Đằng sau thế giới trong gương của Haruki Murakami

nostosalgos

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
2/1/2013
Bài viết
24
Đằng sau thế giới trong gương của Murakami

Charles Baxter, “Behind Murakami’s Mirror” – New York Books
Đặng Trần Quân lược dịch

Có điều, ít nhất câu chuyện này cũng có chỗ hấp dẫn. Tuy rằng toàn bộ câu chuyện là hư cấu, nhưng các chi tiết nhỏ lại được miêu tả hết sức chân thực. Cảm giác thăng bằng này rất tốt. Tôi không biết dùng những từ kiểu như tính độc đáo hay tính tất yếu ở đây có thích đáng hay không nữa. Nếu có người nói nó vẫn chưa đạt tới trình độ đó, thì có lẽ cũng đúng. Nhưng mà, sau khi nửa chừng bỏ dở rồi lại cầm lên đọc hết nó, chắc chắn sẽ để lại cảm giác sâu lắng. Dù đó là một thứ cảm giác kỳ dị không thể nói lại thành lời, khiến người ta thấy không được thoải mái cho lắm.
KenhSinhVien-anh-h.murakami.jpg


Đó chính là điều độc giả sẽ tìm thấy sau khi đọc hết tác phẩm này. Murakami đã xây dựng một thế giới thay thế, một tấm gương phản chiếu của thế giới chúng ta đang sống. Có thời điểm, một nhân vật đã lập luận chống lại việc tồn tại một thế giới song song; nhưng hai nhân vật chính của Murakami, sống trong năm 1Q84 đó, đều nhận ra rằng họ đang sống trong một thế giới mà họ không hề mong muốn – một bản sao của thế giới thực. Cái thế giới mà họ biết đã biến mất, thay vào đó là một bản sao của thế giới đã biến mất đó.
Thứ mà tôi gọi là “Phi thực tế” này phản ánh niềm tin của một thế hệ, khi mà những gì họ nhận được trong cuộc sống là một thế giới bản sao, nơi mọi thứ được lặp lại một cách tồi tệ. Khái niệm “Chủ nghĩa hiện thực” không có nhiều ý nghĩa, khi mà đa phần thời gian, người ta có thể nói về một cuốn tiểu thuyết mà không cần xác minh tính chân thực của nó, hay thậm chí đôi khi chúng ta chấp nhận một sự kiện, một nhân vật hoàn toàn “không hợp lý” hoặc “hoàn toàn phi thực tế”.
Những cuốn tiểu thuyết, những câu chuyện, hay thậm chí những tác phẩm phi hư cấu của Murakami từ chối không phân biệt một cách rõ ràng các khái niệm trên. Chúng thể hiện, thường là rất ấn tượng, sự lôi kéo của cái “Phi thực tế” và sự hoang tưởng đối với những người bình thường, những người không thể đối diện với cái thế giới thực mà họ đang sống. Kết quả thường là phù hợp với cái mà tôi gọi là “Unrealism” – “Phi thực tế”. Ở đó, con người ta thường đi theo những giáo phái. Họ tin vào Ngày tận thế và Sự Phán xét, họ đi tìm những cánh cửa thần kì, mà qua đó, họ tìm đến cái mà cả Murakami và Lewis Carroll gọi là “Wonderland”. Những tư duy không hiện hữu, thời gian thì ngừng trôi. Đương nhiên không phải tất cả đều có suy nghĩ như vậy, đa phần các câu chuyện đều kể về sự nỗ lực phi thường để ra khỏi Wonderland, nhưng Wonderland thì vẫn luôn là một phần quan trọng của câu chuyện.
1Q84 là một câu chuyện lớn khám phá những ảo tưởng trói buộc những nhân vật của nó với thế giới này và những điều giải phóng họ khỏi chính thế giới. Trung tâm cuốn tiểu thuyết là 2 nhân vật chính: Tengo, một tiểu thuyết gia hàng ngày dạy toán ở một trường luyện thi ở Tokyo; Aomame, một chuyên gia vật lý trị liệu, đồng thời là một sát thủ “bán thời gian”. Họ gặp nhau từ khi lên mười, yêu nhau qua cái nắm tay, và dù đã bị chia cách sau đó, họ vẫn tiếp tục yêu nhau. Cuốn tiểu thuyết đưa ta dõi theo hành trình đến với nhau của hai số phận, đi qua mê cung đầy rẫy những cạm bẫy và quỷ quái kỳ lạ. Sự lãng mạn này là cốt lõi của cuốn tiểu thuyết, giống như Murakami đã bằng cách nào đó làm ra một sự kết hợp giữa “Cây sáo thần”, “Nghệ nhân và Margarita” và cuốn tiểu thuyết kinh dị kinh điển “Rosemary’s Baby”.
1Q84 cũng gợi nhớ lại cuốn tiểu thuyết phản địa đàng 1984 của George Orwell. Các sự kiện xảy ra được mô tả là vào năm 1984, tuy nhiên Murakami đã xây dựng nên một giáo phái Sakigake với một nhà lãnh đạo có sức thu hút Tamotsu Fukada, cùng với đó là cả một đoàn người mê muội đi theo. Tengo và Aomame đã bị “rơi” ra khỏi cái thế giới bình thường của hai người để vào thế giới của năm 1Q84. Bị che phủ bởi bóng đen của Sakigake, nơi luật pháp được thi hành một cách bạo lực, những nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết bị đè nén tối đa bởi ma quỷ, cho phép tác giả triển khai nhiều yếu tố khác nhau.
Thế giới của 1Q84 còn phức tạp hơn nữa, với những gì hai nhân vật chính gặp phải, đa phần là một cách tình cờ. Ở Wonderland này, sự giám sát hiện diện ở mọi nơi, người vô tội phải lẩn trốn, bạo lực lên ngôi. Ai bảo rằng “Phi thực tế” không đúng với cuộc sống thật? Tạo ra một Wonderland gần như đã trở thành một thủ pháp quen thuộc với Murakami: nhân vật chính của Biên niên ký chim vặn dây cót chẳng hạn, thấy mình đang ở đáy một cái giếng cạn. Trong cuốn Ngầm viết về cuộc tấn công khí độc trong ga tàu điện ngầm Tokyo, Murakami đã viết:
“Những sắp đặt ngầm đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong các tiểu thuyết của tôi, đặc biệt là Biên niên ký chim vặn dây cót Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng Thế giới. Nhân vật đi vào một Thế giới Ngầm để tìm kiếm một điều gì đó, và những chuyến phiêu lưu cứ thế tiếp nối. Họ đã thực sự đi ngầm trong lòng thế giới, cả về thể xác lẫn tinh thần.”
Thế giới của 1Q84 bao gồm Tokyo và vùng ngoại vi của thành phố, cùng với các giá trị văn hoá được công nhận từ quá khứ đến hiện tại (các nhân vật chính được đưa vào thế giới này bởi bản hoà tấu của Janáček’s Sinfonietta). Thế giới đó còn bao gồm hai mặt trăng, những Người Tí Hon, Nhộng Không khí… 1Q84 thực sự là một cuộc chạy marathon. Kinh nghiệm đọc cuốn sách này thực sự là một cuộc chạy bộ đường dài; trong hầu hết chiều dài của nó, 1Q84 làm người đọc không thể dừng việc lật sang trang kế tiếp; cuốn sách như một liều thuốc giải độc đối với cuộc sống hiện đại, với những điều ấm áp, những sự lãng mạn ẩn sâu, và sự vui tính đâu đó trong từng trang sách.
Trong 1Q84, đa phần câu chuyện được tường thuật từ hai phía – Aomame và Tengo. Trong chương đầu tiên của cuốn sách, Aomame tìm thấy mình mắc kẹt trên đường cao tốc đang tắc đường, bước đến một lối thoát hiểm bên dưới biển quảng cáo của Esso. Cô đã vượt qua hàng rào, và từ đây, những người đọc Murakami giàu kinh nghiệm đều biết cô đã bước vào thế giới khác.
Những người đàn ông mà Aomame định kỳ ám sát bằng cái chọc nước đá hầu hết là những kẻ lạm dụng t.ình d.ục, và trong một mức độ nào đó, ta nhận ra rằng Aomame đã phục vụ như là một đại diện công lý của Chúa. Sự đồi bại hiện diện khắp nơi mà những sự kiện này phản ánh, đã gặp phải sự phản kháng bởi chính tình yêu đích thực mà Aomame và cuốn tiểu thuyết hướng đến, hay tối thiểu là nhớ đến – trong trường hợp của cô với Tengo. Để rồi, với sự giới thiệu, dẫn dắt của Bà chủ và người vệ sĩ đồng tính – một nhân vật rất sống động – Aomame đã biết đến sự tồn tại, tội ác của Lãnh Tụ; với cái cớ của một chu trình điều trị thư giãn cơ bắp, Aomame đã gặp Lãnh Tụ. Cuộc nói chuyện giữa hai nhân vật này đã được Murakami xây dựng thành một phiên bản thế kỷ 21 của cuộc đối thoại giữa Ivan và Alyosha trong tác phẩm Anh em nhà Karamazov của đại văn hào Dostoyevsky – một cuộc tranh luận với bản chất thiêng liêng.
Trong khi đó, một người anh hùng khác của tiểu thuyết, Tengo, đã được đưa vào thế giới khác thông qua việc sửa lại cuốn tiểu thuyết “Nhộng Không khí” của Fuka-Eri. Câu chuyện của cô lúc đầu có vẻ chỉ là một mớ hỗn tạp những câu chuyện tưởng tượng và cổ tích, nhưng phía dưới đó, bạn nhận ra cả một câu chuyện ngụ ngôn giấu kín, kể về những điều đã xảy ra với cô. Cuốn tiểu thuyết đó đã trở thành một hiện tượng, và Tengo chợt nhận thấy mình đã vướng vào rắc rối khi đã cùng với Fuka – Eri xây dựng nên câu chuyện của cô.
Một số yếu tố trong 1Q84 thoạt nhìn có vẻ như vô giá trị. Murakami đã khéo léo sử dụng chính những yếu tố đó để phát triển cốt truyện. Từ chủ đề về thánh Matthew, Anh em nhà Karamazov, cuốn sách của Tchekhov về cuộc đời của Sakhalin, những trích dẫn của Sonny và Cher, hay Harold Arlen. Các chủ đề tản mát đó, rồi lại như mọi chi tiết khác trong 1Q84, đều quay trở về với Lãnh Tụ và giáo phái của ông ta. Sự sùng bái đã trở thành nguồn năng lượng chính của toàn bộ thế giới 1Q84; Sakigake có quyền năng đưa Tengo và Aomame từ năm 1984 tới với 1Q84. Sự sùng bái thống trị thế giới. Chỉ có tình yêu mới có thể chống lại. Đến đây, kết cấu của cuốn sách đã lại quay trở về với môtíp truyền thống vốn có.
Sự thú vị của 1Q84 chính là sự mâu thuẫn giữa “logic thực tế” với mong muốn đưa đến cho độc giả “một sức mạnh lớn hơn” đến từ sự “Phi thực tế”. “Phi thực tế” bác bỏ những gì chúng ta đang có, hoặc những gì “được nói là chúng ta đang có”. Trong nền văn hoá do chính nó tạo ra, hầu như mọi vấn đề đều có thể được giải đáp. Sự hư cấu, điều mà Murakami nắm rất rõ, có thể tạo nên một thế giới phản chiếu lại những gì đang xảy ra. Thế giới đó có thể hoàn toàn Phi thực tế, nhưng cũng có thể hoàn toàn chối bỏ sự Phi thực tế. Sự hư cấu, bản thân nó, vừa là liều thuốc độc, nhưng cũng chính là liều thuốc giải độc; cũng giống như cuốn tiểu thuyết “Nhộng Không khí” được nhắc đến trong 1Q84, bản thân nó vừa là hồi chuông cảnh tỉnh, nhưng cũng lại có thể là một ảo giác nguy hiểm. Vậy nó là tốt hay xấu? Tengo cũng không chắc chắn được điều gì. Có lẽ, đó là một câu hỏi sai.
Sức mạnh của Phi thực tế ở đây được khơi dậy nên chính ở những đoạn hội thoại giữa Aomame và Lãnh Tụ, người đôi khi giống như Sarastro trong Cây sáo thần – một thầy phù thuỷ đau khổ và cực kỳ nguy hiểm. Lãnh Tụ có khả năng nâng các vật từ xa, có thể gây tê liệt cho mọi người xung quanh, đọc được suy nghĩ người khác. Trên thực tế, ông ta không phải quái vật; quái vật làm việc cho ông ta.
Người đọc sẽ phải lưu ý rằng, ở đây, sự giải thích của Lãnh Tụ cho phép ông ta bước ra khỏi cái ràng buộc “ông là ai và ông phải làm gì”. Ông không phải chịu trách nhiệm về những gì mình làm, những người đi theo ông ta cũng vậy. Ông chỉ đơn giản là lắng nghe tiếng nói của Người Tí Hon và truyền đạt lại cho những người tin tưởng ông. Ông phục vụ như là một trạm truyền của các huyền thoại và sự thật ngoại cảm. Nếu ông chết, "Người Tí Hon sẽ mất đi một trong những người lắng nghe tiếng nói của họ."
Vậy Người Tí Hon là ai? Người Tí Hon xuất hiện, như một dấu hiệu không thể nhận biết. Trong 1Q84, bản thân cuốn sách và thế giới trong gương mà nó tạo ra đều phụ thuộc vào những gì Người Tí Hon làm. Nếu có vấn đề gì với cuốn tiểu thuyết của Murakami, đó chính là việc ý nghĩa của cái thế giới phản chiếu của ông phụ thuộc vào sự hiện diện của những người hoàn toàn bí ẩn.
Chính tác giả có vẻ cũng chưa chắc chắn về việc Người Tí Hon là ai – trong khi, chính ông là người đã tạo ra họ. Người nghệ sĩ không nhất thiết phải hoàn toàn hiểu rõ tác phẩm của mình, nhưng, trong khi đọc cuốn tiểu thuyết của Murakami, người đọc sẽ dễ dàng nhận ra rằng, tác giả đang có trong tay một con ngựa bất kham, mạnh mẽ nhưng lại đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát của ngòi bút. Thế giới trong gương được tạo nên bởi chính những Người Tí Hon này, nhưng họ lại không phải chịu trách nhiệm với bất kỳ ai, và cũng chẳng ai biết hay hiểu được những gì họ đang làm.
Murakami đã trả lời phỏng vấn như sau:
“Người Tí Hon đến với tôi một cách đột ngột. Tôi không biết họ là ai. Tôi không hiểu gì cả. Bản thân tôi đã trở thành tù nhân của câu chuyện do chính mình viết nên. Không có sự lựa chọn nào khác: họ đến, và tôi kể lại chuyện đó. Đó là công việc của tôi.”
Chúng ta đã từng thấy những nhân vật như thế này trong truyện của Murakami trước đây. Chúng làm tôi nhớ lại câu chuyện “Người Ti Vi”, ở đó có những hình hài bé nhỏ, đi vào nhà bạn không một tiếng động, mở cửa lặng lẽ và mang theo chiếc TV. Chất kinh dị trong tiểu thuyết của Murakami luôn mang theo sự hài hước, và cả Người Ti Vi lẫn Người Tí Hon đều như những thực thể không thể mô tả được bằng ngôn từ.
Ẩn sâu trong 1Q84 là những ám ảnh. Cũng giống như trong vở Macbeth vậy, khi biết Banquo đã chết và không thể nào sống lại, Lady Macbeth đã nói “Những gì đã làm thì không thể nào thay đổi”. Với hai nhân vật chính trong 1Q84, họ đều nỗ lực để thoát ra khỏi thế giới trong gương, quay ngược trở lại thế giới thực và tìm lại nhau. Cuốn sách giống như một nỗ lực để lật ngược lại một lời nguyền, khi các nhân vật chính tin rằng cho dù “thế giới ban đầu không còn tồi tại”, bằng một cách nào đó, họ sẽ quay trở lại với cái thế giới họ tưởng rằng đã biến mất đó. Trong một hình thức tồn tại đáng ngạc nhiên của chủ nghĩa nhân bản và đức tin, Tengo và Aomame đã tin rằng những gì đã xảy ra hoàn toàn có thể được sửa đổi. Họ đã đi theo niềm tin đó bằng sự trung thành, những lời cầu nguyện, và tình yêu – yếu tố quan trọng nhất của cuốn tiểu thuyết.
Tôi đã đọc hết 1Q84 và nhận ra rằng đây là một cuốn tiểu thuyết thật tuyệt vời, trong đó chứa đựng sự xung đột giữa hiện thực và cái Phi Thực tế - một cách hoàn toàn công bằng, và rằng, trong thời đại của chúng ta, những độc giả trẻ sẽ không gặp khó khăn để tin rằng Người Tí Hon và sự lặp lại tồn tại. Chỉ là, liệu họ có thể có được sự tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh của tình yêu như cuốn tiểu thuyết này đã có?
 
×
Quay lại
Top Bottom