Giảng viên cũng cần "thực tập"

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Hiện nay, tuy đội ngũ GV tại các trường Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) đã đáp ứng về các tiêu chí sư phạm, chuẩn bằng cấp…, nhưng thực tế không nhiều GV thành thục các kỹ năng giảng dạy thực hành cho học sinh. Từ đó, đặt ra câu hỏi nên nâng chuẩn GV hay là đưa GV vào các doanh nghiệp, công xưởng để cọ xát thực tế, nâng cao khả năng thích ứng từ những kiến thức lý thuyết…?

Chất lượng GV hệ TCCN vẫn còn bất cập

images667633_image001.jpg

Học viên khối ngành sức khỏe, y tế thực tập tại phòng thí nghiệm trong nhà trường và tại bệnh viện bên ngoài

ThS Châu Văn Dưỡng - hiệu trưởng trường Trung cấp Bách khoa Sài Gòn nhận định: Hiện nay vẫn còn khoảng cách giữa lý thuyết và kỹ năng thực hành trong lực lượng GV ở các trường TCCN. Nguyên nhân chính là do xã hội vẫn đang quá coi trọng bằng cấp, doanh nghiệp cũng chạy theo bằng cấp, trong đó chính các trường đào tạo khi tuyển dụng đội ngũ GV- ngoài chuẩn bằng cấp theo quy định - lại xem nhẹ kinh nghiệm thực tế của GV như một “người thợ” để hướng dẫn học viên trong các buổi thực tập, thực nghiệm. Trái lại, chính bản thân những người thợ lành nghề cũng chưa mạnh dạn trau dồi thêm kỹ năng sư phạm để có cơ hội đứng lớp hướng dẫn cho học viên trong quá trình thực tập nghề nghiệp.

Sự bất cập ấy khiến cho chất lượng đội ngũ GV tại các trường TCCN nhiều năm qua vẫn chưa có sự thay đổi rõ rệt theo hướng đào tạo gắn với thực hành và tận dụng kinh nghiệm lao động thực tế.

ThS Lê Lâm - hiệu trưởng trường Trung cấp Đại Việt cho rằng: Việc còn có nhiều quy định của Bộ GD&ĐT mang tính trói buộc và chồng chéo trong tuyển dụng GV đã khiến nhiều trường dù có nguồn GV bán chuyên nghiệp (thợ lành nghề) nhưng không thể tuyển dụng, khiến chất lượng GV thiếu kỹ năng giảng dạy thực hành vẫn chưa được kéo giảm nhiều.

Bàn về chương trình đào tạo giáo viên TCCN - một nguyên nhân không nhỏ dẫn đến việc đội ngũ GV tại các trường TCCN dù đảm bảo chuẩn bằng cấp, nhưng lại thiếu hụt kỹ năng thực hành, ThS Nguyễn Xuân Bảo (Viện Khoa học giáo dục VN) phân tích: Cấu trúc chương trình khung của các trường ĐHSP Kỹ thuật hiện nay phần lớn được chia thành 40% đào tạo đại cương, 60% dành cho giáo dục nghề nghiệp (trong đó chỉ có 27,4% là kiến thức ngành; thực tập và đồ án tốt nghiệp chỉ chiếm 5,9%). Từ chương trình khung này, mỗi trường lại có những quy định khác nhau, số tiết thực hành thậm chí bớt đi do chi phí không đủ khiến ở nhiều trường thời gian sinh viên thực tập sư phạm chỉ chiếm 1%, cơ sở ngành chiếm 15%, dẫn đến việc đội ngũ GV rất thiếu kỹ năng nghề.

Cần một chiến lược chung

images667634_image003.jpg


Để giải quyết những bất cập và hạn chế mà đội ngũ GV TCCN đang gặp phải, theo ThS Lê Lâm, cần giải thoát “sức ỳ” từ chính đội ngũ GV bằng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư “tay nghề”. Song song đó, các trường cần gắn chặt phương pháp giảng dạy theo mô hình “công trường hóa” phù hợp với từng ngành học để giúp học viên có đất thực tập, giúp GV có điều kiện tiếp thu và lĩnh hội những thành tựu mới đang cập nhật mỗi ngày, thay vì cứ khư khư ôm chặt lối dạy và nền tảng kiến thức truyền thống.

Đây là điều mà nhiều trường TCCN phải tự thân vận động để tránh rơi vào cảnh “chết lâm sàng” vì không tuyển dụng được học viên do chất lượng giáo dục không thay đổi. Tuy nhiên, thực hiện giải pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy, kỹ năng thực hành cho đội ngũ GV như thế nào để chính họ thật sự cảm thấy hữu ích, hứng thú, muốn tận dụng thời gian rảnh của mình để nâng cao nghiệp vụ là điều không đơn giản

ThS Lê Lâm nói: Nhà trường cần phải thực hiện đồng bộ, cùng lúc nhiều chính sách chiến lược, từ nâng cao đãi ngộ đến xây dựng bộ khung giáo trình, phương pháp dạy. Trong đó, điều quan trọng nhất là việc các trường cần được tháo gỡ những định khung không phù hợp trong một số quy định.
Ở trường TC Đại Việt, với đặc thù là trường có số học viên theo nhóm ngành chăm sóc sức khỏe, y tế chiếm trên 60% nên ngay từ những năm đầu thành lập, đã xác định rõ việc đào tạo phải gắn với cơ sở thực tế. Một mặt giúp SV có điều kiện thực hành, học tập các kỹ năng, mặt khác giúp cho đội ngũ GV của trường (gồm 148 GV cơ hữu, 60% có trình độ ThS) có điều kiện trau dồi kỹ năng sư phạm thực hành đối với ngành.

Hiện nay, ngoài đội ngũ GV khối ngành sức khỏe, y tế là những người có kinh nghiệm làm việc tại các bệnh viện, cơ sở y tế, trường còn gắn kết chặt chẽ với 38 bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM nhằm tạo “cơ sở” cho GV và học viên luôn có dịp trau dồi kỹ năng và học tập. Mặt khác, trường cũng xây dựng nhà, bệnh viện và phòng khám tiền lâm sàng mô phỏng… song song với việc xây dựng kế hoạch tập huấn về công tác kiểm tra và ra đề, tập huấn phương pháp giáo dục nghề nghiệp… nhằm hướng đến sự đổi mới trong công tác ra đề, kiểm tra và đánh giá học viên có thực chất hơn.

Tại các hội thảo về việc nâng cao chất lượng đội ngũ GV hệ TCCN mới đây ở TP.HCM, nhiều vị hiệu trưởng cũng cho rằng: Để các trường thật sự thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của đào tạo yếu kém - cơ sở vật chất nghèo nàn - khó tuyển sinh…, phải có sự quyết liệt trong đầu tư, trong yêu cầu và phân công nhiệm vụ với đội ngũ GV của nhà trường. Trong đó, đặt GV giữ vai trò trung tâm trong việc kết nối với doanh nghiệp; nâng cao, thay đổi năng lực bản thân thích ứng với các bài học từ thực tế nhằm đẩy nhanh qua trình gắn đào tạo theo nhu cầu xã hội… Đặc biệt, các trường cần phải xác định việc nâng cao chất lượng đào tạo bắt nguồn từ chính sự đổi mới tư duy, đổi mới phương pháp dạy của GV.

Theo ThS Châu Văn Dưỡng, hiệu trưởng trường TC Bách Khoa Sài Gòn, để có một đội ngũ GV tốt, tâm huyết với trường, đáp ứng đòi hỏi giảng dạy gắn với thực hành và các mô hình kỹ thuật mới thì không thể không có các chính sách đãi ngộ tốt từ đơn vị chủ quản.

Trong đó, GV cần phải đáp ứng các điều kiện tối thiểu về năng lực, chuyên môn, khả năng thích ứng, trách nhiệm và cả sự đam mê với nghề. Đặc biệt, GV phải làm thế nào để thể hiện được sự năng động và sáng tạo trong từng tiết dạy của mình ở bất cứ môi trường sư phạm nào. Hay nói đúng hơn, phải có những “chiêu thức” khác nhau để tạo niềm hứng khởi đối với HS ở môn học mình phụ trách. Ví dụ, bắt đầu một tiết dạy, thay vì nêu câu hỏi trả bài thông thường, GV có thể thay thế bằng một tình huống cụ thể trong đời sống hàng ngày để dẫn dắt các em vào bài học.

Kết quả khảo sát của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trong đề tài “Khảo sát thực trạng nghiệp vụ sư phạm giáo viên TCCN” cho thấy: Đội ngũ GV trong các trường TCCN tăng nhanh về quy mô và chất lượng. Năm học 2000-2001 tổng số GV TCCN chỉ có trên 10.000 người với số GV có trình độ tiến sĩ và thạc sĩ tương ứng là 34 và 549 người. Đến năm 2010, số GV tăng đến 14.658 người, trong đó, số GV có học vị tiến sĩ là 234 người, thạc sĩ là 2.089 người. Chưa kể có gần 10.000 GV trong các trường CĐ và ĐH tham gia dạy TCCN.

Đã đến lúc các trường TC cần loại bỏ tư tưởng đầu tư hời hợt, đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo một cách thiếu bền vững, để chuyển sang phương thức đào tạo gắn chặt với các hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp và từ đòi hỏi của xã hội. Để làm được điều đó, ngoài các chính sách hỗ trợ nội sinh thì các trường cũng cần phải biết phát huy, tìm hướng đi riêng cho mình, nhằm huy động tốt các kênh đầu tư, kết hợp bên ngoài nhà trường (xã hội hóa). Để điều đó trở nên hiệu quả, giải pháp xây dựng chuẩn đầu ra, thay đổi phương thức xây dựng kho đề, ra đề thi phù hợp với đặc thù ngành học… cũng cần được đầu tư đúng mức.
Ông Phạm Ngọc Thanh- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM
Theo GDTD
 
×
Quay lại
Top Bottom