Đêm trắng, rồi “trắng đời” cùng... game

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Tác hại của game online đã nhiều lần bị xã hội lên án nhưng thời gian gần đây có vẻ như phong trào này lại đang quay trở lại khi các hãng sản xuất game online liên tục đưa ra những tựa game mới hấp dẫn và có nhiều chiêu kích thích nhu cầu người chơi.


Để làm rõ vấn đề này, PV đã có những đêm trải nghiệm tại các quán game không bao giờ ngủ.

Thức cùng game thủ

Nhìn từ ngoài không ai biết có những quán Internet ở Hà Nội vẫn còn hoạt động khi cửa phòng đóng kín, bên trong chỉ còn ánh sáng phát ra từ màn hình máy tính. Bước vào trong ngột ngạt bởi khói thuốc của người chơi không ngừng đỏ lửa. Một không khí ảm đạm, không ai để ý đến ai, tất cả đều cúi đầu vào màn hình với những trò game ảo và đa số là thanh thiếu niên. Thi thoảng là những câu chửi thề vì một lý do vu vơ nào đó phá tan không khí tĩnh mịch. Đã 3g sáng, ngồi bên cạnh tôi là một game thủ trên 20 tuổi, đôi mắt thâm quầng, da xanh như người mắc bệnh sốt rét đang một tay gặm ổ bánh mì, một tay không ngừng di chuột.

Lân la làm quen tôi được biết cậu tên là H, sinh viên năm thứ 2 của một trường ĐH có tiếng ở Hà Nội. Vì không biết mấy về game nên nghe câu chuyện H kể tôi cũng chỉ hiểu lơ mơ và biết H đang chơi trò “võ lâm chi mông”. H cho biết: “Bọn em chơi game cũng có “bang hội”, mỗi tháng chúng em họp mặt nhau một lần và bàn về trò game mà “bang hội” đang chơi. Thành phần của “bang hội” đa dạng gồm cả người già, trẻ và cũng không ít phụ nữ. Có những hội viên dù chỉ là học sinh cấp 2 nhưng thành tích chơi game thì đáng nể. Nghề nghiệp của hội viên cũng bao gồm học sinh, sinh viên, hay những người có việc làm ổn định”. Và khi tôi hỏi chơi game ngoài đầu tư thời gian có phải đầu tư nhiều tiền không, H cũng không ngần ngại bộc bạch: “Cũng tùy từng người chơi, những người nghiền game ngày qua ngày chỉ tính tiền máy cũng phải mất hơn 100.000 nghìn đồng/ngày chưa kể tiền ăn, thuốc nước... mỗi ngày cũng mất vài trăm nghìn đồng. Nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ so với tiền mua thẻ game, hay mua “đồ” phục vụ trò chơi. Vì càng nhiều đồ và đồ càng khủng thì đẳng cấp càng cao, có những món đồ tiền triệu đấy”. Khi được hỏi em là sinh viên thì lấy tiền đâu để chơi, H chỉ mỉm cuời. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều học sinh, sinh viên lấy tiền của bố mẹ cung cấp ăn học hàng tháng “nướng” vào game, có những người còn mang cả tiền học phí để chơi game để rồi phải dừng thi. Và khi không còn tiền thì vay mượn bạn bè, hay cầm cố tài sản…

Khi cuộc chuyện trò và trời cũng tảng sáng, th.ân thể tôi mệt nhoài vì mất ngủ và ngửi phải khói thuốc, tôi ra về nhưng các game thủ vẫn còn miệt mài với những trò game tuởng chừng như bất tận…

7b13............JPG

Những đêm bất tận của các “anh hùng bàn phím” vẫn mãi kéo dài.

Buông lỏng quản lý, hậu quả khôn lường

Trong thời đại công nghệ phát triển nhưng việc quản lý kinh doanh Internet còn lỏng lẻo như hiện nay thì vấn nạn nghiện game hẳn đã trở thành một căn bệnh khó chữa trong một bộ phận giới trẻ.

Đã có rất nhiều bài báo khuyến cáo về sự nguy hiểm và những ảnh hưởng tiêu cực của việc nghiện game. Mới đây ngày 16-6, CA tỉnh Phú Yên vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực thi lệnh bắt tạm giam Võ Nguyễn Khánh Hòa, 18 tuổi, trú ở thôn Long Thăng, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, về tội giết người, cướp tài sản. Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, Hòa là một đối tượng nghiện game, nhưng không có tiền ném vào những cuộc chơi ảo trên mạng nên mưu tính giết người, cướp tài sản. Biết ông ngoại là Võ Văn Tư, 76 tuổi, đang sống độc thân ở khu phố Long Thăng, thị trấn La Hai, khoảng 20g ngày 18-5, Hòa lẻn vào nhà khi ông Tư đang ngủ. Đứa cháu bất nhân, bất nghĩa dùng dây sạc ĐTDĐ siết cổ ông ngoại cho đến chết để lấy đi 3 triệu đồng, đến tiệm Internet chơi game và lang thang vào TP Tuy Hòa. Hết tiền, nhưng ngày 5-6, Hòa vẫn chui vào một tiệm Internet ở phường 5, TP Tuy Hòa để chơi game nhiều giờ, rồi bỏ trốn ra ngoài nhưng đã bị chủ tiệm bắt giữ giao cho CQCA. Từ đó, hành vi giết người, cướp tài sản của Hòa lộ diện.

Game có ưu thế là một loại hình giải trí hiện đại, dễ chơi, nhất là đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, nhưng ngoài tác dụng giải trí, game cũng tiềm ẩn nhiều tác hại. Đối với nhiều thanh thiếu niên khi đã thực sự cuốn hút vào game họ sẵn sàng bỏ bê việc ăn uống, học hành... Như D một sinh viên đã từng bị dừng học vì có số điểm tổng kết không đủ điều kiện học tiếp. Thời gian chính của D là ở quán nét, có khi cả tuần mới về phòng trọ một lần, đói thì gọi bánh mỳ, xôi, hay mì tôm… còn khi mệt quá có thể úp mặt xuống bàn mà thiếp đi. Có thể thấy rằng, những thanh thiếu niên đó đã bị "nghiện game” và tùy theo những dấu hiệu khác nhau mà chúng ta có thể kết luận người chơi đó "nghiện game" nặng hay nhẹ.

2.........JPG

Không ít những quán nét vẫn hoạt động 24/24g.

Những trò chơi game còn tiềm ẩn mối nguy hiểm đối với những người thiếu bản lĩnh, nghị lực kém và nhân cách chưa định hình, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên. Các em về mặt tâm lý chưa hoàn thiện, nhận thức chưa đầy đủ vì thế rất dễ “nghiện game”. Hiện nay, đối với nhiều thanh thiếu niên, chơi game là một sở thích, một lối thoát, một nơi để trút bỏ những căng thẳng. Ở game, người chơi cũng kinh qua đủ cung bậc tình cảm như hồi hộp, căng thẳng, phấn khích, sung sướng, hãnh diện, tức giận, thất vọng rồi lại hy vọng... Tất cả các game thủ khi tham gia những trò game nhập vai đều thực sự yêu nhân vật của mình.

Môi trường trong game rất sống động, thậm chí trong nhiều trường hợp còn ly kỳ hơn cuộc sống bên ngoài. Các nhà sản xuất game lại không ngừng cho ra đời nhiều trò chơi mới hấp dẫn với những lời quảng cáo và hình ảnh trong game đầy cuốn hút. Càng dành nhiều thời gian chơi, niềm đam mê đầu tư cho nhân vật càng lớn. Săn lùng, lượm đồ, bán đồ, sôi động chẳng khác nào thế giới thật. Và để rồi họ trở thành dân "nghiện" lúc nào không biết. Như vậy, ranh giới giữa việc chơi game và “nghiện game” hết sức mong manh. Vì bản thân trò chơi là giải trí nhưng lại mang tính kích thích mạnh vì nó có thể thi đấu, cạnh tranh, có thưởng.

Game đã là một môn thể thao, chơi game xả stress, có thể là khuyến khích nhưng phát cuồng về game là một thảm kịch. Vì vậy, những ai mới trong giai đoạn “chớm nở” của “nghiện game” hãy cố gắng đừng biến mình thành “bệnh nhân tâm thần” rối loạn tâm lý sống trong ảo tưởng, mất thời gian, tiền bạc và sức khỏe. Để game online không ảnh hướng tới tương lai giới trẻ trước hết, các bậc phụ huynh cần có biện pháp quản lý con em mình sát sao. Hơn nữa cơ quan chức năng cũng cần có những biện pháp mạnh hơn trong công tác quản lý các quán internet cũng như nhà sản xuất và cung ứng các trò chơi game. Bởi chính họ là những “đối tác” nguy hại đang kích cầu cho hoạt động game online ngày càng nở rộ.
Văn An
Theo PL&XH
 
×
Quay lại
Top Bottom