Chiến Loạn - Chương 4: Huyết Yến

Phi Sương Cốc

Thành viên
Tham gia
31/10/2019
Bài viết
11
Từ ngày dành quyền tự chủ cách đây sáu năm, cứ mỗi tháng ba, Dương Tiết độ sứ lại mở tiệc chiêu đãi Thứ sử mười hai Châu cùng tướng lĩnh dưới quyền. Một mặt tưởng thưởng toàn quân đã xông pha cống hiến, một mặt điểm qua tình hình các Châu để tiện bề chỉnh đốn. Tất nhiên trong năm, Thứ sử mỗi Châu vẫn lãnh trách nhiệm thông tin liên lạc qua lại với ông, nên việc điểm một lượt các thành tựu này cũng chỉ mang tính ‘cưỡi ngựa xem hoa’.


Dương Đình Nghệ nghĩ, để cho đám Thứ sử kia biết nơi khác đang phát triển rực rỡ thế nào rồi tự cố gắng, mới chính là một cuộc đấu tranh ngầm thú vị. Dù sao cuối cùng bá tánh của ông cũng là người hưởng lợi.


Dương Đình Nghệ dựa vào trường kỷ, nghiêng người quan sát. Thứ sử mười Châu: Chi, Vũ Nga, Vũ An, Thang, Lục, Giao, Trường, Diễn, Phúc Lộc và Phong đều tề tụ, chỉ thiếu Thứ sử châu Ái và Hoan(1). Nếu Ngô Quyền vô cùng hiểu phép tắc cử người đến cáo lỗi không đến kịp do bận truy đuổi thổ phỉ, thì tên Thứ sử Hoan Châu Đinh Công Trứ kia lại sai người đến cáo lỗi vì bị … đau bụng. Lúc hay tin, không chỉ ông mà cả toán lính xung quanh mắt to mắt nhỏ nhìn nhau cùng bật lên cười nắc nẻ, nhưng chỉ ngay sau đó ông lại thấy lòng trĩu nặng.


Ông biết hắn đang khó ở.


Hắn khó ở vì nhiều lần khuyên ông giải tán đám giả tử, nhất là sau khi giết chết Trần Bảo toàn thắng, mà ông lần nào cũng không cho hắn toại nguyện. Hắn nói nếu ông sợ thiên hạ dị nghị, thì sau hoà bình có thể sử dụng những người đó phục vụ đại nghiệp, cũng là một cách tưởng thưởng, không nhất thiết phải còn giữ mối quan hệ nhùng nhằng “cha-con”. Ông nhiều lần thoáng chần chừ vì thái độ kiên quyết của hắn, nhưng rốt cuộc vẫn là không đồng ý.


Khi ấy thực sự những tưởng gắn kết số mệnh của họ chung số mệnh mình, là sự bảo đảm chắc chắn nhất khiến lòng thiên hạ hướng về. Giờ thì ông biết mình đã nhầm. Những việc ông làm chẳng qua cũng như dệt hoa trên gấm, thêm củi vào bếp đã cháy đượm hồng, tất cả đều chỉ là công dã tràng. Công Trứ không đến, chắc cũng vì chuyện này mà còn giận ông.


Thứ sử Thang Châu đang báo cáo tình hình. Dương Đình Nghệ lia mắt đến bàn bên cạnh, là bàn Thứ sử Phong Châu. Hôm nay “hắn” đi cùng con trưởng Kiều Công Chuẩn, có phải để tiện bề hỗ trợ nhau hành động? Ông cười lạnh nghĩ.


Công Tiễn thấy “cha nuôi” nhìn về phía mình thì nhanh nhảu nâng cốc làm động tác kính rượu, cung kính thái quá mà có phần giả tạo. Sau khi dốc cạn chén rượu vào bụng, hắn còn thành thành kính kính gật đầu chào như thể, được chúc rượu một người đức cao vọng trong như ông là điều gì đó vô vàn diễm phúc, không phải ai trong đời cũng có cơ hội được như hắn, khiến Dương Đình Nghệ bật cười một tiếng chua chát, trong lòng không khỏi thốt lên lời khen “quả là “con” ngoan, quả có nhiều tài”.


Tiệc trôi qua hơn nửa thời gian, cũng đã đi hết một lượt “thủ tục” cập nhật thông tin các Châu. Nếu như lúc đầu ai cũng quần áo tóc tai chỉnh trang, xưng hô khách sáo, đứng còn cách một khoảng theo đúng lễ nghi, đưa chân múa tay đều toát lên vẻ quan phụ mẫu một vùng, thì đến giai đoạn ngà ngà say sau khi kính rượu độ khoảng chục tuần, Thứ sử, tướng quân này nọ cũng vứt sau đầu, giờ chỉ là các nam nhân trên bàn nhậu, tình cảm thân sơ đều được đánh giá thông qua mức độ tống rượu vào họng nặng nhẹ ra sao.


Không biết vị Thứ sử nào bắt đầu bằng việc vất ly đòi uống bằng bát làm người khác lần lượt học theo, thành thử lượng rượu tống vào bụng mỗi vòng cũng được thăng cấp lên một tiêu chuẩn mới.


Dương Đình Nghệ có lẽ là người tỉnh táo nhất hiện tại.


Kể từ lúc hay tin, trong đầu ông đã đảo qua một lượt suy nghĩ. Vũ khí dù là chuỷ thủ giấu được trong lòng bàn tay cũng nhất quyết không thể lọt qua lực lượng kiểm soát gắt gao để mà có mặt trong phòng, nên nếu thực sự muốn mưu phản, ông thiên về đồ ăn thức uống được phục vụ trong tiệc. Rượu và thức ăn của ông đều được Lưu Quan kiểm tra, nhưng bản chất đa nghi không cho phép ông tin bất kỳ ai ngay vào lúc này. Thậm chí để đề phòng, Lưu Quan còn đặt vào tay ông một đôi đũa bạc được quết một lớp sơn màu gỗ dọc gần hết thân, chỉ chừa chưa đến nửa tấc bạc lòi ra nghiệm độc, nhìn từ xa không ai có thể dễ dàng phát hiện. Mặc dù cẩn trọng là thế nhưng đôi lúc vẫn khiến ông không tự chủ liếc nhìn năm lần bảy lượt đồ ăn trước khi há miệng đưa vào, không ít người đứng lên chúc rượu ông đều khéo léo từ chối.


Đúng lúc tiệc đang cao trào, Kiều Công Tiễn như thường lệ vẫn luôn thích làm hài lòng đám đông, dâng lên một vò rượu quý ngâm từ một trăm loài rắn hiếm gặp nhất trên khắp dãy núi Phong Châu. Bằng miệng lưỡi dẻo quẹo của mình, hắn trơn tru tâng bốc hơn hai chục độc xà quý hiếm cùng công dụng từng loài, khiến đám đông vừa nghe đã thấy vô cùng phấn khích, có người còn đập bàn muốn thử ngay lập tức, gian phòng nhờ thế ngay lập tức rộn ràng nóng rực hẳn lên. Qua tài ăn nói khéo léo lươn lẹo, Kiều Công Tiễn còn khiến đám đông sửng sốt khi biết được vò rượu này đã được ủ trong hai mươi năm. Điều đặc biệt hơn, đây là cống phẩm Thổ tộc đến từ vùng núi Đọi, chính là quê hương Phụ Quốc Ma Vương Đại Thần dưới thời Hùng vương, Ma Khê tộc trưởng uy danh đỉnh đỉnh. Tên đích gốc loại rượu này theo tiếng Thổ tộc vô cùng khó nhớ, nên bằng điệu bộ bất đắc dĩ, hắn mạn phép tạm gọi vò rượu là “Bách Xà Tửu”, nhân dịp hội họp đầu năm, mượn hoa kính Phật dâng lên Tiết độ sứ cùng tất cả Thứ sử, tướng quân thưởng thức.


Dương Đình Nghệ lạnh lùng nhìn hai chén rượu đang được Kiều Công Tiễn cung kính từng bước đưa lên. Khi còn cách bàn một bậc, hắn ra dấu mời ông cầm một chén. Dương Đình Nghệ giương ánh nhìn sáng quắc dò xét người đối diện, không biết trong đầu ông nghĩ gì lại nhếch mép bật cười một tiếng, dứt khoát chọn chén xa mình hơn. Kiều Công Tiễn liếc nhìn chén rượu còn lại, sau đôi chút lưỡng lự cũng khẳng khái cầm lên đưa về phía mình.


Trong gian phòng này, cấp bậc cao nhất đương nhiên thuộc về Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, nên chiếu theo lễ, cống phẩm dâng lên người được dùng đầu tiên phải là ông. Kiều Công Tiễn cũng không ngại giữ bộ mặt giả dối làm cử chỉ mời “cha nuôi” phẩm rượu.


Dương Đình Nghệ cười gằn, miệng nghiến chặt khiến quai hàm bạnh ra, gân xanh thái dương nổi lên rồi nhanh chóng buông lỏng chân mày, cười lạnh một tiếng ban cho Kiều Công Tiễn được quyền uống trước.


Không khí xung quanh có phần trầm xuống, mọi người không hẹn cũng đều hiểu rõ nguyên nhân sâu xa vì sao Dương Tiết độ sứ hành xử như vậy. “Bảng thành tích” của Kiều Công Tiễn suốt mười năm qua không phải muốn giấu là có thể giấu toàn vẹn. Giấy dù có tốt thế nào cũng không thể bọc được lửa. Có thể Dương Tiết độ sứ nhiều lần mắt nhắm mắt mở không muốn truy cứu, nhưng không thể không nghi ngờ.


Kiều Công Tiễn đá mắt nhìn một lượt gian phòng. Đối với hắn, đám người ngồi ở đây đều một ruột đen đặc như nhau, khẩu phật tâm xà hồ ly đột lốt, hẳn nhiên hiện tại không ai có thể nói đỡ cho hắn. Biết sao được, để chứng minh rượu không độc, hắn phải nếm thử đầu tiên. Kiều Công Tiễn làm động tác mời rồi không ngần ngại dốc sạch vào cổ trước trăm ánh nhìn dò xét. Đáy mắt Dương Đình Nghệ loé tia tàn nhẫn, ông chinh chiến sa trường nhiều năm chẳng lẽ còn sợ một chén rượu sao, rồi cũng không ngần ngại nốc cạn chén rượu trong tay.


Sự việc diễn ra nhanh đến không ngờ.


Trong khoảnh khắc Dương Đình Nghệ ngửa mặt uống cạn chén rượu, Kiều Công Tiễn thọt tay xuống gầm bàn lôi ra thanh kiếm đã được chuẩn bị từ trước lạnh lùng đâm vào yết hầu của ông, khiến rượu vừa mới nuốt xuống cổ họng chưa kịp đến bụng đã theo tia máu phun trào ra ngoài. Dương Đình Nghệ trợn trừng mắt, chẳng kịp trăng trối một câu đã đổ gục xuống chết ngay tại chỗ.


Xung quanh phút chốc vỡ oà. Âm thanh la hét nổi lên khắp nơi, đám nữ tì gia nô bỏ chạy toán loạn, tiếng vật dụng đổ vỡ ầm ĩ. Phạm Tương thấy biến lập tức ập vào, mấy chục sát thủ nấp trên trần nhà cùng lúc lao xuống, đao quang kiếm ảnh chế trụ xung quanh bao vây chặt chẽ cha con họ Kiều.


Phạm Tương phất tay ra lệnh, nhưng quân binh không xông lên giết nghịch tặc mà quay sang truy giết sát thủ quân mình. Phút chốc mọi việc sáng tỏ. Phạm Tương lộ rõ bộ mặt tiểu nhân ăn cháo đá bát bán đứng Chủ công, thanh kiếm sát hại Dương Đình Nghệ giấu dưới gầm bàn hẳn nhiên cũng là do y chuẩn bị từ trước. Phạm Tương sau đó như chó thấy chủ chạy đến bên cạnh cha con họ Kiều “vẫy đuôi” chúc mừng, khiến Kiều Công Tiễn đắc ý phá lên cười điên dại.


Tương quan lực lượng chênh lệch quá lớn, ba mươi sát thủ dù âm độc nhưng đối đầu với hơn hai trăm tên lính tầm thường, chẳng quá canh giờ đã sức cùng lực kiệt không thể địch nổi, lần lượt thi nhau ngã xuống.


Không chỉ ba mươi sát thủ mà đám nữ tì, gia nô không tấc sắt trong tay, kinh hoảng chạy nạn cũng vô cớ bị thanh trừng. Huyết nhục văng ra tứ phía, nhuộm đỏ nền, cột thậm chí trần nhà. Không gian tanh nồng toả tán xung quanh, phủ gia chốc lát như một toà thành trong cảnh đồ sát.


Lưu Quan uất nghẹn nén khóc, khóc chỉ làm đám quân sĩ kéo đến nhanh hơn.


Tất cả Thứ sử, tướng quân đều bị binh lính vây h.ãm. Có kẻ còn chưa biết trời đã sập vẫn nhắm mắt ngủ vô tư, đa phần đều say bí tỉ. Một số người dù cố gắng dùng ý chí khống chế bản thân nhưng đều không thể địch lại toán lính tỉnh táo giáp trụ đầy mình. Chỉ có Thứ sử Phúc Lộc Châu đủ sức vùng lên, dùng lực cánh tay xô đẩy một tên lính rồi cướp kiếm phá vòng vây xông ra ngoài, nhưng lại bị chính tên nối giáo cho giặc Phạm Tương một đao từ sau đâm chết.


Cần phải cấp báo Ngô Thứ sử, Lưu Quan quyết định.


Lưu Quan lẻn theo lối tắt ra ngoài, khi ngang qua bụi cây bất ngờ bị một bàn tay kéo xuống. Là Thứ sử Diễn Châu nãy giờ bận đi vệ sinh nên tránh thoát được kiếp nạn. Thứ sử Diễn Châu kêu hắn tóm lược chuyện đang diễn ra, ông vừa nghe mắt vừa long lên sòng sọc, rồi quyết định ẩn nhẫn, nghiến răng lặng lẽ đi theo Lưu Quan. Ra đến bên ngoài, cả hai đánh lén hai tên lính tách riêng, thay trang phục giả làm lính Phạm Tương hướng phía cổng Nam thành cắm đầu chạy.


Khắp Đại La thành ngập trong hỗn loạn. Hòng đàn áp cục diện, quân Phạm Tương đang mặc sức đuổi cùng giết tận thân binh các vị Thứ sử, tướng quân. Không ít nhà dân vô tội vì bị nghi ngờ có người trốn chạy bên trong, hay xui xẻo trúng hoả tiễn mà bùng lên rực cháy, cả người lẫn vật đều không tránh được mà hoá thành tro.


Cột lửa nổi lên khắp nơi, bá tánh thi nhau bỏ chạy toán loạn, nhiều người còn chưa định hình chuyện đang diễn ra đã bị phơi mạng dưới đường đao vô tình, hay bị vó ngựa nhẫn tâm ngang nhiên giày xéo. Tiếng kêu ai oán khóc gào thảm thiết vang dội khắp vùng như muốn xé toạt màn đêm.


Đại La thành chính thức thất thủ.


Lưu Quan và Thứ sử Diễn Châu tránh không nhìn đến những việc đau lòng, cố gắng bỏ ngoài tai tất cả rồi luồng lách trong những đường hẻm vắng quân binh, đến khi thấy cửa thành thì lợi dụng hỗn loạn thoát qua, sau đó nhắm hướng Ái Châu bán mạng lao trong đêm tối.


---------------------------------------------

(1) Lãnh thổ Việt Nam giai đoạn này được chia làm 12 châu
 
×
Quay lại
Top Bottom