"Chiếc lá đầu tiên" và suy tư về đời người"

ly quoc

I'm fine!
Thành viên thân thiết
Tham gia
18/4/2013
Bài viết
12.616

Người ta ví đời người như chiếc lá, rồi cũng ví mùa đông như mùa “chịu tang” của lá…

Có bao giờ bạn ngắm nhìn khoảnh khắc một chiếc lá hấp hối, loạng choạng buông xuôi theo chiều gió, cuống lá bịn rịn như không muốn lìa cành? Có bao giờ bạn bâng khuâng trước cuộc đời và thầm nghĩ “đời người như chiếc lá”?

Thánh Vịnh có câu: "Đời sống con người giống như cây cỏ, như bông hoa nở trên cánh đồng, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc không còn mang vết tích". Có thời sinh ra, có thời chết đi, cái liên tưởng giữa mái đầu bạc của con người với màu úa vàng của lá ngẫm thì cũng thấy gần gũi lắm.

Suy tư ấy cũng dễ dàng bắt gặp trong âm nhạc, đặc biệt trong ca khúc “Chiếc lá đầu tiên” của nhạc sĩ Tuấn Khanh. Từng ca từ ca từ của bài hát như rót vào tai người nghe những hình dung sống động về cái chết của những chiếc lá giữa bức tranh mùa đông đẹp lạ lùng…
“Sớm thức giấc chợt nghe mùa đông.
Thấy chiếc lá rụng rơi bên thềm.
Lá đã úa vàng mới khi nào.
Lá xanh đã đi đâu về đâu.
Có thiếu nữ ngồi bên dòng sông.
Ngước mắt thấy mùa đông đã về.
Đếm chiếc lá rụng cuối chân đồi.
Bỗng dưng hát vu vơ mà thôi…”

Có lẽ, nếu không có sự xuất hiện của “cô thiếu nữ” thì bản thân bức tranh thềm lá cũng đã rất đẹp rồi, cũng đã đủ để con người suy tư và tự hỏi “lá xanh đã đi đâu về đâu”. Nhưng “cô thiếu nữ” mà nhạc sĩ cố tình vẽ thêm ấy lại làm nổi bật lên sự đối lập với chiếc lá vàng. Sự đối lập của tuổi trẻ, sức sống và hoài bão với cái héo úa, tàn tạ, mong manh của một kiếp sống vừa kết thúc.

Bóng dáng cô gái ngồi “hát vu vơ” khiến cho người nghe ít nhiều liên tưởng đến hình ảnh nàng Lâm Đại Ngọc u sầu chôn hoa trong tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng của Trung Hoa và lời mà nàng đã nói: “ngày nay ta chôn hoa, ngày sau ai chôn ta…”. Cái câu hỏi vu vơ mà chứa đầy ẩn dụ đã gợi lên biết bao tâm trạng trong lòng khán giả. Cô thiếu nữ của nhạc sĩ Tuấn Khanh không chôn hoa, nhưng cũng tha thiết nghĩ về cuộc đời mình trước quy luật khắc nghiệt của cuộc sống…
“Lá xanh, có phai như đời em”
Và cô gái cất tiếng hát để tiễn đưa linh hồn những chiếc lá được bay về nơi cực lạc khi đã đáp mình xuống đất mẹ yên lành
“Hỡi thế giới ngày mai về đâu?
Cất tiếng hát để vơi nỗi sầu
Tiễn chiếc lá về nơi xa vời
Bỗng dưng hát vu vơ mà thôi…”


4929288680_456fdc163b_b.jpg


Sẽ không thể có một “cô thiếu nữ” nào hoàn hảo hơn Hiền Thục để thể hiện ca khúc này. Giọng ca trong sáng, thánh thiện, ngọt ngào của cô đã kéo người nghe đến nơi không gian rộng lớn. Ở đó có những chiếc lá vút bay theo giọng hát lên bầu trời cao thăm thẳm, tới trước cổng khu vườn địa đàng, nơi mà chúng sẽ được tái sinh. Và những ước nguyện, nhắn gửi sau cùng trước khi tạm biệt lá của cô gái, cũng là lời ước mong cho cả nhân gian
“Hỡi chiếc lá nào bay về trời.
Có gửi lời với tôi.
Hãy giữ lấy dùm tôi nụ cười và đức tin ở con người.

Bay, bay thật xa thật xa đám mây đen kia để yên giấc mộng lành.
Mơ cho ngày sau còn xanh mãi.
Mơ em ngày mai bình yên như lá…”



Người ta nói rằng sống là thời gian để chuẩn bị hành trang cho cái chết. Cũng như vậy, cái chết là khởi nguồn cho sự sinh sôi tiếp nối. Không ai có thể trẻ mãi không già, không ai có thể chiến thắng được quy luật ấy. Từ xưa đến nay, những người cố gắng níu kéo thời gian để biến mình thành bất tử đều không nhận được những kết cục yên lành. Chi bằng ta cứ thuận theo tự nhiên, sinh ra từ đất thì ta lại trở về với lòng đất.

4073337291_848ab3c40b_b.jpg


Cái quan niệm thiên đàng và địa ngục có thật hay không có lẽ chỉ có những người đã nằm xuống mới biết được. Còn những người đang sống có chăng cứ nên tin rằng cõi âm tồn tại hai cánh cổng đối nghịch ấy, để hướng thiện và sống an nhiên và khi sang thế giới bên kia rồi sẽ không còn phải nuối tiếc hay trách móc kiếp đời lầm lỡ. Nếu như thực sự muốn được “bình yên như lá”…

Theo (depplus.vn/MASK)
 
×
Quay lại
Top