- Tham gia
- 18/4/2013
- Bài viết
- 12.616
Những câu hát dân dã gắn liền với các trò chơi dân gian của trẻ em Việt ngày xưa, vốn mộc mạc, chân chất như hạt lúa củ khoai, ít người biết lại là dòng âm nhạc mang tính bác học khi đem ra so sánh với các dòng âm nhạc dân tộc ở các quốc gia tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là Pháp và các nước châu Âu. Giáo sư, Tiến sĩ (GS, TS) Trần Văn Khê sau hơn nửa thế kỷ nghiên cứu, bảo tồn và quảng bá âm nhạc dân tộc Việt Nam ra thế giới đã khẳng định điều đó.
Thú thực ban đầu, chúng tôi cũng như rất nhiều người làm công tác văn hóa khác, chỉ đơn giản nghĩ rằng, đồng dao là một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần của trẻ em Việt chỉ phù hợp với một giai đoạn lịch sử nhất định. Ngày nay, khi đời sống xã hội phát triển, trẻ em cũng như người lớn có quá nhiều những lựa chọn sản phẩm văn hóa giải trí, đồng dao cùng với rất nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian khác, đã phai nhạt và đang đứng trước nguy cơ biến mất, cũng là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, đó là cách nghĩ rất phiến diện. GS, TS Trần Văn Khê kể rằng, khi bàn đến việc quảng bá âm nhạc dân tộc ra thế giới, nhiều người kêu lên phải nâng tầm âm nhạc dân tộc Việt Nam. Nói như thế là võ đoán. Âm nhạc dân tộc của chúng ta đã bao giờ thấp kém đâu mà phải nâng tầm. Cái cần làm là khẳng định cho đúng tầm vóc, giá trị của nó để thế giới hiểu được, cảm được sự uyên bác của âm nhạc dân tộc Việt.
Người lớn quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu vui chơi của con trẻ để các em được phát triển toàn diện. Ảnh: Duy Văn.
Đồng dao là một trong những giá trị cốt lõi của âm nhạc dân tộc. Trong Từ điển bách khoa toàn thư, đồng dao được định nghĩa “là thơ ca dân gian truyền miệng của trẻ em Việt Nam. Đồng dao bao gồm nhiều loại: Các bài hát, câu hát trẻ em, lời hát trong các trò chơi, bài hát ru em... Thường gặp nhất là các bài đồng dao gắn liền với các trò chơi trẻ em”. Đó là định nghĩa chung nhất mang tính khái quát, thiên về hình thức biểu hiện. Đi sâu vào nội hàm của nó, đồng dao là giá trị văn hóa tiêu biểu, một loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của trẻ em Việt Nam. Con người Việt sinh ra, lớn lên, tâm hồn được nuôi dưỡng bằng chính những câu hát ấy. “Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”. Bản sắc văn hóa dân tộc trong đời sống người Việt cũng được xác lập bởi chính những giá trị ấy.
Hát đồng dao gắn với hát ru. Đây là hai loại hình có sự đan xen trong hình thức biểu hiện của dân gian: Trong các hình thức đồng dao có hát ru và trong hát ru thường sử dụng rất nhiều các thể loại đồng dao. Trong dòng chảy hội nhập, với sự du nhập và phát triển của nền văn minh công nghiệp, hát đồng dao đã mai một ở nông thôn và gần như biến mất ở trẻ em thành thị hiện nay. Nhiều người lo ngại, mất đi một giá trị văn hóa truyền thống, đồng nghĩa với việc thế hệ trẻ Việt Nam dần đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc trong đời sống tinh thần.
Là người có hơn nửa thế kỷ nghiên cứu, phổ biến, quảng bá âm nhạc dân tộc Việt Nam ở phương Tây, GS, TS Trần Văn Khê đặc biệt đề cao đồng dao, hát ru. Những nghiên cứu của GS, TS Trần Văn Khê về đồng dao, hát ru đặt trong mối tương quan với dòng nhạc dân gian dân tộc của các quốc gia tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là ở Pháp, cho thấy đồng dao của Việt Nam thực sự là một dòng âm nhạc bác học. Âm hưởng, giai điệu và tầm ảnh hưởng của nó có sự tương đồng đặc biệt với nhiều dòng âm nhạc bác học trên thế giới, rõ nhất là Pháp. Thế nhưng tại sao ở Pháp, âm nhạc dân tộc luôn được coi trọng hàng đầu và có sức sống nội tại mãnh liệt trong thời đại ngày nay, thì ở ta lại ngược lại, nó đang bị lấn át và tẩy chay bởi những trào lưu văn hóa ngoại lai? Vấn đề nằm ở cách làm văn hóa, thái độ ứng xử với văn hóa truyền thống của những người làm văn hóa. Tại cuộc tọa đàm về đồng dao, hát ru mới đây do GS, TS Trần Văn Khê chủ trì với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian và học sinh, sinh viên, nhiều đại biểu nhìn nhận, hiện nay rất ít các công trình, bài viết nghiên cứu về đồng dao xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Trong sách giáo khoa bậc tiểu học, trung học cơ sở (lứa tuổi chủ thể của hát đồng dao), loại hình này cũng chỉ xuất hiện ở dạng một số bài đồng dao quen thuộc được đưa vào chương trình giảng dạy. Ở truyền hình thì gần như vắng hẳn đồng dao, có chăng chỉ là sự xuất hiện của một vài bài hát đồng dao trong những sân chơi dành cho trẻ em mang tính minh họa cho một chủ đề nào đó. GS, TS Trần Văn Khê cho rằng, hát ru trên truyền hình vẫn có, nhưng chưa bao giờ được các “nhà đài” ưu ái phát sóng vào những “giờ vàng”. Các chương trình về hát ru lại ít được đầu tư dàn dựng nên đã vắng lại yếu, thiếu hấp dẫn nên việc tạo hiệu ứng cho người xem rất hạn chế. Vậy là tự những người làm văn hóa đã bám vào nhịp sống của nền văn minh công nghiệp, đẩy các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đi vào quá vãng.
Quy luật phát triển và tiếp biến của văn hóa tự nó tiếp nhận và đào thải những gì phù hợp và không còn phù hợp. Nhưng nói như thế không có nghĩa cứ để mặc nó, muốn đến đâu thì đến. Đồng dao Việt Nam có thực sẽ chấp nhận sự tàn lụi và biến mất trước sự phát triển ồ ạt của các loại hình, sản phẩm văn hóa văn minh công nghiệp? Câu trả lời của các nhà nghiên cứu là: Không bao giờ. Bởi đồng dao không hề và chưa bao giờ là thứ âm nhạc rẻ tiền. Nó là một tài sản văn hóa vô giá, là máu, hồn cốt của văn hóa dân gian. Vấn đề là chúng ta cần có sự nghiên cứu sâu rộng để đánh giá, đặt nó đúng vị trí, ứng xử với nó đúng với tầm giá trị của nó.
Như trên đã nêu, đồng dao là sản phẩm của nền văn minh lúa nước, văn hóa làng xã của người Việt xưa. Bây giờ, những: Mái tranh, cây đa, bến nước, sân đình, giếng làng… đã thay đổi chóng mặt bởi tốc độ đô thị hóa. Biểu trưng của văn minh xã hội hiện đại là khoa học công nghệ và những tòa cao ốc chọc trời. Trẻ em từ nhà, đến trường, ra phố ngập tràn các trò chơi điện tử và hình thức giải trí hiện đại. Tìm một không gian văn hóa để các em túm tụm bên nhau bày trò chơi, nhảy dung dăng dung dẻ, rộn lên những bài hát đồng dao, kiểu như: “Lạy trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày/ Lấy đầy bát cơm/ Lấy rơm thổi lửa…” quả là quá hiếm. Mà ngay cả khi có những không gian như vậy (trong các làng du lịch chẳng hạn), cũng rất khó để thu hút các em, bởi những đề tài, hình ảnh trong các bài hát đồng dao xưa, đã xa lạ với cuộc sống của trẻ em hôm nay, nhất là trẻ em thành thị.
Chúng ta không mong muốn sẽ kéo trẻ em hôm nay trở lại với hình thức sinh hoạt văn hóa ngày xưa, bởi như vậy là trái quy luật, là điều không thể. Nhưng cái hồn cốt dân tộc thì phải được nuôi dưỡng để tự thân nó phát triển, tiếp biến theo hướng tích cực. Đưa đồng dao, hát ru và những loại hình nghệ thuật dân tộc đặc trưng vào hệ thống trường học các cấp (tùy theo độ tuổi, cấp học để có cách làm phù hợp) là cách làm ở các nước tiên tiến, chúng ta cần phải học. Những giờ nghỉ trên sân trường, những giờ hoạt động ngoại khóa, thay vì để học sinh sinh hoạt tự do, cần định hướng và tổ chức cho các em tham gia các trò chơi, hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian. Hiện nay, hệ thống trường học các cấp đều đã có giáo viên giảng dạy âm nhạc. Đưa đồng dao, hát ru vào chương trình sinh hoạt ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ cho học sinh không phải là việc quá khó. Vấn đề là nó phải xuất phát từ một chủ trương chung. Cùng với đó là đẩy mạnh hoạt động của các nhóm, tổ, đội văn hóa trong cộng đồng dân cư, nòng cốt là các nghệ nhân dân gian.
Theo QĐND
Thú thực ban đầu, chúng tôi cũng như rất nhiều người làm công tác văn hóa khác, chỉ đơn giản nghĩ rằng, đồng dao là một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần của trẻ em Việt chỉ phù hợp với một giai đoạn lịch sử nhất định. Ngày nay, khi đời sống xã hội phát triển, trẻ em cũng như người lớn có quá nhiều những lựa chọn sản phẩm văn hóa giải trí, đồng dao cùng với rất nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian khác, đã phai nhạt và đang đứng trước nguy cơ biến mất, cũng là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, đó là cách nghĩ rất phiến diện. GS, TS Trần Văn Khê kể rằng, khi bàn đến việc quảng bá âm nhạc dân tộc ra thế giới, nhiều người kêu lên phải nâng tầm âm nhạc dân tộc Việt Nam. Nói như thế là võ đoán. Âm nhạc dân tộc của chúng ta đã bao giờ thấp kém đâu mà phải nâng tầm. Cái cần làm là khẳng định cho đúng tầm vóc, giá trị của nó để thế giới hiểu được, cảm được sự uyên bác của âm nhạc dân tộc Việt.
Người lớn quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu vui chơi của con trẻ để các em được phát triển toàn diện. Ảnh: Duy Văn.
Đồng dao là một trong những giá trị cốt lõi của âm nhạc dân tộc. Trong Từ điển bách khoa toàn thư, đồng dao được định nghĩa “là thơ ca dân gian truyền miệng của trẻ em Việt Nam. Đồng dao bao gồm nhiều loại: Các bài hát, câu hát trẻ em, lời hát trong các trò chơi, bài hát ru em... Thường gặp nhất là các bài đồng dao gắn liền với các trò chơi trẻ em”. Đó là định nghĩa chung nhất mang tính khái quát, thiên về hình thức biểu hiện. Đi sâu vào nội hàm của nó, đồng dao là giá trị văn hóa tiêu biểu, một loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của trẻ em Việt Nam. Con người Việt sinh ra, lớn lên, tâm hồn được nuôi dưỡng bằng chính những câu hát ấy. “Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”. Bản sắc văn hóa dân tộc trong đời sống người Việt cũng được xác lập bởi chính những giá trị ấy.
Hát đồng dao gắn với hát ru. Đây là hai loại hình có sự đan xen trong hình thức biểu hiện của dân gian: Trong các hình thức đồng dao có hát ru và trong hát ru thường sử dụng rất nhiều các thể loại đồng dao. Trong dòng chảy hội nhập, với sự du nhập và phát triển của nền văn minh công nghiệp, hát đồng dao đã mai một ở nông thôn và gần như biến mất ở trẻ em thành thị hiện nay. Nhiều người lo ngại, mất đi một giá trị văn hóa truyền thống, đồng nghĩa với việc thế hệ trẻ Việt Nam dần đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc trong đời sống tinh thần.
Là người có hơn nửa thế kỷ nghiên cứu, phổ biến, quảng bá âm nhạc dân tộc Việt Nam ở phương Tây, GS, TS Trần Văn Khê đặc biệt đề cao đồng dao, hát ru. Những nghiên cứu của GS, TS Trần Văn Khê về đồng dao, hát ru đặt trong mối tương quan với dòng nhạc dân gian dân tộc của các quốc gia tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là ở Pháp, cho thấy đồng dao của Việt Nam thực sự là một dòng âm nhạc bác học. Âm hưởng, giai điệu và tầm ảnh hưởng của nó có sự tương đồng đặc biệt với nhiều dòng âm nhạc bác học trên thế giới, rõ nhất là Pháp. Thế nhưng tại sao ở Pháp, âm nhạc dân tộc luôn được coi trọng hàng đầu và có sức sống nội tại mãnh liệt trong thời đại ngày nay, thì ở ta lại ngược lại, nó đang bị lấn át và tẩy chay bởi những trào lưu văn hóa ngoại lai? Vấn đề nằm ở cách làm văn hóa, thái độ ứng xử với văn hóa truyền thống của những người làm văn hóa. Tại cuộc tọa đàm về đồng dao, hát ru mới đây do GS, TS Trần Văn Khê chủ trì với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian và học sinh, sinh viên, nhiều đại biểu nhìn nhận, hiện nay rất ít các công trình, bài viết nghiên cứu về đồng dao xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Trong sách giáo khoa bậc tiểu học, trung học cơ sở (lứa tuổi chủ thể của hát đồng dao), loại hình này cũng chỉ xuất hiện ở dạng một số bài đồng dao quen thuộc được đưa vào chương trình giảng dạy. Ở truyền hình thì gần như vắng hẳn đồng dao, có chăng chỉ là sự xuất hiện của một vài bài hát đồng dao trong những sân chơi dành cho trẻ em mang tính minh họa cho một chủ đề nào đó. GS, TS Trần Văn Khê cho rằng, hát ru trên truyền hình vẫn có, nhưng chưa bao giờ được các “nhà đài” ưu ái phát sóng vào những “giờ vàng”. Các chương trình về hát ru lại ít được đầu tư dàn dựng nên đã vắng lại yếu, thiếu hấp dẫn nên việc tạo hiệu ứng cho người xem rất hạn chế. Vậy là tự những người làm văn hóa đã bám vào nhịp sống của nền văn minh công nghiệp, đẩy các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đi vào quá vãng.
Quy luật phát triển và tiếp biến của văn hóa tự nó tiếp nhận và đào thải những gì phù hợp và không còn phù hợp. Nhưng nói như thế không có nghĩa cứ để mặc nó, muốn đến đâu thì đến. Đồng dao Việt Nam có thực sẽ chấp nhận sự tàn lụi và biến mất trước sự phát triển ồ ạt của các loại hình, sản phẩm văn hóa văn minh công nghiệp? Câu trả lời của các nhà nghiên cứu là: Không bao giờ. Bởi đồng dao không hề và chưa bao giờ là thứ âm nhạc rẻ tiền. Nó là một tài sản văn hóa vô giá, là máu, hồn cốt của văn hóa dân gian. Vấn đề là chúng ta cần có sự nghiên cứu sâu rộng để đánh giá, đặt nó đúng vị trí, ứng xử với nó đúng với tầm giá trị của nó.
Như trên đã nêu, đồng dao là sản phẩm của nền văn minh lúa nước, văn hóa làng xã của người Việt xưa. Bây giờ, những: Mái tranh, cây đa, bến nước, sân đình, giếng làng… đã thay đổi chóng mặt bởi tốc độ đô thị hóa. Biểu trưng của văn minh xã hội hiện đại là khoa học công nghệ và những tòa cao ốc chọc trời. Trẻ em từ nhà, đến trường, ra phố ngập tràn các trò chơi điện tử và hình thức giải trí hiện đại. Tìm một không gian văn hóa để các em túm tụm bên nhau bày trò chơi, nhảy dung dăng dung dẻ, rộn lên những bài hát đồng dao, kiểu như: “Lạy trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày/ Lấy đầy bát cơm/ Lấy rơm thổi lửa…” quả là quá hiếm. Mà ngay cả khi có những không gian như vậy (trong các làng du lịch chẳng hạn), cũng rất khó để thu hút các em, bởi những đề tài, hình ảnh trong các bài hát đồng dao xưa, đã xa lạ với cuộc sống của trẻ em hôm nay, nhất là trẻ em thành thị.
Chúng ta không mong muốn sẽ kéo trẻ em hôm nay trở lại với hình thức sinh hoạt văn hóa ngày xưa, bởi như vậy là trái quy luật, là điều không thể. Nhưng cái hồn cốt dân tộc thì phải được nuôi dưỡng để tự thân nó phát triển, tiếp biến theo hướng tích cực. Đưa đồng dao, hát ru và những loại hình nghệ thuật dân tộc đặc trưng vào hệ thống trường học các cấp (tùy theo độ tuổi, cấp học để có cách làm phù hợp) là cách làm ở các nước tiên tiến, chúng ta cần phải học. Những giờ nghỉ trên sân trường, những giờ hoạt động ngoại khóa, thay vì để học sinh sinh hoạt tự do, cần định hướng và tổ chức cho các em tham gia các trò chơi, hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian. Hiện nay, hệ thống trường học các cấp đều đã có giáo viên giảng dạy âm nhạc. Đưa đồng dao, hát ru vào chương trình sinh hoạt ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ cho học sinh không phải là việc quá khó. Vấn đề là nó phải xuất phát từ một chủ trương chung. Cùng với đó là đẩy mạnh hoạt động của các nhóm, tổ, đội văn hóa trong cộng đồng dân cư, nòng cốt là các nghệ nhân dân gian.
Theo QĐND