Công việc trong mơ, hướng đi như thế nào?

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
- Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới khó khăn, hàng ngàn doanh nghiệp chịu phá sản, giảm biên chế nhân viên thì lẽ dĩ nhiên nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp là rất ít. Những sinh viên mới tốt nghiệp ra trường sẽ không có cơ hội bắt nhịp với nhà tuyển dụng nếu như không trau dồi cho mình những kỹ năng, kiến thức cần thiết trước khi bước chân vào đời.
a-job-in-any-eco.jpg

Đa số sinh viên mới ra trường đều không định hướng được sự nghiệp của bản thân sau này. Họ nhận làm những công việc không phù hợp với chuyên môn được học, sau thời gian làm việc họ mới tìm ra hướng đi đúng cho sự nghiệp bền vững sau này. Những kiến thức chuyên môn được học trên giảng đường giống như hạt cát trên sa mạc, muốn làm tốt công việc phải trang bị cho mình nhiều kỹ năng khác, bồi dưỡng tinh thần học hỏi mọi lúc mọi nơi, phát huy thế mạnh bản thân ở bất cứ công việc nào. Nhà tuyển dụng quan tâm nhiều đến khả năng thích ứng với công việc của các ứng viên, khă năng đóng góp của họ cho sự phát triển của công ty chứ ít khi quan tâm đến chuyên môn khi bạn mới ra trường.

Một số câu hỏi tôi đã gặp trong quá trình phỏng vấn xin việc như: Bạn biết gì về văn hóa công ty? Nếu công ty giao cho bạn công việc không đúng với chuyên môn bạn sẽ làm thế nào? Bạn có chấp nhận đi công tác hay không?... Các ứng viên muốn vượt qua những câu hỏi này cần phải tìm hiểu thật kỹ về công ty và "khôn khéo" trong ứng xử trả lời.

Một số bạn khi mới ra trường chỉ chăm chăm tìm kiếm công việc trong mơ như ý định khi ngồi trên ghế giảng đường. Thực tế, bạn không thể biết chắc một công việc có thật sự như mơ hay không cho đến khi bạn bắt tay vào làm tại cơ quan đó. Nếu bạn thích nghi với công việc, hài lòng với mức lương, hòa nhập với đồng nghiệp, thoải mái trong tư tưởng thì đó là môi trường mơ ước của bạn. Hãy hành động, hãy tìm cho mình một công việc để làm chứ đừng ngồi nhà lựa chọn khi mình chưa có gì, quá trình làm việc sẽ cho bạn nhiều cơ hội hơn để lựa chọn.

Tôi đã chuẩn bị cho mình CV thật chỉn chu, một tâm thế quyết thắng dựa trên những kiến thức đã học và bắt tay vào quá trình tìm việc. Tôi quy hoạch tất cả các mối quan hệ đã tích cóp được, những thông tin tuyển dụng đăng trong các trang báo, Internet… và nộp hồ sơ khi thấy công việc nào phù hợp. Quả thật, trong vòng nửa tháng đã có nhiều công ty gọi tôi phỏng vấn, tôi tham gia tất cả các cuộc phỏng vấn có thể với mong muốn học hỏi kinh nghiệm và trao dồi kĩ năng của mình.

Trời đã không phụ lòng người khi mà có đến 3 công ty cùng lúc nhận tôi vào làm việc và đây cũng là lúc tôi thấy khó khăn để lựa chọn một công việc cho mình là thiết kế, thi công hay quản lý dự án. Tôi phân vân quyết định chọn thi công trong bối cảnh khó khăn chung của nghành xây dựng, bất động sản để có thể làm việc nhiều hơn và học hỏi nhiều hơn. Thế đấy, nếu bạn còn ngồi trên ghế nhà trường cũng đừng lo thất nghiệp mà nên tìm hiểu thật kỹ về nghành nghề của mình, những việc mình có thể làm khi ra trường, để khi đứng trước những lựa chọn bạn sẽ có những quyết định sáng suốt nhất cho cuộc đời mình chứ đừng có thốt lên “Giá như mình biết trước được những điều này khi còn là sinh viên!” .

Quá trình làm việc tôi cũng sẽ vấp phải những khó khăn do thiếu nhiều lắm những kĩ năng mà tôi khhông thể tìm thấy trong các cuốn giáo trình đã học và phải hì hục trau dồi cho bản thân để làm thật tốt công việc. Một số kỹ năng tôi kể ra đây có thể các bạn nghĩ là đơn giản nhưng rất cần thiết trong cuộc sống lẫn khi đi làm và tôi phải tự trau dồi mỗi khi có cơ hội.

1.Khả năng thích nghi nhanh với công việc

Mỗi nhà tuyển dụng khi chọn chẳng ai muốn bạn chỉ là người thử việc, khi được nhận vào làm bằng mọi cách bạn hãy nhanh chóng làm quen với các đồng nghiệp trong công ty và nhận làm những việc nhỏ nhất như photo tài liệu, sắp xếp giấy tờ… Bạn phải làm thật kỹ để chiếm được lòng tin cho những công việc lớn hơn, chẳng ai dám quăng cho bạn một đống công việc khi bạn mới vào làm đâu!

2.Nhún nhường, nhẫn nại và xử lý xung đột

Chỉ số kiềm chế cảm xúc EQ mới là yếu tố quyết định thành công của chúng ta chứ không phải chỉ số IQ đâu các bạn nhé! Đừng dại dột bộc lộ tất cả “lòng dạ” của mình phô bày cho đồng nghiệp thấy khi bạn là “ma mới” chân ướt chân ráo vào nghề. Hãy cứ nhẫn nại một chút, nhún nhường một tí để thăm dò “lòng dạ” người khác, vì đôi khi sẽ có những bè phái ngầm trong công ty mà bạn vô tình hay cố ý làm động chạm đến họ. Khi đã xác định được sân khấu của mình thì chính là lúc để bạn phô diễn những cá tính, biệt tài, mục tiêu và “tham vọng” của mình.

3.Khả năng cập nhật thông tin

Môi trường nào cũng vậy, công việc nào cũng vậy, ngoài thời gian làm việc thì cũng có chỗ cho thư giãn, trò chuyện. Khi các đồng nghiệp nói về những chủ đề nóng bỏng, thời sự thì chí ít bạn cũng góp vui bằng vài chi tiết liên quan, dăm ba câu bình luận chứ đừng ngồi yên như bụt. Đây không phải bạn nhiều chuyện mà là cơ hội làm quen với đồng nghiệp, hiểu nhau nhiều hơn và tạo niềm tin nhiều hơn. Để làm được điều đó bạn nên dành ít thời gian xem tin tức mỗi ngày hoặc dạo qua các trang báo mạng.

4.Tự quản thời gian

Khi đã chiếm được niềm tin từ cấp trên, bạn sẽ tiếp cận và hỗ trợ nhiều hơn những công việc với chủ quản của mình ngoài những công việc thuộc chức trách bạn phải giải quyết mỗi ngày. Để không bị mất lòng tin từ sếp, bạn không thể từ chối những công việc được giao nhưng sẽ khó khăn nếu bạn phải hoàn thành tất thảy những công việc đó vì quỹ thời gian của mỗi người là có hạn. Hãy xác định xem việc nào quan trọng phải hoàn thành trước, những việc còn lại làm sau hoặc có thể tìm cách chia sẻ với những đồng nghiệp khác. Lập kế hoạch cụ thể cho công việc của bạn để hoàn thành tốt mọi công việc mà vẫn có thể thảnh thơi để đảm bảo “trường kì kháng chiến” chứ không phải làm việc một sớm một chiều.

5.Nói trước đám đông

Không sớm thì muộn, khi đã đi làm bạn sẽ có lúc phải phát biểu trong các cuộc họp, thuyết trình đấu phương án, báo cáo lãnh đạo, đào tạo nhân viên... Đối với những ai chưa từng làm việc này trước đó sẽ vô cùng lo lắng và không thể muốn là làm được. Chiến thắng tâm lý sợ hãi là điều quan trọng tiên quyết với suy nghĩ “ Hãy xem mọi người như cỏ rác còn mình là Các Mác, Lê Nin” (Cười). Ngoài ra, bạn còn phải kiên trì thói quen đọc sách báo, không ngại trải nghiệm để tiếp thu thật nhiều kiến thức thì mới có “vốn” để chia sẻ khi nói chuyện.

6.Truyền đạt thông tin, báo cáo

Không phải ngẫu nhiên mà những người làm việc nhiều đôi khi lại không thành công bằng những người làm việc ít mà có kỹ năng truyền đạt thông tin. Khi bạn được giao việc không phải chỉ hoàn thành tốt công việc là xong mà phải biết báo cáo cho cấp trên nắm tình hình, những vướng mắc trong quá trình thực hiện cũng thông tin cho cấp trên nếu cần sự hỗ trợ giúp đỡ. Kết quả công việc bạn hoàn thành tốt cũng là thành tích mà cấp chủ quản của bạn muốn báo cáo lên cấp trên của họ.

7.Kỹ năng máy móc công nghệ

Thời buổi công nghệ thông tin, bạn không thể nói rằng mình không rành máy tính, không có lấy một cái mail để liên lạc… Những kỹ năng sử dụng phần mềm hoặc đôi khi là sữa chữa hư hỏng nhỏ cũng giúp ích bạn rất nhiều trong công việc. Tôi xin cam đoan với bạn rằng chẳng có ai cảm thấy thoải mái khi bạn cứ liên tục nhờ xử lí những lỗi trong văn bản của bạn hoặc máy báo lỗi không in được…Đó là chưa kể nếu bạn biết sử dụng những phần mềm đặt biệt khác thì đôi khi đó là công cụ để bạn “lấy điểm” với cấp trên của mình đấy.

8.Khả năng lãnh đạo

Với trình độ học vấn của bạn thì khi được tuyển dụng cũng là để làm công tác quản lý tổ đội công nhân bên dưới. Cách thức bạn triển khai công việc để thuyết phục công nhân, phân chia sắp xếp họ làm việc đúng chức trách đảm bảo tiến độ đề ra là cả vấn đề đòi hỏi kỹ năng lãnh đạo của bạn, mọi sự không công bằng gây ức chế hoặc thiếu hiểu biết cũng sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Bạn phải giữ được uy tín của mình, đảm bảo công bằng quyền lợi và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với công việc mình yêu cầu thì mới có thể đảm bảo điều động được người khác làm việc. Cấp độ cao hơn nữa, khi bạn được thăng tiến trong sự ngiệp thì những kỹ năng trên là cốt lõi để bạn có thể lãnh đạo trong tổ chức bao gồm những người quản lý có học thức cao.

9.Kỹ năng làm việc nhóm

Mỗi người đều có sở trường, sở đoản, không ai có thể một mình hoàn thành tốt được tất cả công việc vì luôn có những trường hợp bạn không thể làm tốt hơn người khác, làm việc nhóm sẽ giúp cho công việc đạt hiệu quả tốt hơn. Những buổi họp trao đổi sẽ mang lại sự đồng thuận trong công việc, bồi đắp tinh thần đồng đội và khả năng làm việc nhóm.

Và còn nhiều kỹ năng khác bạn sẽ thấy bản thân mình cần phải bổ sung trong quá trình làm việc, đặc biệt khả năng ngoại ngữ là yếu tố chìa khóa cho cánh cửa sự nghiệp của bạn. Chúc tất cả thành công với những lựa chọn của mình!
Theo ictpress.vn
 
×
Quay lại
Top Bottom