Danh - Giá

thaithuongphu

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
30/1/2012
Bài viết
115
944176_4430018608204_1543996173_n.jpg

Người “danh giá” trước hết phải là người có “danh”, nhưng hình như cái “danh” nào cũng có “giá” của nó cả! Cụ Nguyễn Công Trứ ngay từ khi còn rất trẻ đã viết câu thơ nổi tiếng: Đã mang tiếng đứng trong trời đất Phải có danh gì với núi sông.

Ngẫm ra, ý muốn được lưu danh cũng là thói thường của người đời vậy!
Thời Xuân Thu, lý tưởng sống của tráng sĩ là “lưu danh thiên cổ”. “Chính, tà” lúc ấy dường như khó có ranh giới rõ ràng. Sang nước Vệ mà vua Vệ không dùng thì người ta có thể bỏ sang nước Trần, nước Sái, dù các nước ấy đang đánh nhau. Kẻ sĩ chỉ cần lưu danh, và để danh của mình có thể lưu thiên cổ, người ta sẵn sàng trả cái giá cao nhất là mạng sống của mình, có khi còn là mạng sống của cả gia đình mình nữa. Đọc “Sử ký” hoặc “Đông Chu liệt quốc”, ta thấy những người lưu danh như thế thật là nhiều.

Cũng có người sống không vì danh, mà vì những mục đích cao cả khác của mình. Rất nhiều thiên tài đã lưu danh sử sách nhờ những đóng góp to lớn của họ cho loài người. Nhưng dù muốn hay không, họ cũng đã phải trả giá cho cái danh mà xã hội giành cho họ. Có thiên tài nào được sống như một người thường đâu! Cả cuộc đời họ cống hiến cho sự nghiệp, không còn thời gian cho bản thân mình. Mà có lẽ, hạnh phúc trọn vẹn ở đời chỉ có khi ta được sống cuộc sống bình thường nhất!

Xem ra lẽ đời thật công bằng, nếu bạn là người danh giá, nghĩa là được mọi người vinh danh, thì cũng tức là bạn đã trả một cái giá nào đó mà nhiều khi không tự biết!
Đó là nói đến những cái danh thực mà người ta giành để tôn vinh cho những người đã hy sinh một phần hay cả cuộc sống của mình vì những người khác. Trong xã hội, còn nhiều cái “danh” khác, thường vẫn được gọi là “hư danh”, hoặc là những cái “danh” mà chủ nhân của nó biết rất rõ cái “giá” đã trả. Cái “giá” đó nhiều khi rất cụ thể, bằng tiền, hoặc bằng những thứ khác. Tôi không muốn nêu lên ví dụ, vì hai lý do. Một phần, cũng không mong chuốc lấy sự bực bội của ai đó.

Phần nữa, vì chắc chắn ai trong các bạn cũng tìm ngay được quanh mình những ví dụ điển hình của việc mua danh! Đáng buồn là thế, vì đó là sự thật khá phổ biến của xã hội ta, khi mà trong khoa học, giáo dục, thể thao, trong nghệ thuật, trong chính trường... đâu đâu cũng có kẻ bán người mua. Mà hàng hóa ở đây lại là cái “danh”, và người nào mua được đều trở thành kẻ “danh giá” trong xã hội. “Danh” nào, “giá” ấy. Giá càng cao thì danh càng “oai”. Danh càng oai thì lợi càng nhiều. Bởi vậy nên nhiều người mới sẵn sàng bỏ giá cao cho cái “danh” của họ.

Dù sao, cũng vẫn còn may là “lẽ đời thật công bằng”. Nếu cái danh được trả giá bằng sự sự hy sinh những quyền lợi của cá nhân mình cho xã hội, thì cái danh ấy thật sự bền lâu. Còn cái “danh” mua được bằng “giá” nào đó, dù giá đắt hay giá hời, thì người mua được nó có còn là người “danh giá” nữa không? Không phải chờ đến khi họ hết quyền, hết lợi nhờ cái danh, mà ngay cả khi vừa mua xong danh, thì trong mắt xã hội, chẳng có cái “danh” nào kiểu đó mà người ta không định “giá” được!
Thế mới biết, không nghĩ đến danh mà thành danh thì cái danh ấy mới bền. Còn như làm đến “bậc thánh nhân” để “không lưu danh” thì thật khó quá!
 
Quay lại
Top Bottom