Cùng nhìn lại và đánh giá tình hình tài chính cá nhân trong năm 2021

Trúc Nhi RB

Thành viên
Tham gia
1/10/2021
Bài viết
1
Ngay lúc này, bạn đang nghĩ về điều gì? Một kế hoạch tài chính mới cho năm 2022? Một chuyến đi xa cùng bạn bè? Hay đơn giản chỉ là giây phút được đoàn tụ cùng gia đình?
Dù là gì đi chăng nữa, trước khi đến với những mục tiêu mới trong tương lai, hãy cùng RedBag nhìn lại chặng đường đã qua. Tổng kết lại tài chính cá nhân và suy ngẫm về những bài học trong năm 2021. Có lẽ điều này sẽ giúp chúng ta có thêm niềm tin và sức mạnh để tiếp tục con đường thực hiện những mục tiêu mới của mình.​
Bàn về chủ đề lần này, RedBag đã có cuộc trò chuyện đặc biệt cùng chị Trần Thị Ái Vi - CEO Công ty Xuất Nhập Khẩu Nông sản Lộc Nương - Blogger “Ivy kể chuyện”. Để xem hôm nay chị ấy sẽ mang đến những câu chuyện thú vị nào nhé.​
phong-van-vi-tran-redbag-tag1
Nếu được dùng 3 từ để mô tả chung về năm 2021 thì theo chị đó là 3 từ gì? Vì sao?

Chị nghĩ đó sẽ là 3 từ: Bước ngoặt - Mất mát - Khởi đầu.

Đối với từ “bước ngoặt”, chị nghĩ nó là một câu chuyện. Trong khoảng thời gian 3 tháng, kể từ tháng 8 đến tháng 11/2021, có lẽ đây là giai đoạn kinh hoàng và sợ hãi đối với mọi người, đặc biệt là với những ai đang sinh sống tại các khu vực miền Nam như Bình Dương hoặc Sài Gòn. Thành phố “lockdown” (lệnh đóng cửa), thiếu thốn thức ăn, rau củ và phải ở trong nhà suốt.

Giai đoạn đó làm cho chúng ta thay đổi quan điểm về nhân sinh quan. Nó thay đổi không chỉ đơn giản về góc nhìn tài chính như: Kiếm được bao nhiêu tiền? Mục tiêu của tôi như thế nào? Tôi muốn hướng tới tự do tài chính ra sao? Mà nó thay đổi rất nhiều trong quá trình nhận thức về giá trị bản thân. Lý do vì sao mình tồn tại. Thời điểm dịch bệnh bùng phát giống như một cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại bản thân mình. Mình là ai và mình thật sự cần gì? Đó là bước ngoặt lớn nhất của chị.

Từ thứ hai là “mất mát”, nó không chỉ đơn giản là nền kinh tế suy thoái hay rơi vào tình trạng khủng hoảng như thay đổi công việc hay thất nghiệp mà thỉnh thoảng chúng ta cũng sẽ bị mất niềm tin vào bản thân mình.

Ngoài ra, trong thời gian đó, chị cũng thực hiện một dự án cộng đồng. Chị đã dùng tiền cá nhân và kêu gọi những người thân quen cùng nhau quyên góp rau củ để tiếp tế cho người dân. Trong suốt hai tháng trời, chị đã gửi được khoảng 90 tấn rau củ.

Thời điểm đó chị nhận được hơn 300 tin nhắn cầu cứu. Họ nói họ gặp khó khăn và họ cần rau củ. Có những bà mẹ không có tiền mua sữa, mua tã cho con, phải dùng băng vệ sinh để lót thay tã. Chị cảm giác đất nước như đang rơi vào nạn đói năm 1945 vậy. Có những gia đình mà người thân của họ bị mắc Covid và không thể qua khỏi. Nó kinh khủng tới mức cả đêm đó chị không ngủ được và nó kéo dài trong suốt một tuần liền. Đúng thật là đã có quá nhiều khó khăn và mất mát.

Trong suốt một năm chị cảm thấy mình làm việc rất tốt, chị kiếm được nhiều tiền, chị đặt ra mục tiêu đầu tư và hoàn thành việc trả nợ. Nhưng tới giai đoạn tháng 8, mọi thứ bỗng mất hết. Từ mục tiêu tài chính cho đến tất cả mọi thứ. Bởi vì xung quanh tiền bạc không còn là vấn đề nữa khi mà những người mình thân quen đều mất đi. Gói gọn lại đó chính là từ “mất mát” mà chị muốn nói đến.

Từ thứ ba chị muốn nói đến là “khởi đầu”. Từ thời điểm Sài Gòn bắt đầu mở cửa trở lại vào khoảng tháng 10, nền kinh tế dần được khôi phục và mọi người bắt đầu với cuộc sống “bình thường mới”.

Đối với công việc kinh doanh của chị, khi điều hành một công ty nông sản, mô hình kinh doanh trong giai đoạn lockdown sẽ khác với thời điểm mở cửa trở lại. Hệ thống *Supply Chain được khôi phục, giao thông vận tải dễ dàng và giá rau củ cũng ổn định hơn trước. Tỉ lệ mua sắm online dù đã tăng so với trước dịch nhưng so với thời kỳ giãn cách thì không bằng. Do đó chị cũng phải đáp ứng được nhu cầu thị trường lúc này. Chị nghĩ đây sẽ là một sự tái khởi động trở lại cho một nền kinh tế mới. Khi tìm hiểu về nền kinh tế vĩ mô thì chị cũng biết là chúng ta đang đi vào thời kỳ lạm phát. Tuy nhiên, khi đã đủ kiến thức và hiểu biết thì mình sẽ biết bước tiếp theo là gì.
review-tai-chinh-ca-nhan-nam-2021-redbag-001
Lý do bắt đầu buổi trò chuyện bằng câu hỏi trên đó là vì sẽ có một sự liên quan nào đó giữa thái độ của chúng ta về cuộc sống và tài chính cá nhân. Không biết chị Vi có thấy thế không? Nếu được miêu tả về tài chính cá nhân của chị trong năm 2021, chị sẽ nói điều gì?

Nếu kinh doanh bạn phải có kỹ năng quản trị tài chính, nếu lập gia đình bạn cũng phải biết cách quản lý tài chính cho gia đình. Do đó, tài chính cá nhân là một kỹ năng cơ bản mà ai cũng nên học và cải thiện. Để nói về tài chính cá nhân trong năm vừa qua, chị cũng sẽ chọn 3 từ trên vì tài chính cá nhân không thể nào tách biệt khỏi cuộc sống, công việc kinh doanh và gia đình của chị.

Hiện tại thu nhập của chị đến từ những nguồn nào?

Thu nhập hiện tại của chị đến từ công ty nông sản và công việc Freelancer Marketing. Chị đang làm thêm cho 2 công ty và vẫn nhận lương hàng tháng. Ngoài ra, chị còn có một số nguồn MMO (kiếm tiền online) khác như Affiliate Marketing cho Shopee, Tiki. Tiếp đến là thu nhập từ kênh youtube “Ivy kể chuyện” và thỉnh thoảng được chồng cho tiền. (Cười)

Nguồn thu nhập chính của chị sẽ chiếm khoảng 75-80% và 20% còn lại đến từ nguồn thu thụ động. Nhiều bạn vẫn thường khuyên chị là nên đi đầu tư đi, tăng nguồn thu nhập thụ động đi. Đúng, nhưng nó là câu chuyện đường dài. Hiện tại những nguồn thu nhập chính của chúng ta đều đến từ thu nhập chủ động. Thay vì nghĩ cách làm sao để đầu tư sinh lời nhanh thì trước hết hãy đặt mục tiêu tăng thu nhập. Vì để đầu tư sinh lời cao không dễ.
Hiện nay, có nhiều bạn mỗi tháng chỉ dư khoảng 1-2 triệu đã học đầu tư rồi. Trong khi đó, bạn hoàn toàn có thể kiếm nhiều tiền hơn từ thu nhập chủ động. Sau khi có nguồn thu nhập đủ lớn, mình mới suy nghĩ nên dùng số tiền này làm sao cho hiệu quả? Đầu tư những danh mục nào và ra sao? Đây là con đường đúng đắn theo góc nhìn của chị.
review-tai-chinh-ca-nhan-nam-2021-redbag-005
Chị không có ý chê bai việc đầu tư. Nếu bạn đi theo con đường đầu tư giá trị thì sẽ rất tốt. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, chị nghĩ việc tập trung tăng thu nhập chủ động trong giai đoạn sinh viên hoặc mới ra trường sẽ hiệu quả hơn. Hãy đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Nguồn thu nhập tiềm năng của tôi là gì? Rồi tích cực kiếm tiền và phân bổ thu nhập một cách hợp lý.

Không biết chị Vi đã đánh giá tài chính cá nhân của mình trong năm vừa qua như thế nào rồi? Chị đã tổng kết Balance Sheet (bảng cân đối thu chi) cho mình chưa?

À. Chị có công cụ còn mạnh hơn bảng Balance Sheet nữa. (Cười)

Chị cũng có một bảng “Review tài chính cá nhân” được chia làm ba cột. Thông thường, mọi người chỉ chia ra làm hai như thu và chi, nhưng với chị, còn có một cột nữa được gọi là “bể chứa”. Mọi người cũng thường hay thu bao nhiêu thì cứ chi tiêu, còn lại thì để dành cho tiết kiệm.
review-tai-chinh-ca-nhan-nam-2021-redbag-002
Nếu đã tìm hiểu về tài chính cá nhân chắc hẳn bạn sẽ thấy rằng mình phải đổi công thức. Thay vì “Thu nhập - Chi tiêu = Tiết kiệm” thì bây giờ đổi ngược lại là “Thu nhập - Tiết kiệm = Chi tiêu”. Khi vừa nhận được lương thì nên cất riêng một khoản cho tiết kiệm. Khi áp dụng công thức đó và phát triển thành bảng Review Tài Chính thì phần tiết kiệm sẽ thành bể chứa. Nguồn tiền của mình sẽ như một dòng chảy, tiền chảy vào, mình phải đổ đầy bể chứa. Phải chứa đầy bể đó rồi mới chảy ra nơi khác.

Khi sử dụng cách này, mỗi tháng mình phải có mục tiêu tiết kiệm. Tùy vào mỗi người mà sẽ có những cách giữ tiền khác nhau. Ví dụ có thể là vàng, cổ phiếu, trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, quỹ dự phòng hoặc bảo hiểm nhân thọ.

Nhờ vào bảng cân đối thu chi này mà chị biết được tháng này mình kiếm được bao nhiêu tiền, chi cho cái gì, tiết kiệm và trả nợ ra sao,... Dựa vào công cụ này chị cũng có thể quản lý tiền một cách chi tiết. Đồng thời sẽ giải quyết được một phần trong bức tranh tổng thể của cả năm.

Chị có những bước nào cụ thể khi tổng kết lại tài chính cá nhân trong năm không?

Thông thường chị sẽ không tổng kết tài chính theo năm mà sẽ theo tháng. Chị viết tay rất nhiều, chị thích viết vì đó là cách chị kết nối với bên trong rất tốt. Chị luôn đặt câu hỏi là chị mong muốn điều gì trước đã? Vì sao? Nó không phải như kiểu: Tôi muốn 20 triệu vì tôi thích 20 triệu. Mà nó sẽ là: Tôi muốn có 20 triệu để làm gì? Trả nợ ngân hàng, mua một món đồ hoặc ấp ủ một kế hoạch lớn trong tương lai như xây nhà.
review-tai-chinh-ca-nhan-nam-2021-redbag-003
Khi mình xác định rõ được mục tiêu thì câu hỏi tiếp theo sẽ là “How?”. Làm như thế nào để mình kiếm được số tiền này? Nguồn thu nào mình sẽ có? Điều này sẽ giúp mình có nhiều động lực để làm được điều đó.

Mọi người hay quá chú tâm tới việc sử dụng ứng dụng này, công cụ kia để quản lý tài chính. Nhưng thực chất quản lý tài chính để làm gì? Chị nghĩ công cụ chỉ là một phần, quan trọng là mình biết mình đang làm gì?

So với năm 2020, tài chính trong năm 2021 của chị thay đổi như thế nào?

Chị không phải là người quá chi li việc mình kiếm được bao nhiêu tiền so với năm trước. Chị chỉ đặt mục tiêu cho năm 2021 và đánh giá xem mình đã đạt được bao nhiêu %.

Chẳng hạn như mua chung cư, chị sẽ mua theo dự án chứ đâu phải có một cọc tiền trong tay rồi đi mua ngay được. Với chị, những mục tiêu lớn thường là những mục tiêu dài hạn. Do đó, phải phân bổ tiền làm sao để tiếp tục thực hiện mục tiêu trong năm 2020 mà vẫn hoàn thành mục tiêu năm 2021. Có năm mình sẽ làm tốt và có năm không. Do đó, mình không thể đem ra so sánh với một con số cụ thể được. Chị nghĩ còn phải tùy thời nữa. (Cười)​
phong-van-vi-tran-redbag-tag2
Trước những ảnh hưởng từ Covid nói riêng và những thay đổi trong cuộc sống nói chung thì trong năm nay chị đã điều chỉnh kế hoạch tài chính của mình như thế nào?

Có thể nói, tình hình tài chính của chị trong năm 2020 không hề bị ảnh hưởng. Ngược lại còn tăng và tăng đến 4 lần. Chị cũng đã đạt được mục tiêu mua đất và trả nợ. Nếu xét về khía cạnh kiếm được bao nhiêu tiền và có hoàn thành hay không thì chị nghĩ là chị đã làm tốt. Nhưng nếu hỏi lại mục tiêu đó còn quan trọng với chị trong thời điểm này nữa hay không thì chị nghĩ là KHÔNG.

Mục tiêu giống như việc chinh phục một ngọn núi. Mỗi ngày chúng ta cố gắng leo từng chút và khi lên đến đỉnh núi, chúng ta có cảm giác như mình đã đạt được mục tiêu, thỏa mãn cái tôi của mình theo kiểu: “Quao. Mình đã làm được. Mình đã chiến thắng chính bản thân mình.” Tài chính dễ ở chỗ là khi có một con số cụ thể. Mình suy nghĩ đến những nguồn lực hoặc khả năng nào mà mình có thể tận dụng để khai thác và kiếm tiền.

Thế nhưng đến năm 2021, chị không lường trước được tình hình dịch bệnh lại diễn biến phức tạp đến vậy. Tưởng tượng đến giai đoạn mà em bé không còn sữa để uống, phải nấu cơm và pha với nước loãng cho con ăn. Thời điểm đó chị xác định mình sẽ dừng kế hoạch trả nợ để tiền mua rau củ chuyển xuống Sài Gòn. Do dịch không thể vận chuyển được nên rau củ ở đây cũng rất rẻ, một ký đâu đó cũng 4-5 nghìn đồng thôi. Đó là lý do tại sao chị mua được cả mấy chục tấn như vậy.

Đó cũng là lúc những mục tiêu tài chính ban đầu không còn nữa mà mục tiêu bây giờ là làm sao để giúp được nhiều người nhất có thể. Khi nhìn lại khoảng thời gian đó chị cảm thấy tự hào vì mình đã dành hết số tiền mình có để mua rau củ quả và giúp đỡ mọi người.

Có lẽ năm 2021 là một năm nhiều thay đổi với chị. Về mặt cuộc sống chị đã trở thành một bà mẹ bỉm sữa, về công việc thì chuyển hẳn về Đà Lạt để theo đuổi dự án phát triển nông nghiệp dù tốt nghiệp ngành Digital Marketing, về học vấn thì chị vừa nhận được học bổng thạc sĩ thương mại toàn cầu tại RMIT.

Ngoài ra chị còn thực hiện nhiều dự án từ thiện khác và đã làm chị thay đổi góc nhìn về tài chính. Vậy với những hoạt động còn lại thì sao? Nó có khiến chị điều chỉnh lại kế hoạch tài chính của mình trong năm không? Có giai đoạn nào chị cảm thấy khó khăn về mặt tài chính không?


Nếu như nói những sự kiện quan trọng trong cuộc đời có ảnh hưởng đến tài chính của mình hay không? Chị sẽ khẳng định là CÓ. Thật ra, mình làm cái gì nó cũng sẽ ảnh hưởng hết.

Ví dụ khi làm mẹ, mình sẽ không thể dành toàn sức để kiếm tiền được nữa. Bởi vì ưu tiên hàng đầu của chị bây giờ là em bé. Do đó, sẽ có rất nhiều chi phí phát sinh. Điều may mắn là chị đang theo lối sống tối giản nên không tốn quá nhiều tiền cho việc chăm con. Chị rất sẵn sàng cho con mặc lại đồ cũ của họ hàng mà không hề ngại. Hoặc những đồ dùng cho mẹ hầu như chị sẽ mua đồ thanh lý hơn mua đồ mới, miễn dùng tốt là được.

Nhờ vào kỹ năng quản lý tài chính khá tốt từ khi độc thân nên kể cả khi làm mẹ, chị cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Thế nhưng, đôi lúc chị cũng bị cuốn vào việc chi quá nhiều tiền cho con. Đó là một thứ cảm xúc thú vị. Khi mình làm mẹ, mình thấy những món đồ nào dễ thương mình cũng muốn mua về hết cho con cái. Lúc độc thân thì lại khác. Nếu mình có quá thích một món đồ nào đó, mình sẽ tự bật lại là: “Không được, mình chỉ mua đồ cấp thiết thôi, cái nào thuộc về phạm trù sở thích là mình bỏ qua.” Thành ra kỹ năng quản lý tài chính bây giờ là một sự đấu tranh về cảm xúc.

Khó khăn lớn nhất của chị có lẽ là sở thích kiếm tiền và kinh doanh. Nhưng từ khi có em bé, chị xác định mình nên có một sự ưu tiên nhất định. Chứ chị không thể nào vừa học thạc sĩ, chăm sóc em bé mà còn kiếm tiền nữa. Do đó, chị đã quyết định tạm dừng việc kiếm tiền trong một khoảng thời gian để chăm sóc em bé trong những giai đoạn đầu đời của con. Vậy nên hiện tại chị đang xài tiền từ quỹ dự phòng của mình.
review-tai-chinh-ca-nhan-nam-2021-redbag-004
Lúc trước, tháng nào mình cũng kiếm được rất nhiều tiền, mình có tiền để trả nợ và chinh phục những mục tiêu, nhưng bây giờ mình chỉ được xài tiền dự phòng, cảm giác giống như một sự từ bỏ mà mình phải chấp nhận. Ban đầu chị khó chấp nhận được chuyện này. Tuy nhiên, sau một vài tháng thì chị cũng quen dần. Rõ ràng là mình có tiền và đang xài tiền của mình nên chị cũng không cảm thấy mình quá tệ vì không kiếm được tiền trong thời gian này. Chỉ đơn giản là mình hoãn việc kiếm tiền lại dành sự ưu tiên cho việc học và chăm sóc em bé. Học thạc sĩ đối với chị là một sự đầu tư chứ không phải là một sự tổn hao về mặt tài chính. Khi chị nghĩ được như vậy thì chị dễ dàng chấp nhận và sống vui vẻ.

Năm 2021 là năm đầu tiên chị bước vào cuộc sống hôn nhân. Vậy tài chính cá nhân của chị có gì thay đổi so với trước đây hay không?

Tùy vào mỗi cặp vợ chồng mà sẽ có những cách quản lý tài chính cá nhân khác nhau. Mặc dù đã kết hôn nhưng chị với anh vẫn khá độc lập về tài chính. Chị không biết anh kiếm được bao nhiêu tiền và anh cũng vậy. Chỉ khác nhau là vợ chồng chị có chung mục tiêu. Mục tiêu này cần bao nhiêu tiền? Anh có thể giúp gì? Em sẽ làm những gì? Nó là một bức tranh lớn cần có sự chung sức của cả hai.

Đơn giản cho việc này là chị không muốn bị ràng buộc. Tiền của chị thường sẽ không cố định. Ví dụ, thời điểm này chị có chừng này tiền, nhưng vài ngày sau chưa chắc có, và phải giải thích lại rất mệt. Tuy nhiên, chị và anh vẫn phải có quỹ chung để nuôi con. Chị thấy như vậy sẽ thoải mái và vui vẻ. Chứ chị không có nhu cầu giữ tiền của chồng. Chị chỉ có những tính toán chung cho cả hai. Bởi hiện tại chị cũng đang có nhiều kế hoạch tài chính riêng nên nếu anh đang làm tốt thì anh cứ làm đi.
phong-van-vi-tran-redbag-tag3
Với những hoạt động thiện nguyện sôi nổi như quyên góp rau củ, sách vở hỗ trợ bà con và trẻ em nghèo. Chị đã chuẩn bị tài chính như thế nào để thực hiện những hoạt động này?

Trong khoảng thời gian từ năm 2017-2018, chị có thành lập một tổ chức tên là “Cho đi là tử tế” ở Đà Lạt. Trong đó, chị sẽ tổ chức một khóa đào tạo khoảng 10 tuần cho các bạn học sinh cấp ba, cụ thể là trường Chuyên Thăng Long, Đà Lạt. Các bạn sẽ được học các kỹ năng quan trọng về quản lý dự án, thuyết trình, thiết kế Proposal, xin tài trợ,... và toàn bộ số tiền các bạn gây quỹ được sẽ được đóng góp hoàn toàn cho cộng đồng.

Ví dụ trong năm 2017, các bạn đã có chuyến đi sửa điện cho một làng dân tộc ở Dum Cờ Nớ huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, cách Đà Lạt khoảng 60km. Làng này gần như bị cô lập và lần đó chị nhớ các bạn đã sửa được điện cho khoảng 38 hộ dân. Năm 2018, các bạn gây quỹ được 100 triệu và xây dựng một cây cầu ở xã Phước Chỉ, Tây Ninh, giáp với biên giới Campuchia.

Đến năm 2019, chị tạm dừng mọi hoạt động từ thiện để đi du học. Chị cũng xác định rõ trong hai năm đầu sinh viên, mình sẽ dành hết nguồn lực và sức khỏe cho các hoạt động xã hội. Bởi chị đã ấp ủ mong muốn được giúp đỡ mọi người từ lâu, đó là lý do chị quyết định học Y dược, nhưng vì cảm thấy không phù hợp nên chị đã từ bỏ và theo học Kinh tế. Dù vậy, chị vần mong muốn được giúp đỡ mọi người bằng chính sức mình.


Năm 2020, chị tập trung vào công việc và những hoạt động kinh doanh của mình, nên 2019 chị không tốn quá nhiều nguồn lực tài chính cho việc từ thiện. Đó là năm chị có hoạt động quyên góp sách cho một trường cấp hai ở xã của chị. Lần đó cũng được hơn mấy trăm đầu sách.

Về hoạt động quyên góp rau củ, chị có sẵn một số tiền và có thêm sự trợ giúp của mẹ. Trong những tháng đó, kiếm được bao nhiêu tiền chị đều bỏ vào để mua rau củ. Có một điều may mắn đó là chị đang ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Đơn Dương và Đức Trọng là hai huyện cung cấp rau củ lớn nhất cả nước. Mẹ chị mua được rau giá rẻ cũng nhờ đó. Những cô vựa buôn xung quanh cũng hỗ trợ chị, họ đều là những người rất hào sảng, khi mà đất nước cần thì họ sẵn sàng bỏ tiền để cho rau. Cho nên nếu nói đến nguồn lực tài chính cho hoạt động lần này thì không có nhiều lắm.

Dưới ảnh hưởng của Covid-19 hoặc đơn thuần là do sở thích cá nhân, nhiều bạn trẻ cũng muốn thay đổi công việc và nơi làm việc. Đứng trước những quyết định như vậy, tài chính là vấn đề đầu tiên khiến nhiều người cân nhắc. Chị cũng đã từng có quyết định chuyển hẳn về Đà Lạt để theo đuổi đam mê của mình. Vậy không biết chị đã chuẩn bị những gì, nhất là về tài chính?

Vì công việc trước đó của chị là *Freelance nên việc quyết định ở lại Sài Gòn hay về Đà Lạt cũng không mấy khác biệt. May mắn hơn nữa là chị được các công ty tạo điều kiện để làm việc từ xa, dù với vị trí là Brand Manager ngành F&B. Tuy nhiên, đối với một số bạn làm việc văn phòng có thể sẽ gặp ảnh hưởng nhiều.

Trước khi muốn nhảy việc bạn ít nhất phải có quỹ dự phòng. Nếu mọi người thường xuyên theo dõi chị chắc chắn sẽ biết về quỹ này. Nếu quỹ dự phòng đủ đảm bảo cho bạn không cần làm việc mà vẫn có thể sống tốt một năm thì bạn có thể thỏa sức làm những điều mình thích, nhưng nếu chưa thì rủi ro khi nhảy việc sẽ khá cao.

Hơn nữa, trong thời buổi hiện nay, nhân sự thường xuyên bị đào thải, nhiều ngành nghề thậm chí lặn mất tăm. Để thích ứng bạn cần cân nhắc lại các nguồn lực mình hiện có là gì? Bạn muốn thay đổi công việc hay chỉ vì sự hào hứng nhất thời? Bạn mong muốn làm việc để kiếm tiền hay nâng cao kỹ năng? Khi đã xác định rõ được những điều đó bạn tự khắc sẽ có được câu trả lời.

Có thể thấy, công việc Freelance có đóng góp không nhỏ vào thu nhập của chị trong năm 2021. Hiện nay, nhiều bạn trẻ cũng đang lựa chọn làm Freelancer. Theo chị, điều gì về tài chính cần cân nhắc khi chọn công việc này?

Đơn giản rằng là: Khi các bạn làm Freelancer (công việc tự do), sẽ không ai đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế cho các bạn. Buộc các bạn phải tự lo. Với một số bạn mới ra trường, không có nhiều kiến thức về tài chính, bảo hiểm, không có “áo giáp” để bảo vệ mình thì chắc chắn một điều là bạn làm được bao nhiêu sẽ trả cho bệnh viện bấy nhiêu. Chị hiểu bởi vì chị đã trải qua điều đó trong năm 2020 rồi. Đó là lý do vì sao chị vẫn khuyên mọi người nên mua bảo hiểm nhân thọ sớm.

Thứ hai, khi bạn làm Freelance, bạn không biết cách quản lý tài chính tốt thì nguồn tiền của bạn sẽ rất mong manh, không có gì để bảo vệ hết.

Thứ ba, nếu lấy cột mốc 10 năm để nhìn lại tài chính của một người đi làm tại công ty bạn sẽ thấy: Nếu bạn nỗ lực chắc chắn bạn sẽ có được vị trí tốt hơn, hưởng phúc lợi tốt hơn. Nhưng với một người làm Freelancer thì bạn sẽ quay trở về như thế nào? Nếu cứ đi làm thuê cho người khác trong một đoạn đường dài thì sẽ ra sao?

Cảm giác tự do từ Freelancer sẽ mang lại cảm giác thỏa mãn trong một gia đoạn nào đó, nhưng về lâu về dài nó có sự ổn định hay không? Đặc biệt khi bước tới giai đoạn lập gia đình thì khủng hoảng tài chính nó sẽ tiếp tục một lần nữa. Cho nên với góc nhìn của chị, chị vẫn khuyên các bạn trẻ mới ra trường nên nộp đơn vào những công ty và tập đoàn lớn. Khi nào mình đủ lông đủ cánh, đủ sức mạnh, đủ kỹ năng, đủ mối quan hệ,... thì mình có thể đi ra làm riêng và tận dụng hết khả năng của mình.

Chị có đang theo đuổi tự do tài chính không?

Dù có tự do tài chính hay không thì chị vẫn sẽ tiếp tục làm việc. Có thời điểm chị làm việc không phải vì tiền nữa. Nên nếu như chị có rất nhiều tiền thì chị vẫn làm việc vì đơn giản nó thuộc vào giá trị của chị rồi. Đối với chị tự do là nằm trong tâm trí của mình. Mình cảm thấy mình không phụ thuộc vào đồng tiền thì đã là tự do.

Nhiều người nói đến các khái niệm Financial Independent hay Financial Freedom nhưng nếu các bạn có nhiều tiền rồi thì bạn có từ bỏ hết công việc hay không? Có bỏ hết mọi thứ chỉ để tiêu tiền và tận hưởng hay không? Đôi khi tự do tài chính sẽ không phải là đích đến mà chỉ là cột mốc trong cuộc đời mà thôi.

Chị sẽ không ngồi tính toán mỗi tháng mình sẽ kiếm được bao nhiêu tiền để đạt được tự do tài chính. Vì chị biết dù chị có đạt được con số đó thì chị vẫn tiếp tục làm việc. Làm việc sẽ giúp mình học hỏi và mở mang được nhiều thứ hơn. Nó giúp mình cân bằng lại cuộc sống và phát triển bản thân. Vậy nên khái niệm tự do tài chính đối với chị không quan trọng. Miễn chị biết mình làm gì và thấy vui là được.

Nếu chỉ xem đó là cột mốc thì hiện tại chị đã đạt được bao nhiêu % rồi?

Khi ngồi tính lại, nếu muốn đạt được tự do tài chính thì chị cần 6 tỷ. Hiện tại chị đã đạt được 1/6. Tuy nhiên, những con số này lại không đủ quan trọng bằng việc mình cảm thấy như thế nào trên hành trình đi đến tự do tài chính của mình. Nó chỉ là con số mà thôi. Hãy chăm chỉ làm việc và có kế hoạch quản lý tài chính tốt thì con số đó sẽ đến thôi.
review-tai-chinh-ca-nhan-nam-2021-redbag-006
Chị đã từng nhắc đến Luật hấp dẫn trong quản lý tài chính cá nhân ở một bài viết. Chị có thể chia sẻ thêm về cách chị áp dụng nó vào tài chính cá nhân của mình trong năm 2021 như thế nào được không?

Mỗi người đều có tần số rung động riêng. Suy nghĩ và cảm xúc của mình sẽ quyết định tần số của mình. Những lúc mình buồn chán thì cảm giác như cả thế giới đều quay lưng với mình. Khi mình vui thì mình thấy chuyện gì cũng dễ dàng. Đơn giản là vì ở tần số thấp thì mình sẽ thu hút những tần số thấp khác và ngược lại. Vậy nên, nếu muốn có một cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc thì hãy nâng cao tần số của mình. Hãy giữ cho trạng thái của mình luôn tích cực.

Tiền không hề giới hạn với bất kỳ ai và sự phú quý cũng vậy. Ở tuổi 21, 22 kiếm được 20-30 triệu là chuyện bình thường. Ở tuổi 21-22 khi mới ra trường chị đã kiếm được 40-50 triệu mỗi tháng rồi, trước đó chị không nghĩ là mình có thể kiếm được nhiều như thế. Khi mình không giới hạn bản thân, mình sẽ đạt được nhiều thứ. Khi mình luôn hướng về một mục tiêu thì ngày nào đó nó sẽ trở thành hiện thực.

Đôi lời cuối cùng chị muốn dành cho độc giả RedBag là gì?

Trong suốt năm 2021, chúng ta đã có một cuộc khủng hoảng làm thay đổi những góc nhìn nhân sinh về cuộc sống. Chúng ta đã trải qua giai đoạn cực kỳ khó khăn và đã có những bài học cho mình. Hy vọng mọi người sẽ áp dụng được nó cho năm 2022 và nhiều năm sau đó nữa.

Mong rằng mọi người vẫn sẽ giữ được sự tích cực và niềm tin cũng như đừng quá mụ mị vào những truyền thông hiện tại về các khái niệm như tự do tài chính, phải đầu tư mới giàu,... mà hãy quay lại với mục tiêu của các bạn. Các bạn có thấy hạnh phúc hay không. Đó mới là điều quan trọng nhất. Chúc mọi người bình an và sức khỏe.

Cảm ơn chị về buổi chia sẻ thật ý nghĩa vào dịp cuối năm. Chúc chị và các bạn độc giả của RedBag một năm mới tràn đầy sức khỏe, bình an và hạnh phúc.

Nhìn quanh để biết” là series phỏng vấn người thật việc thật về những vấn đề quen thuộc xoay quanh tài chính cá nhân. Thông qua chia sẻ của các khách mời, RedBag hy vọng bạn đọc có thể góp nhặt được những mẹo hay để ứng dụng vào việc quản lý tài chính cá nhân của bản thân mình.
Xem thêm: https://redbag.vn/blog/nhin-lai-va-danh-gia-tinh-hinh-tai-chinh-ca-nhan/
 
×
Quay lại
Top Bottom