Để thư viện trường học đáp ứng nền giáo dục tiên tiến: Thư viện số - bắt kịp tương lai

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Nhiều địa phương đã có “thư viện xanh”, thư viện mở mà chúng tôi đã từng phản ánh trên mặt báo. Nhưng trước nhu cầu hội nhập, vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng thư viện số là một trong những đòi hỏi bức xúc của thực tiễn giáo dục. Đây là một trong những mô hình đột phá theo hướng đó.

Thư viện thông minh


Ở Đồng Tháp, hầu hết thư viện hoạt động theo mô hình truyền thống, “bạn đọc” chọn sách theo tủ “fit” danh mục. Hai năm gần đây có nhiều thư viện trường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý danh mục sách. Mô hình “thư viện thông minh” do Samsung tài trợ với phần mềm quản lý danh mục. Điển hình như thư viện Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diệu, THCS Nguyễn Thị Lựu, TH Trường Xuân 1.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng Phòng CNTT và Thiết bị - Thư viện, Sở GD& ĐT Đồng Tháp cho biết, có 20% số trường trên địa bàn tỉnh ứng dụng CNTT trong quản lý danh mục thư viện. Thực tế vẫn chỉ là ứng dụng quản lý danh mục sách để tra cứu dễ dàng cho học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, chưa có đầu sách nào được số hóa thành sách điện tử. Các tài liệu nghe nhìn, giáo án điện tử chủ yếu là trang bị máy tính với đường truyền Internet tốc độ cao trong thư viện để phục vụ giáo viên và học sinh truy cập trên mạng chứ chưa xây dựng kho thư viện điện tử.

Chúng tôi đã thăm Trường THCS Nguyễn Thị Lựu, TP Cao Lãnh, một trong những trường chuẩn, trung tâm chất lượng cao của tỉnh để khảo sát hiệu quả của việc ứng dụng CNTT trong “thư viện thông minh”.

Trường có trên 1.500 học sinh. Thư viện trường hiện có 20.000 bản sách các loại. Thư viện trang bị 6 máy Laptop: 1 máy cho thủ thư quét mã vạch vào thẻ thư viện của bạn đọc. Còn 5 máy để bạn đọc tra danh mục sách. Học sinh, giáo viên có thể truy cập từ bất cứ máy nào vào website của trường để chọn thư mục sách cần tìm chứ không hẳn là máy của thư viện. Sau đó đến thư viện báo với thủ thư sẽ lấy sách ngay.

Cô Nguyễn Thị Huỳnh Mai, thủ thư duy nhất ở đây tâm sự: “ Ứng dụng CNTT vậy mà còn hết hơi luôn. Trường thực hiện dự án “thư viện thông minh” vào tháng 12/2011, đỡ cực hơn nhưng “bạn đọc” lại tăng gấp 5 lần. Sách đầu tư mới nhiều hơn, tìm thư mục dễ hơn, thư viện rộng rãi yên tĩnh …. Thu hút các em học sinh nhiều hơn. Khi vào nề nếp rồi thì tôi phải huy động thêm 15 học sinh làm cộng tác viên. Mỗi buổi phải có cộng tác viên hỗ trợ lấy sách theo yêu cầu “bạn đọc”, còn thủ thư chỉ có quét mã vạch thẻ thư viện vào máy thôi cũng đã ngất ngư rồi!”. Cô Huỳnh Mai cũng chia sẻ niềm vui, khi thư viện tổ chức các tiết học qua phim ảnh, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ sáng tạo như vẽ tranh, làm đồ dụng học tập…

Thư viện lại là nơi học sinh vừa học vừa thư giãn. Để duy trì được lượng bạn đọc đến thư viện, hàng năm các nhà tài trợ ủng hộ hàng ngàn bản sách mới, nhà trường xuất kinh phí 12 triệu đồng mua thêm sách. Chưa đủ, còn phải vận động học sinh, phụ huynh góp sách vào trường đầu tư cho con em mình. Có như thế mới kéo học sinh đến thư viện.

images669836_thu_vien_7.jpg

Cô Xuân Mai, thủ thư Trường THCS Nguyễn Thị Lựu (Đồng Tháp) tổ chức góc sáng tạo

Liên kết với thư viện số

Đặt vấn đề thư viện số với thầy cô giáo cũng như lãnh đạo ngành GD An Giang, ai cũng tâm đắc và hy vọng sẽ thực hiện tốt trong thời gian tới. Nhưng muốn có được điều đó, phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và con người cũng được đào tạo bài bản. Kế tiếp là phải số hóa một lượng sách, tài liệu khổng lồ trong khi nguồn nhân lực TV trường học và TV công cộng ở địa phương vẫn còn rất ít và trình độ không đồng đều.

Theo thống kê của ngành GD An Giang, cán bộ TV trường học đa số trình độ trung cấp và cao đẳng, chỉ có một số ít trình độ ĐH. Hiện nay công tác TV được chú trọng, nguồn tài liệu, sách vở khá nhiều nên cán bộ TV phải rất vất vả làm công tác thống kê, bổ sung, báo cáo, phục vụ bạn đọc…

Tuy nhiên, An Giang đã tìm ra giải pháp để sử dụng nguồn TV số có sẵn vốn rất đa dạng, phong phú mà không cần phải thêm trang thiết bị hay con người. Ông Lý Thanh Tú cho biết: “Thư viện Tổng hợp tỉnh An Giang hiện đang nối kết với hệ thống TV số trên cả nước. Ngành GD đang kết hợp cùng với TV tỉnh để cung cấp cho sách tài liệu số hóa cho tất cả các trường THPT. Trước tiên là mua một tài khoản (Account) để kết nối với TV số của TV An Giang. Các trường cũng có thể kết nối với TV số trên cả nước với nguồn tài liệu số rất lớn, có cả các loại sách GD và sách tham khảo. Chúng tôi cũng đang khuyến khích các phòng GD&ĐT mua Account truy cập TV số cho các trường (mỗi user khoảng 300 ngàn đồng/năm) để các trường học có được nguồn TV số phong phú, đa dạng hơn…”.

Khi nêu những mô hình đột phá này, người viết cũng không quên những công trình nghiên cứu riêng lẻ của giáo viên, nhóm giáo viên để làm phong phú hệ thống tài liệu tham khảo trong giảng dạy. Chẳng hạn một giáo viên ở Trường THPT chuyên Bến Tre đã viết phần mềm số hóa tài liệu văn bản bằng cách chụp trang sách, chuyển định dạng PDF. Ở trường này lưu trữ hàng trăm tài liệu tham khảo có dung lượng hàng vạn trang sách. Đó cũng là dạng tài liệu số. Nếu có một cơ chế trao đổi thông tin thì đây là nguồn tư liệu số hóa hết sức phong phú.
Theo giaoducthoidai.vn
 
×
Quay lại
Top Bottom