- Tham gia
- 6/6/2013
- Bài viết
- 49
"Hoá ra cuộc đời tôi đã không dừng ở tuổi 20, 30, 40 hay 50 và càng ngạc nhiên hơn, “chuyến đi” của tôi mới là điều tôi cảm thấy quý giá hơn bất cứ thành tích nào." - Maynard Webb.
Maynard Webb là một nhân vật nổi bật của làng công nghệ tại thung lũng Silicon. Ông từng nhiều năm giữ chức Giám đốc điều hành của eBay và hiện đang là Chủ tịch của Yahoo. Ông đồng thời cũng là đồng sáng lập của Everwise và Quỹ đầu tư Webb. Dưới đây là những chia sẻ của ông với các bạn trẻ ngày nay.
Đối với nhiều người, tuổi 22 đồng nghĩa với việc tốt nghiệp Đại học, bước chân vào thế giới thực bên ngoài và kiếm một việc làm ổn định. Và bạn sẽ sống tiếp như thế cho tới cuối cuộc đời. Tôi cũng từng có những suy nghĩ như vậy khi tôi vừa mới nhận bằng Tốt nghiệp, lúc đó tôi có cảm tưởng rằng cuộc đời tôi chỉ còn có 1 nửa vậy.
Nỗi sợ hãi của tôi bắt đầu từ khi tôi còn nhỏ: cha tôi không may qua đời khi tôi vừa tròn 7 tuổi. Kể từ đó, tôi luôn mặc định rằng mình là người thiếu thời gian bởi rất có thể tôi cũng sẽ ra đi khi còn rất trẻ.
Tôi luôn sợ rằng mình sẽ chẳng có đủ thời gian để làm tất cả những gì tôi muốn và vì thế tôi thường đưa ra những quyết định dựa trên niềm tin “ngây thơ” đó. Chắc hẳn bạn cũng biết, các quyết định vội vàng thường chẳng mấy khi mang đến sự tốt đẹp như chúng ta mong đợi.
Nếu tôi có thể quay trở lại tuổi 22 của mình, tôi sẽ nói với bản thân rằng đừng bao giờ tin mình không còn nhiều thời gian.
Và cũng như tôi ngày đó, dù có thể không ở cùng hoàn cảnh, rất nhiều các bạn trẻ ngày nay luôn quyết định mọi việc một cách vội vàng như thể họ không còn đủ thời gian vậy. Nhiều người vội vàng chấp nhận một công việc nào đó mặc dù họ chẳng ưa thích gì chúng hoặc mau chóng tiến tới hôn nhân chỉ để có một cuộc sống ổn định cho tới lúc về già. Trong khi họ mới có 22 tuổi và còn ít nhất hai phần ba cuộc đời ở phía trước.
Có thể nói tôi đã không ít lần phải trả giá cho những quyết định vội vàng lúc còn trẻ, nhưng đó cũng là may mắn khi tôi nhận được những bài học quý giá từ những quyết định sai lầm đó. Hy vọng điều này sẽ giúp các bạn tránh được những sai lầm như tôi từng mắc phải.
1. Hợp tác để cùng trở nên tốt hơn
Ở tuổi 20, tôi có thể nói tôi làm việc tất cả chỉ vì bản thân mình. Tôi muốn trở thành người thành công, là ngôi sao sáng và là trung tâm chú ý của mọi người.
Mong muốn mãnh liệt đó khiến tôi làm việc một cách điên cuồng. Và tôi thường thích làm việc độc lập để có thể chứng tỏ bản thân nhiều hơn với mọi người xung quanh.
Thế nhưng tôi đã hoàn toàn sai lầm bởi điều đó chẳng thể giúp tôi phát triển bản thân cũng như bỏ lỡ những cơ hội tuyệt vời khác. Hãy nhớ rằng hợp tác trong công việc luôn khiến mọi người cùng phát triển.
2. Làm những gì mình yêu thích
Khi còn trẻ, tôi đã từng quá đam mê chứng tỏ bản thân mình nên lúc nào những vị trí lãnh đạo cũng là mục tiêu của tôi. Và vì thế, tôi đã bỏ phí quá nhiều thời gian khi không thể làm được những gì vốn từng là đam mê của mình.
Tôi từng học lập trình nhưng thời gian lập trình của tôi thậm chí còn ít hơn thời gian đi “chỉ đạo” người khác. Tôi không quên đi những kiến thức về lập trình nhưng tôi đã lỡ mất những gì tôi bỏ qua. Biết đâu tôi lại có thể sáng tạo ra một sản phẩm gì đó làm thay đổi thế giới nếu như tôi dành thời gian lập trình nhiều hơn.
3. Khám phá nhiều hơn
Tôi đã quá vội vàng khi cố gắng hoàn thành mọi việc trước deadline mà quên mất rằng tuổi trẻ của mình chẳng kéo dài mãi mãi trong khi mình đáng ra nên tận dụng quãng thời gian quý giá đó.
Giờ đây, có nhiều lúc tôi ước rằng mình đã dành nhiều thời gian hơn để đi khám phá những miền đất mới khi tôi còn trẻ.
4. Hỏi nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn
Tôi đã nghĩ tôi cần biết tất cả mọi câu trả lời. Còn bây giờ tôi biết điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Chúng ta chẳng bao giờ có được hết mọi câu trả lời. Và đôi khi biết hỏi đúng câu hỏi còn quan trọng hơn là hỏi nhiều câu không liên quan tới nhau.
5. Tri thức đến từ mọi nơi
Khi mới bắt đầu sự nghiệp, tôi đã dành rất nhiều thời gian để nhìn vào những người thành công khi đó và bỏ qua những người khác.
Còn bây giờ, ở tuổi 50, tôi thường xuyên được truyền cảm hứng từ những người bạn trẻ mà tôi có dịp gặp mặt. Những doanh nhân trẻ tuổi như Zain Jaffer, Adam Goldstein hay Bill Clerico luôn khiến tôi ngạc nhiên bởi họ luôn biết cách vượt lên trên những quy tắc thông thường, chỉ cho tôi thấy họ ham học hỏi tới nhường nào và có thể học từ bất cứ điều gì ở xung quanh.
6. Không ngừng học hỏi
Hoá ra cuộc đời tôi đã không dừng ở tuổi 20, 30, 40 hay 50 và càng ngạc nhiên hơn, “chuyến đi” của tôi mới là điều tôi cảm thấy quý giá hơn bất cứ thành tích nào trong quá khứ.
Giá như ở tuổi 22 tôi hiểu được rằng, sau cùng cuộc hành trình của mình mới là điều ngọt ngào nhất thì có lẽ tôi đã có thêm những trải nghiệm tuyệt vời cho chuyến đi đó rồi.
7. Hãy học cách cho đi trước khi nhận lại
Ở thời điểm này, tôi thường dành hầu hết thời gian của mình để giúp đỡ những người khác, những người muốn thay đổi cuộc sống của họ. Tôi nhận ra rằng, đó không chỉ là việc tốt chúng ta nên làm mà chúng còn mang lại sự hài lòng nhiều hơn những gì có thể tưởng tượng ra.
Theo: https://www.doanhnhansaigon.vn/khoi-nghiep/dung-so-khong-co-du-thoi-gian/1086124/