Cứ chuyên nghiệp là phải CHẢNH???

Nghia ngu ngo

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
17/5/2012
Bài viết
27
Người xưa thường dạy rằng: “Sống ở đời không được tự cao tự đại, kẻ nào tự cao tự đại sẽ không có kết cục tốt”. Ngày trước tôi cực kì tin câu ấy, giờ đỡ rồi. Vì rõ ràng ngay cuộc sống hiện tại bây giờ, vẫn còn vô số những con người tự cao tự đại, CHẢNH trên đủ mọi phương diện, họ vẫn sống nhăn răng an nhàn mà chẳng bị sao cả, chỉ làm người khác…ức chế. Trong số đó có rất nhiều người là tri thức, đáng lẽ ra càng có nhiều kiến thức thì họ phải nhớ rằng xã hội chính là gốc nâng họ lên thì họ lại quay lưng với xã hội, chỉ vì lợi ích riêng tư mà chẳng chịu giúp đời. Đáng lo ngại, với cái thời buổi kinh tế thị trường, đồng tiền mất giá như hiện nay, cái số lượng người tự cao tự đại ấy lại càng tăng nhanh, với những thể hiện ra ngoài một cách hợm hĩnh và nặc mùi tư lợi cá nhân hơn nữa. Chúng ta sẽ khoan nói tới việc một thằng nhóc nhà giàu quăng tiền vào mặt bạn mà nói: “Tao không chơi với mày, mày nghèo lắm!”, vì dẫu cho có ảnh hưởng về nhân cách thì đó còn là chuyện của tương lai. Trước mắt nhìn thẳng vào thực tại thì cũng có nhiều hạt sạn để nhặt lắm rồi!

Một thực tế không thể phủ nhận được rằng các mối quan hệ ngày nay đang đi theo 1 chiều: người ở dưới cố gắng trèo lên bắt quan hệ với người ở trên và người ở trên là bắt quan hệ với người ở trên nữa… Thế nhưng càng về cao, con người ta lại càng thể hiện một cách thụ động hơn: Họ thậm chí chẳng thèm để mắt tới những người ở dưới, cứ thế ngặm tăm và ngồi chờ một cách hành xử mới để lấy lòng mình. Thay vì nói dứt khoát ý kiến như người phương Tây, nhiều người Việt Nam có thái độ rất “Chảnh”: không nói mà cho ra đời hàng loạt sách, bài viết về “bí quyết giao tiếp với cấp trên”, “làm sao để tiếp cậm với lãnh đạo” để người cấp dưới phải đọc và làm theo để vừa lòng họ, như thể họ là trung tâm, là “đối tượng nghiên cứu” vậy. Mà nói như thế thì chuột bạch là 1 thứ đáng để so sánh. Cứ cái kiểu im ỉm để làm ra một tác phong giả tạo ấy đã ngốn mất bao nhiêu thời giờ,gây ức chế cho những người xung quanh, thậm chí là chính họ khi “Tại sao không ai hiểu mình muốn gì nhỉ”.

Lấy một ví dụ nho nhỏ thế này. Bạn nhắn tin cho một vị giám đốc nhờ giúp đỡ. Chắc hẳn ông ta sẽ đập vào mặt bạn một sự im lặng để ngầm chỉ rằng: “Mày làm vậy là thiếu chuyên nghiệp rồi, gọi cho tao mau lên!”. Và khi bạn gọi, tôi dám cá với bạn 100% đầu dây bên kia không nhấc máy. Tất nhiên có khi chẳng phải gì hết mà chỉ vì “số lạ”. Cái họ đang muốn chứng tỏ, phải chăng là “Tôi là một người thành đạt và luôn luôn bận rộn, đừng hòng bắt chuyện với tôi!”. Và họ muốn nhét cái ý nghĩ đó vào những ai gọi điện cho họ từ một số lạ không quen biết. Nhưng họ đã lầm, những người đầu dây bên kia sẽ chỉ coi họ là một kẻ chảnh đáng ghét, và có hợp tác cũng chẳng thể lâu dài được. May mắn sau vài chục cuộc gọi điện, bạn có thể được nghe máy, và cũng chẳng thể nào hẹn một cuộc hẹn trực tiếp được vì dù có đặt thời gian thế nào cũng sẽ chỉ có một hồi đáp “Tôi bận rồi”, dù cái bận ấy có khi chỉ là ở nhà ngồi rung đùi đọc sách. Thế thì sao? Đành bàn bạc trực tiếp qua điện thoại ư, tiếc là ý định đó sẽ dừng lại ngay ở câu thứ hai của đầu dây bên kia: “Hãy gửi mail đi đã!”. Và tất nhiên, những cái mail của các nhà “chuyên nghiêp chảnh” ấy chẳng bao giờ biết trả lời. Tôi đã từng viết mail cho hàng chục công ty về một vấn đề. Một sự thật bất ngờ tới phũ phàng là không có lấy một lá mail hồi đáp. Ngay cả những câu thẳng thắn nhất như “Bạn là thá gì mà đòi viết mail cho tôi?” hay “Để viết mail cho tôi, bạn phải quen ông to bà lớn, có nhà lầu, xe hơi đi rồi tính!” mà họ cũng không nói được. Phải chăng tôn trọng người khác là khó thế hay sao? Họ cũng là những người học cao hiểu rộng, vậy mà lại “tạo dựng thiện cảm” bằng một cách đặc biệt như thế!

Tuy nhiên coi vậy chứ những cái mail info@ ấy cũng không phải câm như hến. Sau nhiều lần viết mail đề nghị hợp tác không được, tôi dùng một mail khác và giả làm khách hàng muốn đặt mua sản phẩm. Lập tức những mail ấy phản hồi nhanh chóng, rồi những cuộc điện thoại tư vấn tới tấp một cách lạ kì. Một lần khác, có người bạn chuyển tiếp cho tôi một lá mail có ghi thông tin về khóa học do tổ chức abc gì đó thực hiện. Tôi chỉ phản hồi mail anh ấy có một câu “nghe có vẻ hay đấy” mà ngay lập tức hôm sau đã có liền một cuốc điện thoại gọi cho tôi: “Chào em, chị nghe nói em có hứng thú với khóa học xyz hả, chị sẽ tạo điều kiện cho em, em đăng ký tham gia nhé! Khi nào chị đưa vé cho em được?...” vân vân và vân vân. Thậm chí còn có hàng loạt chiêu trò khuyến mãi, giảm giá, quà tặng…để thu hút tới tấp khách hàng. Phải chăng đến lúc này những con người ấy mới nhận ra giá trị của sự tín nhiệm quan trọng đến mức nào?Tại sao họ không nghĩ ngay từ đầu rằng những con người “thấp cổ bé họng” kia sẽ trở thành khách hàng của họ?

Tất nhiên vẫn có những con người thân thiện, nhưng 80% số ấy theo nhận định của tôi là…thân thiện trong các cuộc họp mặt, hội thảo. Trong một lần đi giao lưu cộng đồng doanh nhân làm chủ, tôi đã tận mắt chứng kiến một vị giám đốc sẵn sàng bỏ 15 triệu đồng ra mua cây cảnh nhỏ xíu để ủng hộ từ thiện, một việc mà những người còn lại ở đó không ai dám làm. Lẽ dĩ nhiên ông ta được mọi người kính nể, trọng vọng. Thế nhưng vừa đi ra ngoài, gặp bà cụ già ốm yếu mời mua vé số, ông ta ngoắt mặt đi ngay. Cái kiểu thân thiện này thì báo chí đã tặng cho nhiều gạch, đá lắm rồi. Cái từ “thân thiện” theo nghĩa ấy ta có thể gặp ở khắp nơi, và sẽ cứ tưởng rằng việc giao du với họ là dễ lắm. Nhưng bảo đảm rằng, đến lần thứ hai bạn liên lạc thì sẽ có hai trường hợp xảy ra, một là nhân vật gây ức chế ngàn năm xuất hiện “Số điện thoại quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được” , hai là vị giám đốc thân thiện sẽ hỏi “Mày là thằng nào?”. Tương tự, bạn sẽ cảm động tới rớt nước mắt khi mời được một vị diễn giả tài ba tốt tướng đến chươn trình của mình cho đến khi vị diễn giả ấy phá nát chương trình của bạn bằng vài câu như: “Tôi đang có một khóa học hay giá rẻ! Các bạn hãy tham gia ngay, mại dzô mại dzô!” (!!)

Song song với cái chảnh của những ông to bà lớn thì không thể không kể đến những cái chảnh “ăn theo”. Những cái chảnh ấy nhen nhúm ngay trong lòng giới học sinh, sinh viên. Kẻ thì chảnh vì cha mẹ là những bậc “giám đốc chảnh” như đã kể trên. Kẻ thì chảnh vì quen với những người chảnh. Tôi đã gặp không ít người hễ mở miệng ra là khoác lác “Tôi đang bận chạy dự án với anh X, anh X là giám đốc công ty abc, tối còn phải đi đầu tư với chủ doanh nghiệp xyz, mệt quá! …” Buồn cười thay cho những người cố tỏ ra vẻ bận rộn ấy. Một kiểu chảnh khác cũng lan truyện rộng rãi trong giới này là sự tạo ra khoảng cách với những người xung quanh. Nếu bạn giao tiếp với những người loại này, nhất là qua yahoo và tin nhắn, sẽ bị ức chế toàn tập bởi những cái im lặng, những từ có lim là ba chữ như “uhm”,”hi”,”chào”,”hì”,”ờ”,”haha”, “bận rồi”, “nói chuyện sau”… Thật buồn cười khi chỉ có vẻn vẹn bảy chữ “Tôi không muốn nói chuyện với bạn” mà họ phải làm đủ thứ như vậy! “Chảnh” như thế chỉ vì tiếng khen “Ôi anh ấy thật chảnh” hay sao?

Tất nhiên cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Theo nhận định riêng của tôi thì những con người cố tỏ ra chảnh ấy chỉ muốn mọi người nhìn vào họ với con mắt là một người “chuyên nghiệp”, “thành đạt”, “tài ba”… Giống như những món hàng, cái gì càng xa lạ thì người ta càng nhầm tưởng về giá trị của nó. Nói tới Ipad nghe hay hay, người ta có thể đoán mơ đoán hồ rằng giá trị của Ipad vô cùng mắc. Nhưng nếu xét về mặt vật liệu chế tạo thì chắc hẳn sẽ có những mất giá thấp hơn. Cũng vậy, những ông to bà lớn muốn làm ra mình giá trị lắm, dù tất cả những thành công và chuyên nghiệp đều từ miệng họ mà ra chứ không ai kiểm chứng bao giờ. Họ tập ăn mặc sang trọng, chém gió như bão, học khua tay múa chân để đúng đáp số về bài toán ngôn ngữ cơ thể đối với khách hàng. Tất cả đều gượng gạo theo kiểu “Tôi nói thật đấy! À, đợi chút để tôi ngửa bàn tay ra đã!...” (!?). Cuối cùng cũng chỉ để câu thêm những người ở vị trí cao hơn làm đối tác với mình. Tiếc thay rằng tấm lòng của họ lại chẳng được tuyệt vời như những gì họ cố gắng tỏ ra.

Chắc hẳn nhiều người khi đọc bài viết này sẽ nghĩ “Ôi dào, chỉ là một bộ phận trong xã hội thôi, nói làm chi cho mệt!”. Thế nhưng, “một bộ phận” là bao nhiêu? Chúng ta đã nghe quá nhiều đến những kẻ phá hoại môi trường, đến những giới trẻ ăn chơi, tiêu tiền như rác, những tệ nạn xã hội…đó cũng là “một bộ phận”. Nhưng “bộ phận” ấy đủ lớn để ta có thể gặp nó hàng ngày, ở bất cứ mọi nơi, ngay cả khi ra đường lẫn ngồi xem máy tính. Vậy thì “một bộ phận những người chảnh” cũng không khác gì. Nếu có con số thống kê cụ thể thì tin rằng cũng phải cứ 10 người thành đạt là có 1 người chảnh chứ không ít. Và thật đáng buồn rằng điều này thường xảy ra ở Việt Nam. Nếu được hỏi giữa Việt kiều và người nước ngoài, liệu đây có số lượng “chảnh” nhiều hơn thì chắc hẳn câu trả lời sẽ là Việt kiều.Để cho có vần , đôi khi người ta thường ghép từ “chảnh” với tên một con vật, và chắc không ai muốn bị gọi với tính từ ấy. Vì vậy, xin đừng cố tỏ ra “chảnh” với một lí do vớ vẩn và chẳng có lợi gì cho mình!

Trong thế giới những con người chuyên nghiệp, tôi may mắn được biêt anh Lu Tùng Thanh. Với tôi, anh là một ngôi sao sáng trong làng kỹ năng. Anh luôn thân thiện và nhiệt tình với mọi người, không bao giờ tỏ ra có khoảng cách dù đối với một học sinh “tép riu” như tôi. Nếu không nhờ anh chia sẻ về các kỹ năng, người ta sẽ chỉ thấy anh là một người bình thường, giản dị và có một thiện cảm khiến người khác quý mến đến lạ kì. Điều này còn tốt hơn gấp mấy lần những trào lưu kỹ năng và tôn vinh vẻ ngoài khác.

Còn những người như anh Thanh thì tôi còn nuôi hi vọng rằng thế giới của những người “chuyên nghiệp chảnh” có thể thay đổi được
 
×
Quay lại
Top Bottom