Chìm trong 'cỏ thơm'

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Thời gian gần đây, giới trẻ Hà thành nổi lên trào lưu hút tài mà hay còn gọi là “cỏ thơm”, một thứ thuốc phiện loại nhẹ gây ảo giác được chế từ cây cần sa.

thebox-cansa-687811-1996.jpg

Lá, ngọn cây cần sa được phơi khô, chế nhỏ - Ảnh: Quang Huy

Hút công khai

Trong một quán trà trên khu vực nhà thờ Lớn ở phố Nhà Chung (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), N.T.A - học sinh một trường THPT Q.Hai Bà Trưng, người đã đoạn tuyệt với “cỏ thơm” sau hơn 2 năm, cho biết chỉ với điếu thuốc lá kẹp trên tay, hay chiếc điếu cày dân dã và có ngồi ngay bên vỉa hè quán trà đá là có thể “phê”, nếu không phải dân nghiền thì sẽ rất khó bị phát hiện.

“Tuy nhiên, dân chơi “cỏ” hầu hết là giới trẻ và hay lập thành một nhóm để vừa hút vừa đàm đạo với nhau cho thêm phần… phê. Hút xong, mắt đứa nào đứa đấy như nhỏ lại, lờ đờ như mắt cá chết. Khi đó, một đứa pha trò cười thì cả nhóm sẽ cười theo.
Ngược lại, đứa nào bật khóc vì buồn bã, bị người yêu bỏ… mấy đứa còn lại cũng gào theo”, T.A cho biết. Cũng theo “dân cỏ” này, nhiều quán trà đá, trà chanh vỉa hè ở Hà Nội, khu vực nhà thờ Lớn, khu cầu vượt Ngã Tư Sở, khu trà đá hồ Hoàn Kiếm, khu trà me Cát Linh, Bích Câu… “dân cỏ” hút công khai.

Giờ tan học buổi sáng, các quán nước, giải khát quanh nhà thờ Lớn ken cứng những bóng áo trắng đồng phục. T.A đá chân vào gầm bàn ra hiệu cho tôi thấy nhóm học sinh đang chụm đầu vào nhau, cách đó hai dãy bàn. Nhìn thật kỹ, cậu học sinh để tóc dựng đứng dùng tay vò nát những nhánh lá cây khô có hình răng cưa. Sau vài phút, ước chừng đã đủ dùng cho cả nhóm, cậu nhóc tỏ ra thành thạo khi khui bao Thăng Long còn nguyên, rồi ngắt từng điếu để lấy phần đót cùng sợi thuốc.

Kế đến, cậu trộn phần lá cây khô được vò nát lẫn sợi thuốc lá, trước khi vê thành điếu thuốc. “Lá cây khô chính là “cỏ” đấy. Còn giấy gói phải là giấy OCB chuyên dùng để gói thuốc lá. Loại này bán đầy rẫy tại những hàng thuốc lá vỉa hè quanh hồ Hoàn Kiếm. OCB hộp ngắn giá bán 30.000 đồng, còn loại dài là 50.000 đồng/hộp”, T.A nói chỉ đủ tôi nghe.

Dễ kiếm, nhanh phê

Lửa được đánh lên, nhóm học sinh chuyền tay nhau những điếu “cỏ thơm”, đoạn tóp má rít lấy, rít để. Nhưng dường như chưa đủ độ “phê”, cậu học sinh mặt búng ra sữa, nhỏ thó nhất nhóm, kêu nhân viên phục vụ mang ra cái điếu cày. Điếu được mang ra, cậu này vê tròn phần lá lẫn búp cần sa rồi bỏ vào lõ điếu, sau đó châm lửa rít…

Cứ thế, chỉ trong vòng mươi phút, nhóm học sinh này quay vòng “chiến” tới phân nửa gói “cỏ thơm” và nốc tới gần chục cốc trà đá. Theo T.A, nhóm học sinh này đều là dân nghiện tài mà nặng, bằng chứng là tụi này phải sử dụng tới điều cày mới đủ “phê”, sau khi đã rít vài cữ thuốc cuốn.

Q.T, học sinh một trường PTCS, Q.Tây Hồ, người có thâm niên gần 2 năm hút “cỏ thơm” cho biết khi một học sinh đã biết cầm trên tay điếu thuốc lá thì việc hút “cỏ” là điều hết sức bình thường và sớm muộn gì cũng xảy ra. Q.T bảo: “Mỗi lần hút “cỏ” xong em đều thấy khát khô cả cổ họng và phải uống hẳn một cốc nước to.

Nhưng rất lạ, cứ sau mỗi lần uống nước, em lại thấy thèm cái mùi ngai ngái của tài mà và em lại hút”. Khi được hỏi lý do dùng tài mà, thì không những Q.T, mà nhiều học sinh khác mà tôi đã gặp, không ngần ngại trả lời, đó là hút thuốc lá và hút tài mà chẳng khác nhau là mấy. Hơn nữa tài mà rẻ, dễ kiếm, nhanh “phê” và chỉ gây nghiện tạm thời.

thebox-cansa2-687811-9446.jpg

Dân ghiền đang quấn “cỏ” làm thuốc hút bên một quán trà đá - Ảnh: Minh Sang

Để được lên mây

Hiện tài mà bán lẻ ở TP.Hà Nội được chia thành từng gói “pin”, có giá bán từ 150.000 - 170.000 đồng. Trong khi một dân chơi với liều dùng từ 1 - 2 lần/ngày, mỗi lần từ 2 - 3 cữ, thì cũng “ăn dè” hết ngày thứ tư. Còn nếu lập nhóm hút thì tính ra mỗi thành viên cũng chỉ phải bỏ ra ba, bốn chục nghìn đồng để được “lên mấy”.

Q.T cho biết là học sinh, không đủ tiền để mua cả gói “pin” nhưng không ngày nào cậu ấm học lớp 9 này không lê la mấy quán trà đá vỉa hè trước cổng trường để “phê” đôi lần. “Chỉ cần chuyển từ ăn phở, uống sinh tố sang ăn bánh mì kẹp trứng, uống trà đá cũng bỏ ra được vài chục nghìn để cùng anh em góp đủ tiền mua hẳn một “pin” hút cả ngày”, Q.T nói với tôi. Khi được hỏi về nguồn hàng, thì không những Q.T, N.T.A, mà nhiều học sinh khác đều khẳng định, tài mà là thứ có thể dễ dàng mua bán nhất trong các loại thuốc gây nghiện, tạo ảo giác.

Hơn ai hết, Nguyễn Đức nhà ở hồ Tây, hiện đang là sinh viên năm nhất một trường đại học ở quận Cầu Giấy hiểu rất rõ tác hại của tài mà. “Mỗi lần phê là một lần quên hết sự đời. Nhưng sau đó cơ thể mỏi mệt rã rời là mình lại lăn ra ngủ li bì mất vài tiếng. Không những thế, vài tháng đầu khi mới hút “cỏ thơm”, mình ăn như không biết no. Nhưng dùng “cỏ” được khoảng hơn một năm đổ ra, tự dưng ít hẳn, mỗi bữa không quá hai lưng bát cơm”, Đức cho hay.

Tài mà là phần lá cùng phần ngọn có hoa của cây cần sa. Khi cây trưởng thành, đạt độ cao chừng 2 m thì sẽ cho thu hoạch. Phần lá, ngọn và hoa của cây cần sa được hái rồi đem phơi khô, sau đó sẽ đem đóng trong túi ni lông để chống ẩm và được dân chơi gọi là tài mà, “cỏ thơm”, “pin”. Để tăng lợi nhuận, “cỏ thơm” được rất nhiều đầu mối cung cấp pha chế, trộn lẫn nhiều tạp chất trước khi tung ra thị trường. Khi hút, trong vòng bán kính trên dưới chục mét, “cỏ” khiến người ta cảm thấy rất khó chịu bởi thứ mùi ngái nồng nặc, rất đặc trưng.

Gây teo t.inh hoàn

Bác sĩ Nguyễn Khắc Dũng hiện đang làm việc tại Khoa Lâm sàng thuộc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết: Trong thời gian gần đây, bệnh viện liên tục đón nhận điều trị cho nhiều trường hợp bệnh nhân sử dụng cần sa, hay còn gọi là tài mà. Số bệnh nhân này còn rất trẻ, đều trong độ tuổi đang đi học. Theo bác sĩ Dũng, do tài mà làm suy giảm tính miễn dịch, nên người dùng tài mà còn thường xuyên bị đau ốm vặt. Nguy hiểm hơn, trong tài mà có những hóa chất có thể gây ra bệnh ung thư phổi, ung thư họng. Dùng nhiều cần sa còn gây teo t.inh hoàn, làm giảm khả năng t.ình d.ục. Khi trẻ sử dụng tài mà, thường có các biểu hiện “lạ” như ngủ li bì, mệt mỏi, đột nhiên ít nói hay vui, buồn bất chợt hoặc nói trước quên sau...

Trung tá Phạm Quốc Huy - Đội trưởng đội Tiền chất ma túy thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an TP.Hà Nội) - cho hay: Qua công tác điều tra trinh sát nắm tình hình, thì gần như tuyệt đại đa số người dùng “cỏ” đều còn rất trẻ, phần đông là học sinh, sinh viên. Nguy hiểm hơn, thời gian gần đây tình trạng này đang rộ lên như một mốt chơi của giới trẻ. “Dân chơi cỏ” thường ngồi tụ tập theo nhóm. Sau khi đã dùng thuốc, những nhóm này có thể ngồi thâu đêm để “chém gió” đủ thứ chuyện trên đời mà không biết mệt mỏi. Tuy nhiên, khi hết cơn “phê”, cơ thể lại cảm thấy mệt mỏi, êm ẩm, đau nhức và đây là nguyên nhân chính khiến các “dân cỏ” lười học, lười vận động chơi thể thao, đột nhiên biến thành một con người khác lạ.
Trung tá Huy cho biết thêm, nguy hiểm hơn cả, sử dụng tài mà còn làm giảm trí nhớ và sự minh mẫn một cách trầm trọng. Dân hút “cỏ” vẫn ví đây như hiện tượng “tẩy” não, vì nhiều dân ghiền dùng được một thời gian thì cứ ngơ ngơ, ngẩn ngẩn. “Thậm chí nhiều em học sinh, sinh viên có học lực giỏi, khá, nhưng chỉ sau vài tháng hút tài mà, đầu óc rỗng tuếch, gần như chẳng còn chút kiến thức nào”.
Theo Thanh Niên
 
×
Quay lại
Top Bottom