Đừng quá ỷ lại vào tấm bằng

HuongNguyen_93

怠惰なエディタ
Thành viên thân thiết
Tham gia
31/12/2011
Bài viết
3.334
Kể cả tốt nghiệp thủ khoa nhưng xin việc nhiều nơi không được nhận, “bài học xương máu” đầu đời cho sinh viên chính là không nên quá ỷ lại vào tấm bằng.

Sinh viên tham gia tìm kiếm việc làm tại một hội chợ việc làm diễn ra ở TP.HCM

Câu chuyện chàng thủ khoa tốt nghiệp Trường ĐH Giao thông vận tải La Văn Ngọ cầm tấm bằng đỏ đi “gõ cửa” nhiều nơi vẫn bị từ chối gần đây rõ ràng làm giật mình không ít sinh viên và ngay cả những người quan tâm tới giáo dục. Theo chia sẻ của Ngọ, kinh nghiệm là thứ em chưa đáp ứng được, khiến bị… đánh rớt trong các lần tuyển dụng.

Đủ bằng cấp, thiếu kinh nghiệm

Thiếu kinh nghiệm thực sự cũng là vấn đề vấp phải nhiều nhất đối với không ít sinh viên khi rời ghế nhà trường và tham gia vào thị trường lao động. Thực tế là thời gian qua nhiều hội chợ việc làm tổ chức định kỳ cho sinh viên thành phố, thậm chí tổ chức riêng tại không gian các trường với quy mô hoành tráng, thu hút hàng ngàn lượt người trẻ tham dự. Đối với sinh viên, nhất là những em đứng trước ngưỡng cửa vào đời, đó thực sự là những cơ hội tiếp cận nhà tuyển dụng, cơ hội việc làm quý giá. Bởi có những doanh nghiệp chịu “săn” sinh viên với nguồn đầu việc khá phong phú.

Thế nhưng, cũng sau những buổi tuyển chọn rầm rộ như vậy, phần đông sinh viên ngậm ngùi “tay trắng” ra về còn nhà tuyển dụng vẫn chưa thực sự hài lòng về nguồn lao động trẻ! Rõ ràng là nhiều sinh viên cũng bằng cấp khá, giỏi, kèm theo các chứng chỉ kỹ năng cần thiết nhưng vẫn không sao lọt vào tầm ngắm của nhà tuyển dụng. Cái chính nhất là ngoài bằng cấp tốt, họ chưa thể hiện được khả năng thực sự.

Ông Trần Anh Tuấn (Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) thẳng thắn nhìn nhận, có hiện tượng giới trẻ quá ỷ lại vào tấm bằng. Nhiều em chỉ lo cắm cúi học để đạt điểm số đẹp, tốt nghiệp bằng đỏ, học kỹ năng này kỹ năng nọ nhưng không chú trọng va chạm thực tế để tích lũy kinh nghiệm. Đây cũng là nguyên nhân, theo ông Tuấn, khiến sinh viên bị đánh bật ra khỏi thị trường lao động ngay từ những bước chân đầu tiên.

Phải tự “nâng cấp”

Thời gian qua, chuyện những người trẻ “gác” bằng cử nhân đi làm công nhân là có. Chuyện những cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp bằng đỏ mỏi mắt kiếm không ra việc là có. Nhưng thực tế, cũng có một số bạn trẻ không dành tất cả thời gian cho việc học mà lại chịu khó lăn lộn ở “trường đời”.

Chúng ta từng biết, cựu sinh viên Trần Nguyên Huy (chuyên ngành thiết kế thời trang, Khoa Mỹ thuật công nghiệp Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM) cách đây một năm từng suýt không được tốt nghiệp do dành quá nhiều thời gian làm thêm. Giải nhất cuộc thi “Aquafina Pure Fashion 2011” với bộ sưu tập “Băng tan” và trở thành đại diện trẻ nhất tham dự tuần lễ thời trang lớn của châu Á: “Hong Kong Fashion Week 2012”; đảm nhiệm việc thiết kế cho nhãn hàng KIN by Công Trí và thiết kế độc quyền cho siêu mẫu Thanh Hằng trong suốt một năm dài là những gì mà người ta thấy ở chàng trai tài năng này. Thế nhưng, ít ai biết được, để có được những thành công này, Huy đã “lặn lội” đi làm thêm từ năm 3 ĐH với công việc trợ lý cho một nhà thiết kế. “Chính môi trường làm việc thực tế mới là nơi tốt nhất để ứng dụng kiến thức trang bị ở trường học” – Huy cho biết. Việc bị lỗ từ những mẫu thiết kế đầu tiên bị khách hàng trả ngược lại là những bài học đau thương nhưng cũng vô cùng quý giá đối với cựu sinh viên này.

“Trong quá trình học, những thanh niên chịu khó tham gia hoạt động đoàn thể, làm thêm mới tích lũy được kinh nghiệm và chiếm được thiện cảm của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không thích những người nhiều bằng, nhiều chứng chỉ nhưng không làm được việc” – ông Trần Anh Tuấn khuyến cáo.

Đồng quan điểm, ông Dương Trọng Phúc (Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh – sinh viên TP.HCM) cho rằng, doanh nghiệp cần 10 điểm cho một ứng viên bao gồm kiến thức, thái độ và kỹ năng thì cao nhất các trường chỉ có thể trang bị cho sinh viên khoảng 7 điểm. 3 điểm còn lại phải do sinh viên tự rèn luyện, tích lũy từ thực tế cuộc sống. Tuy nhiên, trong quá trình học, mức 7 điểm của nhà trường, có sinh viên chỉ nắm được 2-3. Trong khi đó, các em không tự trang bị cho mình thêm 3 điểm còn lại nên lúc ra trường gặp thất bại, khó khăn trong quá trình tìm việc là dĩ nhiên.

Ông Phúc cho rằng, việc nỗ lực ở trường đời không chỉ giúp sinh viên kiếm thêm “3 điểm” còn lại mà rất nhiều em thông qua kiến thức, kỹ năng, các mối quan hệ xã hội trong quá trình làm thêm đã tìm kiếm được công việc tốt sau khi ra trường.

Chính các bạn trẻ phải lựa chọn giữa việc tự nâng cấp mình hay cứ tiếp tục mộng mơ, ỷ lại vào tấm bằng đẹp, bằng đỏ.

Bài, ảnh: Mê Tâm

“Những sinh viên mới ra trường thường có nhu cầu thể hiện cái tôi rất lớn, nhất là trong những kỳ vọng về việc làm, nghề nghiệp. Tuy nhiên, mong muốn càng cao thì thất vọng càng… nặng nề bởi thực tế có những yêu cầu không phải lúc nào các em cũng đáp ứng được. Thậm chí khi không đạt được nguyện vọng, nhiều em bị mất thăng bằng về tâm lý và dễ rơi vào căng thẳng” – ông Đặng Văn Sáng (Hiệu trưởng Trường Trung cấp Ánh Sáng), chia sẻ.

Nguồn: Giáo dục TP.HCM
 
×
Quay lại
Top Bottom