Chuyện xếp hàng

Người_Việt_Nam

Việt Nam, trong tim tôi !.
Tham gia
3/1/2015
Bài viết
8
Một trong những lý do thường được lôi ra mỗi khi người ta vượt đèn đỏ, phóng xe lên vỉa hè hay chen lấn xô đẩy nhau là: “Vì người khác cũng làm”. Bởi những người xung quanh cũng vượt đèn đỏ, phóng xe lên vỉa hè khi đường đông và xô đẩy nhau để mua một tấm vé - thế nên bỗng dưng những việc làm không đúng đó bỗng trở thành đúng và người đi ngược lại đám đông khi ấy sẽ trở thành một cá nhân kỳ quặc, một kẻ “đạo đức giả” trong mắt đám còn lại.

Cái lý do “vì người khác cũng làm” đấy, thoạt nghe có vẻ vô cùng đơn giản và vô hại, chẳng hề mang một ý niệm xấu xí nào ngoại trừ sự a dua đôi bên cùng có lợi của một tập thể, lại có thể đưa ta đến một câu chuyện xa hơn về sự văn minh. Chúng ta vẫn thường lên án lẫn nhau về chuyện chen lấn xô đẩy, về chuyện vượt đèn đỏ, về chuyện phóng xe lên vỉa hè…vân vân và vân vân. Nhưng chúng ta cũng vẫn lên án nhau về chuyện xếp hàng mua cái bánh trung thu, hay xếp hàng để ăn bằng được bát bún ngan của bà Nhàn nào đó. Tâm lý đám đông quyết định rất nhiều vào sự lựa chọn của con người, cũng như cách mà họ nhìn nhận kẻ đang đi ngược lại với số đông. Trong một nhóm người thiếu trật tự, kẻ văn minh trở thành kẻ bị ghét nhất. Còn trong một nhóm người văn minh, lẽ dĩ nhiên kẻ bị cả đám lườm là kẻ đang trở nên thiếu trật tự.

1e85bbb794e4ee09623312d5df698136b96244d1.jpg


Xếp hàng kín ngõ Trung Yên để ăn bún ngan Nhàn trứ danh.

Câu chuyện “vì người khác cũng làm” khá nổi tiếng thời gian gần đây, đó là ngày công viên nước hồ Tây vỡ trận. Những hình ảnh cả đoàn người đang cố gắng trèo rào, xô đẩy nhau để tìm đường vào được công viên là một trong những minh chứng hùng hồn nhất cho việc con người có thể mất đi sự suy tính ra sao khi hoà mình vào một đám đông phấn khích và vô tổ chức. Nó hùng hồn đến mức, nếu mang những bức hình đấy đặt trên mộ của Gustave LeBon - tác giả cuốn Tâm lý học đám đông lừng danh - cũng sẽ khiến ông ấy đội mồ sống dậy chỉ để vỗ đùi đánh đét một cái rồi nói: “Thấy chưa! Tao đã bảo mà!”.

Thế Gustave LeBon đã bảo gì? Gã nói thế này: “Đám đông chính là nô lệ của những kích động mà nó thụ nhận”. Chúng ta đã từng thấy rất nhiều ví dụ về câu nói này, ví dụ như câu chuyện công viên nước ở trên kia, hay những câu chuyện người dân ào ra hôi của khi một xe bia bị đổ. Không phải ai trong những người bọn họ đều là kẻ xấu, nhưng sự kích động từ bên ngoài tác động lớn đến mức, nó hướng ý thức của họ sang một trạng thái chung.

-- Những bài viết hay về cuộc sống

Nhưng những kích động đó cũng bao hàm cả sự tích cực. Ai nói rằng trong đám đông kiên nhẫn xếp hàng từng chút một trong AEON MALL ngày cuối tuần vừa rồi - không có những người đã từng vượt đèn đỏ, đã từng chen lấn xô đẩy, đã từng phóng xe lên hè? Có thể họ đã từng như thế, nhưng khi họ hoà vào một môi trường trật tự và văn minh, họ sẽ muốn trở thành một nhân tố trong sự trật tự và văn minh đó. Sự vô tổ chức có thể biến mất nếu bản thân môi trường xung quanh tạo được sự đồng nhất về hành động. Nói nôm na và dễ hiểu là, sẽ chẳng có ai muốn chen lấn nếu tất cả cùng đứng xếp hàng. Và ngay lập tức kẻ vừa chen lên phía trước cũng có thể bị cả đám người giận dữ quay lại lườm cho một cái rách mặt. Hoặc bi đát hơn là chụp ảnh up lên Facebook kèm theo caption: “Các mẹ ơi bực mình quá hôm nay đi siêu thị….”.

c5251d03d98d38bd590e0c82868d45c639de6922.jpg


Những đám đông văn minh ở một trung tâm thương mại ngày cuối tuần vừa rồi.

Hay như những câu chuyện người ta xúm vào để giúp đỡ người bị nạn. Cách đây vài năm, chúng ta quen hơn với những câu chuyện người ta dửng dưng và cứ thế phóng đi, hay những người tặc lưỡi vì không muốn phiền phức. Nhưng càng ngày, càng nhiều câu chuyện đẹp về những nghĩa cử của người lạ với những người đang gặp khó khăn càng khiến chúng ta tin rằng lòng trắc ẩn vẫn tồn tại. Những điều tốt đẹp ấy cũng lớn dần, lớn dần và trở thành một điều gì đấy quen thuộc và nên làm. Nó giống như những hạt giống tươi xanh được reo vào tiềm thức mỗi người, để thôi thúc ta dừng lại và thay vì rút điện thoại để chụp ảnh, ta rút điện thoại để gọi một chiếc xe cấp cứu, hay xắn tay áo đỡ chiếc xe máy đang đè lên người một cô gái sau một cú ngã bất chợt.

Bản thân tôi cũng là một người, từng đứng rất lâu trước cột đèn đỏ chỉ để quyết định xem mình nên đi tiếp hay cứ thế dừng lại. Đôi lúc tôi cứ thế phóng đi tiếp, vì đã bị “lây nhiễm” bởi hành động vượt quyết liệt của những người xung quanh. Đôi lúc tôi quyết định mình phải trở thành kẻ khác biệt, nhất quyết dừng lại dù bà cô nào đằng sau đang bấm còi inh ỏi kèm theo đôi ba câu "Đồ dở hơi dở hồn". Rất có thể, bà cô đó cũng từng bực tức vì một buổi tắc đường bởi một kẻ đi ngược chiều, hay vì những dòng xe nhất quyết vượt đèn đỏ bằng được trong giờ tan tầm.

Tôi nhận ra rằng, chúng ta không thể mong chờ một môi trường trật tự, văn minh và tốt đẹp nếu bản thân chúng ta không trở thành một người tôn trọng sự trật tự, văn minh và tốt đẹp ấy. Những ý niệm đó không cần phải hô hào khẩu hiệu, nó càng không đến từ chỉ trích và miệt thị, hay kêu gào nhau phải thay đổi và những dòng comment thở dài “con người hiện đại thật tha hoá”. Nó đến từ bản thân mỗi người chúng ta, cách chúng ta đối xử với cuộc sống xung quanh mình. Cũng như cách chúng ta nhận ra thế nào mới là đúng, thế nào mới là tốt, là văn minh, và ta chọn sống như vậy bởi chúng ta tin rằng: Không có sự thay đổi nào được thực hiện, nếu bản thân chúng ta không thay đổi.

Hay như Gandhi nói: “Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn mong muốn ở thế giới này”.
Nguồn: Guu
 
×
Quay lại
Top Bottom