất ngắn, trong khi mục tiêu trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại đòi hỏi phải có nguồn nhân lực đủ mạnh để triển khai thành công các chương trình quốc gia về phát triển KH&CN với nhiệm vụ rất nặng nề. Nếu như không kịp thời có chính sách đãi ngộ và trọng dụng nhân tài mang tính đột phá thì không thể có những nhà khoa học đầu ngành, những tập thể giảng dạy và nghiên cứu khoa học mạnh…
theo daidoanket.vn
 
×
Quay lại
Top Bottom