- Tham gia
- 25/11/2012
- Bài viết
- 351
(kenhsinhvien.vn) Giải pháp tối ưu hoá trang web của bạn cho mục đích SEO: Hướng dẫn cho người mới bắt đầu.
Lưu ý: Để tránh nhầm lẫn giữa hai khái niệm website (đôi khi được đề cập đến trong bài viết gốc là "site") và webpage (đôi khi được đề cập đến trong bài viết gốc là "page"), người dịch quyết định thống nhất cách dịch website (site) là "trang mạng", và webpage (page) là "trang" hoặc "trang đơn".Bạn có muốn người khác tìm ra trang web của mình?
Điều đó nghĩa là đảm bảo rằng khi có ngưởi tìm kiếm trên Google hoặc các công cụ tìm kiếm khác về những bài viết bạn có trên trang mạng của mình, họ sẽ tìm ra bài viết đó. Điều này sẽ chỉ xảy ra nếu nội dung văn bản trên trang mạng của bạn chứa các từ và cụm từ mà khách hàng mục tiêu của bạn đang tìm kiếm.
Nghe có vẻ khá đơn giản, nhưng có rất nhiều thứ bạn có thể làm (và nên làm!) trên trang mạng của mình để các công cụ tìm kiếm ưu tiên trang mạng của bạn xếp trên những trang khác cũng chứa những từ khoá tương đương.
Tài liệu hướng dẫn này trình bày bao quát toàn diện các bước bạn cần thực hiện – và những “cách thức hay nhất” liên quan đến mỗi bước – để tối ưu hoá trang mạng của bạn cho kết quả từ công cụ tìm kiếm tốt nhất.
Việc có những từ khoá thích hợp trên trang mạng và sử dụng chúng một cách hiệu quả là một trong những nền tảng của SEO – Search Engine Optimization (Tối ưu hoá công cụ tìm kiếm). Trên thực tế, nhiều chuyên gia marketing online sẽ cho bạn biết rằng việc nghiên cứu từ khoá là một trong những hoạt động cốt yếu nhất, có giá trị và mang lại tỷ số lợi nhuận cao trong lĩnh vực marketing online. Trong nhiều trường hợp, sẽ không ngoa khi cho rằng việc xếp hạng tốt cho các từ khoá thích hợp có thể khiến doanh nghiệp của bạn ăn nên làm ra hoặc phá sản.
Có hai thách thức chính đối với SEO:
1. Nhận diện từ và cụm từ người ta sẽ dùng để tìm sản phẩm, dịch vụ hoặc thông tin bạn đang có.
2. Triển khai chính xác từ khoá trong nội dung và mã trang mạng của bạn để trang được xếp lên trước các đối thủ cạnh tranh trong các công cụ tìm kiếm.
Chúng ta hãy tìm hiểu sâu hơn vào từng thách thức này!
Từ khoá là nền tảng của SEO
Phương pháp xây dựng danh sách từ khoá cho trang mạng
Bước đầu tiên và quan trọng nhất là biên soạn một danh sách các từ khoá mục tiêu quan trọng nhất. Mục tiêu của bạn là tìm ra từ và cụm từ liên quan nhất, đó là thứ sẽ dẫn dắt khách hàng mong muốn đến với trang mạng của mình.
Sau đây là vài mẹo để khởi động:
Bắt đầu với các danh mục cấp cao rồi chuyên sâu vào nó
Hãy lập danh sách những chủ đề chung mô tả doanh nghiệp, ngành nghề hoặc sản phẩm của bạn. Vắt óc suy nghĩ về tất cả các từ và cụm từ cụ thể hợp lý trong mỗi loại. Bao gồm từ đồng nghĩa và thuật ngữ thay thế mà người tìm kiếm có thể dùng tới. Một số ý tưởng để mạch nguồn sáng tạo trong bạn tuôn trào: xem xét việc bao hàm cả tên thương hiệu cụ thể, tên hoặc danh mục sản phẩm, đặc tính hoặc chức năng của sản phẩm, thuật ngữ ngành bổ trợ lẫn nhau (tên các mặt hàng có liên quan đến sản phẩm của bạn ngay cả khi bạn không kinh doanh chúng) và các thuật ngữ miêu tả người mua chung hoặc người dùng chung của sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn.
Đặt mình vào vị trí của khách hàng
Đôi khi chủ doanh nghiệp nhìn nhận sản phẩm của họ khác với cách khách hàng nhìn nhận. Điều quan trọng là phải đặt bản thân vào vị trí của khách hàng và cố hình dung xem họ sẽ nhập gì vào công cụ tìm kiếm để tìm sản phẩm bạn có. Hãy hỏi một số vị khách của mình xem ban đầu họ tìm ra bạn thế nào. Hãy nhớ rằng sẽ có rất nhiều người đang tìm kiếm sản phẩm của bạn – người thì tìm thông tin sơ bộ, người thì đã biết thứ họ muốn là gì, người thì đang mua sắm xoay quanh các lựa chọn thay thế, vân vân. Hãy đảm bảo rằng bạn đang bao quát mọi kiểu khách hàng, tại tất cả các giai đoạn của chu kỳ mua sắm.
Nhìn vào lượng dữ liệu bạn sẵn có
Nếu sử dụng phần mềm phân tích trang web, bạn sẽ có thể tạo ra một bản báo cáo những từ khoá khách hàng sử dụng trong các công cụ tìm kiếm để đến được trang mạng của mình (trước đây Google từng được dùng rộng rãi hơn, nhưng bạn vẫn có thể có được một số thông tin về nó, đặc biệt là nếu bạn đang sử dụng dịch vụ AdWorks). Thậm chí tốt hơn nữa nếu bạn theo dõi các cuộc trò chuyện (bạn hoàn toàn nên làm điều này!), báo cáo trò chuyện có thể bao gồm các cụm từ tìm kiếm, thường mang lại nhiều nhất các khách hàng hay đổi ý. Ngoài ra, nếu trang mạng của bạn có khung tìm kiếm, bạn sẽ tìm thấy nhiều ý tưởng cho các từ khoá trong những cụm từ mà khách truy cập đã tìm.
Nghiên cứu trang mạng của đối thủ cạnh tranh
Hãy truy cập trang mạng của các đối thủ cạnh tranh online để xem các từ khoá họ dùng trong nội dung của mình là gì (đặc biệt chú ý đến các từ khoá được dùng trong tiêu đề trang và đầu mục) và cả trong mã trang mạng (như tiêu đề và thẻ meta – sẽ tìm hiểu kĩ hơn ở phần sau).
Bao hàm cả những từ ngữ địa phương, nếu chúng có liên quan đến doanh nghiệp của bạn
Nếu bạn đang tìm cách thu hút khách hàng sống trong một hoặc nhiều khu vực địa lý cụ thể (như một bang, thành phố, vùng lân cận), hãy đảm bảo việc bao gồm tất cả những tên gọi có liên quan mô tả các khu vực ấy trong danh sách từ khoá. Nếu áp dụng được, các từ ngữ tìm kiếm được bản địa hoá là một cách nhanh chóng và mạnh mẽ để có được khả năng hiển thị cùng với các đối thủ cạnh tranh khác trong các kết quả tìm kiếm.
Chọn từ khoá cụ thể để nhắm đến khách hàng cụ thể
Ngoài các chủ đề và cụm từ chung mô tả sản phẩm, hãy đi sâu vào các danh mục phụ cụ thể hơn vốn có thể là mối quan tâm của một số kiểu khách hàng nhất định, hoặc sản phẩm/dịch vụ cụ thể bạn cung cấp.
Sử dụng công cụ để tìm từ khoá tương đương mà bạn chưa nghĩ ra
Có nhiều công cụ online có thể giúp ích rất nhiều trong việc nảy ra các bộ từ khoá tương tự nhưng khác nhau (đôi khi được gọi là “cụm từ khoá”), và thậm chí là trong việc khơi dậy các ý tưởng cho danh mục từ khoá mới hoàn toàn. Đây vốn dĩ không phải là lựa chọn – mà là điều bạn cần phải làm! Hãy tìm một hoặc hai công cụ bạn thích và dành thời gian để học cách khai thác triệt để chúng.
Một số công cụ từ khoá được sử dụng rộng rãi bạn nên xem qua, bao gồm:
• Google Analytics Site Search (miễn phí, yêu cầu có tài khoản Google Analytics)
• Google Keyword Planner (miễn phí, yêu cầu có tài khoản Google AdWords)
• Google Keyword Suggestion tool (miễn phí, yêu cầu có tài khoản Google AdWords)
• Google Trends (miễn phí)
• Jaaxy (miễn phí dùng thử, sau đó đăng ký hằng tháng)
• Keyword Eye (miễn phí dùng thử, sau đó đăng ký hằng tháng)
• Keyword Revealer (miễn phí dùng thử, sau đó đăng ký hằng tháng)
• KeywordTool.io (phiên bản miễn phí giới hạn hoặc đăng ký theo tháng)
• KWFinder.com (phiên bản miễn phí giới hạn hoặc đăng ký theo tháng)
• Microsoft Bing Ads Intelligence tool (miễn phí, yêu cầu có tài khoản Bing Ads)
• Moz Pro Keyword Explorer (đăng ký theo tháng)
• SE Ranking (miễn phí dùng thử, sau đó đăng ký hằng tháng)
• SEMRush (yêu cầu đăng ký theo tháng)
• SimilarWeb PRO (bản dùng thử miễn phí có sẵn, sau đó đăng ký hằng tháng)
• SpyFu (yêu cầu đăng ký theo tháng)
• Trellian Keyword Discovery (phiên bản miễn phí giới hạn hoặc đăng ký theo tháng)
• Übersuggest (miễn phí)
• Wordtracker (đăng ký theo tháng)
Tinh chỉnh và ưu tiên danh sách từ khoá
Khi đã có bộ từ khoá ban đầu, ban cần chọn ra những từ khoá có khả năng tác động lớn nhất, ít nhất là ở bước đầu tiên. Giới hạn về số từ bạn có thể tối ưu hoá trang mạng một cách hợp lý phụ thuộc vào kích cỡ trang mạng của bạn, nhưng bạn sẽ luôn cần tìm cách tập trung vào các từ khoá tốt nhất để sử dụng.
Có hai cân nhắc cơ bản khi thực hiện:
1. Khối lượng tìm kiếm hàng tháng
Bạn nên bắt đầu bằng cách tập trung vào các từ ngữ có tiềm năng mang về lượng khách truy cập nhiều nhất.
2. Tính cạnh tranh
Bạn nên xem xét các từ ngữ có tính cạnh tranh cao, vì sẽ khó cho bạn để xếp hạng tốt vào lúc đầu (hoặc là không bao giờ tốt được!) cho các từ ngữ đó. Trái lại, hãy tìm các từ khoá có thể đạt được thứ hạng cao hơn nhanh chóng vì ít trang mạng sử dụng chúng hơn.
Tất nhiên, thường sẽ có tính cạnh tranh cao hơn đối với các từ ngữ có khối lượng tìm kiếm lớn (vì đó là nơi tiền đổ vào mà!), vì vậy không phải lúc nào bạn cũng làm được nhiều thứ. Tuy nhiên, việc nhớ điều đó có thể giúp bạn tìm ra phân ngách mà đối thủ của bạn không mấy tập trung vào.
Cách tốt nhất để xác định khối lượng tìm kiếm và môi trường cạnh tranh đối với các từ ngữ tìm kiếm cụ thể là sử dụng công cụ từ khoá online, như đã liệt kê bên trên, chúng báo cáo các thông tin quan trọng này. Thứ bạn muốn xem trong các công cụ này có khi là các từ ngữ siêu cạnh tranh – nhưng hãy cân nhắc đặt điều này xuống thấp hơn trong danh sách ưu tiên, bất kể bạn có muốn xếp chúng cao thế nào, đơn giản là vì khả năng chiến thắng bằng các từ ngữ ấy trong cục diện ban đầu hầu như là khá mỏng manh.
Xem việc nghiên cứu từ khoá là một quá trình liên tục
Đừng thực hiện quá trình động não tìm từ khoá và nghiên cứu từ khoá chỉ một lần, đây nên là một quá trình liên tục bạn đối mặt ít nhất 2 lần một năm. Về lâu dài, bạn sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn và nhiều dữ liệu hơn để liên tục cải thiện danh sách từ khoá trọng tâm của mình. Ngoài ra, mọi thứ luôn thay đổi – như xu hướng thị trường và môi trường cạnh tranh của bạn – vì vậy bạn cần nhanh nhạy và thay đổi từ khoá sao cho phù hợp.
Dần dà, bạn sẽ hiểu ra rằng một số từ khoá cơ bản không hề làm tốt như bạn tưởng – vì chúng sai ngay từ đầu, hoặc đơn giản là vì mức độ cạnh tranh quá cao. Khi đã xác định một số từ khoá nhất định không có hiệu quả với bạn, hãy bỏ chúng đi và sử dụng tài nguyên trang mạng để tập trung vào các từ khoá hiệu quả hơn.
Ngoài ra, khi đã triển khai tất cả những lời khuyên SEO được khuyến nghị cho bộ từ khoá của mình, thì đã đến lúc mở rộng danh sách và nhắm đến nhiều từ ngữ hơn nữa. Ngay cả khi bạn đang dùng một bộ từ khoá có giá trị, thì luôn luôn có những cơ hội “đuôi dài” (long-tail) hơn. Thuật ngữ “đuôi dài” đề cập đến một số lượng lớn phân khúc từ ngữ. Tuy mỗi từ ngữ đuôi dài bản thân chúng không mang lại nhiều lượng truy cập, nhưng về tổng thể chúng có thể đóng vai trò như một nguồn truy cập tìm kiếm đáng kể, và chúng thường là các từ ngữ ít tính cạnh tranh hơn hơn những từ ngữ chính.
Tối ưu hoá trang mạng cho các từ khoá của bạn
Phương pháp tối ưu hoá trang mạng xoay quanh các từ khoá
Giờ đây bạn đã có trong tay danh sách từ khoá mục tiêu, đã tới lúc tối ưu hoá trang mạng xoay quanh những từ khoá này. Mục tiêu là để đạt được lượng khác truy cập nhiều nhất có thể từ những khách hàng tiềm năng nhập từ khoá của bạn vào các công cụ tìm kiếm.
Điều đầu tiên cần ghi nhớ là công nghệ tìm kiếm đã phát triển rất nhiều trong vài năm qua, và việc nhận diện các trang viết tốt, cung cấp cho khách truy cập thông tin chất lượng cao và có trật tự đã tốt hơn rất nhiều. Vì thế, mục tiêu của bạn là tập trung vào việc cung cấp cho khách truy cập nội dung tốt và trải nghiệm tổng thể hài lòng. Với lưu ý này, đây là lúc bắt đầu viết lại (hoặc viết) các trang (webpage) để kết hợp với các từ khoá của bạn theo cách tốt nhất có thể.
Nhóm các từ khoá lại để tối ưu hoá các trang riêng lẻ
Điều quan trọng là phải hiểu được tất cả SEO trên trang được thực hiện trên cơ sở từng trang một, và điều cốt yếu không phải là tối ưu hoá từng trang đơn (ít nhất là không phải ngay lập tức). Tuy một trang mạng chứ nhiều trang đơn xếp hạng cao sẽ tạo “ảnh hưởng” đến tất cả các trang đơn trong trang mạng, nhưng kết quả tìm kiếm một từ khoá nào đó vẫn dẫn đến các trang đơn, và vì vậy bạn cần phải tập trung vào việc chọn lọc những trang đơn và việc tối ưu hoá chúng cùng một lần.
Bước đầu tiên là nhóm lại và tổ chức các từ khoá của bạn thành các bộ từ 5-10 từ khoá liên quan nhau là trọng tâm của các trang đơn. Bạn sẽ chọn một trong những bộ từ khoá này để làm thuật ngữ “chủ chốt” (chẳng hạn như được bao hàm trong tiêu đề trang hoặc đề mục chính, bên cạnh các vị trí khác), với các bộ từ khoá khác xuất hiện ở nhiều nơi trên toàn bộ trang. Bước này giúp dễ quản lý toàn bộ quá trình hơn đồng thời cũng giúp bạn tạo ra các trang làm mục tiêu cụ thể.
Hãy ưu tiên các nhóm từ khoá từ quan trọng nhiều nhất đến ít nhất và tiến hành chọn những trang trên trang mạng (hoặc tạo những trang mới) làm mục tiêu bằng mỗi bộ 5-10 từ khoá có liên quan.
Hãy ghi nhớ cả hai tầng tối ưu hoá trên trang
Trước khi tiếp tục, sẽ hữu ích khi giới thiệu hai tầng dữ liệu trong đó bạn sẽ triển khai từ khoá trên trang của mình:
1. Nội dung
Văn bản thực sự hiển thị trên trang mạng của bạn, dành cho khách truy cập đọc, bao gồm đề mục, nội dung văn bản và chú thích hình ảnh.
2. Siêu dữ liệu (Metadata)
Đây là văn bản có trong mã HTML của trang mạng mà người truy cập không nhìn thấy, bao gồm thẻ tiêu đề, thẻ siêu mô tả (meta-description tag), thuộc tính hình ảnh và thậm chí là URL trang và URL hình ảnh.
Các công cụ tìm kiếm quét cả hai tầng dữ liệu, và phân tích dữ liệu chúng tìm thấy để xác định cách lập mục lục cho trang của bạn. Vì nguyên do này, điều quan trọng là làm mọi thứ trong khả năng để đảm bảo những từ khoá của bạn được triển khai đúng mức theo cách khuyến khích các công cụ tìm kiếm xếp hạng các trang của bạn lên trước các đối thủ cạnh tranh. Nội dung trang mạng và siêu dữ liệu sử dụng từ khoá càng được tối ưu hoá, các công cụ tìm kiếm sẽ càng “hiểu” nhiều hơn về trang mạng của bạn, giúp chúng gửi đến bạn lượng khách truy cập đang tích cực tìm kiếm những thông tin vốn đã sẵn có trên trang mạng của bạn.
Hiển nhiên nếu trang của bạn xếp hạng càng cao các từ khoá trong các trang kết quả tìm kiếm, thì lưu lượng truy cập tìm kiếm bạn nhận được sẽ càng nhiều (và có liên quan hơn) đến trang mạng của mình.
Điểm lại:
Tối ưu hoá nội dung trang của bạn
Sử dụng từ khoá trong đề mục
Đây là điều quan trọng nhất đối với các đề mục cấp cao (<h1> trong HTML), và cũng quan trọng trong các đề mục <h2> nữa (nếu trang của bạn chứa nhiều phần văn bản). Đa phần các chuyên gia SEO không xem các đề mục từ <h3> trở xuống có giá trị hơn văn bản thông thường trên trang. Bên cạnh những lợi ích của SEO, khi khách truy cập thấy đề mục đề cập đến thứ họ đang tìm kiếm, họ sẽ có khả năng nán lại và đọc nội dung trang hơn. Hãy đảm bảo đề mục có liên quan mật thiết đến nội dung văn bản sau đó. Mẹo bổ sung: Hãy dùng một từ khoá chính thôi cho mỗi tiêu đề, và giữ cho tiêu đề ngắn hơn khoảng 75 ký tự.
Sử dụng từ khoá trong văn bản trên trang
Hãy sử dụng từ khoá một cách tự nhiên, bằng cách cung cấp một trải nghiệm đọc mượt mà và đáng mong đợi. Lặp lại các từ khoá mục tiêu, và các biến thể của chúng, trên toàn bộ trang vừa nhiều vừa hợp lý cho bản thân nội dung. “Việc nhồi nhét từ khoá” – lặp lại từ khoá nhiều lần – từng có hiệu quả trong các công cụ tìm kiếm ở những giai đoạn đầu, nhưng giờ đây có thể gây phản tác dụng.
Sử dụng từ khoá trong liên kết nội bộ
Có ít nhất một vài liên kết văn bản liên quan từ các trang khác trong trang mạng của bạn đến trang bạn tối ưu hoá cũng quan trọng không kém. Văn bản của mỗi liên kết (được gọi là “anchor text”) nên chứa một từ khoá mà trang mục tiêu được tối ưu hoá nhắm đến.
Ví dụ: <a href="targetpageURL">Sử dụng từ khoá ở đây, trên văn bản liên kết được hiển thị</a>
Sử dụng từ khoá trong những câu hỏi
Vì nhiều người tìm kiếm sẽ nhập vào các cụm từ tìm kiếm như “___ là cái gì?” và “Làm ___ như thế nào?”, nên các công cụ tìm kiếm có xu hướng ưu tiên đến các trang hỏi – và trả lời – các dạng câu hỏi này. Hãy cân nhắc việc hỏi các câu hỏi này bằng cách sử dụng từ khoá trong các tiêu đề, theo sau là một đoạn văn bản trả lời câu hỏi ấy, bắt đầu với một từ khoá. Ví dụ: Tiêu đề ghi “Trí tuệ doanh nghiệp là gì?”, sau đó là một đoạn văn bản bắt đầu bằng “Trí tuệ doanh nghiệp là ___”.
Sử dụng từ khoá trong chú thích ảnh
Chú thích bên dưới dọc theo ảnh là cơ hội tuyệt vời để lặp lại các từ khoá quan trọng mà không làm quá tải nội dung trang chính.
Điểm lại:
Tối ưu hoá siêu dữ liệu trên trang
Sử dụng từ khoá trong thẻ tiêu đề
Mỗi trang có thể có một tiêu đề xuất hiện trong thẻ trình duyệt nơi trang hiển thị (trong HTML, tiêu đề này như sau <title>Tiêu đề trang ở đây<title>, được đặt trong phần <head> của mã trang). Các công cụ tìm kiếm sử dụng tiêu đề này theo 2 cách: làm tín hiệu mạnh mẽ cho nội dung trang và làm tiêu đề trang hiển thị trong các kết quả tìm kiếm. Do đó, tiêu đề cần phải bao gồm từ khoá quan trọng nhất bạn đang nhắm đến cho trang theo cách tự nhiên và khuyến khích những người tìm kiếm có liên quan nhấp vào nó. Lý tưởng nhất là từ khoá chính của trang nên xuất hiện tại hoặc gần với đoạn đầu tiêu đề. Đó cũng là một ý tưởng hay để thêm cả từ khoá thứ hai ở đây nữa.
Mẹo bổ sung: Theo nguyên tắc từ thực nghiệm, tiêu đề nên ngắn hơn 65 ký tự để nó không bị cắt khi hiển thị trên Google, và các trang không nên có cùng tiêu đề.
Sử dụng từ khoá trong thẻ siêu mô tả
Trang cũng có một miền “mô tả” sẽ mô tả ngắn gọn nội dung trang. (Trong HTML, nội dung này được mã hoá trong thẻ meta, cũng được đặt trong phần <head> của trang, như: <meta name="description" content="Mô tả trang ở đây">.) Vì các công cụ tìm kiếm thường (tuy không phải luôn luôn) hiển thị văn bản này dưới tiêu đề trang trong kết quả tìm kiếm, công dụng quan trọng nhất của văn bản này là khuyến khích người tìm kiếm nhấp vào trang trong kết quả tìm kiếm (ngược lại, nó cũng giúp cải thiện cấp bậc của trang theo thời gian). Vì vậy, hãy đảm bảo bao gồm một hoặc hai từ khoá trong miền mô tả. Bạn nên thêm ít nhất một từ khoá tại, hoặc gần, đoạn đầu của văn bản.
Mẹo bổ sung: Hãy giới hạn đoạn mô tả đến khoảng 150 ký tự, đừng sử dụng cùng một siêu mô tả trên nhiều trang, và tránh dùng ký tự đặc biệt. Đối với mẹo cho siêu mô tả, hãy nhấp vào đây. Lưu ý rằng phần lớn các công cụ tìm kiếm không còn phân tích đoạn văn bản này cho mục đích xếp hạng các trang nữa.
Sử dụng từ khoá trong URL trang và URL hình ảnh
Các công cụ tìm kiếm chú ý đến các từ được tìm thấy trong tên file của các trang, cũng như URL của các thành tố riêng lẻ (như hình ảnh) xuất hiện trong trang. Đây là một phương pháp phụ có giá trị để các công cụ tìm kiếm biết nội dung trang của bạn. Vì vậy, ví dụ, thay vì đặt tên trang bằng một cái tên chung chung như domain.com/product2413, bạn nên đặt theo hướng domain.com/natural-air-fresheners. Tương tự đối với hình ảnh và các thành tố khác được tham chiếu trong mã trang.
Mẹo bổ sung: Tách các từ riêng lẻ bằng dấu gạch nối, và tránh dùng ký tự đặc biệt.
Điểm lại (tiếp theo):
Sử dụng từ khoá trong tiêu đề thẻ “anchor”
Chúng ta đã đề cập đến việc sử dụng từ khoá trong “anchor text” của liên kết được hiển thị. Tag <a> cung cấp một cơ hội phụ để liên kết từ khoá mục tiêu của bạn với trang. Đối với các liên kết truy ngược về trang, hãy sử dụng cả từ khoá của trang mục tiêu trong tiêu đề, như: <a href="targetpageURL" title="Từ khoá ở đây">). Lưu ý rằng dù việc bao gồm các từ khoá trong liên kết anchor text rất có giá trị, nhưng thuộc tính của tiêu đề này được coi là kém quan trọng đối với mục đích SEO.
Sử dụng từ khoá trong thẻ hình ảnh
Thẻ HTML được dùng để hiển thị hình ảnh trong trang (<img>) cho phép các thuộc tính tuỳ chọn như ALT và tiêu đề (có nhiều công dụng, bao gồm cả khả năng truy cập trang mạng được cải thiện cho người dùng có thị lực kém). Vì các công cụ tìm kiếm sử dụng các đoạn văn bản này trong cả việc lập chỉ mục (index) hình ảnh trong quá trình tìm kiếm hình ảnh cũng như làm tín hiệu cho nội dung trang tổng thể, đây là một vị trí nên đặt thêm từ khoá vào.
Ví dụ: <img src="cún-săn-thỏ.png" alt="cun san tho"title="Cún săn thỏ 4 tuần tuổi">.
Mẹo bổ sung: Tránh dùng ký tự đặc biệt, và hạn chế độ dài mỗi đoạn văn bản này trong khoảng 80 ký tự.
Các chiến thuật cần tránh khi tinh chỉnh SEO
Những việc không nên làm khi cải tiến SEO
Cho đến giờ, chúng ta đã trải qua nhiều bước cần thiết trong việc tối ưu hoá trang mạng của bạn để nó có thứ hạng tốt hơn trong các công cụ tìm kiếm: tạo dựng danh sách từ khoá cho trang mạng của bạn, tinh chỉnh và ưu tiên danh sách từ khoá của bạn, nhóm các danh sách từ khoá nhằm tối ưu hoá các trang riêng lẻ, tối ưu hoá nội dung trang của bạn và tối ưu hoá siêu dữ liệu trang của bạn.
Ngoài tất cả những điều “nên làm” chúng ta đã thảo luận, cũng có một số điều quan trọng “không nên làm”. Một số chiêu trong đó sẽ khiến bạn rất muốn làm, đặc biệt là khi bạn đã làm việc lâu dài và cật lực để tối ưu hoá nhiều trang, nhưng các công cụ tìm kiếm sẽ phạt trang vì những lỗi sai này, vì vậy bạn nên tránh thực hiện chúng.
Từng có thời những người làm SEO đã chủ ý dùng chiêu, vì chúng có thể “lừa” được các công cụ tìm kiếm để trang họ có thứ hạng cao hơn. Tuy nhiên, khi công nghệ của công cụ tìm kiếm đã tiến bộ và cải thiện, các thuật toán phát hiện ra các hành động này và giảm hạng những trang sử dụng chiêu, khiến những chiêu đó trở nên lỗi thời.
Nhồi nhét từ khoá
Như đã đề cập từ trước, việc nhồi nhét từ khoá là việc lặp đi lặp lại các từ khoá nhiều lần trong toàn bộ nội dung và/hoặc siêu dữ liệu của trang. Các công cụ tìm kiếm tính toán “mật độ từ khoá” cho các trang, nó diễn tả phần trăm số lần một từ khoá xuất hiện trên một trang, là tỷ lệ của tất cả các từ trên một trang. Theo nguyên tắc rút ra từ thực nghiệm, bạn nên đảm bảo rằng không có một từ khoá nào có mật độ trên khoảng 3% (nghĩa là chúng không xuất hiện nhiều hơn 3 lần trong mỗi 100 từ). Một nguyên tắc đúc kết khác, như chúng ta đã đề cập, là luôn luôn viết vì người xem của bạn: nếu việc lặp lại một từ quá nhiều khiến trang khó đọc, thì bạn đã đi quá giới hạn rồi.
Ẩn từ khoá
Một cách để nhồi nhét từ khoá mà không làm ảnh hưởng đến trải nghiệm ở phía người dùng là lặp lại các từ khoá nhiều lần trong một trang nhưng ẩn chúng đi (ví dụ, bằng cách hiển thị nó cùng màu với nền trang, đặt nó sau một bức ảnh hoặc thiết lập ẩn bằng CSS). Các công cụ tìm kiếm rất giỏi trong việc phát hiện văn bản mà người dùng không thấy – và giảm hạng trang có chứa từ khoá ẩn lặp lại, vì đó là “cờ đỏ” mà “SEO mũ đen” hoạt động. Có những ngoại lệ cho quy tắc này, nhưng nhìn chung tốt hơn là nên tránh dùng văn bản ẩn.
Nội dung trùng lặp
Nội dung trùng lặp là việc tối ưu hoá nhiều trang để nhắm đến các từ khoá giống nhau, bằng cách sử dụng nội dung giống nhau (hoặc gần giống nhau). Ý tưởng sau việc làm này là tìm cách đạt được càng nhiều trang trong danh sách kết quả tìm kiếm hàng đầu càng tốt, tăng cơ hội người tìm kiếm nhấp vào một trong số các trang đó (mà không phải là trang của một đối thủ cạnh tranh). Nếu một công cụ tìm kiếm phát hiện nội dung lặp lại trên những trang khác nhau (đôi khi, ngay cả trên những trang được tìm thấy trên các trang mạng khác nhau – khiến chúng nhận ra việc đạo văn), công cụ tìm kiếm sẽ giảm hạng trang trong xếp hạng kết quả tìm kiếm. (Thỉnh thoảng có nội dung trùng lặp là cần thiết – xem bên dưới về phương pháp sử dụng “thẻ canonical” để xử lý những tình huống này.)
Nội dung quá ít
Nội dung quá ít là việc tạo một trang nhỏ, ngắn gọn ngoài những từ khoá mục tiêu thì không chứa nội dung thực sự nào. Một lần nữa, thứ lỗi vì đã nhắc lại điều này quá nhiều lần, nội dung của bạn cần cung cấp một trải nghiệm tốt cho khách truy cập trang mạng! Việc tạo ra những trang ngắn chứa một chùm từ khoá, nhưng không mang đến giá trị cho khách truy cập, sẽ không giúp bạn đạt được thứ hạng tốt đối với những trang này trong kết quả tìm kiếm. (Nếu bạn tò mò muốn biết công cụ tìm kiếm nhận biết trang nào mang lại giá trị thực và trang nào không, thì đây là cách chúng hoạt động: Khi hầu hết người dùng nhấp vào một liên kết cụ thể và nhanh chóng nhấp “Trở về” trong trình duyệt của họ, trở về trang kết quả tìm kiếm, thì công cụ tìm kiếm sẽ biết rằng người dùng không tìm thấy được thứ họ muốn trong trang ấy. Do đó, công cụ tìm kiếm sẽ giảm hạng trang đó trong kết quả tìm kiếm của nó để ưu tiên cho các kết quả tìm kiếm khác từ những trang người dùng không nhanh chóng trở về - hoặc hoàn toàn không trở về!)
Siêu từ khoá
Nhiều năm trước, các công cụ tìm kiếm sẽ xem xét nội dung của thẻ siêu từ khoá, trong đó chủ trang mạng có thể chỉ định từ khoá mô tả cho mỗi trang. Nhưng vì ngày nay các công cụ tìm kiếm đã bỏ qua những thẻ này, nên đừng bận tâm về nó. Nó không hại gì, nhưng cũng không giúp ích được gì cho bạn.
Liên kết bị hỏng
Dù không phải là vấn đề liên quan đến từ khoá, nhưng hãy tránh để các liên kết bị hỏng trên trang mạng của bạn, dù cho nó dẫn dến các trang khác trên trang mạng của bạn hay đến các trang mạng khác. Các công cụ tìm kiếm có thể phạt một trang (hay cả một trang mạng) vì chứa quá nhiều liên kết bị hỏng. Có nhiều công cụ để quét một trang mạng và báo cáo các liên kết bị hỏng được tìm thấy (2 công cụ trực tuyết miễn phí là W3C Link Checker và Dr. Link Check); thỉnh thoảng bạn nên sử dụng công cụ này và đảm bảo tất cả liên kết trên trang mạng của mình đều đang ở trạng thái tốt.
Một số lời khuyên cuối cùng để có kết quả SEO tốt nhất
Hãy tăng lợi thế đến mức cao nhất những trang đã được tối ưu hoá
Trước khi chúng ta kết thúc, thì đây là một vài mẹo cũng đáng học hỏi:
Thường xuyên cập nhật nội dung của bạn
Các công cụ tìm kiếm ưa thích nội dung mới mẻ, vì thế cập nhật các trang của bạn thường xuyên là điều quan trọng nên làm. Khi các trang là những đối thủ cạnh tranh nằm gần nhau trong trang kết quả tìm kiếm, sự mới mẻ và tần suất cập nhật là nhân tố phụ mà các công cụ tìm kiếm xem xét. Các trang năng động hơn, cập nhật nhiều hơn sẽ được ưu tiên hơn.
Duy trì tệp sơ đồ trang (sitemap) luôn được cập nhật
Sơ đồ trang là một tệp XML chứa tất cả URL trên trang mạng của bạn, cũng như cấu trúc sắp xếp của chúng. Các công cụ tìm kiếm sử dụng tệp sơ đồ trang giúp chúng truy cập các trang mạng hiệu quả hơn. Google cung cấp một danh sách liên kết đến các trình tạo sơ đồ trang thuộc nhiều loại khác nhau tại đây. Khi bạn bắt đầu tạo sơ đồ trang cho mình, và sau đó mỗi lần bạn cập nhật nó về sau, bạn nên gửi nó đến từng công cụ tìm kiếm (Google, Bing, v.v…). Hãy tham khảo chỉ dẫn của từng công cụ tìm kiếm để gửi sơ đồ trang (hoặc bạn có thể đợi tệp sơ đồ trang được quét lại tự động, dù sẽ tốn thời gian hơn).
Sử dụng thẻ canonical cho nội dung trùng lặp
Mặc dù đã đề cập ở phần trước rằng bạn nên tránh việc có nhiều trang có nội dung chồng chéo, đôi khi bạn cần phải thực hiện điều này. Trong những tình huống như vậy, việc ngăn Google không phạt trang có nội dung trùng lặp là điều quan trọng, bằng cách chỉ định trang nào là trang chính, hay trang căn cứ. Thực hiện điều đó bằng một thẻ như sau, đặt trong phần <head> của trang: <link rel="canonical"href="https://www.domain.com/authoritativepage-URL"/>
(Hãy đảm bảo chỉ định đường dẫn tuyệt đối, không phải đường dẫn tương đối). Điều này giúp Google hiển thị trang chính trong kết quả tìm kiếm, mà không phạt trang nào cả.
Liên kết đến trang mạng của bạn (Inbound link)
Đây là một chủ đề riêng, và nằm ngoài phạm vi của hướng dẫn này. Tuy nhiên, sẽ thật thiếu sót nếu chúng ta bỏ qua tầm quan trọng to lớn của việc có các liên kết dẫn đến (“inbound”) trang mạng của bạn từ các trang mạng khác. Các trang mà các trang mạng khác liên kết đến, đặc biệt là nếu văn bản liên kết được sử dụng chứa các từ khoá mà trang mục tiêu được tối ưu hoá nhắm đến, là một chỉ báo mạnh để các công cụ tìm kiếm biết rằng trang này có giá trị với người khác. (Một vấn đề nho nhỏ thú vị về công cụ tìm kiếm: việc theo dấu và phân tích các inbound link – không chỉ là bản thân nội dung trang – là cải tiến chủ chốt cho phép Google nhảy vọt – và cuối cùng là loại bỏ – phần lớn các công cụ tìm kiếm khác đang tồn tại cùng thời và củng cố sự thống trị của nó trong không gian của công cụ tìm kiếm.) Nhưng, cũng giống như việc tối ưu hoá trên trang, việc tối ưu hoá “ngoài trang” phải được thực hiện một cách thích hợp để giúp trang của bạn xếp thứ hạng cao hơn, thay vì có thể làm tổn hại đến trang.
Thỉnh thoảng chạy kiểm tra SEO trang mạng của bạn
Có những công cụ quét trang mạng cho bạn để làm rõ bất kỳ vấn đề nào có thể làm phương hại đến xếp hạng kết quả tìm kiếm của trang mạng. Bạn nên chạy kiểm tra sau khi đã thực hiện dự án tối ưu hoá ban đầu (và thỉnh thoảng là sau đó nữa). Giải quyết các vấn đề được nêu ra có thể bật trang của bạn lên trên trong kết quả tìm kiếm. Bạn có thể tìm danh sách các công cụ kiểm tra SEO được khuyên dùng tại đây.
Chúc bạn thành công!
Chúng tôi hy vọng bạn đã học hỏi được nhiều về SEO trong tài liệu hướng dẫn này, và sự thông thái chúng tôi chia sẻ cho bạn ở đây sẽ dẫn đến sự gia tăng đáng kể về số lượng và mức độ liên quan của khách truy cập trang mạng của bạn từ các công cụ tìm kiếm.
Dịch bởi Kenhsinhvien.vn
(Theo AddThis.com)
(Theo AddThis.com)