Giảm tải cho học sinh tiểu học

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Hàng loạt các vấn đề nóng luôn được xã hội quan tâm trong các năm học trước đối với bậc tiểu học như dạy và học trước chương trình lớp 1, quá nhiều bài tập về nhà, dạy thêm học thêm tràn làn, cặp sách quá nặng vừa được Hà Nội rà soát để có biện pháp khắc phục.


giamtaiTH.jpg

Hà Nội tập trung giải quyết các vấn đề nóng bậc tiểu học


Mạnh tay với dạy thêm, học thêm

Một trong những điểm khiến các bậc phụ huynh bất ngờ trước khi năm học mới bắt đầu là việc không tổ chức học hè đối với toàn bộ học sinh tiểu học. “Chưa có kỳ nghỉ hè nào dài như năm nay. Con tôi được nghỉ từ cuối tháng 5 mà đến thời điểm này là cuối tháng 8 vẫn chưa phải đến trường” – phụ huynh học sinh trường tiểu học Phương Mai, quận Đống Đa cho biết. Thông thường, các trường tiểu học vẫn tổ chức ôn tập hè trong tháng 8 đối với những học sinh có nhu cầu nhưng năm nay, với quy định mới của thành phố về quản lý dạy thêm học thêm, được lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định, nghiêm cấm việc tổ chức dạy thêm học thêm cho học sinh tiểu học, kể cả ngày nghỉ.

Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, các quận huyện đều triển khai tích cực việc quản lý dạy thêm học thêm nhưng ý thức của một số giáo viên tiểu học vẫn chưa thực sự thay đổi và đáng nói là việc dạy thêm không chỉ diễn ra trong các trường nội thành mà cả ngoại thành. “Cần làm triệt để hơn nữa với tình trạng dạy thêm học thêm, đặc biệt là dạy thêm trước lớp 1. Bình thường, học sinh lớp 1 trong một buổi học trên lớp chỉ cần viết 2, 3 dòng rồi tăng dần lên để phù hợp với lứa tuổi. Trong khi đó, tại các lớp học thêm, mỗi buổi các cháu phải viết một lèo 2, 3 trang. Cứ như vậy, trẻ sẽ sợ học, ảnh hưởng tâm lý, sức khoẻ.”- ông Phạm Xuân Tiến chia sẻ.

Ông Tạ Ngọc Thắng, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Đống Đa cho biết, trước năm học mới 100% giáo viên phải ký cam kết không dạy thêm học thêm. “Đây là căn cứ pháp lý để xử lý nếu xảy ra vi phạm với giáo viên hay nhà trường” – ông Thắng cho biết. Cũng theo ông Thắng, qua nhiều đợt kiểm tra của Bộ và Sở GD-ĐT, quận đã rút được nhiều kinh nghiệm khi thấy giáo viên đã cam kết nhưng vẫn tổ chức dạy thêm, dừng kiểm tra thì tình trạng dạy thêm tái diễn bình thường. Một vấn đề nảy sinh gây khó khăn cho việc quản lý, là nếu như quận làm quá gắt, giáo viên sẽ chuyển sang địa bàn quận khác để dạy thêm, chính vì vậy, ông Tạ Ngọc Thắng kiến nghị cần chỉ đạo triển khai đồng loạt trên các quận huyện, cần phối hợp đồng bộ các cấp với địa phương, cấp phường. “Nếu phường vào cuộc thì dù lớp dạy thêm học thêm sâu đến đâu vẫn có thể xử lý được. Ngoài ra cần có sự kết hợp liên phòng GD-ĐT, thiết lập đường dây nóng để phản ánh dạy thêm học thêm” – ông Thắng nhấn mạnh.

Không khảo sát để sắp xếp lại lớp

Một điểm vốn được các bậc phụ huynh quan tâm không kém với việc “chạy trường” là “chạy lớp”. Về điểm này, ông Phạm Xuân Tiến cho biết, việc khảo sát chất lượng đầu năm học môn Toán và Tiếng Việt chỉ được tổ chức với học sinh lớp 2,3,4,5 nhằm mục đích phân loại học sinh, từ đó giúp giáo viên điều chỉnh phương pháp dạy và học cho phù hợp với từng đối tượng chứ không phải là để phân chia lại lớp học.

Cũng theo ông Phạm Xuân Tiến, ngành giáo dục Hà Nội vẫn đang tiếp tục tập trung chỉ đạo dạy- học và tổ chức các hoạt động đối với học sinh lớp 1. Theo đó, từ 2 năm nay, các trường đều ưu tiên cao nhất với khối lớp 1, như vậy trong vòng 3 năm nữa, chất lượng tiểu học sẽ được nâng lên toàn bộ từ gốc. Bà Bùi Thị Hằng, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Đan Phượng cho biết, huyện kiên quyết đảm bảo sĩ số thấp đối với học sinh lớp 1, không để xảy ra tình trạng quá tải với mức bình quân 34 học sinh/ lớp. “Chúng tôi có nguyên tắc lựa chọn đội ngũ giáo viên dạy lớp 1 rõ ràng, căn cứ 5 tiêu chí, trách nhiệm, tâm huyết, kinh nghiệm, tuổi đời, tuổi nghề, ứng dụng CNTT, phát âm chuẩn vì vẫn có hiện tượng giáo viên phát âm không chuẩn âm n, l”.

Đi cùng với tiêu chuẩn cao, các trường cũng phải quan tâm hơn đến chế độ chính sách với giáo viên lớp 1 như tăng tiền bồi dưỡng dạy buổi hai. “100% giáo viên lớp 1 được bố trí dự chuyên đề, tăng cường dự giờ thăm lớp, bổ sung kỹ năng tránh tổn thương khi học sinh lớp 1 còn nhỏ, tăng cường đánh giá nhận xét, không cho điểm nhờ vậy kỹ năng giao tiếp và kỹ năng tự phục vụ của học sinh lớp 1 tăng lên nhiều” – bà Bùi Thị Hằng cho biết.

Cũng trong năm học này, nhằm “giảm tải” cho học sinh tiểu học, ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh với những lớp học 1 buổi 1 ngày, các trường được hướng dẫn không nên giao quá nhiều bài tập về nhà, số lượng và mức độ phải phù hợp với trình độ, khả năng của học sinh. “Tuyệt đối không yêu cầu học sinh làm thêm bài tập ở nhà với học sinh học 2 buổi/ngày. Các trường cũng không được tổ chức câu lạc bộ để ôn luyện các môn văn hóa Toán, Tiếng Việt…” – ông Phạm Xuân Tiến cho biết.
Theo anninhthudo.vn
 
×
Quay lại
Top Bottom