- Tham gia
- 2/3/2012
- Bài viết
- 4.910
Bồ Tát Hộ Minh Tiền sanh của Đức Phật
Sau nhiều kiếp tu hạnh Bồ Tát, Ngày sanh lên cung trời Đâu Suất làm chủ Nội Viện, danh hiệu là Bồ Tát Hộ Minh. Quán xét thấy quốc vương Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da ở cõi Diêm Phù Đề có nhân duyên nhiều kiếp làm cha mẹ, nên Ngài quyết định giáng thần.
Hoàng Hậu Ma Da Nằm Mộng Thọ Thai
Bấy giờ, hoàng hậu Ma Da vợ vua Tịnh Phạn nước Ca Tỳ La Vệ, nằm mộng thấy voi trắng đi xuống vòng quanh bà ba vòng rồi từ hông bên phải mà vào, từ hôm đó bà thọ thánh thai một bậc Như Lai Đại Giác.
Thái Tử Đản Sanh Bảy Bước Nở Hoa
Đức Phật giáng sanh từ bên hông phải của mẹ trong vườn Lâm Tỳ Ni, với bảy đóa sen đỡ bước, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất mà rằng: "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn" (trên trời dưới đất, chỉ có trí huệ siêu phàm của bậc Giác Ngộ mới là tôn quý). Khi ấy là lúc rạng sáng ngày mùng 8 tháng 4 năm 623 trước Công nguyên.
Lễ đặt Tên Thái Tử
Đức Phật giáng sanh ở cõi đời này với thân tướng cao quý của bậc Chuyển Luân Thánh Vương cùng cốt cách phi phàm báo hiệu bậc thánh nhân xuất thế. Vua cha rất yêu quý thái tử, làm lễ đặt tên là Tất Đạt Đa, họ là Thích Ca.
Tiên A Tư Đà Xem tướng Thái Tử
Vua Tịnh Phạn thỉnh tiên nhân về hoàng cung xem tướng cho thái tử. Xem xong, tiên bật khóc mà thốt rằng: "Với 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của thánh nhân, thái tử sau này sẽ thành bậc Giác Ngộ vĩ đại! Chỉ đáng thương cho tôi đã già không còn được nghe lời pháp giải thoát của Ngài".
Ngồi Nhập Định Thấy Chúng Sanh Khổ
Năm lên bảy tuổi, một hôm theo cha dự lễ cày ruộng. Nhìn thấy cảnh xâu xé lẫn nhau của mọi loài, thái tử sanh lòng thương xót. Ngài ngồi dưới bóng mát của tàn cây chiêm nghiệm về lẻ sống ở đời với trạng thái suy tư mà vào thiền quán.
Văn Võ Thái Tử Hơn Người
Tuy chỉ mới vừa 16 tuổi nhưng thái tử đã tinh thông tất cả văn chương và võ học đượng thời. Mặc dù văn võ song toàn là người tương lai kế vị ngai vàng, Ngài cũng không hề có chút gì tỏ ra ngạo mạn, huênh hoang mà luôn nhân từ nhã nhặn.
Kết Hôn Với Công Chúa Da Du Đà La
Năm 17 tuổi, thái tử sánh duyên cùng công chúa Da Du Đà La xinh đẹp và hạ sanh được một người con trai đặt tên là La Hầu La. Tuy sống trong cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh, nhưng lòng thái tử vẫn luôn phảng phất đôi điều suy ngẫm về lẽ vô thường của hạnh phúc.
Thái Tử Yêu Thương Mọi Người Sâu Sắc
Với lòng yêu người thương vật, luôn tươi cười và bình đẳng với tất cả mọi tầng lớp trong xã hội, nên thái tử và công chúa được nhân dân vô cùng kính mến, nồng nhiệt đón chào, triều thần nể vị tôn vinh: Thiệt là một đấng minh quân thời thịnh trị.
Dạ Tiệc No Say Lộ Thể Xấu Xí
Môt hôm, sau yến tiệc do vua cha thiết đãi nhằm muốn dùng cảnh hoan lạc vui tươi để giữ chân người ở cung son kế vị ngai vàng, thái tử bất chợt nhìn thấy cảnh say sưa lăn lóc của mọi người sau khi vui vẻ khiến Ngài nhận ra bản chất thực của cuộc sống. Từ đó, lòng suy tư ngày càng trĩu nặng trên gương mặt trẻ của vị thái tử đương triều.
Dạo Bốn Cửa Thành Thấy Bốn Tướng Khổ
Sau khi dạo bốn cửa thành, chứng kiến cảnh sanh - lão - bệnh - tử của chúng sanh cùng dáng dấp trang nghiêm thoát tục và ý nghĩa của sự tu tập để giải thoát sự ràng buộc của một vị Sa môn. Thái tử thấm thía hơn nữa nỗi khổ đau của kiếp nhân sinh và Ngài quyết trí xin phép vua cha xuất gia tìm đường giải thoát.
Nữa Đêm Từ Biệt Vợ Con
Tuy không được sự đồng thuận của phụ vương với chí nguyện xuất gia tìm đạo, nhưng bởi nhân duyên tu tập nhiều đời thôi thúc. Thế rồi, vào một hôm nọ khi màn đêm buông trùm khắp kinh thành, mọi người đang chìm vào giấc mộng. Thái tử lặng lẽ từ biệt vợ và con, bỏ lại sau lưng đền
đài lầu các, nhẹ nhàng rời khỏi cung vàng, thực hiện chí nguyện xuất gia tìm đạo.
Rời Cung Xuất Gia
Giữa khuya mùng 8 tháng 2, cảnh vật lặng yên, đầy trời sao sáng. Với ánh sao khuya như dẫn lối, trăng non đưa đường, thái tử cùng người hầu Xa Nặc cưỡi ngựa Kiền Trắc, vượt dòng A Nô Ma, quyết chí xuất gia tầm đạo, cứu độ chúng sanh thoát khỏi sanh - lão - bệnh - tử, đoạn diệt phiền não đau khổ, sanh tử luân hồi.
Kiếm Huệ Cắt Tóc
Dòng A Nô Ma là dấu ấn lịch sử khi thái tử Tất Đạt Đa quyết tâm tìm cầu chân lý. Bên bờ sông khi ánh trăng vàng còn in trên mặt nước khuya, Ngài tự tay cắt mái tóc xanh, cởi hoàng bào gởi Xa Nặc đem về hoàng cung dâng lên vua cha tạ tội. Từ đây, Ngài bắt đầu dấn thân trên con đường tu hành, tầm cầu giải thoát để tìm ra lẽ đạo nhiệm mầu.
Liễu Ngộ Trung Đạo Xả Bỏ Khổ Hạnh
Sáu năm khổ hạnh nơi rừng già, biết bao chướng ngại với nhiều pháp môn. Mỗi ngày, Ngài chỉ ăn một hạt mè, một hạt gạo cho đến khi kiệt sức. Một hôm nghe tiếng đàn giữa không trung, Ngài chợt hiểu rằng tu theo lối khổ hạnh ép xác thì không thể tìm ra con đường giải thoát, chỉ có tu theo trung đạo là con đường duy nhất vô cùng thực tiễn, hợp lý và hữu ích để dẫn đến sự giải thoát hoàn toàn.
Mục Nữ Cúng Dường
Sau khi ngộ ra lý trung đạo, rời bỏ lối tu khổ hạnh ép xác sai lầm. Ngài rời khỏi chỗ ngồi, đến dòng Ni Liên tắm gội sạch sẽ. Sau đó Ngài đến ngồi tu tập dưới cội cây Bồ Đề và nhận bát cháo sữa từ nàng chăn cừu Tu Xa Đề cúng dường.
Thề Nếu Chứng Đạo Bát Này Xin Chảy Ngược Dòng
Sau khi dùng xong bát cháo sữa, sức khỏe Ngài dần bình phục, tâm hồn sảng khoái, khí lực được phục hồi. Ngài đứng dậy đi đến bờ sông Ni Liên thả chiếc bát xuống dòng nước và nói: "Nếu ta được chứng thành Phật quả thì chiếc bát này phải nổi trên mặt nước và trôi ngược dòng sông". Để minh chứng cho lời thề nguyện của Ngài, chiếc bát từ từr tôi ngược dòng nước chảy.
Long Vương Hộ Pháp
Từ dòng sông Ni Liên, Ngài trở lại gốc cây Tất Bát La, dùng cỏ Cát Tường lót làm tòa ngồi. Ngài ngồi tư thế kiết già mà phát đại nguyện rằng: "Dù cho thịt nát xương tan, nếu không tìm ra chánh đạo, ta quyết không rời khỏi cội cây này". Thệ nguyện rung động đất trời, cảm đến Long Thần hiện thân che mưa chắn gió khi Ngài nhập định tầm tu.
Ma Nữ Chướng Ngại
Sự tinh tấn tu hành của thái tử làm chấn động cảnh giới Ma vương Ba Tuần, vì thế Ma vương sai ba cô con gái đến dùng sắc đẹp quyến rũ, thân hình mê hoặc, để Ngài lung lay ý chí, từ bỏ sự tu hành, nhưng Ngài vẫn giữ chí tư duy, ngồi yên bất động.
Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật