Gái ngoan thành hư khi vào đại học

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
“Ngày ở nhà vừa bị bố mẹ cấm vừa không có nhiều chỗ chơi, giờ thì tội gì ru rú ở ký túc xá cho nó già người", đó là phát biểu của Phương, từng là con ngoan trò giỏi suốt những năm phổ thông.

Từ tỉnh lẻ lên thành phố học đại học, nhiều teen có tâm lý xả hơi, “chơi cho đã” nên từ chỗ đang là con ngoan trò giỏi lại trở thành… “con hư trò dốt”.

Chơi cho... bõ công đèn sách

Thanh Huệ, quê ở một huyện vùng cao Tuyên Quang, là một trong số không nhiều học sinh của huyện này đỗ đại học và được về thủ đô nhập trường. Trong suốt thời phổ thông, Huệ luôn là học sinh khá giỏi, nhưng chỉ sau một kỳ học ở thành phố, cô đã khác. Từ chỗ hiền lành, chân chất chỉ biết học, nay Huệ đã có thể sánh “ngang ngửa” với những cô gái sành điệu. Ngoại hình xinh xắn, được nhiều anh để mắt, cuộc sống sinh viên ở Hà Nội lại đầy mới mẻ và tự do nên Huệ mải mê “khám phá” và tận hưởng.

Ban ngày phải lên giảng đường nhưng Huệ cũng chỉ ngồi học một nửa thời gian, nửa còn lại Huệ đi dạo phố và mua sắm. Dù chỉ vào các cửa hàng một giá dành cho sinh viên nhưng cô cũng đã tiêu mất cả nửa tháng tiền bố mẹ gửi, để rồi sau đó phải lấy lý do đóng tiền học thêm để xin “tiếp viện”. Buổi tối, bạn bè cũng chẳng mấy khi thấy Huệ ở ký túc xá vì cô còn có lịch hẹn hò với một chàng học khoá trên. Có hôm vì về quá muộn, ký túc xá đóng cửa không vào được, Huệ đành đến nhà thuê của bạn ngủ tạm. Sau thành quen, cứ đi chơi với bạn trai là Huệ đi qua đêm luôn. Mấy cô bạn cùng phòng khuyên nhủ thì cô bảo: “Các cậu định làm phụ huynh của tớ hả”.


Phương pháp học ở bậc ĐH khác nhiều so với học phổ thông nên nhiều sinh viên
mới tỏ ra lúng túng. Ảnh minh họa: Inmagine.


Giống như Huệ, Phương (quê thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa) ra Hà Nội cũng tranh thủ “chơi hết mình” để bù lại quãng thời gian khổ học và bị bố mẹ quản lý chặt chẽ. Được bố mẹ chu cấp tiền tiêu khá rủng rỉnh, lại không còn bị quản thúc như trước, Phương như chim sổ lồng. Cô nhanh chóng kết bạn với những người cùng “đẳng cấp” để được thỏa chí hưởng thụ "đời sinh viên sôi nổi”. Bar, “sàn” nổi tiếng nào của Hà Nội, Phương cũng phải ghé qua cho biết. Và sau mỗi đêm mệt nhoài trên sàn nhảy như thế, sáng hôm sau Phương còn phải ngủ bù chứ làm gì còn sức lên giảng đường. Nhưng cô cho rằng vẫn còn chán thời gian để nghĩ đến học. “Ngày ở nhà vừa bị bố mẹ cấm vừa không có nhiều chỗ để chơi, giờ có điều kiện thì tội gì cứ ru rú ở ký túc xá cho nó già người", Phương nói.

Vào đại học, chuyện bài vở chủ yếu là tự giác chứ không ai thúc ép hằng ngày, cũng không phải làm bài kiểm tra mà cuối kỳ mới thi nên các tân sinh viên càng "không phải nghĩ", cuối kỳ mới lôi ra xem lại cũng chẳng sao. Ngọc, sinh viên năm thứ nhất của một trường đại học ở Hà Nội, cho rằng không gì sướng và nhẹ nhàng bằng học đại học, hồi phổ thông học hành vất vả bao nhiêu thì bây giờ khỏe bấy nhiêu. Hằng ngày, Ngọc chỉ cuộn một cuốn vở cầm lên giảng đường, thích thì ghi bài, không thì đợi gần thi mượn vở bạn photocopy. Có bỏ tiết, nghỉ học thầy cũng không biết, thầy điểm danh thì bạn bè "có" hộ.

Vừa thành sinh viên đã là… bợm nhậu

“Ở nhà nó hiền lắm, chỉ biết đến việc học, có mấy khi thấy nó đi chơi bời đàn đúm gì đâu. Thế mà mới vào đại học được nửa năm đã biết đủ trò xấu, hút thuốc, uống rượu như uống nước”. Đó là lời than thở của một bà mẹ có con trai đang theo học tại một trường đại học ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Luân, con trai bà, vừa lên thành phố đã kết thân với một nhóm bạn đồng hương học các khóa trước. Được sự “dìu dắt” nhiệt tình của các đàn anh, cậu sinh viên tỉnh lẻ lơ ngơ nhanh chóng bắt nhịp với môi trường mới, nhưng không phải về việc học hành mà về các “kiểu ăn chơi của sinh viên”.

Các "tiền bối" của Luân "dạy" rằng, đã là sinh viên thì phải biết uống rượu. Sinh nhật chúc mừng bằng rượu, lâu ngày gặp nhau: uống rượu mừng hội ngộ; “cưa” không đổ cô bạn cùng lớp, buồn: dùng rượu để sẻ chia. Có tiền thì ngồi quán, còn ít tiền thì mua rượu về phòng “tự biên tự diễn”. Thế nên dù lúc đầu không hề biết uống rượu nhưng sau mấy tháng "rèn luyện", Luân đã "lên hạng” thành… bợm. Vì cái gì cũng có thể thành lý do để uống nên lúc nào cũng người cậu cũng nặc hơi men. Chuyện cậu say rượu, ngủ quên không lên giảng đường là rất đỗi bình thường. Có lần mẹ Luân vì lo con đi học “lạ nước lạ cái” nên tìm lên tận trường thăm. Gọi điện cho Luân không được, bà ngồi chờ cả buổi ở cổng trường, đến tận trưa mới được bạn bè Luân cho biết cậu đang say rượu nằm ngủ ở nhà.

Mải mê với cuộc sống tự do mới có được từ khi xa nhà, từ chỗ là những cô cậu trong sáng, ngoan hiền, những sinh viên như Huệ, Phương hay Luân như "lột xác" để trở thành người buông thả, còn quá khứ trò giỏi trở nên xa lắc xa lơ. Sau học kỳ đầu, Phương phải thi lại già nửa số môn, những môn “thoát” được thì điểm số cũng chỉ ở mức trung bình. Nhưng cô vẫn thản nhiên: “Không thi lại không phải là sinh viên”.

Thiếu kỹ năng sống

Theo thầy Phạm Văn Tuấn, giảng viên một trường đại học ở Hà Nội, các sinh viên năm thứ nhất đa phần đều thiếu kỹ năng sống và kém thích nghi với môi trường mới. Nhiều em ở ngoại tỉnh, lần đầu tiên xa gia đình và phải tự lập sắp xếp cuộc sống, tự lập trong việc học tập nên có cảm giác hẫng hụt, bối rối, mất phương hướng hoặc một số thì đi “sai hướng”. Cách học của bậc đại học cũng khác vì yêu cầu sinh viên ý thức tự giác, tự tìm hiểu là chính. Vì thế nhiều em nếu không xác định rõ ràng mục tiêu sẽ dễ dàng chểnh mảng việc học để sa đà vào những trò vui đầy cám dỗ của tuổi trẻ, ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập, thậm chí còn dẫn đến hỏng cả nhân cách một cách đáng tiếc.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, giám đốc công ty tư vấn An việt Sơn, cũng cho rằng lý do cơ bản nhất là các em thiếu hụt kỹ năng sống. Trước đó, các cô cậu tuổi teen này vẫn luôn luôn có các thầy cô giáo ở bên dìu dắt, đốc thúc trong việc học tập, sinh hoạt thường ngày thì có bố mẹ nhắc nhở, điều chỉnh nên ít xảy ra những hành động “quá trớn”. Còn bây giờ, bước vào một môi trường mới hoàn toàn, thoát ly khỏi gia đình để tự chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình, các em ít nhiều sẽ bị lúng túng. Theo một nghiên cứu mới công bố thực hiện tại một số trường đại học phía Nam, có đến 54% sinh viên cho biết cảm thấy khó khăn trong cách sinh hoạt ở môi trường mới.

Theo ông Chất, trước tiên các tân sinh viên phải xác định rõ mục tiêu của bản thân, tự hỏi mình đi học hay đi chơi: “Trả lời chính xác được câu hỏi này là các em đã thành công được một nửa rồi”. Nếu suy nghĩ “đời còn dài, học sau cũng chưa muộn” thì chắc chắn sẽ có lúc hối không kịp.

Theo Đất Việt
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top Bottom