Chàng trai mê sơ ri

Linh Nhi

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/7/2015
Bài viết
1.309
Cây sơ ri năm nào vẫn vươn mình lớn mạnh trong vườn nhà, nhắc nhở người trồng thêm vững dạ trước những khó khăn của những ngày đầu tạo dựng cơ nghiệp.

Ông chủ 20 triệu đồng

Đến thăm cơ ngơi của Hồ Quốc Tuấn khi trời đã xế chiều, nhưng tôi vẫn phải đợi khá lâu mới gặp được chủ nhân. “Khách đông quá, thông cảm nhé!”, Tuấn cười xuề xòa. Nhìn lượng khách đang ăn uống, vui chơi tại những nhà dừng chân nằm dọc theo khúc sông cuối vườn cũng đủ biết Tuấn bận rộn đến mức nào. Anh cho biết, khi mới cải tạo vườn nhà thành điểm du lịch sinh thái, mỗi ngày, anh chỉ đón khoảng 20 khách địa phương.

khoi-nghiepimg-4379-1.jpg

Một góc vườn du lịch sinh thái của Hồ Quốc Tuấn
Một năm trở lại đây, khách từ TP. Long Xuyên bắt đầu chú ý đến mô hình giải trí miệt vườn nên việc kinh doanh dịch vụ kết hợp với trồng trọt, chăn nuôi của anh mới dần khởi sắc. Tuấn giới thiệu: “Du khách đến đây được tự do cắm trại, hái, dùng các loại trái cây và câu cá giải trí. Chúng tôi cũng phục vụ ăn uống khi khách yêu cầu”.

Khuôn viên 14.000m2, lại gắn với khúc sông thơ mộng nên thích hợp với hình thức kinh doanh này. Ít ai biết, cách đây chừng ba năm, nơi đây chỉ là vườn tạp. Cha mẹ già, không đủ sức lao động nặng, Tuấn thì học hành dang dở, chỉ biết trồng lúa hai vụ/năm; thời gian còn lại, Tuấn đi làm thuê. Mệt mỏi vì phải loay hoay giữ ruộng, giữ vườn mà chẳng dư giả gì, Tuấn quyết định chọn con đường khác.

Tham khảo sách báo, anh gom 20 triệu đồng tích cóp được từ những ngày làm thuê, bắt đầu cải tạo vườn tược. Không biết thổ nhưỡng vườn nhà Tuấn thế nào mà các giống cây truyền thống đều không phát triển được. Lang thang các vườn ươm ở Long Xuyên, may thay, anh được một nghệ nhân của vùng này khuyên nên thử với giống sơ ri mới lai tạo. “Đất Mỹ Hòa Hưng vốn không trồng được sơ ri. Không hiểu sao, cây sơ ri giống ấy lại có thể phát triển mạnh mẽ đến như vậy”, Tuấn nhớ lại.

Từ cây ban đầu, Tuấn mạnh dạn nhân giống thành vườn sơ ri với gần 200 gốc. Sáu tháng tuổi, sơ ri đã cho trái, thu hoạch quanh năm. Trung bình, mỗi gốc sơ ri cho 240kg trái/năm nên nguồn thu cũng đáng kể. Khi đã có vốn, Tuấn trồng thêm ổi không hạt, xoài hòn xanh..., toàn những giống mới. Khi vườn đã ra dáng, Tuấn mới quyết tâm kết hợp làm dịch vụ.

Tuổi còn trẻ, còn thử sức

Khách đến vui chơi, giải trí tại vườn của Hồ Quốc Tuấn còn được thưởng thức một đặc sản khá hấp dẫn: nước lên men sơ ri. Tuấn cho biết: “Thành quả từ những ngày tôi được Hội Nông dân tỉnh cho đi tập huấn để làm du lịch đấy”. Trong quá trình học nghiệp vụ, anh tranh thủ trao đổi với các giáo viên để tìm hướng đi cho riêng mình. Được gợi ý về cách cho sơ ri lên men, anh làm thử và không ngờ thành công.

khoi-nghiepho-quoc-tuan-1.jpg

Hồ Quốc Tuấn giới thiệu với du khách đặc sản sơ ri
Sơ ri hái từ vườn, rửa sạch, lặt cuống, ủ cho lên men, chưng cất. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, vì chỉ cần sai lệch bất cứ điều kiện nào, tất cả sẽ thành giấm. Tuấn kể, đã có những ngày anh ngậm ngùi đổ cả mẻ sơ ri vì thời tiết nóng bất ngờ. Cả năm trời loay hoay thử nghiệm, chạy từ An Giang lên TP.HCM và ra Hà Nội để tìm thầy học hỏi, nếu thiếu kiên nhẫn, có lẽ anh đã bỏ cuộc. “Mình còn trẻ, nếu sợ thất bại, không dám thử sức thì biết chừng nào mới làm được việc”, Tuấn chia sẻ.

Không chỉ làm nước trái cây lên men, Tuấn còn chia nước thành phẩm từ sơ ri thành nhiều loại khác nhau, với nồng độ khác nhau, nên có thể đáp ứng được nhu cầu giải khát của khách hàng. Tiếng lành đồn xa, các sản phẩm sơ ri thương hiệu Quốc Tuấn đã có mặt tại một vài tỉnh.

Việc chưng cất thành công loại thức uống này đã khiến chàng trai mê sơ ri Hồ Quốc Tuấn vững dạ. Đất còn rộng, với đam mê sáng tạo và sự cần cù, chịu khó, chắc chắn từ mảnh vườn của mình, sẽ còn mang đến nhiều sản vật lạ.

PHƯƠNG QUYÊN​
 
×
Quay lại
Top Bottom