Công thức nấu những món chè ngon mỗi ngày

ranjeny

Bình yên
Thành viên thân thiết
Tham gia
21/4/2016
Bài viết
460
Công thức nấu những món chè ngon mỗi ngày

1.Chè thập cẩm

30950-cach-nau-che-thap-cam.jpg


Chuẩn bị

Nửa củ khoai môn cao: gọt vỏ, rửa sạch và cắt miếng vuông
3 củ khoai lang: gọt vỏ, rửa sạch và cắt khúc
250g bột báng: ngâm nở trước lúc nấu khoảng nửa tiếng
150g đậu đỏ: ngâm đậu đỏ qua đêm cho mềm
300ml nước cốt dừa đóng hộp
350g đường kính trắng

Cách nấu

Bước 1: Cho bột báng đã ngâm vào nồi, nấu khoảng 20 phút cho bột chuyển sang màu trong. Sau khi bột báng chín, cho ngay ra rổ, xả nước lạnh và cho vào ngăn mát tủ lạnh.

Bước 2: Nấu đậu đỏ với nước vừa ngập mặt hoặc có thể đong 1 lon đậu: 1 chén nước.

Bước 3: Khi đậu đỏ mềm, cho khoai môn vào. Nấu khoảng 15 phút, khoai môn mềm, cho tiếp khoai lang vào nồi.

Bước 4: Cho đường vào nồi khoai, đậu khuấy đều và nấu thêm khoảng 15 phút. Sau đó cho bột báng vào, khuấy thêm lần nữa và tắt bếp.

Bước 5: Múc chè ra bát, cho nước cốt dừa lên mặt và thưởng thức.


2.
Chè xoài
30955-che-xoai-nguyen-truong-to-1.jpg

Chè xoài



Chuẩn bị

1 miếng dưa hấu: dùng dụng cụ múc trái cây chuyên dụng, múc thành từng viên tròn.
3 trái xoài chín: cắt làm đôi, dùng dụng cụ múc trái cây chuyên dụng, múc xoài thành từng viên tròn
8 quả dâu tây: bỏ cuống và cắt làm bốn.
15g hạt é đã ngâm nở
15g bột báng: ngâm nở trước lúc chế biến khoảng nửa tiếng
30ml sữa đặc
Nước cốt dừa đóng hộp
15ml siro trái cây
Một ít sợi dừa bào
350g đường kính
Đá bào

Cách nấu

Bước 1: Nấu bột báng đã ngâm với nước trong khoảng 20 phút. Khi bột chuyển sang màu trong bạn vớt ra, xả với nước lạnh và cho vào ngăn mát.

Bước 2: Múc một muỗng bột báng, 1 muỗng hạt é và gắp các nguyên liệu còn lại mỗi thứ một ít vào ly. Sau cùng cho đá bào lên trên mặt, chan nước cốt dừa và ít siro trái cây lên mặt đá.

Lưu ý: Khi dùng bạn múc một ít hạt trân châu nhỏ, thêm hạt é, xếp vài lát dâu tây, dưa hấu và xoài lên bề mặt, rưới một ít sữa đặc và nước cốt dừa, cuối cùng cho dừa bào sợi và thêm đá bào, trộn đều lên. Dùng chè khi còn lạnh sẽ ngon hơn.

3.Chè đậu ván và hạt sen

30981-che-dau-van.jpg

Chè đậu ván và hạt sen



Chuẩn bị

250g hạt sen khô
300g đậu ván khô
4 viên đường phèn
1 ít muối
Vài lá dứa bánh tẻ

Cách nấu

Bước 1: Nấu đậu ván với ít muối khoảng 20 phút, tắt bếp, đậy kín nồi và để qua đêm cho đậu nở mềm.

Bước 2: Hôm sau, bạn vớt đậu ván ra ngoài, đãi vỏ và để ráo.

Bước 3: Đem đậu ván đi hấp khoảng 20 phút.

Bước 4: Hầm hạt sen với khoảng 500ml nước. Khi hạt sen mềm cho đường phèn vào cùng.

Bước 5: Đường phèn tan, cho đậu ván vào cùng vài lá dứa và nấu thêm khoảng 10 phút.

Khi ăn, múc chè ra bát và dùng nóng.

4.Chè củ sắn (mì)
30983-che-khoai-mi.jpg

Chè củ sắn (mì)



Chuẩn bị

300g khoai mì: gọt vỏ, bổ đôi, bỏ xơ lõi và ngâm nước muối loãng khoảng 8 tiếng
15g bột báng: ngâm nở trước lúc nấu khoảng nửa tiếng
350g đường kính trắng
30g bột nếp
250ml nước cốt dừa đóng hộp
1/2 chén đậu phộng rang
1/2 chén dừa bào sợi
1 bó lá nếp (lá dứa): rửa sạch, cắt khúc, xay thật mịn và chắt lấy nước.
Một ít muối

Cách nấu

Bước 1: Nấu bột báng nở, đem xả qua nước lạnh và giữ trong ngăn mát tủ lạnh.

Bước 2: Lấy khoai mì ra ngoài, bào mịn và dùng tay vắt cho nước ráo.

Bước 3: Nước cốt lá dứa đem đi trộn với nửa số đường, ít muối và bột nếp.

Bước 4: Trộn đều khoai mì vào phần nước cốt lá dứa và vo viên tròn.

Bước 5: Thêm ít nước lọc vào nước cốt dừa và số đường còn lại mang đi nấu. Sau đó, cho viên khoai mì lá dứa vào nấu cùng. Khi khoai mềm, cho đường vào nấu nhỏ lửa. Sau khoảng 15 phút, đường thấm, cho bột báng vào, khuấy đều và tắt bếp.

Khi dùng, chan nước cốt dừa lên chén chè để có vị beo béo thơm ngon.

5.Chè bột lọc heo quay
30975-che-bot-loc-heo-quay.jpg

Chè bột lọc heo quay



Chuẩn bị

1 chén bột lọc
250g thịt heo quay: thái hạt lựu thật nhỏ
1 nhánh gừng: cạo vỏ và thái sợi
350g đường
Một ít muối

Cách nấu

Bước 1: Cho 15g đường vào nồi, thêm ít gừng thái sợi, ít nước và nấu cùng phần heo quay.

Bước 2: Cho bột sắn vào thố và trộn với một ít muối. Từ từ rót nước sôi già vào và dùng môi trộn đều bột. Khi bột đã hơi nguội, bạn dùng tay nhào để bột được dẻo mịn hơn.

Bước 3: Cắt bột thành viên và cán dẹt. Sau đó cho thịt heo quay đã rim đường vào giữa và vo viên.

Bước 4: Cho hết phần đường còn lại vào nồi nước lọc nấu sôi cùng phần gừng thái sợi.

Bước 5: Khi nước đường tan, cho viên chè vào nồi nấu đến khi viên bột trong thì tắt bếp.

Khi dùng, dọn chè ra bát và rắc thêm vừng rang hoặc lạc rang lên trên mặt chén chè.
 
6. Chè đậu xanh phổ tai
30982-che-dau-xanh.jpg


Chuẩn bị
300g đậu xanh nguyên vỏ: đãi sạch và ngâm qua đêm
5g phổ tai: ngâm nở nửa tiếng trước khi nấu
100g đường kính
1/2 thìa nhỏ muối

Cách nấu

Bước 1: Nấu đậu xanh với phần nước xâm xấp. Khi đậu mềm, cho đường vào nấu nhỏ lửa để đậu thấm nước đường.


Bước 2: Khi đường đã thấm đều từng hạt đậu, cho nước vào nấu đến sôi thì tiếp tục thả phổ tai vào nấu cùng thêm khoảng 5 phút.

Chè chỉ dùng trong ngày nên bạn nhớ bảo quản trong tủ lạnh nhé!
 
Chè bắp khoai lang

30989-che-ngo-khoai-lang-6.jpg




Nguyên liệu:

– Khoai lang vàng: 1 củ

– Ngô nếp: 2 bắp

– Bột sắn dây

– Đường thốt nốt (bạn có thể dùng đường kính bình thường hoặc đường phèn), ở đây mình chọn đường thốt nốt vì đường này nấu chè rất thơm.

– Nước cốt dừa

Cách làm :



– Khoai lang gọt vỏ, cắt miếng vuông vừa ăn, rửa sạch, ngâm với một chút muối để khoai không bị thâm.



– Ngô nếp tẽ hạt rửa sạch, để ráo. Phần lõi ngô giữ lại để luộc lấy nước. Cho hạt ngô lõi ngô vào nồi đun sôi khoảng 10 phút đến khi hạt ngô chín mềm thì vớt lõi ngô ra. Vặn nhỏ lửa và tiếp tục đun.



– Tiếp theo, cho khoai lang vào nồi và tiếp tục đun cùng ngô cho đến khi thấy khoai chín mềm thì cho một chút nước cốt dừa vào và khuấy đều.

– Cho đường vào nồi chè (nhiều ít tùy vào khẩu vị của bạn nhé).



– Hòa một ít bột sắn dây với nước rồi đổ vào nồi chè, khuấy đều.

– Đun thêm tầm 5 phút nữa thì tắt bếp, múc chè ra bát và chúng ta có thể thưởng thức rồi

Món chè ngô khoai lang có vị ngọt mát thanh thanh, vị ngậy ngậy của nước cốt dừa, vị bùi bùi của khoai lang, tất cả cùng hòa quyện tạo nên hương vị rất riêng biệt. Các bạn có thể dùng món này như một bữa ăn phụ của gia đình nữa nhé. Chúc các bạn thành công
 
Chè củ năng nước dừa


che-cu-nang-nuoc-dua.jpg

Chè củ năng nước dừa
Củ năng là một loại thực phẩm mang tính giải nhiệt rất tốt, một chén chè củ năng nước dừa vừa đơn giản dễ nấu, vừa ngon lại vừa bổ rất thích hợp để nhâm nhi trong những buổi quây quần cả gia đình.

Nguyên liệu:

200gr Củ năng
250gr Bột năng
60ml nước cốt dừa
Một ít lá dứa, lá cẩm
Một ít hoa bưởi
200gr Đường phèn
100ml Nước hoa bưởi.
Cách thực hiện:

Củ năng gọt vỏ, rửa sạch, thái hạt lựu.
Lá dứa, lá cẩm xoay nhuyễn, lấy nước cốt, ta được 2 màu xanh, tím.
Chia củ năng đã được thái hạt lựu ra làm 2 phần, cho nước lá dứa, lá cẩm vào 2 phần, trộn đều cho củ năng thấm màu, phần còn lại giữ nguyên.
Cho 200gr bột năng vào trộn đều với 3 phần củ năng bên trên, trộn lên cho bột năng bám vào củ năng, vẩy một ít nước vào rồi lại cho tiếp 50gr bột năng còn lại vào để bột bám nhiều hơn.
Cho củ năng ra rá (rổ) để bột thừa rơi ra hết.
Đun sôi nước, thả củ năng vào, đến khi củ năng nổi lên thì vớt ra, thả ngay vào nước đun sôi để nguội.
Chế biến nước dùng: Đun sôi khoảng 100ml nước, thả đường phèn vào khuấy đều đến khi đường phèn tan hết, cho 100ml nước hoa bưởi vào, khuấy đều rồi tắt bếp.
Nước dùng để nguội, cho củ năng vào đảo sơ cho củ năng thấm nước dùng.
Khi ăn múc ra ly/chén, cho nước dừa lên bề mặt.
Yêu cầu:

Bạn có thể dùng màu thực phẩm thay thế cho lá dứa, lá cẩm, cách làm vẫn tương tự.
Chè củ năng có thể ăn lạnh bằng cách cho thêm ít đá khi thưởng thức.
Nếu bạn không thích ăn quá ngọt, có thể gia giảm lượng đường tùy theo khẩu vị của mình.
Để món chè củ năng thêm phần đặc sắc, có thể cho thêm một số loại trái cây như sầu riêng hoặc mít, món chè sẽ càng thơm ngon.
Chúc các bạn thành công và vui vẻ khi thưởng thức món ăn cùng gia đình và bạn bè!

 
Chè Bưởi

che-buoi.jpg

Bưởi là hoa quả rất phổ biến và có ích trong cuộc sống. Người ta có thể tận dụng từ quả đến hạt, vỏ cho những bài thuốc tốt cho sức khỏe giúp tăng cường hệ miễn dịch, chữa đái đường, béo phì và tim mạch, ngăn ngừa bệnh viêm nướu, giảm các cholesterol có hại, ngăn ngừa ung thư vú, giúp thanh lọc gan, chữa đau chướng bụng do ăn không tiêu, kích thích mọc tóc cho bé…

Món chè bưởi béo thơm với những cùi bưởi sần sật, dai giòn vừa ngon vừa dễ nấu. Mùa thu sắp đến rồi, hãy học cách nấu một bát chè bưởi để chuẩn bị đón mùa bưởi vào thu nhé.

Nguyên liệu:

– Bưởi: 1 quả

– Đường: 500g

– Bột năng: 100g

– Đậu xanh: 250g

– Nước cốt dừa: 1 hộp

– Tinh dầu bưởi: 1 thìa con

– Lá dứa

Cách làm:

– Bưởi mua về rửa sạch bên ngoài rồi gọt bỏ lớp vỏ xanh, lấy phần cùi xốp trắng bên trong, cắt hạt lựu rồi ngâm qua nước muối đậm đặc, bóp và xả kỹ bằng nước lạnh cho hết vị đắng và mặn. Bạn cũng có thể nấu nước sôi với phèn chua rồi cho cùi bưởi vào luộc, để nguội vắt khô cũng được. Cùi bưởi sau khi vắt khô mang trộn với đường, rồi sên trên chảo đến khi dẻo.

– Đậu xanh mang hấp chín trong chõ.

– Đặt nồi lên bếp, cho nước và lá dứa vào rồi đun sôi để lấy mùi thơm. Sau đó vớt lá dứa ra, cho đường vào đến độ ngọt vừa ăn.

– Pha bột năng với ít nước rồi rót từ từ vào nồi đến khi sánh sệt, thì cho cùi bưởi, đậu xanh đã hấp chín vào nồi, ninh nhỏ lửa 15 phút là được chè.

– Chè để nguội. Khi ăn, múc chè ra cốc, rót nước cốt dừa lên trên rồi cho thêm đá xay. Nếu thích có thể thêm lạc rang giã dối để có vị thơm của lạc.

Cốc chè bưởi đạt chuẩn phải keo dính, miếng cùi bưởi dai giòn sần sật, chè thơm vị bưởi và bùi của đậu xanh.
 
Chè bí và đậu đỏ
cach-nau-che-dau-do-bi-ngo-e1471142067491-300x229.jpg


Nguyên liệu:

Bí đỏ: 200g
Bột nếp: 100g
Đậu đỏ: 200g
Đường cát: 300g
Muối: 1/2 muỗng nhỏ
Thực hiện:

Bí mua về gọt sạch vỏ, rửa sạch và đem đi hấp chín.
Bí sau khi hấp chín thì tán nhuyễn, cho bột nếp vào chung với bí đỏ, tiếp tục nhào để có khối hỗn hợp dẻo mịn, vo thành từng viên nhỏ bằng trái tắc.
Cho nước vào nồi, đun sôi nước rồi thả từng viên bí vào luộc chín, khi thấy viên bí đỏ nổi lên là đã chín, vớt ra và cho vào nước lạnh.
Đâu đỏ ngâm vào nước, loại bỏ những hạt đậu hư, sau đó nấu chín mềm.
Đậu đỏ chín cho đường cát và ít muối vào để chè thêm đậm đà, sau đó thả từng viên bí vào, đun sôi và tắt lửa.
Dùng nóng mới ngon.
Yêu cầu món ăn:

Viên bí dẻo, không bị nát.
Đậu đỏ chín mềm nhưng còn nguyên hạt.
Vị ngọt vừa phải
Chúc bạn thành công

 
Chè xoài chân châu
che-xoai.jpg


Nguyên liệu:

– Trân châu khô: 1/2 chén ( Bạn có thể tìm mua loại tại các quầy hàng khô ở chợ
– Xoài chín: 2 quả
– Đường đỏ: 3 thìa
– Nước cốt dừa: 1 hộp
– Muối: 1/4 thìa
– Hoa quả kèm theo: bạn có thể chọn thêm chuối, kiwi, đu đủ tùy theo sở thích, nhưng chỉ điểm thêm vì xoài là nguyên liệu chính

Cách làm:

Ngâm trân châu khô vào nước cho ngấm trong 15 – 20 phút sau đó đổ nước đi để ráo và cho vào nồi. Cho 2 chén nước và ¼ thìa muối vào nồi trân châu. Bật bếp đun sôi thì hạ nhỏ lửa, khoấy nhẹ để các hạt không bị dính vào nhau. Đến khi thấy các hạt trở nên trong suốt là được. Không nên đun lâu quá, trân châu sẽ nát và bết dính. Sau đó bạn chắt nước đổ đi và vớt chân trâu ra bát để nguội.

Trong lúc chờ trân châu nguội, bạn gọt xoài, rồi cho vào xay nhuyễn trong máy xay sinh tố cùng 3 thìa đường và ít nước. Nếu thích ăn ngọt bạn có thể cho thêm đường. Đổ xoài xay ra bát, cắt thêm hoa quả đi kèm rồi cho trân châu lên trên, rưới nước cốt dừa.

Chè xoài trân châu ăn kèm đá bào. Thơm vị hoa quả và béo bùi của nước cốt dừa, dai dai của trân châu rất thú vị. Nếu muốn ngon hơn, bạn để chè vào hộp, đậy nắp rồi để ngăn mát tủ lạnh qua đêm. Sáng hôm sau ăn sẽ rất tuyệt đấy.

Chè hạt sen long nhãn



Nguyêu liệu (sử dụng để nấu 6 bát chè sen):

Hạt sen tươi: 3 – 4 bát sen
Nhãn: 40 quả. Bạn lựa nhãn cùi dày, thịt trong của nhãn lồng Hưng Yên thì sẽ dễ lồng sen mà lại thơm, giòn.
Đường phèn.
long-nhan-300x200.jpg


Cách làm:

Nhãn mua về rửa sạch dưới vòi nước, để ráo rồi bóc vỏ.
Dùng dao nhọn hoặc lựa thìa cán dài và mảnh xoáy tròn quanh đầu núm nhãn đã bóc để tách hạt. Tách nhẹ nhàng để quả nhãn không bị rách mà vẫn giữ được nguyên quả.
Tách hạt sen khỏi bát rồi bóc vỏ, lột màng ngoài và dùng tăm để đẩy tâm sen ra.
Cho sen vào nồi, thêm nước rồi đun sôi, cho ít đường phèn vào rồi đun nhỏ lửa trong 5 – 7 phút đến khi sen chín mềm, có vị ngọt của đường phèn thì vớt hạt sen ra để nguổi. Cho thêm nước vào nồi vừa nấu sen, thêm đường phèn vừa khẩu vị. Nếu bạn thích ăn chè sen với đá thì cho ngọt hơn. Không nên nấu chè sen long nhãn ngọt quá gây cảm giác khó ăn lại làm mất vị ngọt tự nhiên của nhãn.
Lồng hạt sen vừa nấu vào cùi nhãn đã bóc, rồi để vào ngăn mát tủ lạnh. Nên mua hạt sen dư ra so với nhãn, để có thể thừa sen trần ăn thêm cho khác vị.
Khi ăn, múc nước chè ra bát, cho 5 – 7 nhãn lồng sen vào bát cùng vài hạt sen trần. Thêm đá nếu thích.
hat-sen-300x198.jpg


Chú ý:

Sen tươi nên các bạn không nên đun quá lâu sẽ bị nát.
Tùy khẩu vị mà sau khi lồng sen vào nhãn, bạn có thể nấu quả nhãn lồng sen này trong nước đường vài phút.
Nên dùng đường phèn để nấu chè sen nhãn lồng để có vị ngọt thanh.
Chúc bạn thành công với món chè ngon dễ làm này nhé.
 
×
Quay lại
Top Bottom