Đọc sách

samurai

Not heartless
Thành viên thân thiết
Tham gia
18/11/2010
Bài viết
75
"Chỉ cần nhìn vào cung cách đọc sách của một người cũng đủ biết trình độ văn minh của toàn bộ xã hội mà người đó đang sống."

Thủơ xưa các bậc hiền nhân quân tử coi đọc sách là một nghi lễ thiêng liêng. Trước khi đọc sách họ phải tắm rửa sạch sẽ, quần áo, đầu tóc chỉnh tề, tinh thần phải sảng khoái minh mẫn. Không gian đọc sách phải thoáng đãng, tĩnh lặng, không được nhem nhuốc bừa bộn. Tư thế đọc cũng phải thanh thoát ung dung, có thế mới ngộ được những lý lẽ huyền vi mà sách mang tới. Có thái độ kính cẩn với sách như vậy là bởi vì sách phần lớn do các bậc thánh hiền viết ra cả. Mà đã gọi là sách thánh hiền thì mọi sự đều đúng, đều cặn kẽ chín chắn. Một chữ của bậc thánh nhân viết ra là một chữ tạc vào đá. Khi soạn xong Lã Thị Xuân Thu, Lã Bất Vi đã hứa thưởng vạn lạng vàng cho ai sửa đúng một chữ. Rốt cuộc chẳng ai sửa được, không phải họ sợ cái uy của Lã Bất Vi mà vì quả thực không có một chữ thừa, một chữ sai trong bộ sách đó. Bởi đã được viết ra kỹ càng như thế cho nên Lã Thị Xuân Thu tồn tại cho tới hàng nghìn năm sau và có biết bao ý tưởng, bao nhiêu những cảm hứng nảy sinh từ cuốn sách quý báu đó. Người xưa quan niệm một tuần viết được một câu, ba năm viết được một bài và bài đó sâu sắc đến nỗi ngâm ngợi cả đời không hết. Người viết sách đã kỹ càng như thế thì người đọc sách phải kỹ càng tương ứng thì cuốn sách mới có giá trị thực sự. Đọc sách phải đọc kỹ từng câu, từng chữ, ngẫm nghĩ cho kỳ hết sau đó mới chuyển sang câu tiếp theo. Còn nếu câu nào, đoạn nào chưa hiểu được ngay thì ghi nhớ lại, để suy nghĩ nghiền ngẫm sau. Bởi đọc kỹ mà ngày xưa tuy ít sách nhưng các bậc nho sĩ có một trình độ kiến thức sâu rộng. Bởi vì họ vừa đọc vừa nghĩ, một câu trong sách nảy sinh ra nhiều nhận thức. Một người đọc sách, vấp phải một chữ không hiểu, mất ăn mất ngủ người cứ gầy rộc đi. Các thành viên trong gia đình ca cẩm như thế là điên. Một chữ không hiểu thì đã chết ai. Người này không nghe, quyết tâm phải tìm hiểu cho bằng được cái chữ ấy, nhưng khi ngộ được thì có cảm giác cả thế gian thu lại trong tay mình. Thế là công sức bỏ ra không uổng phí, đời người sống không uổng phí. Cái ích lợi của việc đọc nó là thế. Một nhà văn lớn của châu Âu nói rằng thực ra người ta sống ở đời chỉ nên đọc vài cuốn sách thôi, nhưng đọc cho thật kỹ là đủ.

Thời nay nhiều người khoe đọc tới vài trăm cuốn sách, nhưng hỏi sâu vào các vấn đề thì lúng ta lúng túng như gà mắc phải tóc. Ấy là vì kẻ đó đọc không kỹ, chỉ lướt qua cho gọi là có đọc. Không ít người khoe rằng mình luyện được kỹ năng đọc chéo rút thời gian đọc xuống còn một phần ba. Như vậy thì để làm gì nhỉ? Thà không đọc hẳn nó đi một nhẽ, đã đọc phải đọc cho nó cẩn trọng, kỹ lưỡng bỡi lẽ đọc là ấm vào thân, đọc là nhu cầu tự phát, không phải sự cưỡng bức. Nói hình ảnh thì đọc tức là chăm bón cái cây trí tụê cho nó phát triển ngày một tốt tươi. Cái cây trí tụê càng lớn thì giá trị con người càng cao. Vì thế đọc sách cũng là một dạng lao động. Con người lao động cả đời cho nên đọc sách cũng phải đều đặn, cần mẫn, bền bỉ cho đến khi nào không còn khả năng mới chịu dừng lại. Người xưa nói rằng trong bụng không có vạn cuốn sách thì không nên cầm bút viết văn. Nói thế là hàm ý sách mang tới sự hiểu biết rộng mênh mông cho anh. Sách mang lại cả kinh nghiệm lẫn sự ngạc nhiên cho người đọc.

Chuyện kể: Giữa trưa nắng một người bụng phệ ra sân ngửa mặt lên trời, có kẻ đi qua hỏi sao lại làm thế, người này đáp, ta phơi sách. Cái hàm ý ấy mới sâu xa làm sao. Sách cần phải phơi, tri thức cần phải đem ra ứng dụng vì nếu cứ để thế thì nó sẽ phát ung nhọt trong tâm trí. Kẻ đọc sách nhiều mà bị loạn trí là bởi như vậy. Nhưng đọc sách thì vẫn hơn, mãi mãi vẫn hơn. Trong bài diễn tự đọc khi nhận giải thưởng Nobel của Viện Hàn lâm Thụy Điển , Brốtsky nhà thơ Mỹ có một câu xanh rờn: " Tôi không tin tưởng lắm vào việc con người sẽ toàn thắng như lời một vị rất nổi tiếng đã từng tuyên bố tại chính chỗ này, nhưng tôi tin người đọc thơ thì khó bị khuất phục hơn người không đọc".
Câu tuyên bố này có thể mở rộng ra cho cả việc đọc sách. Phải, người đọc sách thì khó bị khuất phục hơn người chẳng đọc gì.


AN(tổng hợp kèm lời trích của Nguyễn Văn Bình)
Kenhsinhvien.net
 
×
Quay lại
Top Bottom