Cựu thủ khoa ĐH Luật TPHCM chia sẻ bí quyết học khối C

Training

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
21/7/2011
Bài viết
4.659



(Dân trí) - “Nếu nghĩ rằng học không được khối A thì vào học đại khối C; học khối C là học thuộc lòng… thì đó là quan niệm sai lầm. Học khối C là một năng khiếu…”.
https://tuyensinh.dantri.com.vn/c70...a-DH-Xay-dung-chia-se-bi-quyet-hoc-mon-Ly.htm

Đó là chia sẻ của bạn Đậu Thị Quyên, sinh viên lớp Thương mại 33B, Trường ĐH Luật TPHCM. Kỳ thi tuyển sinh năm 2008, Quyên là thủ khoa khối C của trường này với 24 điểm. Năm đó, cô bạn cũng đỗ thủ khoa Cao đẳng Bách Việt với 25 điểm. Thời THPT, Quyên từng 3 năm liền đạt danh hiệu Học sinh giỏi cấp tỉnh môn Văn học. Khi là sinh viên, cô bé nhỏ nhắn ấy liên tục đạt các danh hiệu: “Sinh viên 5 tốt”; “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác 2011” và đạt giải Nhì cuộc thi Euréka 2011 cấp TPHCM. Hiện Quyên đã được nhận vào làm Trợ lý pháp lý tại HTV Investments dù đang làm luận văn tốt nghiệp ĐH.
Trước kỳ thi tuyển sinh năm nay, cựu thủ khoa ĐH Luật TPHCM năm 2008 có vài điều chia sẻ với các thí sinh bí quyết để học tốt ban C. “Là người học ban C, đã trải qua kỳ thi đại học, cao đẳng với 3 môn Văn - Sử - Địa, nên em hiểu tâm trạng của các bạn học sinh đang đi theo khối học này”, Quyên tâm sự.
Hiện có quan niệm “đường cùng mới vào khối C”, em suy nghĩ như thế nào về “định kiến này?.
Thủ khoa Đậu Thị Quyên: Kinh tế càng phát triển thì mọi người càng hướng vào vòng xoáy lợi nhuận. Kéo theo đó là những ngành học “hot” như kinh tế, tài chính, ngân hàng, ngoại ngữ... và sự quay lưng với những ngành học mang lại giá trị tự thân trong tâm hồn con người.
Lịch sử đã chứng minh, không phải lúc nào số đông cũng đúng. Vẫn còn đó những người đã từng theo học những ngành “hot” đã trải lòng mình với những khó khăn trong cơ hội nghề nghiệp và những người từng theo học những ngành “xưa cũ” tự hào vì đã kiên định con đường theo “nghiệp văn chương” của mình. Xã hội cần thay đổi cách nhìn về sự “phân biệt” các khối học A-B-C-D và chính thế hệ trẻ cần độc lập trong suy nghĩ của mình để chọn cho mình con đường đi dựa trên đam mê và sở thích, chứ không phải là theo trào lưu để rồi đua nhau vào một lối đi, để đến khi nhận ra rằng cuối con đường ấy có khi là một “nút thắt cổ chai” thì đã muộn.
Là người đi trước, từng đỗ thủ khoa, em có thể chia sẻ “bí kíp” học tốt khối C với các thi sinh năm nay?
Khối C là một khối học đặc thù bởi người học cần tư duy về câu chữ chứ không phải là tư duy trên từng con số. Để đạt điểm cao trong các bài thi Văn - Sử - Địa, điều tiên quyết là người học phải có khả năng phân tích, triển khai các ý, liên kết, xâu chuỗi, tổng hợp và nhận xét đúc kết bằng nhận định riêng của mình. Sao chép là điều tối kỵ và “đói” ý tưởng sẽ giết chết bài làm của thí sinh. Do vậy, đã chọn theo khối C thì nên ghi nhớ một chữ “đọc”. Phải đọc nhiều, đọc thường xuyên, đọc đi đọc lại nhưng không phải đọc lướt để rồi quên đi những gì đã đọc. Huy động hết sự tập trung của mình để đọc một nội dung được xác định từ trước cho đến khi nó in sâu trong đầu của mình. Càng đọc nhiều thì càng nhớ và càng nghiệm ra những ý tưởng bên ngoài câu chữ, để đến khi đề cập đến vấn đề đó thì tự động viết ra được mà không lẫn lộn với các kiến thức khác.
Những “từ khóa” là hết sức quan trọng và cần phải được ghi nhớ. Lịch trình cần phải được vạch ra và tuân thủ triệt để.
Mệt thì cứ nghỉ, đói thì cứ ăn, buồn ngủ thì cứ ngủ…, không nên ép mình học cố học để rồi sức khỏe bị ảnh hưởng, bởi “một giờ hăng say bằng cả ngày miễn cưỡng”. Tuy nhiên, thư giãn cần có giới hạn và phải biết bắt bản thân mình vào “guồng” sau những giờ giải lao.
Quyen-1_7bcee.jpg
Với Quyên (bên phải), để học tốt khối C cần phải có khả năng phân tích, tổng hợp...

Vậy với riêng môn Lịch sử thì sao? Nhiều bạn “ngại” các con số ghi sự kiện?
Đối với môn Lịch sử thì không nên có tâm lý “sao mà nhớ nổi các sự kiện?”. Bởi lịch sử là một dòng chảy các sự kiện theo thời gian và hãy chinh phục nó theo lộ trình thời gian ấy, để khi học xong sự kiện này, tất yếu phải nhớ vì sao có sự kiện đó xảy ra và cứ lần về trước khi có sự kiện đó, xem có sự kiện gì, sau khi có sự kiện đó, có sự kiện gì... Như thế sẽ không thể lẫn lộn được chiến dịch này với chiến dịch kia, đại hội lần này với đại hội lần kia, tổ chức này với tổ chức kia… Khối lượng kiến thức ba môn thi không nhiều nếu biết học có kế hoạch và không học trước quên sau.

Để thành công với khối C, chắc hẳn phải có một “cú hích”?

Những người theo học khối C, thay vì nghĩ rằng học ra sẽ khó xin việc làm, thì hãy hình dung một cách giản đơn rằng: Đường càng rộng, càng có nhiều người đi. Đường hẹp, ắt sẽ ít người muốn chen chân vào. Con đường khối A, B là một con đường rộng như thế và có nhiều người đi trên đó, họ sẽ phải chiến đấu lẫn nhau để dành cơ hội thành công cho mình. Còn những người theo khối C, họ sẽ không phải va chạm với quá nhiều người, thêm vào đó, mỗi người học khối C sẽ có lối đi riêng của mình để dẫn đến thành công, họ không bị ràng buộc và áp đặt vào một lối đi cụ thể. Đối với khối A, mỗi bài toán sẽ có duy nhất một đáp số, còn đối với khối C, mỗi người là một “đáp số” khác nhau cho cùng một vấn đề. Do vậy, điều tiên quyết là hãy tin tưởng vào sự lựa chọn của mình và kiên định với nó.
Hàng năm, những thủ khoa khối C của các trường vẫn xuất hiện trên các mặt báo để chia sẻ kinh nghiệm và bí quyết học của mình để có được thành công. Hãy tin tưởng một điều rằng: họ làm được thì mình cũng làm được. Quan trọng là ở phương pháp. Từ đó, hãy vận dụng những phương pháp mà mình cho rằng phù hợp nhất với hoàn cảnh và năng lực của mình để áp dụng.
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top Bottom