Công dân toàn cầu: Lý tưởng lớn của giáo dục hiện đại

wintergirl123

Thành viên
Tham gia
10/2/2012
Bài viết
4
Trong những năm gần đây, khái niệm "công dân toàn cầu" được nhắc đến thường xuyên hơn dù không phải ai cũng hiểu. Đời sống hiện đại đã phá vỡ nhiều giới hạn vốn từng được coi là không thể vượt qua. Đời sống kinh tế toàn cầu, sự giao lưu văn hoá toàn cầu, những giá trị cơ bản được phổ cập toàn cầu khiến cho các xã hội hiện đại không thể không sinh ra những công dân toàn cầu! Trong "cộng đồng toàn cầu" đó, mỗi hành động của cá nhân không chỉ mang lại lợi ích (hoặc ngược lại là hậu quả) cho cá nhân anh ta mà đồng thời còn mang lại lợi ích cho đất nước và cho toàn thế giới! Sự liên kết ấy là một đòi hỏi bắt buộc trong đời sống thế giới hiện đại. Vậy các nền giáo dục, đặc biệt là nền giáo dục Việt Nam hiện đại sẽ phải làm gì để cho xã hội ngày càng có nhiều "công dân toàn cầu""?

Tại sao có rất nhiều thanh niên các nước phát triển giàu có được đào tạo cẩn thận lại sang các nước đang phát triển để làm những công việc từ thiện đầy vất vả nhưng không mang lại tiền bạc cho họ? Tại sao có những người bỏ công sức riêng mình để làm những việc “không đâu” kiểu như cứu sống những chú cá voi ngoài biển dạt vào bờ ? Và tại sao, chỉ quen biết nhau qua mạng và chưa từng gặp mặt mà các bạn trẻ lại có thể tổ chức được những hoạt động xã hội có ảnh hưởng rộng rãi?

Tất cả họ gặp nhau ở cùng một điểm: lòng nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm với xã hội, không chỉ với xã hội nơi họ cư trú mà với cả những xã hội, những con người ở những chân trời xa lạ mà họ chưa từng quen biết. Trước nay, chúng ta thường chỉ nghe được những câu hoa mỹ: “Tôi muốn góp phần làm cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn” từ những người đẹp tại các cuộc thi hoa hậu, sắc đẹp. Nhưng có biết bao người đã lặng lẽ chỉ làm mà không ồn ã thông báo về điều đó. Họ chính là những “công dân toàn cầu”, một từ rất thịnh hành trong thế giới “toàn cầu hóa” ngày nay.

Không phải đến giờ mới có khái niệm “công dân toàn cầu”. Một trong những tuyên ngôn đầu tiên về khái niệm “công dân toàn cầu” thường được các học giả nhắc đến xuất phát từ nhà triết học cổ Hy Lạp Diogenes. Khi được hỏi ông từ đâu đến, ông đã trả lời: “Tôi là công dân của thế giới”. Hàng loạt các học giả khác đã bàn về vấn đề này như nhà cách mạng người Anh nhưng sống tại Mỹ vào thế kỷ 18, Thomas Paine. Ông đã viết rằng: “Đất nước của tôi là thế giới. Đồng bào của tôi là nhân loại”. Albert Einstein cũng nhấn mạnh tới ý thức của công dân về các vấn đề toàn cầu khi viết: “Chủ nghĩa vùng miền là một căn bệnh ấu trĩ. Nó là bệnh sởi của nhân loại”. Những người lỗi lạc này muốn nói tới sự rộng mở, một tầm nhìn xa trông rộng cho một thế giới đại đồng, nơi biên giới giữa các quốc gia được xóa mờ dần. Điều đó đang đúng với thế giới ngày nay, cái thế giới mà Thomas Friedman gọi là “Thế giới phẳng”.

Chỉ ngồi một nơi mà bạn có thể kết nối với toàn thế giới. Nhờ các phương tiện truyền thông hiện đại, tri thức bây giờ không còn là tri thức của một cá nhân, một tổ chức, một quốc gia mà là của toàn nhân loại. Một người ngồi ở Ấn Độ có thể là nhân viên làm việc trực tiếp với một công ty ở tận Mỹ. Chính vì thế giới nhỏ lại, cơ hội được chia bình đẳng hơn cho mọi người nên buộc những công dân sống trên trái đất này phải hình thành ý thức mình là “công dân toàn cầu”. Song liệu khi bạn sở hữu một chiếc máy laptop đời mới với đường truyền internet tốc độ cao nhất, một chiếc máy điện thoại có thể update thông tin cho bạn từng phút từng giây, hay vốn tiếng Anh lưu loát giúp bạn giao tiếp dễ dàng với những người bạn ở khắp nơi trên thế giới, bạn đã phải là một “công dân toàn cầu” chưa?

Câu trả lời là chưa. Đó là những yếu tố quan trọng đưa bạn hòa nhập vào thế giới, ghi dấu ấn tiếng nói của mình cộng đồng quốc tế, là yếu tố cần nhưng chưa đủ. Nếu bạn tự hào vỗ ngực mình nói rằng: “Tôi là công dân Việt Nam” thì điều đó không đơn thuần là bạn sở hữu quốc tịch Việt Nam mà bạn phải biết bạn đã làm gì cho đất nước mình, bạn đã đóng góp gì vào sự phát triển của đất nước nơi nuôi dưỡng bạn, cho bạn một nền tảng văn hóa và tri thức để bạn bước vào đời.

Cũng như vậy với khái niệm toàn cầu. Không phải bạn đã từng đặt chân đến nhiều nước trên thế giới, hay bạn nói được nhiều thứ tiếng, có nhiều bạn bè nước ngoài thì có nghĩa rằng bạn là “công dân toàn cầu”. Chỉ nên nói điều đó khi bạn biết rằng những việc bạn đã và đang làm là một hạt cát xây nên lâu đài thịnh vượng chung của trái đất. Một cụ già lụi cụi trồng rừng ở một tỉnh miền núi nào đó, tuy không biết một chữ tiếng Anh nào hay cũng chẳng hiểu internet là gì nhưng cụ lại đang góp phần bảo vệ môi trường cho Việt Nam và đương nhiên là cho cả thế giới này nữa. Cụ xứng đáng được gọi là “công dân toàn cầu”.

Rất nhiều bạn trẻ Việt Nam cảm thấy mình là “thanh niên thời đại” khi có blog để chia sẻ với bạn bè, biết sử dụng web để phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu… Nhưng bao nhiêu phần trăm các bạn trẻ thời nay nghĩ rằng mình cần phải là một “công dân toàn cầu” trong một thế giới đã toàn cầu hóa. Bạn đang hưởng quyền lợi toàn cầu từ việc thu thập tri thức, thông tin qua công nghệ tiên tiến, vậy trách nhiệm với thế giới này của bạn ở đâu? Ý thức và thực điều này không chỉ giúp các bạn trở thành một công dân có trách nhiệm, có lý tưởng mà nó cũng giúp hoàn thiện chính bản thân các bạn để mỗi người đều có tình yêu thương với những người xa lạ, tinh thần trách nhiệm đối với những vấn đề chung. Đó chính là tính nhân văn cao đẹp nhất mà khái niệm “công dân toàn cầu” mang lại.

Tổ chức Oxfam cho rằng để trở thành những công dân toàn cầu, các bạn trẻ cần được trang bị các kiến thức, sự hiểu biết, kỹ năng và giá trị mà họ cần để đảm bảo hạnh cho bản thân, cho mọi người và đóng góp tích cực cho đất nước cũng như thế giới. Các kỹ năng này bao gồm khuyến khích sự tự tin, lòng tự trọng, kỹ năng tư duy phản biện, giao tiếp, hợp tác và giải quyết khủng hoảng. Ngoài ra cũng cần đào tạo cho lớp trẻ khả năng trình bày quan điểm của mình cũng như biết lắng nghe ý kiến của người.

Rất nhiều bạn trẻ Việt Nam khi được phỏng vấn đã cho rằng để trở thành “công dân toàn câu” cần phải có khả năng thích ứng, tôn trọng sự khác biệt và đa dạng, có khả năng hiểu và kết nối với những xu hướng thay đổi trên thế giới, nhất là khả năng thích ứng, và sự rộng mở. Những nhân tố này sẽ kích thích óc sáng tạo, tìm tòi cái mới trong một thế giới bao la nhưng vẫn biết gìn giữ những giá trị truyền thống của dân tộc mình

Những học sinh, sinh viên Việt Nam đang còn ngồi ghế nhà trường đã được trang bị những điều này chưa? Với một nền giáo dục còn quá nhiều bất cập như ở Việt Nam hiện nay, phải thừa nhận rằng điều này còn chưa được quan tâm đúng mức. Song sự thật là lâu nay chúng ta vẫn hô hào về hội nhập, về bước ra “biển lớn”, vậy nên những công dân của chúng ta, những người chủ tương lai của đất nước cũng cần phải được chuẩn bị, hướng dẫn những kỹ năng, ý thức cần thiết để làm chủ được vận mệnh của mình. Sự thật khác nữa là trong cuộc chơi toàn cầu hiện nay, chúng ta phần nhiều vẫn đóng vai bị động, đi sau. Nhưng nếu những công dân trẻ của chúng ta thực sự là những “công dân toàn cầu” thì điều này sẽ thay đổi.

Những công dân tương lai sẽ không chỉ chèo lái con tàu đất nước mà sẽ tham gia lái cả đoàn tàu thế giới. Khi đó, mục tiêu và lẽ sống của mỗi người sẽ không chỉ còn là làm giầu, làm lợi cho bản thân mình và đất nước mình, mà cả thế giới sẽ đoàn kết vì một mục tiêu chung: “Làm cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn”.

Nguồn: Công dân Toàn cầu - Vietimes
 
cái này hay nhưng chỉ là ảo tưởng mà thôi ! không bao giờ thành hiện thực
 
×
Quay lại
Top Bottom