Dơi – Siêu anh hùng thực thụ của giới động vật

Mèo Cọp

“This world is merciless.”
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/11/2012
Bài viết
351
(kenhsinhvien.vn) Loài động vật có vú biết bay này sở hữu nhiều khả năng đáng kinh ngạc, từ quan sát bằng âm thanh đến sống chung với virus.

Có thể người dơi không có bất kỳ siêu năng nào, nhưng nguồn cảm hứng từ vị anh hùng ấy chắc chắn có.

Có hơn 1400 loài dơi sống trên khắp thế giới, ngoại trừ Nam Cực và một số hòn đảo xa xôi. Điều gì khiến loài thú bay này thành công đến vậy?

Trong suốt 50 triệu năm tiến hoá, dơi đã phát triển nhiều giải pháp tài tình ứng phó với những thách thức của sự sống, từ hệ thống xô na tích hợp để tìm mồi đến đôi cánh khéo léo tạo ra chuyển động bay theo phương ngang nhanh nhất so với bất kỳ loài động vật nào trên Trái Đất.

“Vẫn còn phải tìm hiểu nhiều hơn, nhưng rõ ràng là dơi có siêu năng,” nhà sinh thái học Rodrigo Medellín tại Viện Sinh thái Đại học Tự động Quốc gia Mexico và Hội Khám phá Địa lý Quốc gia cho biết.

“Dơi đang chứng tỏ cho ta thấy cách để sống tốt hơn,” chẳng hạn như bằng cách làm hình mẫu cho lối sống lành mạnh và trường thọ.


Dơi cáo bay đỏ.

Dơi cáo bay đỏ.​

Siêu năng thứ nhất: Định vị bằng tiếng vang

Dù thường bị lầm tưởng, nhưng kỳ thực dơi không mù. Nhiều loài trong số chúng không dựa vào thị giác làm giác quan cơ bản, mà sử dụng định vị bằng tiếng vang để định hướng và tìm thức ăn trong bóng tối dày đặc.

Định vị bằng tiếng vang là một cách nhận biết môi trường xung quanh bằng âm thanh tần số cao dội lại từ vật thể và lắng nghe tiếng vọng. Từ những tiếng vọng này, dơi có thể tính toán khoảng cách, kích thước và hình dáng của đối tượng, như một con muỗi thơm ngon. Hệ thống xô na tự nhiên này tinh tế đến mức một số loài dơi có thể phát hiện vật thể nhỏ bằng chiều rộng sợi tóc hoặc nhận ra điểm khác biệt trong độ trễ tiếng vọng dưới 1 micro giây.

“Định vị bằng tiếng vang là một cách linh hoạt và uyển chuyển để hiểu thế giới này,” Medellín cho biết.

Các nghiên cứu gần đây cũng cho rằng có thể dơi ít phụ thuộc vào định vị bằng tiếng vang hơn ta tưởng.

Nhà sinh vật học Aaron Corcoran của Hội Khám phá Địa lý Quốc gia và Đại học Colorado nhận thấy dơi bay một khoảng thời gian dài trong im lặng, dường như để tránh bị nghe lén bởi những con dơi khác. Khi không định vị tiếng vang, dơi có thể chuyển sang dùng thị giác và trí nhớ không gian để tìm đường.


Siêu năng thứ 2: Bay nhanh

Dơi là loài thú duy nhất dùng cơ bắp để bay thông qua chuyển động bay tự cung năng lượng. Điều này khiến kỹ thuật bay của dơi độc đáo nhất trong giới động vật.

Cánh dơi giống như bàn tay người đã được chỉnh sửa, với “những ngón tay” dài liên kết nhau nhờ lớp màng da mềm mại. Đôi cánh linh hoạt này chứa nhiều mạch máu, dây thần kinh và gân, được các cơ đặc biệt hỗ trợ giúp dơi bay hiệu quả và nhanh nhẹn. Khác với cánh chim hay cánh côn trùng, cánh dơi có thể xếp lại trong lúc bay theo nhiều cách, tương tự cách tay con người có thể gập lại nhiều hình dạng khác nhau.

Nhiều người có thể ngạc nhiên khi biết rằng “loài bay tự cung năng lượng nhanh nhất Trái Đất là loài dơi cộc đuôi Mexico khiêm tốn,” Medellín tiết lộ. Năm 2016, các nhà nghiên cứu ở tây nam Texas đã ghi nhận dơi cộc đuôi Mexico đạt tới tốc độ bay 100 dặm một giờ, dễ dàng biến loài dơi nặng chỉ 10 gam này trở thành loài thú nhanh nhất hành tinh.


Dơi cộc đuôi Mexico.

Dơi cộc đuôi Mexico.​

Tốc độ đó nhanh hơn cả cắt lớn, loài chim có thể đạt tốc độ khoảng 200 dặm một giờ khi bay sà xuống. Còn khi bay ngang, cắt lớn chỉ đạt tốc độ từ 40 đến 60 dặm một giờ.

“Cắt lớn chơi ăn gian,” Medellín trêu đùa. “Nó dùng trọng lực để tăng tốc.”


Siêu năng thứ 3: Sống lâu

Theo quy tắc chung trong sinh học, động vật càng nhỏ càng có tuổi thọ ngắn hơn. Nhưng dơi là một ngoại lệ: Dơi là động vật có vú sống lâu nhất so với kích thước cơ thể của chúng. Con dơi già nhất từng được ghi nhận là một con dơi Brandt tí hon ở Nga, nặng chỉ 7 gam, nhưng đã sống ít nhất 41 năm.

Dơi Brandt.

Dơi Brandt.​

Mới đây, các nhà khoa học đã quan sát tế bào của dơi để tìm kiếm bí quyết cho sự sống trường thọ hiếm thấy này. Họ tập trung vào telomere, cấu trúc bảo vệ được tìm thấy ở đầu nhiễm sắc thể. Ở phần lớn động vật, telomere có xu hướng ngày càng ngắn theo độ tuổi, một quá trình có thể đi kèm với sự phân huỷ và chết tế bào do tuổi tác. Nhưng telomere của nhóm dơi sống lâu nhất, một chi có tên gọi Myotis, dường như không nhỏ lại theo số tuổi.

Hiểu được lý do vì sao dơi sống lâu như vậy, và làm thế nào chúng vẫn khoẻ mạnh khi về già, có thể giúp kéo dài sự sống cho con người một ngày không xa.


Siêu năng thứ 4: Khả năng kháng virus

Ngoài sống lâu, dơi còn sống khoẻ trong suốt quãng đời của mình, với tỷ lệ mắc ung thư rất thấp.

Hơn nữa, dơi có thể nhiễm các loại virus chết người khác, như bệnh dại và Ebola, mà không bị phát bệnh. Để tìm hiểu cơ chế, các nhà khoa học đang nghiên cứu về di truyền học ở dơi, và tiết lộ một số manh mối. Một phân tích mới đây từ 6 bộ gen của dơi đã cho thấy cuộc đua tiến hoá trường kỳ giữa dơi và virus. Chẳng hạn, các gen của dơi liên quan đến hệ miễn dịch và viêm thay đổi dần theo thời gian, có thể là để ứng phó với sự lây nhiễm virus, trong khi bản thân virus cũng tiến hoá theo nhiều cách tốt hơn để lây nhiễm cho dơi.

Dơi bị tình nghi là ổ chứa một số loại virus có thể lây nhiễm cho con người, như virus Nipah thường gây tử vong. Dù một số chuyên gia nghi ngờ rằng SARS-CoV-2, tác nhân gây ra đại dịch COVID-19, có nguồn gốc từ dơi, nhưng nhiều chuyên gia khác lại đặt nghi vấn liệu dơi có là thủ phạm trực tiếp hay không.

Dù gì đi nữa, các nhà bảo tồn học cho biết dơi ngoài hoang dã mang virus corona không là mối đe doạ với con người nếu ta không quấy nhiễu chúng. Ngoài ra, các nghiên cứu về hệ miễn dịch độc nhất vô nhị của dơi cũng có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách con người có thể sống chung với virus mà không phát bệnh.


Siêu năng thứ 5: Giữ cho môi trường khoẻ mạnh

Ngoài những khả năng của mình, dơi còn củng cố nhiều khu vực khác trong hệ sinh thái của chúng.

Cứ 4 loài dơi thì có 3 loài ăn côn trùng, và mỗi đêm, các loài này có thể ăn lượng côn trùng bằng hoặc lớn hơn khối lượng cơ thể của mình. Nhiều côn trùng là loài gây hại gây tổn hại cho những cây nông nghiệp quan trọng, như bông. Các nhà khoa học ước tính dơi ăn côn trùng có thể giúp nông dân Hoa Kỳ tiết kiệm 23 tỷ đô mỗi năm bằng cách giảm thiệt hại cây trồng và hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu.

Nhiều loài dơi củng cố sức khoẻ và tính đa dạng của thực vật: Có ít nhất 549 loài thực vật được thụ phấn hoặc phát tán nhờ dơi. Những loài đó bao gồm nhiều cây trồng thực phẩm phổ biến như chuối, xoài, ổi và cacao (nguyên liệu chính của socola).

Chúng ta có thể cũng phải cảm ơn dơi khi thưởng thức cocktail. Dơi mũi ngắn nhỏ, phân bố từ Trung Mỹ đến tây nam Hoa Kỳ, rất quan trọng trong quá trình thụ phấn xương rồng agave xanh, nguyên liệu để sản xuất tequila. Loài dơi này cũng thụ phấn cho xương rồng saguaro, một biểu tượng lừng danh của hoang mạc Sonoran.


Dơi mũi ngắn nhỏ.
Dơi mũi ngắn nhỏ.

Dơi mũi ngắn nhỏ.​

“Dơi là những anh hùng không danh phận của đa dạng sinh học,” Medellín nhận xét. “Chúng mang đến sự trợ giúp quan trọng để đảm bảo lương thực, quần áo và thức uống. Đã đến lúc chúng ta nên cảm kích chúng.”

Dịch bởi Kenhsinhvien.vn
(Theo National Geographic)
 
×
Quay lại
Top