Chàng sumô không thể béo

Autumn lê

Riêng tư vừa đủ
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/10/2012
Bài viết
200
Giới thiệu:

Bạn sẽ mê mẩn câu chuyện của Eric-Emmanuel Schmitt nếu bạn yêu thích các câu chuyện ngụ ngôn mộc mạc và hài hước, thông minh mà đậm chất nhân văn. Tôi cá là như vậy đấy!

Thủ đô Tokyo - Nhật, những năm 2000.

Cậu bé Jun 15 tuổi sống lang thang trên đường phố Tokyo bằng cách bán những thứ khá bệnh hoạn: các con vịt có ngực, những hình phụ nữ khỏa thân bằng nhựa... để bỏ vào bồn tắm. Jun bỏ nhà ra đi được vài năm. Mẹ cậu cư xử như một thiên thần với tất cả mọi người, nhưng lại vô tâm và thờ ơ với chính cậu.

Bố cậu - tự tử vì sức ép công việc quá lớn - người mà "Nếu ai đó bảo con vẽ bố, có lẽ con sẽ vẽ cái máy cạo râu trong phòng tắm, cái tên trên hộp thư báo, cái tủ có ba đôi giày và hai bộ quần áo tối màu; có lẽ con sẽ vẽ cả sự yên lặng... Nhiều bạn của con không được gần gũi bố nhưng đa phần chúng nó đều có quyền có một người-cha-trong-các-kỳ-nghỉ. Con ấy à, con đã rất thích có được điều đó, có một người-cha-trong-các-kỳ-nghỉ, một ông mặc quần short, trông buồn cười, động viên, kiên trì dạy con làm đống thứ linh tinh...".

anh-chang-sumo-khong-the-beo.jpg

Những trải nghiệm cay đắng từ gia đình đã làm biến đổi thế giới quan cũng như tính cách của Jun, khiến cậu phát triển "một thứ mỹ cảm lộn ngược, một thứ mỹ cảm gắn liền với những dị dạng của mình", khiến cậu căm ghét đồng loại: "Tôi dị ứng với tất cả. Không có gì lôi cuốn tôi, tôi ghê tởm tất cả, sống làm cho tôi ngứa ngáy, hít thở làm tôi nổi cáu, nhìn xung quanh khiến tôi muốn đâm đầu vào tường cho phọt óc, quan sát loài người làm tôi thấy buồn nôn, chịu đựng lời nói của họ làm da tôi phủ đầy vẩy eczema, lại gần sự xấu xí của họ làm tôi rùng mình... Tóm lại, tôi đã vò nặn cuộc đời tôi theo sự què quặt của tôi".

Nhưng cuộc gặp gỡ với ông già Shomintsu kỳ lạ trên đường đã làm cuộc sống của Jun hoàn toàn thay đổi. Ông già ấy luôn luôn nhắc đi nhắc lại với cậu bé còi xương, hai đầu gối quặt vào trong và yết hầu lồi ra: "Ta thấy một người to lớn trong cậu".

Câu nói "thần chú" này là khởi đầu để tạo nên một nhân vật hết sức đặc biệt: một chàng sumô không thể béo...

Đó chính là khởi đầu kỳ diệu để Jun xóa bỏ quá khứ cùng những sức nặng tâm lý ngăn cậu trở thành một đô vật sumo thực thụ. Jun đã học được cách chế ngự bản thân qua tập luyện và thiền định, đồng thời vươn tới tầm cao của sự hiểu biết chính mình. Sự thù hận đồng loại trong cậu cũng biến mất, và ở điểm kết thúc của câu chuyện, Jun còn tìm thấy tình yêu.

Văn phong giản dị nhưng cô đọng, ngôn từ mộc mạc mà chọn lọc, cuốn sách đậm chất ngụ ngôn và triết lý của cây viết tài năng Éric-Emmanuel Schmitt đã chứng tỏ một điều: sách mỏng không đồng nghĩa với sách nhẹ ký.

Đọc Chàng sumo không thể béo, bạn sẽ biết về:

- Cách làm chủ dòng suy nghĩ và dung hòa cảm xúc

- Vẻ đẹp của tình mẫu tử và tình cảm gia đình.

- Một tỷ điều thú vị và tinh tế về môn vật sumo mà có thể những định kiến hời hợt nào đó (nếu có) khiến ta có suy nghĩ lầm lẫn về môn thể thao này.

- Chân dung nước Nhật hiện đại và tinh thần võ sĩ bất diệt ở đất nước mặt trời phương Đông.

- Cách hàn gắn nỗi đau và sự tuyệt vọng.

- Cách nhìn nhận và đánh giá đúng bản thân.

- Cách hiểu rõ chính mình.

- Cách lắng nghe và truyền cảm hứng.

- Sự lạc quan lành mạnh.



1525657_423469844460080_7637192472585966188_n.jpg

Nói về cuốn sách này, tờ Le Point của Pháp nhận định: "Cùng lúc đơn giản và phức tạp, cùng lúc sáng rõ và khiến người ta phải bối rối. Ai cũng có thể nhận ra mình trong đó"... còn Le Pèlerin thì bình "đúng chất" Eric-Emanuelle: "Đừng e ngại, cuốn sách này sẽ không khiến bạn béo ra mà chỉ khiến bạn lớn lên thôi".

"Phía sau những đám mây luôn có một bầu trời". Cảm ơn Eric-Emmanuel Schmitt về cái kết vô cùng bất ngờ mà đẹp hơn một giấc mơ.

Nguồn: truyenngan.com.vn
 
CHƯƠNG 1
...mộc- mạc, hóm hỉnh và nhân văn."

- Le Figaro

Người tôi gầy, lẻo khoẻo, thẳng đuột, ấy thế mà mỗi lần đi ngang qua, lão Shomintsu lại hào hứng nói:

- Ta thấy một người to lớn trong cậu. Bực cả mình! Nhìn thẳng, trông tôi như một bộ da cá trích phơi khô trên một que diêm; nhìn nghiêng... không thể nhìn thấy tôi theo chiều nghiêng, tôi được sinh ra theo không gian hai chiều chứ không phải ba chiều; giống như một hình vẽ, trông tôi cứ phẳng tuột.

- Ta thấy một người to lớn trong cậu. Mấy hôm đầu, tôi không đáp lại vì còn nghi ngờ chính mình: tôi thường nghĩ rằng người ta hay tấn công tôi bằng lời nói, bằng những cái nhăn mặt, bằng những cử chỉ, rồi sau đó nhận ra là mình nhầm, tôi suy diễn, bóp méo, thậm chí là tưởng tượng.

Huyễn tưởng, tôi e là như vậy, người ta gọi kiểu ảo tưởng lặp đi lặp lại này như vậy, đúng thế, tôi huyễn tưởng, hơn thế nữa, tôi còn dị ứng.

- Này Jun, hãy bình tĩnh nào, mày đang tự giết mình đấy, tôi tự răn mình. Cái lão dặt dẹo này không nói thế đâu.

Lần thứ ba, khi Shomintsu tới gần, không cần nói cũng biết tai tôi đang căng ra như chân của một tay lính khi ngắm bắn: không được nghe thiếu một từ nào, không được sót một âm tiết nào, tôi sẽ nắm lấy bất cứ tiếng gầm gừ nào mà lão đầu bạc này phát ra.

- Ta thấy một người to lớn trong cậu.

- Lão biến đi!

Lần này, tôi chắc chắn mình đã nghe rõ.

Còn lão ta thì không có vẻ gì để tâm đến câu trả lời của tôi: lão mỉm cười và tiếp tục đi dạo như thể tôi đã chẳng có phản ứng gì.

Hôm sau, khi dừng lại, lão hét tướng lên với vẻ mặt hào hứng của người vừa mới nghĩ ra câu nói ngay lúc đó:

- Ta thấy một người to lớn trong cậu.

- Lão là người đầu đất hay sao thế?

Không cách nào làm lão hết dính vào tôi! Bốp! Ngày nào lão cũng đập lại câu đó.

- Ta thấy một người to lớn trong cậu.

- Đi bệnh viện chữa đi!

Từ bây giờ tôi đáp lại như vậy, sáng nào cũng thế, tùy theo độ bực tức của mình, với một vài biến thể như "Đeo kính vào đi bố già, kẻo đâm đầu vào tường bây giờ", "Nhiều kẻ đã bị bắt vào nhà thương điên vì những câu ít điên hơn thế đấy!", thậm chí là: "Đừng làm tôi bực mình, nếu không tôi cho lão nuốt ba cái răng còn lại trên mồm lão đấy".

Không hề suy chuyển, Shomintsu lắc mõm và tiếp tục đi, hỉ hả, ung dung, chẳng để tâm đến việc tôi vừa quát mắng lão. Một con rùa. Tôi có cảm giác đang nói chuyện với một con rùa trong vòng ba mươi giây, bởi lẽ lão có cái mặt nhăn nhúm, sắc xanh kaki, nhẵn nhụi, hai con mắt nhỏ xíu nấp dưới cặp mi già nua, đúng vậy, một con rùa có cái cổ khô héo oằn xuống dưới một cái sọ nặng nề rồi mất tích trong những nếp gấp của bộ quần áo cắt khéo không chê vào đâu được của lão, thẳng như được phết hồ, một cái mai cứng ngắc. Tôi còn tự hỏi không biết căn bệnh nào khiến lão cứ khăng khăng như thế: lão mù, điếc, hâm hay hèn nhát? Lão dở hơi không để đâu cho hết.

Các vị sẽ nói với tôi rằng, để thoát khỏi chuyện này, tôi chỉ cần không đứng ở cái ngã tư đó vào buổi sáng ; có điều, tôi chẳng có sự lựa chọn nào cả. Mười lăm tuổi rồi, phải biết tự kiếm sống chứ. Nhất là khi không có ai nương tựa. Nếu tôi không đứng lì ở góc phố mang tên Đỏ Rực, dưới tòa nhà xây bằng gạch hồng nơi xuất bản các quyển tiểu thuyết-ảnh ngớ ngẩn nhất nước Nhật, một vị trí chiến lược nằm giữa cửa ga tàu điện ngầm và bến xe buýt, tôi sẽ không thể nào kiếm đủ khách để đẩy hết chỗ hàng của mình.

Sự thực là lão Shomintsu làm tôi tò mò bởi điều mà lão gào tướng lên hằng ngày là một sự ngu xuẩn. Nó khác với kiểu của những người thông minh, với vẻ rất quan tâm, suốt ngày dồn dập hỏi tôi những câu đại loại như: "Tại sao ở tuổi này cháu lại không đến trường?", "Thế gia đình có biết cháu ở đây không?", "Cháu không có bố mẹ để chăm sóc cháu à? Họ mất cả rồi à?", chừng ấy những câu hỏi có nghĩa, rõ ràng mà tôi không trả lời.

À có chứ, đôi khi có một câu hỏi khác được lặp lại: "Mày không xấu hổ khi bán những thứ này à?" Những khi đó, tôi đã có sẵn một câu trả lời: "Không, tôi chỉ xấu hổ khi mua nó thôi", nhưng trên thực tế, chẳng bao giờ tôi nói thế vì không thể mạo hiểm để mất đi một khách hàng tiềm năng.

Tóm lại, cái lão Shomintsu nhìn thấy tôi là một người to lớn, với vẻ ngoài lơ ngơ của lão, có lợi thế hơn người là tâm trí lão ở một nơi, chân lão lại bước về một nẻo; ở cái thành phố Tokyo này, nơi đám đông chạy theo cùng một hướng, nơi người này giống hệt người khác, lão ta có vẻ khác biệt. Chưa đi tới mức khẳng định rằng điều đó làm tôi có cảm tình, không, tôi không yêu ai cả, nhưng điều đó làm tôi thấy lão ít phản cảm hơn.

Bởi cần phải nói với các vị là vào thời đó, tôi bị dị ứng. Tôi không chịu được bất cứ thứ gì trên trái đất này. Thậm chí cả chính tôi nữa. Một chủ đề hấp dẫn với các bác sĩ nếu họ quan tâm đến trường hợp của tôi: tôi dị ứng với tất cả. Không có gì lôi cuốn tôi, tôi ghê tởm tất cả, sống làm cho tôi ngứa ngáy, hít thở làm tôi nổi cáu, nhìn xung quanh khiến tôi muốn đâm đầu vào tường cho phọt óc, quan sát loài người làm tôi thấy buồn nôn, chịu đựng lời nói của họ làm da tôi phủ đầy vẩy eczema, lại gần sự xấu xí của họ làm tôi rùng mình, giao du với họ làm tôi nghẹt thở; còn chạm vào họ, chỉ nghĩ đến đó thôi đã khiến tôi phát ngất. Tóm lại, tôi đã tự vò nặn cuộc đời mình theo sự què quặt của tôi: vĩnh biệt trường học, tôi không có bạn, tôi bán hàng mà không tào lao gì với khách, tôi ăn thức ăn công nghiệp - đồ hộp, cháo ăn liền - ăn một mình, nép dưới những tấm ván công trường, tối đến, tôi ngủ trong những nơi vắng vẻ, thường là những chỗ hôi hám, miễn sao được ngủ một mình.

Ngay cả việc tư duy thôi cũng làm tôi đau đớn. Suy nghĩ ư? Không cần thiết. Nhớ lại ư? Tôi tránh việc đó... Dự đoán ư? Tôi cũng tránh luôn. Tôi cắt mình ra khỏi quá khứ và tương lai. Hoặc ít ra là, tôi buộc mình làm như thế... Bởi lẽ, nếu như việc quẳng ký ức đi chẳng gây phiền hà gì cho tôi vì nó đầy rẫy những kỷ niệm đau đớn thì việc thôi không nghĩ đến những cảnh tượng đẹp đẽ lại luôn là một sự giằng xé. Tuy nhiên, tôi cấm mình làm việc đó vì tôi biết mình sẽ lãnh đủ vào lúc tỉnh giấc, khi tôi nhận ra rằng những điều đó là chuyện viển vông.

- Ta thấy một người to lớn trong cậu.

Không biết hôm thứ Hai ấy tôi bị làm sao nữa? Tôi không trả lời. Tôi cắm đầu vào một mớ bùng nhùng những suy nghĩ thảm hại, rối đến mức tôi không nhận ra lão

Shomintsu đã đứng lại, chú ý đến tôi và cũng không nhận thấy câu nói của lão.

Vì thế, lão nhắc lại rất to:

- Ta thấy một người to lớn trong cậu.

Tôi ngước mắt lên nhìn lão. Lão nhận ra rằng tôi đã nghe tiếng và nhấn mạnh:

- Cậu không tin ta khi ta khẳng định rằng ta thấy một người to lớn trong cậu.

- Này lão rùa, tôi cóc quan tâm đến những điều vớ vẩn lão nói! Tôi không muốn nói chuyện với ai: điều đó làm tôi mệt chết! Lão nghe thủng chưa?

- Tại sao?

- Tôi dị ứng.

- Dị ứng với cái gì?

- Dị ứng với tất cả.

- Từ bao giờ?

- Người ta cho rằng dị ứng là cái đến bất chợt, vèo một cái, một buổi sáng khi ngủ dậy bỗng dưng lão bị dị ứng. Đúng là một sự ngớ ngẩn! Với tôi, dị ứng đến dần dần. Tôi không biết nó bắt đầu từ bao giờ. Tôi chỉ biết là trước đó rất lâu, tôi không thế.

- Ta hiểu rồi, hiểu rồi..., lão già thì thầm giọng hiểu biết.

- Không, lão chẳng hiểu gì cả! Không ai hiểu tôi và lão thì càng ít hơn nữa. Tất cả cái lão có khả năng thấy, tôi nói lão đấy, là những cái không tồn tại.

- Chuyện cậu dị ứng hả?

- Không, lão ngốc: chuyện tôi là người to lớn ấy!

Hết hơi, tôi vừa nói chuyện nhiều hơn những gì tôi nói trong sáu tháng. Để cho xong chuyện với lão, tôi xắn quần dài lên.

- Nhìn kỹ đi lão rùa, đầu gối tôi to hơn đùi.

Vào thời đó, tôi vẫn còn tự hào về đầu gối của mình vì chúng xấu xí, mất cân đối so với cơ thể tôi. Vì căm thù chính mình, tôi chỉ chịu được những cái trông khủng khiếp trên cơ thể mình; gần như vô thức, tôi phát triển một thứ mỹ cảm lộn ngược, một thứ mỹ cảm gắn liền với những dị dạng của mình, bệnh còi xương, hai đầu gối quặt vào trong và yết hầu lồi một cục.

- Lão thấy chưa bố già, tôi trông giống một con gà. Khớp thì to và chẳng có cơ xung quanh.

Shomintsu gật đầu đồng ý.

- Khối xương rắn chắc này khẳng định trực giác của ta đã đúng, ông già hào hứng, có một người to lớn đang ngủ trong cơ thể cậu! Cần phải đánh thức anh ta dậy, cho anh ta ăn, cho anh ta phát triển.

- Thôi ngay! Tôi không thấy việc trở nên to lớn có lọi ích gì.

- Không à? Cậu thích gầy giơ xương... cậu thích mình gầy gò phải không?

- Tôi ghê tởm mình! Lão không nghe thấy à? Tôi dị ứng. Dị ứng với tất cả! Những gì tôi nói còn mù mờ lắm hả?

Mồm tôi tự liến thoắng; tôi cắn môi để ngăn mình nói tiếp. Bỗng dưng lại đi tâm sự với cái lão bù nhìn này? Chuyện gì đang xảy ra với tôi vậy? Sự chân thành bùng phát thành con ư? Cứ như thể bệnh dị ứng kinh niên chưa gây đủ rắc rối cho tôi hay sao ấy...

Lão ta chìa một chiếc vé ra cho tôi.

- Cầm lấy. Hãy đến xem giải đấu.

Không nghĩ ngợi gì cả, tôi đẩy tay lão ra bởi tôi cảm thấy một sự ghê tởm theo bản năng đối với những gì giống như sự hào phóng.

- Không.

- Cậu từ chối hay cậu không biết ta đưa cho cậu cái gì?

- Tôi không thèm.

- Thật tiếc, đó sẽ là một giải đấu tuyệt vời.

- Thi đấu gì?

- Vật su mô. Ta là chủ một lò vật. Thứ Bảy tới sẽ có nhiều nhà vô địch nổi tiếng thi đấu.

Tôi phá lên cười. Nói về chuyện này thì tôi cười thực sự, cười hồi lâu. Nếu có cái gì đó chắc chắn tôi không làm thì đó chính là việc đi xem một trận đấu su mô, đỉnh điểm của những gì tôi ghét ở Nhật Bản, đỉnh cao của những cái lỗi thời, núi Phú Sỹ của những điều khủng khiếp.

- Những đống mỡ hai trăm ki lô búi tóc, gần như trần truồng, một dải lụa quấn qua mông, hoa chân múa tay trong một vòng tròn, thôi cho tôi xin! Đưa cho tôi một tấm vé thôi chưa đủ, lão phải trả tiền cho tôi nếu muốn tôi đi xem những túi mỡ đập vào mặt nhau. Trả tôi nhiều tiền vào. Cực kỳ đắt vào.

- Bao nhiêu?

- Gì cơ?

- Bao nhiêu? Shomintsu nhắc lại. Ta phải trả cậu bao nhiêu để cậu đi xem một giải đấu su mô?

Mặt nghiêm nghị, lão ta thò tay vào túi lấy tiền.

Lão già bản lĩnh đấy, bái phục! Tôi lầm bầm bằng một giọng không quá cáu kỉnh:

- Đừng nói nhiều nữa, lão rùa. Lão không có tiền đâu. Mua cho tôi một món hàng nếu lão muốn giúp tôi.

Tôi chỉ xuống những vật phẩm dưới chân mình, xếp thành hàng trên mảnh khăn trải thẳng xuống mặt đường, lý do tôi phải đứng ở cái góc đầy người qua lại này trong khi tôi dị ứng với loài người. Lão liếc qua dãy hàng khoảng một giây rồi lẩm bẩm:

- Ôi không, ta sẽ xấu hổ khi mua những thứ như thế này.

Đúng ở điểm này, lão làm tôi cứng họng vì đó chính là điều tôi vẫn nghĩ.

Không chú ý đến lời đề nghị của tôi, lão lại đếm tiếp mấy tờ giấy bạc nhàu nhĩ trên tay mình.

- Cầm lấy, đây là tất cả những gì ta có trên người.

Lão vứt tiền xuống chỗ tôi bày hàng, sau đó nâng niu đặt chiếc vé xuống; quay phắt lưng lại và bước đi.

Quá đỗi ngạc nhiên, tôi đứng yên như trời trồng, không nói được câu nào. Sau đó, khi biết chắc không có ai nhìn thấy cảnh lúc nãy, tôi cúi xuống, nhặt lấy tiền và đút vào túi. Kỳ lạ. Tôi gần như cảm thấy xấu hổ vì đã kiếm được chừng ấy tiền mà không làm gì.

Để gột rửa cảm giác khó chịu này, tôi quơ lấy và xé nát tấm vé. "Không, tôi sẽ không đi xem trận đấu su mô của lão đâu. Không, lão rùa ạ, không có gã to lớn nào ngủ trong tôi cả. Không, bố già ạ, lão không mua được tôi đâu." Mỗi mẩu vé rách tan trong tay tôi là chừng ấy phẩm giá của tôi được lấy lại.
 
CHƯƠNG 2
Những ngày sau đó, toàn là chuyện xui xẻo ập xuống. Vì chuyện buôn bán thúc bách, tôi quyết định thay đổi địa bàn, điều này đã kéo theo cả tá rắc rối. Trên thực tế - và tôi chỉ hiểu ra điều đó sau này - những cái cớ mà tôi mang ra tự thuyết phục mình phải di chuyển che giấu một nguyên nhân duy nhất: tránh không gặp lại Shomintsu. Vận đen đã tóm lấy tôi...

Ngày hôm sau, tôi mò sang một khu mới và rải hàng của mình trên một đại lộ đông người qua lại.

Người đông đến nỗi một tiếng sau, tôi phát hiện ra rằng cách đó năm mươi mét về bên phải, năm mươi mét về bên trái, có những người khác cũng rải bán dưới chân những mặt hàng hệt như của mình. Vừa nhìn thấy tôi, chúng đã bảo tôi phải cuốn xéo.

- Tại sao? tôi đáp lại. Hay là các anh làm chủ chỗ vỉa hè này?- Hai thằng đã là quá nhiều, ba thằng thì không thể được. Biến đi chỗ khác, thằng nhóc!

- Nhưng tôi có buộc ai trong số hai anh phải đi khỏi đây đâu.

Đồ rằng dân buôn bán cạnh tranh thì hay ghét nhau nên tôi nghĩ mưu khích cả hai bên, để chứng đối chọi nhau. Thật không may! Điều ngược lại đã xảy đến: hai kẻ thù hết sức vui mừng được bắt tay chống lại kẻ xâm nhập. Tôi hét lên, chống trả, giãy giụa vô ích, chúng vẫn trấn được mấy món hàng của tôi và ném xuống cống. Tôi muốn tiếp tục đấm chúng, làm điều tương tự với chúng bằng cách phá chỗ hàng của chúng, nhưng ý nghĩ rằng trước hết phải đi lấy lại hàng để bán chợt lóe lên trong đầu tôi.

Tôi phải mất nhiều giờ mới tìm ra người cung cấp hàng cho mình ở phía sau mấy gian hàng tạm bợ nơi diễn ra các hoạt động buôn lậu, thứ giúp tôi kiếm sống. Đó là một gã người Tàu răng bịt vàng, không bao giờ nói được một câu trọn vẹn, thậm chí gã còn chẳng dùng đến từ nào nữa; gã chỉ nói số tiền rồi dùng ngón tay ra hiệu ai phải đưa và ai được trả.

May thay, nhờ vào số tiền Shomintsu để lại, tôi có thể mua được vài hộp hàng. Tuy nhiên, khi tôi rời con hẻm nhỏ vào lúc trời vừa tối thì bốn chiếc xe cảnh sát ập đến: sở Hải quan khám xét bất ngờ.

Tôi đã phản xạ đúng dù hơi muộn; "phản xạ đúng" là bởi thoắt một cái tôi đã ném mấy hộp hàng đi để trở thành một người đi dạo vô tình đi qua góc phố này; "hơi muộn" là vì một trong số các cảnh sát đã kịp nhìn thấy tôi. Gã này, trẻ nhất trong bọn, người xương xương, nấm tóc, một gã đã nhuộm tóc thành vàng hoe, nhưng tóc khỏe quá nên chỉ thành màu cam, hét tướng lên như thể vừa trúng số.

- Nó đã ném hàng đi! Nó đã ném hàng đi! hắn thét lên khi lao từ xe ra.

Thằng cha này tự coi mình là ai vậy? Hắn tưởng đang diễn trong một bộ phim Mỹ hay sao?

Tôi ngoái cổ lại vẻ tò mò giả vờ xem hắn đang nói với ai đó sau lưng mình.

Ương ngạnh, cứng đầu, khăng khăng với ý nghĩ "ta là cảnh sát giỏi nhất ở Tokyo", hắn huơ súng, xộc về phía tôi, phỉ ra một câu nói kiểu như "nằm xuống đất" nhưng rất khó nghe bởi cái giọng the thé của hắn và vì tôi không có phản ứng gì, hắn nhảy lên đè nghiến tôi xuống đất. Đúng là thằng điên!

Cùng lúc đó, các đồng nghiệp của hắn tỏa ra chạy vào các phố và sạp hàng xung quanh. Tiếng còi cảnh sát rú rít, càng làm tăng sự hoảng loạn đang làm cả khu phố đông cứng lại.

Tôi đợi vài giây để lại sức sau cú ngã, để xem xét tình hình tồi tệ của mình khi rơi vào tay một gã động kinh đang lên cơn.

- Thả tôi ra, tôi bình tĩnh nói nhỏ.

- Mày đã ném hàng ở chỗ kia kìa!

- Không phải.

- Có chứ. Mày đã quăng hàng đi! Tao nhìn thấy mà.

- Ông chứng minh đi.

- Tao là cảnh sát. Người ta sẽ tin tao.

- Thế à, ông mà tin được à, đồ tóc hung! Liệu có thể tin được một gã người Nhật không khi hắn muốn biến thành người Thụy Điển và rồi cuối cùng trông chỉ giống một chiếc ti vi xậm xoẹt? Trước khi ra tòa làm chứng hãy thay màu đi đã hỡi siêu nhân người máy Goldorak, nếu không các vị quan tòa sẽ phát nôn đấy!

Vậy đó, rõ là tôi đã không thể kiềm chế được: càng nói tôi chỉ càng làm cho tình trạng của mình trầm trọng hơn, vậy mà khi tay này càng đè lên tôi, không cho tôi ngóc dậy, tôi càng phải chửi hắn, sỉ nhục hắn.

- Chắc chắn là nên cắt tiếng kêu be be của ông đi thì hơn, nếu không người ta lại tưởng ông bị kẹt dái vào khóa quần đấy. Nói vậy thôi, dẫu có vặn nhỏ giọng lồng tiếng đi thì ông vẫn tự cho mình là siêu nhân người máy, đồ Goldo hung ! Đúng vậy, thật là tuyệt khi ông không hề do dự, lao phéng vào kẻ địch yếu nhất, một thằng mới lớn mười lăm tuổi, vô tội. Ông thậm chí không rút súng ra khỏi bao nữa, đúng là vô địch! Hoan hô! Ông biết đó là khẩu súng thật mà người ta đưa cho ông ở trường cảnh sát, không phải khẩu súng nhựa mẹ ông tặng hồi sinh nhật. Ông hiểu sự khác biệt chưa? Ông mất khả năng phân biệt màu rồi nhưng tôi hy vọng là vẫn còn biết cái gì làm bằng chất liệu nào. Thật đấy chứ không phải giả đâu!

Khi hắn bảo tôi đứng lên, tôi thấy mặt hắn tái đi, mắt long lên, hàm nghiến chặt vì tức giận, tôi lập tức ngậm mồm. Đừng bao giờ sỉ nhục một người Nhật quá giới hạn, néu không anh ta sẽ bắn. Nói thêm một câu nữa, tôi sẽ trở thành nạn nhân của một vụ tai nạn trong lúc thi hành công vụ.

Tôi bị đưa về đồn. Người ta hỏi cung tôi. Như thường lệ, tôi không trả lời bất cứ một câu hỏi nào về thân thế, bố mẹ, gia đình, địa chỉ. Một cục cứt chó có lẽ cũng nói nhiều hơn tôi, nó sẽ cho người ta các dấu hiệu; tôi thì không một chút nào.

Tôi làm họ mệt nhừ.

Khi bị bắt, tôi chua ngoa bao nhiêu thì sau đó tôi câm lặng bấy nhiêu. Không gì lay chuyển nổi.

Quay lại mấy hộp hàng, khi họ mở ra trước mặt tôi, tôi bối rối nhìn vào thứ họ bày ra và chỉ còn biết thở dài:

- Cháu xấu hổ khi bán những thứ đó.

Cảm thấy phiền lòng - họ chia sẻ với nhau cảm giác ấy - nên họ không truy cứu nữa.

Sự trơ lì của tôi đã-làm họ chán ngán đến mức không buồn xử lý cũng không thể chịu đựng được sự bất lực của mình; cuối cùng, giống như các cảnh sát hay nhân viên trợ giúp xã hội thường làm với tôi, họ đành phải thả tôi ra, một cách để tìm lại lòng tin vào nghề nghiệp của mình.

Vấn đề là ở chỗ tôi đã tiêu hết tiền của Shomintsu để mua số hàng mà cảnh sát hải quan đã tịch thu. Làm gì để sống bây giờ?

Ăn miếng trả miếng, giải pháp với tôi bây giờ rất rõ ràng: tôi sẽ thó hàng dự trữ của hai tay cạnh tranh, cái lũ đêm trước đã vứt hàng của tôi xuống cống.

Tôi quyết định không trả thù giữa phố

- quá nguy hiểm - thay vào đó là tìm xem chúng sống ở đâu để cuỗm đồ mà chúng không biết.

Tìm chỗ ở của lũ lưu manh không dễ tí nào, chúng luôn nghi ngờ, luôn luôn cảnh giác. Tuy nhiên, sau nhiều hôm theo dõi, tôi đã phát hiện ra chỗ giấu hàng của từng thằng và nhân tối thứ Bảy khi mỗi thằng đi một ngả để nốc rượu sa kê, tôi cuỗm hàng trong chỗ chứa của chúng với cảm giác đang lấy lại hàng của chính mình.

Chủ nhật, tôi quyết định không làm việc và đến địa chỉ bưu điện chính thức mà tôi để lại, một cái hộp thư tôi thêm vào giữa các hộp khác - những hộp thư thật trong một tòa nhà không phải nơi tôi ở vì tôi chỉ ngủ bên ngoài. Tôi có thư.

Cầm bì thư trong tay, tôi nhận ra ngay lập tức những cái tem mà mẹ thường dùng.

Không buồn mở ra, tôi thả luôn lá thư vào ba lô sau lưng nơi những lá thư khác đang nằm đó. Tôi chưa bao giờ giải mã các thông điệp mà mẹ tôi gửi đến. Dù gì, thì ai đó biết chữ cũng đã đọc hoặc viết lá thư này trước vì mẹ tôi không biết chữ. Chữ nghĩa của một người mù chữ ư, thôi cho tôi xin! Hẳn nó sẽ không mới cũng chẳng độc đáo. Cả ngày hôm đó, tôi chỉ lơ mơ ngủ dưới một cây cầu vượt trong tiếng ru của những chiếc ô tô đi qua.
 
CHƯƠNG 3
Sáng thứ Hai, tôi mang những thứ lỉnh kỉnh của mình ra bày ở chỗ tôi thường đứng, dưới tòa nhà nơi bày bán những cuốn tiểu thuyết-ảnh, cảm thấy hạnh phúc, tự hào vì đã quay lại công việc cũ.

Shomintsu xuất hiện trước mặt tôi, mắt nhìn nghiêm khắc.

- Cậu đã không đến hôm thứ Bảy.

- Thế à?

- Thế nhưng ta đã trả tiền cho cậu.

- Lão không đủ sức đâu bố già ạ, tôi đã nói với lão rồi, tôi quá đắt để lão có thể trả cho tôi. Và hơn nữa, tôi cũng không nói là tôi đồng ý.

- Cầm lấy. Lần này, ta không đưa tiền cho cậu mà chỉ đưa một tấm vé khác.- Tôi sẽ không bao giờ đi xem một trận đấu của những cái xúc xích đẩy nhau lộn nhào.

- Cậu nhầm. Ta thấy một người to lớn trong cậu.

Lão để tấm vé ở đó rồi bỏ đi.

Vì một lẽ nào đó mà tôi còn chưa biết, tôi nhặt tấm vé lên và nhét sâu vào túi.

Sau đó, mọi việc lại diễn biến theo chiều hướng xấu. Đầu tiên là một bà già, bà này đã làm người qua đường xúm lại khi chỉ trích những cái tôi bán; tôi chống trả vô ích, càng lúc bà ta càng rống to hơn:

- Thật xấu hổ! Xấu hổ!

- Gì cơ? tôi phản đối. Mấy con vịt nhựa thả vào bồn tắm có gì xấu hổ hả bà?

- Có những con vịt có ngực, nửa thân trên là đàn bà. Thế còn con này, với mấy cái núm vú màu đỏ? Trông nó giống người cá hơn là vịt.

- Phải nghe nó hát mới biết chắc chắn được bà ạ, tôi trả lời.

- Con này thậm chí không phải là người cá nữa mà thực sự là một phụ nữ trần truồng bằng nhựa.

- Thế người ta không có quyền cho phụ nữ trần truồng vào bồn tắm hả bà?

- Không.

- Thế bà tắm thế nào thưa bà?

- Hỗn láo! Trâng tráo! Đồ mất dạy!

Giận điên người, bà ta bỏ đi. Vụ cãi vã đã làm người hiếu kỳ đứng lại xem, tôi khám phá ra tác dụng của quảng cáo bằng xì căng đan bởi suốt giờ đồng hồ sau đó tôi đã bán sướng cả tay.

Bán nhiều đến mức mà tôi không nhìn thấy mấy viên cảnh sát do mụ già tức điên, sùi bọt mép, đã tố cáo để trả thù tôi, đang đến.

Họ túm lấy vai tôi trước khi tôi kịp phản ứng.

- Mày có giấy phép, chứng nhận được bán hàng trên phố không?

- Cái này thì...

- Ai cung cấp hàng cho mày? Ai là chủ hàng? Có hóa đơn không?

Các câu hỏi này sặc mùi trường giáo dưỡng nơi tôi sẽ kết thúc đời mình nếu không nghĩ ngay ra chiêu gì đối phó.

Tôi hét toáng lên, mặt méo xẹo vì đau.

-Ái!

Thấy tôi hét to quá, họ nới tay một chút.

Tôi càng hét tợn.

- Ái! Các chú bóp đúng chỗ bố cháu đánh hôm qua.

Theo bản năng, họ rụt tay khỏi vai tôi và chột dạ, không biết có đang dính phải một nạn nhân của bạo hành hay không.

Không chậm một giây, tôi vắt chân lên cổ mà chạy, bỏ cả hàng đi.

Tôi chạy suốt một tiếng trong thành phố, qua nhiều khu khác nhau để đảm bảo không gặp lại họ và chỉ dừng lại khi hụt hơi, khi ấy thái dương căng rát, dái tai sung vù, tôi chẳng còn biết mình ở đâu nữa.

Đứng sau đống thùng rác của một cửa hiệu pizza, tôi đã làm một việc mà lẽ ra không được liều như vậy. Để không phải thấy mình quá cô độc, tôi mở ba lô, tài sản duy nhất còn sót lại, thế rồi, hai chân xoạc ra trên mặt đường, tôi rút từ dưới đống quần áo bẩn thỉu ra những bức thư của mẹ tôi, những thứ tôi đã từ chối mở ra từ nhiều tháng.

Tôi bóc niêm phong.

Bà mẹ mà tôi đã chạy trốn không nói lại một lời, người mà tôi bỏ lại vào một buổi sáng trong vùng ngoại ô xa lắc của bà và chỉ để lại một địa chỉ rởm ở Tokyo, có thể nói gì với tôi đây?

Nhất là, làm thế nào mà một người mù chữ như bà có thể viết cho tôi! Bị đuổi khỏi trường từ khi còn nhỏ, học thì chữ không vào, không biết đọc, không biết viết, bà sẽ nhờ ai giúp đây? Nhờ hàng xóm nào? Người xa lạ nào? Các lá thư của bà, một thằng cha căng chú kiết nào đó đã nghe đọc trước tôi, một trong các lý do khiến tôi làm cao chẳng thèm đọc chúng... Mẹ tôi lúc nào cũng nói chuyện với người khác trước tôi, mẹ tôi luôn luôn trao đổi với người khác nhiều hơn với tôi, mẹ tôi luôn luôn chú ý đến người khác hơn đến tôi. Đúng vậy, tôi bao giờ cũng chắc chắn một điều về bà là trong số những cái có thể làm bà lo lắng, tôi là cái nhỏ nhất.

Thư của bà có cái gì nhỉ?

Trong bức thư thứ nhất, chỉ có một tờ giấy trắng. Tôi lật tờ giấy lại, nhìn sát vào, để ra xa, rồi giơ lên ánh sáng, tôi thấy một chấm tròn ngấm qua sợi giấy làm nó khẽ phồng lên và làm giấy chỗ đó tối màu. Tôi nhận ra đó là một giọt nước mắt: mẹ đã khóc lúc tôi đi.

Trong bức thư thứ hai, không có tờ giấy nào. Ở phía dưới, kẹt trong nếp gấp, nằm đó một sợi len màu vàng nhạt, mềm mại, một sợi len xù làm từ lông dê mà bà đã dùng để đan quần áo tôi hồi bé. Điều này có nghĩa: mẹ ôm con vào lòng.

Trong bức thư thứ ba, chẳng có gì cả. Tôi giở đi giở lại cái phong bì nhiều lần, mong tìm ra một chi tiết mà tôi đã bỏ qua. Cuối cùng, khi xé bì thư, tôi thấy ở phía dưới phần gập có mấy dấu son thầm thì: "Mẹ hôn con.

Bức thư thứ tư ý tứ rất rõ ràng: một viên đá màu ghi, một hòn sỏi tam giác góc tròn, vì nặng nên cước tem rất đắt. Mẹ thổ lộ với tôi: "Trái tim mẹ nặng trĩu."

Bức thư thứ năm đặt ra nhiều vấn đề hơn: đó là một chiếc lông chim. Tôi nghĩ là bà bảo: "Hãy viết cho mẹ", rồi tôi thấy đó là một chiếc lông bồ câu, có thể nhận ra được qua dải màu lông biến đổi, màu ngà ở phía cuối, màu tro xám ở hai bên, rồi sắc cầu vồng ở đầu lông; do đó, thông điệp có hai nghĩa mới, có thể là "Con ở đâu?" hoặc là "Về đi con" bởi bồ câu dù bay đi xa rồi cũng sẽ bay về nhà. Trong trường hợp thứ hai, liệu có phải nó ẩn giấu một lời cầu cứu?

Bức thư thứ sáu làm tôi an tâm trước hết bởi nó là một cái xích chó cũ mà bộ phận khóa đã hỏng. Mẹ trấn an tôi: "Con đã tự do rồi." Vì đó là thông điệp cuối cùng nên rốt cuộc tôi phải nghi ngờ: nó cũng có thể có nghĩa: "Giờ thì mày đã đi và mẹ chẳng quan tâm đến điều đó."

Tại sao tôi lại được một bà mẹ như vậy sinh ra, một người mẹ mà tôi không hiểu nổi, một người mẹ không hiểu tôi? Tôi đã sinh ra từ bụng bà nhưng không hiểu được tâm can bà! Bức thư tù mù này đang phản ánh mối quan hệ giữa chúng tôi: không chắc chắn hiểu đúng cái mà bà không biết diễn đạt một cách chính xác, tôi không thể nói chuyện với bà được; sự thất bại này làm cả tôi và bà mỗi ngày thêm trở nên xa lạ với nhau.

Tôi nằm dài suy nghĩ. Thật nhầm lẫn làm sao! Những luồng suy nghĩ cứ dồn dập đến làm tôi đau đớn tới mức bải hoải tới tận sáng hôm sau
 
CHƯƠNG 4
Suốt tuần, tôi chỉ cố gắng để sống sót bằng cách đi từ thùng rác này sang thùng rác khác, tùy theo giờ hoạt động của các nhà hàng, của đám lao công hay của cảnh sát, tôi làm được việc là ở một mình, ăn đồ thừa, thi thoảng chợp mắt một chút.

Thứ Bảy, tôi bị đánh thức bởi một cú đau nhói. Một con quạ, tưởng tôi là xác chết giữa đống rác, đã lao bổ vào đầu tôi như thể nó muốn đập vỡ vỏ một quả trứng luộc.

Tôi hét lên làm nó bay biến đi. Mở mắt ra, tôi thấy trên bầu trời xám xịt, một đàn chim màu đen đang di chuyển như một đám mây rồi chúng đột nhiên lo lắng và bỏ rơi con mồi.

Tokyo, bốn giờ sáng... có thể đó là khoảng thời gian lúc con người cho mình một chút ngơi nghỉ, lúc thành phố của nhựa đường, của đá, của bê tông, nơi những chiếc cầu vượt trải dài và chằng chịt như dây leo, lại trở thành một cánh rừng mà ở đó muông thú uống nước và đi kiếm ăn. Chuột và quạ lao vào các đống rác thải, lũ chuột rời bỏ lòng đất, hầm, ống, bãi đỗ xe, ống ghen để chu du trên các con phố vắng vẻ, lũ quạ rời khỏi các cây sào, tòa nhà, ăng ten, cột điện để dùng cái mỏ mạnh mẽ của mình xé toang những cái xác động vật đang thối rữa.

Trên thực tế, tôi tạo ra trong đầu mình ý nghĩ rằng ở đây, từ nhiều tháng nay, đặc biệt từ một tuần nay, tôi sống như một con chuột hoặc một con quạ: tôi vạ vật tại những nơi không ở được, tôi ẩn nấp, tôi sợ và ăn đồ thừa. Tệ hơn, chắc chắn tôi còn kém chúng... Bởi vì nếu như, với một con người, việc phải từ bỏ đồng loại mình được coi như một sự sa sút, thì có thể với một con chuột hay quạ, thật tuyệt vời khi được gia nhập thế giới của loài người. Một sự thăng tiến! Lên thủ đô chơi... Đúng vậy, có thể sẽ rất oai nếu được làm một con chuột ở khu Ginza - khu phố sang trọng - hay một con quạ ở Shinjuku - trung tâm thương mại. So với các đồng loại ở tĩnh hay ở quê, chuột và quạ ở Tokyo chắc chắn có thể được coi như những con chuột hay quạ thành đạt.

Nói vậy thì tôi còn kém chúng. Kém một con chuột ở Ginza hay một con quạ ở Shinjuku. Tôi đã mất tất cả - một mái nhà, một thân phận, công việc, danh dự, phẩm giá

- mất tất cả trừ tự do. Thế nhưng tự do làm gì cơ chứ? Tự do lựa chọn giữa cái chết nhanh chóng hay nỗi khốn khổ là chết lâu hơn tí chút

Trong tâm trí như vậy mà đôi chân tôi, chứng tỏ ra khôn ngoan hơn tôi, tự dẫn tôi đi, vào buổi tối thứ Bảy, tới chỗ đấu su mô. Tôi ra khỏi tàu điện ngầm ở ga Ryogoku, đi vào khu Kokugikan, Cung quốc gia su mô, một tòa nhà rộng, ầm ĩ, chật kín người. Trong sảnh, những khán giả đang thất vọng lập tức xúm lấy tôi ngay khi nhìn thấy tấm vé của tôi, họ đề nghị tôi bán lại với giá gấp đôi hoặc gấp ba.

Tôi vừa ngồi vào ghế thì Shomintsu, ngồi không xa đó, đứng dậy và dang tay về phía tôi.

- A, cậu đã tới!

Niềm hạnh phúc trong lão tỏa rạng đến mức suýt lan sang cả tôi, theo đó, tôi suýt nhoẻn miệng cười với lão. May thay, lão ta hét lên:

- Ta đã ngờ là cậu sẽ tới. Ta đã ngờ là sự tò mò sẽ chiến thắng.

- Tò mò ư? Lão đùa hả lão rùa. Tôi đến vì thương hại. Tôi muốn rũ bỏ cho rảnh nợ một lão già bệnh tật, người nhìn thấy một người to lớn trong tôi và đã hai lần gập lưng đặt tấm vé dưới chân tôi.

Các vị không thể tưởng tượng được là trong sâu thẳm, điều đó làm tôi vui như thế nào khi chế nhạo Shomintsu, làm lão khó chịu. Tôi vui mừng vì điều đó đến mức mà chỉ thiếu chút nữa, thay vì lăng mạ tôi đã ôm hôn lão.

Câu nói của tôi lẽ ra phải hạ gục lão: thông thường, lòng thương hại sẽ giết chết một người Nhật vì không có cái gì sỉ nhục hơn thế.

Lão mĩm cười, ghé vào tai tôi:

- Cậu may mắn đấy, đây là trận đấu cuối cùng trong tháng Năm.

Thoáng một giây, tôi có cảm giác là Shomintsu biết tỏng rằng tôi chỉ dương oai diễu võ và làm mình làm mẩy vậy thôi chứ thật ra, chuyện không ổn, nhưng không mất thì giờ nữa, lão quay lại chỗ ngồi.

Theo hiệu lệnh của những chiếc phách và những tiếng hô tên mình theo nhịp của đám đông, các đô vật ục ịch tập họp trên sàn đấu để tiến hành nghi thức chào, những người khổng lồ mình trần đóng khố thêu sặc sỡ, khi đó, tôi cứ ngỡ mình đang ở chỗ những kẻ điên. Xung quanh tôi, khán giả, hàng nghìn người, trong đó hàng trăm người phải đứng bởi vé đã bán hết, hò reo thể hiện niềm phấn khích đối với chuỗi xúc xích nhiều màu này.

Sau đó, dưới một cái mái gỗ treo lơ lửng bằng cáp tượng trưng cho điện thờ Thần đạo, các trận đấu nối tiếp nhau, chỉ diễn ra không quá hai mươi giây, hai mươi giây cần thiết cho một đô vật, trên sới vật bằng đất sét phủ một lớp cát mỏng, đẩy đối thủ của mình ra khỏi vòng tròn được viền bằng dây thừng bện bằng rơm hoặc buộc đối thủ phải chấm đất bằng một bộ phận nào đó ngoài đôi chân.

Tôi thấy trò chơi này ngớ ngẩn đến mức không thể tin rằng mình hiểu được luật chơi. Hơn nữa, có một sự bất công khủng khiếp về cơ hội giữa các đấu thủ bởi một người nặng một trăm cân có thể phải đối mặt với một người nặng hai trăm cân.

Nếu thông minh có nghĩa là biết thay đổi cách nghĩ, thì đêm hôm ấy, tôi đã tỏ ra là người thông minh. Nếu lúc đầu, chân tôi bước vào nhà thi đấu mà đầu lại phản đối thì sau đó, tôi bước ra với tâm thế của kẻ bị chinh phục. Khi bắt đầu, tôi nhìn bằng đôi mắt của mình, tối hôm đó, tôi mượn mắt người khác để nhìn, điều này đã làm đảo lộn cả màn trình diễn.

Với con mắt của tôi, ở những đô vật này, người nhẹ nhất là chín mươi lăm cân và người nặng nhất hai trăm tám mươi cân, ban đầu, tôi chỉ thấy những người bệnh, những người khiếm khuyết thừa cân, những người béo phì cần phải cho nhập viện gấp; với con mắt của những người đàn ông ngồi bên, những người liến thoắng bình luận các chiêu thức, sự điêu luyện và chiến thuật của các đô vật, tôi bắt đầu nhìn thấy dưới vẻ ngoài của các quái vật hiện ra những đô vật, những nhà điền kinh dưới hình dạng của những khúc dồi. Bộ mặt điềm tĩnh của họ che giấu những toan tính, thân hình đồ sộ không loại bỏ sự nhanh nhẹn, sự kềnh càng ẩn giấu sức mạnh và cơ bắp. Từ trận này sang trận khác, họ biến cái vô ích thành hữu ích, sự to lớn của cơ thể trở thành một vũ khí, sự đẫy đà thành sức mạnh, mỡ của họ biến thành một cây búa hay một chiếc khiên.

Với con mắt của tôi, trong đám su mô thân hình nhẵn nhụi, trơn tuột, tóc vuốt dầu cuốn thành búi trông nực cười này, tôi chỉ thấy những đứa trẻ khổng lồ, những con búp bê sống đeo bỉm đáng ghê tởm; với con mắt của những người phụ nữ bên cạnh, tôi ngờ rằng họ là đàn ông, có thể là những con đực hấp dẫn, quyến rũ, thậm chí họ là những biểu tượng t.ình d.ục thực sự theo một số cô gái trẻ đang không giấu giếm sự thèm muốn của mình. Phát hiện này chắc chắn là cái làm tôi bối rối nhất.

Mỗi lần một đô vật cố gắng đẩy đối thủ ra khỏi sàn đấu là mỗi lần tôi, chính tôi đánh vật với các định kiến của mình rồi đẩy chúng ra từng cái một. Không, tôi không thể khinh bỉ những con người hiến dâng cuộc đời mình cho các trận đấu, những người điêu khắc th.ân thể mình, chứng minh rằng mình vừa khéo léo vừa mạnh mẽ; bởi khối lượng cơ thể không tự nhiên đồng nghĩa với ưu thế; đôi khi, kỹ thuật, sự khéo léo, chiêu thức lại mang lại chiến thắng cho người nhẹ hơn. Niềm đam mê các cuộc đấu kiểu này hình thành trong tôi, tôi bất giác thấy mình đánh cuộc, xếp hạng những đô vật mình thích. Cuối cùng, tôi đứng dậy với các khán giả cùng hàng mình và nhiệt thành vỗ tay, không nuối tiếc, cho nhà vô địch, Ashoryu thần tốc, người đã trở thành người hùng của tôi.

Một lý do nữa là Ashoryu, được liên đoàn su mô phong danh hiệu ỵokozuna - nhà vô địch của các nhà vô địch - là người Nhật và đã bảo vệ danh hiệu của mình trước hai đối thủ đáng gờm mang danh hiệu ozekis - những đô vật mạnh nhất sau yokozuna - một người Mông Cổ, một người Bun ga ri. Chúng tôi có cảm giác rằng khi chiến thắng những người nước ngoài, anh giữ môn vật su mô lại trong điện thờ của hòn đảo chúng tôi và anh đã cứu danh dự của chúng tôi, cho chúng tôi, những người Nhật Bản, những người đã sáng tạo ra môn nghệ thuật này. Hơn nữa, những người phụ nữ ngồi phía sau tôi thì thầm, những người nước ngoài, nhất là người châu Âu, cho thấy họ là những người bắt chước tồi: khác với các võ sĩ người Nhật, họ không bị buộc phải cạo lông ở mông và đùi hay sao?

Shomintsu tiến lại gần; lần này, chính tôi là người hỏi lão:

- Có người nào của lão chiến thắng không?

- Ashoryu, nhà ỵokozuna, tốt nghiệp trường của ta.

- Chúc mừng.

- Ta sẽ chuyển lời cho anh ấy. Cậu không có điều gì khác muốn nói với ta à?

- Không. À có đấy. Chuyện là...

- Ta đang nghe cậu đây.

Tôi hỏi lão một câu mà từ vài phút nay, nó đã trở thành tối quan trọng trong cuộc đời tôi:

- Shomintsu, có thật là lão nhìn thấy một người to lớn trong tôi?

Khi bước vào lò vật của ông nằm trên con phố song song với trung tâm Kokugikan, Shomintsu mời tôi uống trà, chỉ cho tôi phòng của tôi - một cái hốc nhỏ tí có một tấm đệm, một cái tủ, một cái ghế đẩu - rồi nói muốn liên hệ với cha mẹ tôi.

- Cháu không có cha mẹ.

- Jun, ta không có quyền cho cậu ở đây. Cậu là trẻ vị thành niên. Ta cần sự đồng ý của họ để tiếp nhận cậu vào trung tâm của mình.

- Cháu không có cha mẹ.

- Thế cậu sinh ra từ một cây cải bắp hay từ một đóa hồng?

- Cháu có cha có mẹ sinh ra cháu nhưng họ không còn trên đời nữa. Họ chết rồi.

- Ô... ta rất tiếc, Jun à.

- Làm sao bằng cháu được.

Ông nhìn tôi dò xét, hy vọng tôi sẽ nói thêm.

- Cả hai đều mất rồi à?

- Cả hai đều mất rồi.

- Mất cùng lúc?

- Họ đã có thể cùng nhau tạo ra một đứa trẻ... chết cùng nhau thì dễ quá!

Theo thói quen, tôi ba hoa; tôi tìm cách che giấu sự đau khổ của mình bằng các chuyện bịa, bằng sự tức giận, phóng đại và những câu nói cay độc. Shomintsu cắn câu.

- Đã xảy ra chuyện gì?

- Tai nạn ô tô. Bố cháu lái xe như một củ khoai lang. Vả lại, ông ấy làm gì mà chả như củ khoai lang. Cả việc sinh ra cháu nữa, ông ấy làm cũng chẳng xong. Hành động duy nhất mà ông ấy thành công là lao xe vào một cây thông tán lọng và tạo ra những xác chết hoàn hảo, ông ấy và mẹ cháu.

- Chuyện đó xảy ra khi nào?

- Chúng ta nói chuyện khác được không?

Sau đó, cứ mỗi lần Shomintsu quay lại hỏi về thời thơ ấu, gia đình, chuyện học hành là tôi lại trả lời hệt như nhau:

- Chúng ta nói chuyện khác được không?

Những cú tránh đòn lặp đi lặp lại này làm người ta không thể hỏi được nữa. Bằng sự hà tiện các câu trả lời, tôi cứ ngỡ mình đã thuyết phục được Shomintsu trong khi - tôi sắp phát hiện ra rằng - tôi làm ông tin là tôi nói dối.
 
CHƯƠNG 5
Cùng với những môn sinh mới, tôi học từ sáng đến tối, nhập môn với tám mươi hai thế vật được công nhận, các đòn bị cấm, đấu với những người nhẹ nhất, chạy dài để phát triển sức mạnh của đôi chân, luyện sức đẩy, sự mềm dẻo. Hơn các bạn đồng môn, nhờ vào cuộc sống đưòng phố trước đây của mình, tôi chịu đựng được sự vất vả hằng ngày, việc thiếu sưởi ấm vào giữa mùa đông, việc không được mặc quần áo bảo vệ vì là lính mới, cả những trận đấu trên nền đất nện làm chúng tôi đen sì, bẩn thỉu, mồ hôi làm bụi bẩn dính chặt vào da. Ngay cả việc cánh sư huynh sỉ nhục, ngay cả việc buộc phải phục dịch họ như tôi tớ cũng chẳng hề hấn gì với tôi. Tôi mềm lòng trước cảm giác sung sướng chưa từng có trước đó là chiêm ngưỡng: khi Ashoryu, nhà vô địch của các nhà vô địch, ở ngoài trường vì anh kiếm được nhiều tiền nhờ các chiến thắng của mình, đến tập ở chỗ chúng tôi, tôi say mê quan sát các động tác của anh. Nếu đem anh ra so với các đối thủ, chẳng có lý do khách quan nào khiến anh chiến thắng cả: có những người còn to hơn anh, nặng hơn anh, nhanh hơn, cơ bắp hơn. Tuy nhiên, mỗi khi bước lên doyo, không ai tập trung hơn anh. Anh chiếm ưu thế nhờ vào sự tập trung đầu óc. Dù bất cứ điều gì xảy ra, cứ như thể anh có một trực giác trên cao nâng anh lên phía trên để bao quát tình hình, anh ra quyết định chiến thuật đúng đắn và quật ngã đối thủ.

Sự tương phản giữa vẻ ngoài đồ sộ và nét tinh tế của anh làm tôi mê mẩn. Sau giấc ngủ trưa, anh thường cất tiếng hát tuyệt vời với một chất giọng mượt mà và chơi ghi ta bằng những ngón tay tinh tế của mình.Mãnh liệt để chiếm thượng phơng trong trận đấu, thanh nhã trong cuộc sống, anh là hình ảnh mẫu mực của một trận song đấu diễn ra trong anh trước khi bước lên sới vật.

Ở cổng trường, thỉnh thoảng em gái của anh ấy, Reiko, một con bé mảnh khảnh tóc tết đuôi sam, trạc mười lăm tuổi, lại đợi ở đó và tôi chẳng bao giờ để mắt đến nó. Vả lại, chẳng có ai trong số các môn sinh dám nói chuyện với Ashoryu hay nhìn chằm chằm vào anh ấy, tương tự như vậy, chúng tôi tránh tiếp xúc với em anh ấy.

Một hôm, chính nó là người tiến thẳng về phía tôi trong khi anh nó đang nói chuyện trong phòng thay quần áo.

- Một ngày nào đó em sẽ lấy anh.

Tôi nhìn chằm chằm vào mặt con bé bạo gan này nhưng vì nó là em gái thần tượng của mình, tôi cố nén để không chửi vào mặt nó mà chỉ hỏi:

- Sao em biết?

- Con gái bọn em biết những điều mà bọn con trai không biết.- Thế à? Thế còn biết những gì nữa nào?

- Em biết là chúng ta sẽ có con với nhau.

- Về điểm này thì thôi ngay: tôi sẽ không bao giờ đẻ một đứa con nào. Không bao giờ! Thà chết còn hơn!

Đôi mắt to của nó ngân ngấn và để giấu đi một nỗi thất vọng đột ngột như thế, con bé vùi mặt vào tay mình.

Khi đó, tôi sợ là nó sẽ than vãn và mách với anh, trong trường hợp ấy, tôi tiêu đời: anh ấy sẽ nghiến nát tôi như người ta đập một con châu chấu.

Tuy nhiên, nó nhanh chóng lau khô nước mắt, hỉ mũi, so vai về phía tôi rồi ngay khi Ashoryu bước qua cửa, nó bám vào tay anh và không nói một lời.

Một tuần sau đó, tôi mới hết sợ bị trả đũa và không nghĩ đến con bé nữa.

Học thì rất thích. Đảo lộn những điều đã biết lại ít thú vị hơn. Trở thành một su mô tập sự, tôi hiểu ra rằng bề ngoài mới dễ khiến người ta lầm lẫn làm sao. Từ khi vào lò vật của Shomintsu - một vài người gọi là chuồng ngựa Shomintsu - một trong số các lò danh tiếng nhất trong năm mươi lò su mô tại Nhật Bản, các ảo tưởng của tôi cứ mất dần đi.

Ý nghĩ sai lệch thứ nhất: ăn sẽ làm bạn béo lên. Một điều logic phải không? Một con bê, ngay khi được ăn đẫy, bụng nó sẽ trương lên; một cái túi sẽ phồng lên khi người ta cho vật gì vào trong; tôi thì không! Không bằng một cái túi, không bằng một con bê. Tôi hoài công vô ích dậy từ ba giờ sáng để nuốt mười hai quả trứng luộc trước khi đi ngủ lại, rồi ăn liên tiếp từ lúc năm giờ sáng, sáu bữa ăn nữa trong ngày, sáu bữa ăn gồm xôi, cháo bổ, thịt đỏ và cá nhiều mỡ. Sau mấy tháng trời mà tôi chỉ có thể có dáng vẻ bình thường với đôi chút xương thịt: tuy không còn ở tình trạng da bọc xương hay các khớp xương không lồi ra nữa, tôi vẫn mặc nguyên cỡ quần cũ, nguời không dày lên. Thường xuyên buồn nôn, mệt mỏi vì lúc nào cũng phải tiêu hóa không ngừng nghỉ, tôi kinh tởm, kinh tởm tôi, kinh tởm đồ ăn. Ban đầu, tôi cho nguyên nhân thất bại của mình là vì nôn; tuy nhiên, sau ba tháng, kỹ thuật hấp thụ của tôi đã được cải thiện, cuối cùng tôi cũng biết cách là khi buồn nôn, tôi nằm ngửa và hít thở cẩn thận để buộc cái dạ dày đầy ứ phải tiêu hóa; tuy nhiên, cái cân không tuân theo tiến bộ của tôi, chỉ bập bênh tăng được khoảng hơn một lạng. Tôi cảm thấy như bị ám bởi một lời nguyền! Lúc đó, Shomintsu giải thích là trong trường hợp của tôi, cách tốt nhất để tăng cân không phải là ăn nhiều lên mà phải tiêu thụ năng lượng nhiều lên: tôi cần tăng cường độ tập luyện, bắt đầu một chương trình tập để tăng cơ.

Ỷ nghĩ sai lệch thứ hai là: chỉ cần muốn là bạn sẽ làm được. Khi Shomintsu lên danh sách các bài tập với tạ đẩy và tạ nâng cho tôi, tôi tự thuyết phục mình là tôi sẽ làm được vì tôi muốn điều đó. Thế nhưng, cái đầu lại chơi tôi nghìn cú lắt léo, không cho tôi đạt được mục tiêu của mình, lúc nào cũng cho tôi một lý do thật tốt để trì hoãn việc luyện tập, nào là mệt mỏi, đau bụng, đau khuỷu tay, một vết thâm tím, một lời nhận xét làm tôi tự ái, một vết thương dính phải trong thi đấu. Trong tâm trí mình, càng muốn trở thành một nhà vô địch thì tôi càng có vẻ không đủ khả năng đạt được chí nguyện của mình; cái chí nguyện ấy yếu ớt, thiểu số, bị chế ngự bởi những lời khẩn nài còn mạnh hơn nó là tâm tính của tôi, sự suy sụp, lười nhác và các hạn chế thể hình của tôi. Chí nguyện của tôi không cầm lái con tàu, nó vẫn là một anh thủy thủ bị nhốt trong hầm tàu và chẳng ai buồn hỏi ý kiến anh ta.

Ý nghĩ sai lệch thứ ba là: Shomintsu, theo tôi, phải là người theo Thần đạo như hầu hết các su mô từ nghìn năm nay. Trên thực tế, ông là người theo đạo Thiền Nhật Bản. Ông thiền định hàng giờ liền, trong tư thế kiết già và thỉnh thoảng lại vào khu vườn Thiền rồi ở đó nửa ngày.

Chừng ấy điều cải chính trong một năm! Chừng ấy xác tín bị sụp đổ! Các yếu tố tham chiếu của tôi trượt ngã, tôi bước đi trong một nghĩa địa của những tín điều chết, giữa các nấm mộ của những điều tôi hằng tin tưởng trước kia, tôi chẳng biết phải nghĩ gì nữa.

- Con suy nghĩ không được tốt, Jun ạ! một hôm Shomintsu thở dài nói với tôi. Trước hết là vì con nghĩ nhiều quá. Sau đó là vì con nghĩ chưa đủ.

- Con không hiểu: sư phụ nói trắng rồi lại nói đen cùng một lúc!

- Con nghĩ nhiều quá vì con đặt các suy nghĩ vào giữa thế giới và con; con ba hoa thay vì quan sát; con phóng chiếu các ý nghĩ có sẵn trong đầu hơn là nắm bắt các hiện tượng. Thay vì nhìn vào thực tế như nó xuất hiện trước mắt mình thì con lại nhìn nó qua cặp kính màu mà con đặt trên mũi mình; đương nhiên, khi đeo kính màu xanh, thế giới sẽ màu xanh; đeo kính màu vàng, màu vàng sẽ lan tràn; đeo kính đỏ, màu đỏ rực sẽ giết chết các màu khác... Chính con là người đã làm cho nhận thức của mình nghèo đi bởi con chỉ nhìn thấy những cái con cho vào đó: các định kiến của con. Hãy nhớ lại xem, trong trận đấu su mô lần đầu tiên con xem, phải mất bao nhiêu thời gian để con chuyển từ khinh bỉ sang khâm phục!

- Vâng, đồng ý là như vậy, con nghĩ nhiều quá. Nếu thế làm sao sư phụ có thể khẳng đinh là con nghĩ chưa đủ?

- Con nghĩ chưa đủ vì con hóng hớt, lặp đi lặp lại, thỏa thuê với những điều sáo, với các quan điểm thông tục con cho là chân lý mà không hề phân tích chúng. Một con vẹt bị cầm tù trong cái lồng định kiến của mình. Con nghĩ quá nhiều và nghĩ chưa đủ bởi con không nghĩ bằng cái đầu của chính mình.

- Cảm ơn. Con không cho mình là giỏi giang nhưng với cái kiểu phê bình thế này, con e là chẳng có ích lợi gì.

- Jun thân mến, ta không mong con nghĩ tốt hơn hay tệ hơn về con, ta muốn con đừng nhai đi nhai lại chính mình. Con phải tự giải thoát khỏi chính mình.

Đấy là kiểu lời khuyên mà tôi không cho vào tai, tôi hiểu câu đó nghĩa là: "Ta muốn quẳng cậu đi" và điều này làm tôi buồn.

Sau chín tháng cố gắng, tôi làm một bản tổng kết: nếu như tôi đã đủ chiều cao để trở thành một su mô - cần phải cao hơn một mét bảy mươi lăm - thì còn lâu tôi mới đủ số cân tối thiểu, bảy mươi lăm ki lô. Tôi còn thiếu hai mươi cân.

Khi nhìn vào thân hình Héc quyn của Ashoryu, tôi không khỏi nuốt nước bọt. Tôi phải làm gì để có được một trăm năm mươi ki lô như anh ấy! Những người khổng lồ, những con chó ngao, những vị thần Titan, những người hơn hai trăm hai mươi ki lô, tôi không thèm muốn được như họ, tôi cho rằng họ thuộc về một loài khác, như thể những quái vật thời tiền sử bị lạc vào thời đại của chúng ta, những con khủng long hoặc thằn lằn khổng lồ mang hình dạng con người đến thăm chúng ta. Ngược lại, cân nặng một trăm năm mươi cân! Thậm chí là chỉ một trăm thôi! Hay chín mươi cân cũng được!
 
CHƯƠNG 6
Một buổi chiều Chủ nhật, vào giờ trà đạo, tôi thu dọn số hành lý sơ sài của mình cho vào ba lô, đi ủng, khoác áo choàng và đến trình diện Shomintsu.

- Thưa sư phụ Shomintsu - theo tháng ngày, giống như những bạn đồng môn vật của tôi, tôi đã quen gọi ông Shomintsu là "sư phụ" - tôi giãi bày hết cả. Tất cả những cái con làm được ở đây là để tóc mọc dài ra. Ngoài ra, chỉ là một số không. Con sẽ đi.

- Vậy đó, con có biết tại sao mình không béo lên được không?

- Bế tắc về sinh lý. Đồ ăn thì hoặc là người con đẩy ra hoặc là con đốt cháy nó. Con không hấp thu được. Một lời nguyền truyền qua gen. Lại một món quà bẩn thỉu của bố mẹ con. Chắc chắn hai người bọn họ đã mắc không biết bao nhiêu trọng tội. Sai lầm thứ nhất: sinh ra con. Sai lầm thứ hai: cho con một th.ân thể không biết hấp thu thức ăn.

- Bố con nặng bao nhiêu cân?

- Chúng ta có thể nói chuyện khác được không?

- Chúng ta cũng có thể chẳng nói gì cả.

Im lặng một hồi.

- Con sẽ rời khỏi đây thưa sư phụ Shomintsu, con không thể trở thành một võ sĩ su mô.

- Ấy thế mà ta vẫn thấy một người to lớn trong con.

- Thầy cần phải thừa nhận một lần trong đời rằng thầy đã nhầm thưa sư phụ Shomintsu. Con sẽ không bao giờ béo lên được. Ngoài trở ngại hình thể, có cả trở ngại tâm lý nữa: con không có ý chí.

- Sai. Ý chí của con rất mạnh.

- Thế ạ?

- Đúng thế, con tìm ra cả nghìn lý do để tránh cái con đã quyết định làm. Trên thực tế, con có cả khối ý chí, nhưng đó là ý chí tồi. Thật tiếc vì con đường để đi lên cũng giống như con đường đi xuống. Bố con làm nghề gì ?

- Chúng ta có thể nói chuyên khác được không?

Sự yên lặng bao trùm chúng tôi. Tôi đã có thể lặp lại: "Con đi đây" vậy mà tôi lại để cho sự yên lặng ấy nhân lên với linh cảm là nó sẽ nói tốt hơn cái tôi có thể nói ra.

Sau một hồi lâu, Shomintsu lấy một hạt điều trong bát và chỉ cho tôi.

- Ta sẽ giải thích cho con Jun à, tại sao con không phát triển được. Nếu ta vùi hạt này xuống một mảnh đất mầu, tơi xốp, được xới đào kỹ, nhiều khả năng nó sẽ phát triển, mọc rễ và nảy lên một cái cây. Ngược lại nếu ta để nó ở đây...

Ông đặt hạt lên nền xi măng.

- ...nó sẽ khô đi và chết. Tại sao con ăn mà không lên cân được? Đó là vì con không thể nuôi mình bằng chính con: con tự cắt mình khỏi tâm hồn mình, đặt mình lên một mảnh đất nhân tạo, như một hạt giống đặt lên trên nền bê tông. Không có rễ, con sẽ không lớn lên được!

- Ở con cái gì là bê tông?

- Vô thức.

- Con không hiểu.

- Con hấp hối bởi con đã bọc kín mọi thứ, cảm xúc, các khó khăn, câu chuyện của con. Con không biết mình là ai, vì thế con không xây dựng con từ chính mình.

Tôi suy nghĩ hồi lâu rồi bình thản trả lời:

- Sư phụ Shomintsu, thầy nhầm lẫn rồi, chính thầy mới là người không hiểu rõ con. Con ấy à, con biết mình là ai.

- Hẳn là ta không rõ điều ấy nhưng ta không lấy thế làm phiền. Với ta, con có thể giấu tên con, nguồn gốc, những đau đớn của con, điều đó không ngăn cản ta sống. Với con, nếu con che giấu những điều ấy, nó sẽ ngăn cản con sống.

- Quá khứ của con có gì thú vị đâu. Sư phụ sẽ thất vọng đấy.

- Ừm... Khi người ta ít nói đến có nghĩa là có nhiều điều ẩn giấu.

- Nếu như con ít nói đến đó là bởi vì con muốn quên.

- Con nhầm chính ở chỗ này, Jun ạ. Cái mà người ta dồn nén còn nặng nề hơn cái người ta tìm hiểu. Bây giờ, con có thể đi và từ bỏ sự nghiệp su mô của mình: ta sẽ không giữ con. Tuy nhiên, ta sợ rằng con cũng sẽ lảng tránh số mệnh của mình. Nếu cứ tiếp tục như thế, Jun ạ, con sẽ không có tương lai.

Cái làm tôi khó chịu chính là việc sâu thẳm trong lòng mình, tôi cảm nhận rằng ông có lý nhưng lại không thể công nhận điều ấy. Thế nên tôi im lặng.

- Con sinh ra ở đâu hả Jun?

- Con sinh ra ở một góc nhỏ tí xíu trong ngoại ô bao la của Tokyo. Không thể nói nơi đó còn là nông thôn hay đã là thành thị. Có điều chắc chắn là nó rất xấu.

- Con sống ở đâu?

- Trong một căn hộ ở tầng thượng của một tòa nhà.

- Hồi nhỏ con có hạnh phúc không?

- Hồi nhỏ chính là hạnh phúc, phải không ạ? Không nên bước ra khỏi tuổi thơ.

- Con bước khỏi tuổi thơ khi nào?

- Hồi khoảng bảy tuổi. Lý do là mẹ con.

- Mẹ con là ai?

- Một thiên thần.

- Jun, ta muốn con kể sự thật cho ta.

- Đó chính là sự thật thưa sư phụ Shomintsu. Mẹ con là một thiên thần.

- Jun, nói thế thì con đừng nói còn hơn.

- Con thề đó là sự thật, sư phụ Shomintsu. Trong khu, người ta gọi mẹ con là Thiên thần. Bà con kể là ngay từ lúc sinh ra, mẹ con đã nhận được biệt hiệu này. Đầu tiên đó là vì hình thể của bà bởi người bà thanh thanh, mảnh dẻ, với cặp đồng tử đẹp tuyệt vời, uy nghi, thăm thẳm và một cái miệng rộng được kéo dài bằng một nụ cười thường trực; sau đó là bởi vì bà thực sự là một thiên thần, tốt bụng, sẵn lòng giúp đỡ người khác, tận tâm, tính tình vui vẻ, không làm điều xấu, bỏ qua sự độc ác hay ti tiện của người đời. Vì thế mà từ khi con sinh ra, hàng xóm đã gọi con là "con trai của thiên thần". Con rạch bụng con ra nếu con có nói sai!

Shomintsu gật đầu. Ồng có vẻ tin tôi.

Ông cầm tay tôi để động viên tôi nói tiếp.

- Con phải tự hào vì có người mẹ như vậy.

- Rất tự hào. Nhưng mới đau khổ làm sao...

- Tại sao?

- Tình yêu. Con thiếu thốn tình yêu.

- Thế con chẳng bảo mẹ con là...

- Vì mẹ con là một thiên thần nên mẹ phân phát tình yêu cho cả thế gian. Ai cũng quan trọng trong mắt mẹ, người hàng xóm, kẻ qua đường, người lạ, người không quen. Còn con ấy à, mẹ chẳng yêu con hơn người thường. Trong khi con là con của bà, người duy nhất mà bà cần yêu thương nếu bà không yêu thương ai khác!

Vì đã gào tưóng lên để giải thích điều đó, tôi phải lấy lại hơi và cố gắng giữ thái độ khách quan.

- Ngày con bảy tuổi, mẹ đã chuẩn bị một bữa tiệc, một bữa tiệc sinh nhật khổng lồ với các bạn cùng trường và bạn cùng khu của con. Cả một núi quà.

- Thế rồi?

- Ngay tối hôm ấy, mẹ đã mang số đồ chơi con được tặng cho bọn trẻ con đang khóc thút thít nói rằng chúng sẽ không bao giờ có được những đồ chơi xa xỉ đén thế. Bà đã mang quà của con phát cho chúng nó! Không ngần ngại một giây. Quà của con! Không kiểm tra xem bọn chúng nói thật hay không. Không hỏi ý con. Quà của con! Đêm hôm ấy, đêm con bảy tuổi, tuổi biết nghĩ, con đã kết luận là: mẹ yêu con như yêu bao người bình thường khác, không hơn, điều đó chứng tỏ rằng trên thực tế mẹ không yêu con.

- Con ghen đấy.

- Không, con thất vọng. Bởi con và bởi mẹ con. Không có gì đặc biệt nối kết con và mẹ. Bởi vì mẹ đối xử đặc biệt tốt với mọi người, vì thế với con, mẹ chỉ bình thường. Tự ái. Bị sỉ nhục. Con nghĩ là con ghét mẹ. Trên thực tế, bây giờ con đang chơi vơi: khi thì con ghét mẹ khi thì con ghét chính mình.

- Con nói đến mẹ ở thời hiện tại: không phải mẹ con đã chết như con từng nói phải không?

- Không, mẹ vẫn sống. Nhưng là một thiên thần, mẹ không thuộc về thế giới này.

- Thế còn bố con?

- Bố con, ông tự cho mình là một thiên thần. Nhưng ông ấy không phải là một thiên thần.

- Nói rõ đi.

- Một hôm, ông ấy lao mình từ trên nóc của tòa nhà nơi gia đình con sống. Mười tầng.

- Thế là?

- Ông ấy rơi bẹp dưới đất. Chết tươi. Điều này chứng tỏ rằng ông ấy không phải là một thiên thần vì thiên thần biết bay.

Giờ thì Shomintsu đã hiểu tại sao tôi không nói gì: ở Nhật Bản, người ta không nhắc đến chuyện một người thân tự tử, một điều cấm kị, bởi bóng đen này làm mất danh dự của gia đình.

- Hồi bố còn sống, con vẫn đi học; thực ra khi con nói "hồi bố còn sống" là để nói vậy thôi chứ ngay cả khi bố con còn sống, ông ấy chẳng bao giờ sống ở nhà. Ông làm việc ở Tokyo cả ngày và đêm. Nếu ai đó bảo con vẽ bố, có lẽ con sẽ vẽ cái máy cạo râu trong phòng tắm, một cái tên trên hộp thư báo, một cái tủ có ba đôi giày và hai bộ quần áo tối màu; có lẽ con sẽ vẽ cả sự yên lặng, đúng vậy, sự yên lặng cần phải được tôn trọng trong nhà, thứ Bảy hay Chủ nhật, khi ông đóng kín cửa để cố gắng ngủ sau ca trực đêm. Nhiều bạn của con không được gần gũi bố nhưng đa phần chúng nó đều có quyền có một người-cha-trong-các-kỳ-nghỉ. Con ấy à, con đã rất thích có được điều đó, có một người-cha-trong-các-kỳ-nghỉ, một ông mặc quần soóc, trông buồn cười, động viên, kiên trì dạy con làm hàng đống thứ linh tinh, đi xe đạp, trượt pa tanh, trượt tuyết, lướt ván, dắt bóng, những trò của lũ con trai, những cái cho phép một đứa trẻ lên mặt với bè bạn. Con ấy à, con cũng không có nốt một người- cha-trong-các-kỳ-nghỉ vì bố con từ chối nghỉ phép, còng lưng vì công việc và nợ mua nhà.

- Tại sao ông ấy lại nhảy lầu?

- Karoshi. Làm việc quá sức. Là y tá, ông trực nhiều đêm tại bệnh viện trong một tuần, ban ngày vẫn làm việc như thường; ông ngủ ít, không ngon giấc và ngày càng khó ngủ. Các vấn đề sức khỏe bắt đầu bằng những con loạn nhịp tim, rồi tiểu đường, sự lao lực đánh thức hoặc đẩy nhanh những căn bệnh trong ông. Cuối cùng, ông mệt quá đến mức mà, theo con, ông thích tự tử hơn là phải chịu một cú nhồi máu cơ tim hoặc xuất huyết não đang rình rập.

- Con có đau buồn không?

- Con không biết.

- Con không biết, nói thế là thế nào?

- Hôm hỏa thiêu, khi mắt con tràn lệ, con thấy mẹ, lo lắng, hai cánh tay dang rộng, lao về phía con; lúc ấy, con cảm thấy con và mẹ sắp tìm lại được nhau, yêu thương nhau, cư xử như mẹ và con thực sự, khóc người chồng người cha quá cố. Con sẽ tặng mẹ những tiếng khóc nức nở của mình và chia sẻ những tiếng khóc của mẹ. Vậy mà mẹ con, khi còn cách con năm mươi cen ti mét đã quay ngoắt sang bên phải, đi qua con, rồi ôm chặt vào lòng mình một người lạ đang đứng sau lưng con để an ủi người đó, rồi một người khác, rồi một người khác, và cứ thế. Suốt buổi lễ và nhiều giờ sau đó, mẹ chăm sóc những người trong gia đình, từ người gần nhất đến xa nhất, mẹ ôm lấy những người lạ, những đồng nghiệp cũ của bố con, những bệnh nhân cũ, nhân viên nhà tang lễ, người gác nghĩa trang. Nói những lời ân cần với mỗi người. Bà an ủi, mỉm cười, đùa vui, thậm chí bà còn cười to nữa. Với bà sự phiền muộn của họ còn quan trọng hơn nỗi phiền muộn của con hay của bà. Vì thế con đã thôi khóc. Vài ngày sau đó, con bỏ đi.

Shomintsu gật đầu, cho rằng, trong hoàn cảnh ấy, có lẽ ông cũng sẽ làm như vậy.

- Mọi chuyện đã rõ ràng hơn rồi Jun thân mến. Ta đoán hồi đó con là một học sinh không đến nỗi tệ ở trường phải không?

- Đúng ạ.

- Giờ thì ta có thể hiểu tại sao con bỏ học, tại sao con rao bán những thứ khốn nạn ngoài đường, tại sao con bỏ chương trình tập đã đề ra: con sợ phải làm việc do con thấy bố con tự tử vì công việc hoặc là công việc đã giết chết ông ấy. Một phần trong con cho rằng lười nhác là thận trọng; một phần trong con muốn bỏ qua hơn là bắt tay vào thực hiện; một phần trong con cố gắng bảo vệ con, để không phải chết.

Ông chỉ vào ba lô của tôi.

- Con đi chứ?

Tôi hít sâu và kiêu hãnh trả lời:

- Không.

- Con đúng đấy, Jun ạ. Ta nhìn thấy một người to lớn trong con.

Kể từ hôm đó, ý chí của tôi chi phối cuộc sống hằng ngày của tôi nhiều hơn; bằng cách soi rạng hiện tại và quá khứ của tôi, Shomintsu đã làm cho ý chí của tôi lại trở nên mạnh mẽ, ông đặt nó vào vị trí thuyền trưởng của con tàu: tôi đã thực hiện được chương trình tập tạ của mình. Dần dần tôi cũng lên được vài cân cơ bắp.

Đúng là tôi cũng thường xuyên nản chí; để quay lại con đường mình chọn, tôi nghĩ đến cuộc nói chuyện của chúng tôi và tự nhắc lại với mình câu nói của Shomintsu: "Ta đã nói là có thể làm được nhưng không nói là dễ làm."

- Con tiến bộ đấy, Jun à. Con thua trong thi đấu nhưng con thua một cách có phong thái.

- Cảm ơn sư phụ.

Tôi biết là ông khen tôi thực sự bởi tôi phát hiện ra rằng mặc dù ông tự hào đã mang lại cho nước Nhật một ỵokozuna như Ashoryu nhưng ông không thích chiến thắng chỉ để chiến thắng, cũng không thích địa vị xã hội, ông chỉ thích công việc được hoàn thành mỹ mãn. Ông kiếm tìm sự tỏa rạng, bừng nở toàn mỹ của bông hoa.
 
CHƯƠNG 7
Sau một năm, tôi đã tăng cân, to hơn và mạnh mẽ. Thế nhưng, tuy đã thu ngắn khoảng cách về sức mạnh hình thể với các đối thủ, tôi vẫn chưa thắng được trận nào. Trước kia, tôi không chịu được ngay cú va chạm đầu tiên, sự chấn động ngay lúc đó đẩy tôi khỏi sới vật. Bây giờ, to con hơn, khỏe hơn, tôi chịu được cú va chạm, tôi bắt đầu cuộc đấu tay đôi; tiếp đó, dù đã nắm được kỹ thuật và phong cách thi đấu, tôi vẫn không ra quyết định đúng hoặc quá muộn. Tôi thua đều đặn như một cái ống bị rò nước.

- Con hỏng ở chỗ nào thưa sư phụ?

- Hãy nhìn cái cốc pha lê này xem, rồi lắng nghe.

Ông búng vào thành cốc, từ đó phát ra một âm thanh trong trẻo, lạnh, sắc như một lưỡi dao cạo lấp lánh.

- Tuyệt vời.

- Con thử xem.

Tôi thử bắt chước động tác của Shomintsu nhưng chiếc cốc pha lê tôi cầm chỉ cho ra một thứ âm đục, yếu ớt.

- Cái cách con cầm cái cốc ngăn cản con làm phát ra âm thanh: các ngón tay con triệt tiêu sự cộng hưởng, phần mỡ của các đốt ngón đã hấp thu nó. Con phải cầm cái cốc mà như không cầm nó. Vừa ở đó mà vừa không ở đó. Giống như trong thi đấu. Con phải vừa ở đó mà vừa không ở đó. Con mà lại không phải con. Con phải nâng mình lên trên con và trên đối thủ để nắm trọn lấy tình thế bằng cách có một trực giác về thế đánh phù hợp. Hãy nhớ lại Ashoryu đi.

- Làm thế nào người ta đạt được mức ấy?

- Bằng Thiền định. Bằng cách có được sự hư rỗng bên trong mình.

- Thật là tuyệt vọng: trước đây không có người to lớn trong con; nay người to lớn đến thì làm gì còn chỗ trống!

- Con phải bắt tay vào học Thiền.

- Thần đạo có vẻ phù hợp hơn với con bởi các su mô theo Thần đạo từ xa xưa rồi.

- Ta đánh giá cao Thần đạo, Jun ạ. Chỉ có điều ta, Shomintsu, ta đã học Thiền trước khi học su mô. Vì thế ta chỉ có thể truyền cho con Thiền mà thôi.

- Dù gì thì điều đó cũng không quan trọng bởi Thần đạo, Thiền Tây Tạng, Thiền Nhật Bản cũng giống như những chuyện vô bổ hay cây kẹo mút cho trẻ con mà thôi. Chẳng có cái gì tốt hơn cái gì. Con ngạc nhiên là sư phụ lại dành thời gian cho những thứ cổ lỗ này, những thứ mê tín.

- Con đùa hả Jun?

- Người ta không cần đến tôn giáo để sống.

- Tôn giáo thì có thể không nhưng tâm linh thì có đấy con ạ.

- Vớ vẩn! Nhảm nhí! Tầm phào! Con ấy à, con sống rất tốt mà không cần đến thứ ấy.

- Thế à? Con sống rất tốt à, con sao?

Ông đã ghi một điểm: cảm giác bất an thường trực trong tôi lớn dần thêm và tôi nhận ra điều ấy.

- Thực ra... con... hình như là.. ngoài ra... bởi vì con...

- Jun, nếu những cái con nói không đẹp hơn sự im lặng thì con đừng nói.

Một tuần sau, khoảng thời gian đủ để quên đi nỗi xấu hổ từ câu trả lời ngốc nghếch của mình, tôi lại đến gặp sư phụ Shomintsu.

- Sư phụ có thể giúp con làm chủ được tâm ý và th.ân thể con không?

- Hãy ngồi xuống đất trước mặt ta, hướng hông về phía trước, thẳng lưng, con hãy tập trung vào tư thế thẳng của thân mình.

- Con làm rồi.

- Đừng hóp bụng, đừng cứng người, hít và thở ra nhẹ nhàng.

- Con làm rồi.

- Hãy để tâm ý của con đi qua theo hơi thở, hãy để chúng xuất hiện và biến đi.

- Suy nghĩ của con cứ nháo nhào, cứ chảy như thác đổ.

- Hãy làm chủ dòng suy nghĩ.

Sau một tuần tập luyện, thấy tôi có thể suy nghĩ bình tĩnh hơn, ông giao thêm nhiệm vụ cho tôi:

- Bây giờ, hãy cố gắng không nghĩ đến gì cả.

- Không gì cả ư?

- Không gì cả.

- Như thể con đã chết?

- Không, như thể con là một bông hoa hay một con chim vào mùa xuân. Đừng nghĩ với ý thức bản thân của con nữa, hãy nghĩ với một thứ ý thức khác, ý thức của thế giới, nghĩ như một cái cây đâm chồi, như cơn mưa rơi xuống.

Trong hai tuần, tôi đã thử như vậy. Vô ích. Ỷ nghĩ của tôi vẫn là ý nghĩ của tôi, ý thức của tôi cứ bì bõm trong ý thức của tôi mà không chịu đi chỗ khác.

- Không thể được. Lại thất bại, thưa sư phụ. Con phải làm gì đây?

- Chúng ta hãy cùng ra vườn.

- Chúng ta làm vườn ạ?

- Không, hãy cùng ra khu vườn Thiền.

Khi bước vào khu vườn Thiền, tôi suýt quay trở ra.

Trên mảnh đất vuông vắn khoảng hơn chục mét, xung quanh là các băng ghế làm bằng ván cũ, nằm chình ình mấy hòn đá phủ rêu đặt trên bãi sỏi cào thành rãnh to và cát được cào thành rãnh mịn. Thật ngu ngốc. Khu vườn sỏi đá này không những không sống mà tôi cũng không nhìn ra được làm sao cái tác phẩm của một người làm vườn biếng nhác này có thể khiến cuộc sống của tôi tốt hơn hay đưa ra một giải pháp cho các vấn đề của tôi.

- Con hãy ngồi xuống và quan sát.

Vì tôn trọng sư phụ Shomintsu, tôi có trách nhiệm phải cố gắng làm một điều gì đó, tôi đặt mông xuống cái không gian phi lý này. Răng nghiến chặt, trán nhăn, tôi tì hàm vào cổ tay và cố gắng tỏ vẻ tập trung tình thần để làm sư phụ hài lòng.

Vì chán hay để tránh sự buồn chán, ý nghĩ của tôi bắt đầu chạy nhảy lung tung. Tôi nghĩ đến Ashoryu, đến mẹ tôi. Đột nhiên tôi mất thăng bằng bởi đang lang thang thì ý thức của tôi lại biến thành ý thức của bố tôi, tôi trải qua cái cảm giác những giây phút cuối cùng khi ông nhảy qua ban công... Tôi có cảm giác rơi xuống cùng ông.

Lo lắng, tôi đảo mắt nhìn quanh xem mình có vừa hét lên không; những người ngồi dọc mảnh đất vuông vắn này không nhận thấy tôi vừa có xáo trộn, điều này làm tôi yên tâm.

Để tĩnh tâm lại, tôi tập trung sự chú ý của mình vào các đường rãnh mà cây cào đã để lại trên mặt đất. Mắt tôi nhìn theo chúng một cách uể oải.

Chính vào lúc đó hiện tượng đã xảy ra. Ban đầu, tôi cứ ngỡ mình hoa mắt.

Dù đang ngồi đó, tôi lại có một cảm giác lạ kỳ. Nó quay tròn trong tôi. Nó quay tròn quanh tôi. Tôi không biết đột nhiên mình bị một cơn sóng dội vào hay tôi đang trở thành một con sóng. Có cái gì đó đang hình thành, cái gì đó to lắm, vĩ đại, ầm I.

Rồi một sức mạnh ùa vào người tôi, thổi phồng tôi, nâng tôi lên, nhấc tôi lên. Tôi chịu đựng một vụ nổ êm ái, thậm chí còn không đau là khác. th.ân thể tôi bùng nổ một cách sung sướng, bỏ rơi các giới hạn, và da tôi rách ra, bập bềnh thành nhiều mảnh nhỏ, rời rạc, ở phía trên khu vườn. Khu vườn đã thay đổi kích thước, những hòn đá thường đã biến thành ngọn núi, những viên sỏi biến thành hồ, cát biến thành biển mây. Khu vườn nhìn thấy được đã nhường chỗ cho một khu vườn vô hình, nơi phát ra một thứ năng lượng làm con người ta sảng khoái.

Trong chốc lát, tôi thức tỉnh từ một cơn ác mộng mà tôi bị cầm tù trong đó, tôi nhớ lại một thực tế đã bị quên lãng, cái đã làm nên chúng ta. Tôi thôi không là Jun nữa để trở thành vũ trụ, thành vòng tròn, bất động mà vẫn dịch chuyển.

Tôi có cảm giác mình trở thành khoảng trống giữa các đồ vật, khoảng trống giữa con người với con người, khoảng trống giữa các từ đang từ bỏ các lóp nghĩa của mình, khoảng trống giữa các ý nghĩ đang xẹp dần. Tôi lìa bỏ tôi, tôi là cái hư vô phía trên tôi, hư vô, cái hư vô là trung tâm thực sự của thế giới.

- Con Thiền sắp được ba tiếng rồi đấy.

Giọng của Shomintsu buộc tôi phải nhập lại vào th.ân thể của Jun.

- Gì cơ ạ? Ba tiếng? Con... con... con không thấy thời gian trôi, con...

- Không cần giải thích. Ta hiểu. Thế thì càng tốt. Con đã làm được rồi. Ta rất mừng cho con.
 
CHƯƠNG 8
Khi quay lại lò vật, trước khi bước qua cửa, tôi lại lóa mắt một lần nữa: tôi gặp lại Reiko hay đúng hơn là một cô gái trẻ đẹp tuyệt trần, chẳng liên quan gì đến cái con bé mới lớn mà tôi đã xua đuổi một năm rưỡi trước đó, tôi chỉ nhận ra bởi nàng đợi Ashoryu, anh trai nàng, trong chiếc xe limousine của anh.

Dậm chân tại chỗ, tôi há miệng đứng như trời trồng trước nàng, không thể bước lên hay thốt lên một lời nào, ngạc nhiên, ngất ngây, ngưỡng mộ.

Vẻ đần độn của tôi, không những không làm nàng khó chịu mà còn làm má nàng ửng đỏ. Nàng cúi đầu, mắt chớp chớp,khẽ quay khuôn mặt có đánh phấn sang một bên. Gáy nàng mới duyên dáng làm sao, tôi thiếu điều ngất đi.

Từ hôm ấy, tôi thay đổi: một mặt, tôi Thiền định và không nghĩ đến gì cả; mặt khác, tôi mơ về Reiko và chỉ nghĩ đến nàng.

Chàng vận động viên đã cải thiện được thành tích. Thiền đinh làm tăng khả năng tập trung của tôi. Nhờ vào đó, tôi không còn là nạn nhân của các cảm xúc riêng mình nữa; đúng là tôi vẫn cảm nhận nhưng tôi có thể tách chúng ra xa ngay lập tức; nhờ thế, khi lên sới vật, tôi chế ngự được nỗi sợ, cái có thể làm mất khả năng vốn không nổi bật của mình, tôi đạt tới mức không bị mất tập trung bởi sự khiêu khích của đối thủ trước trận đấu. Từ nay, tôi là người chiếm thế thượng phong, là người hút lấy anh ta, hóa giải, giảm sức mạnh và biến anh ta chỉ đon giản thành một phần của tôi.

Sau đó, tôi luyện satori, trực giác, cách loại bỏ cái tôi khỏi mình và lĩnh hội những chiêu hiểm hóc. Khi trọng tài ra hiệu bắt đầu trận đấu bằng cái quạt của ông ta, sẽ không còn thời gian để nghĩ nữa hay đúng ra là ý thức không còn thời gian để nghĩ nữa, lúc đó, phải để cơ thể nghĩ. Trong vòng vài giây này khi ta không thở nữa, cần phải giáng sấm sét vào đối thủ, dự đoán chiến thuật của anh ta, nắm lấy khoảnh khắc sơ hở và kết thúc bằng một thế đánh đem lại chiến thắng.

Ngoài giờ tập thể thao, Reiko ám ảnh tôi, đôi mắt huyền, cái bím tóc như mun, đường nét thanh thoát của cái cổ, lúc nào cũng mềm mại, thanh mảnh. Sau vài Chủ nhật, không kiềm lòng được nữa, tôi đi thẳng về phía Reiko khi nàng đang đợi anh trai.

- Reiko à, em là thứ đẹp nhất anh từng nhìn thấy trên thế giới.

Nàng chớp mắt và nhìn xuống dưới.

- Anh đã đi nhiều nơi chưa?

- Nhiều tháng liền, anh bán những thứ khốn nạn bằng nhựa ở một góc ngã tư của Tokyo nơi hàng triệu phụ nữ đã đi qua. Không ai trong số họ đẹp bằng em. Anh dám khẳng định chắc chắn vì anh có kinh nghiệm thực tế: em là cô gái xinh đẹp nhất nước Nhật. .

- Nước Nhật có phải là cả thế giới đâu...

- Anh tin chắc vậy. Anh muốn đi khắp thế giới để so sánh em với tất cả các cô gái ở đó, nhung chưa đi anh đã tin chắc rằng em sẽ chiến thắng.

- Cái này giống như một lời tuyên bố phải không?

- Liệu hôm nào đó anh có thể mời em đi xem một bộ phim và ăn tối không?

Nàng mỉm cười.

- Theo anh, tại sao cô gái xinh đẹp nhất Nhật Bản phải đi chơi với một chàng trai như anh?

- Bởi vì anh là một căn bệnh dịch hạch, một gã hung hăng, một đô vật tồi, một gã to xác rởm hoặc một gã gầy rởm nhưng anh là một fan thực sự của em, fan số một của em. Em có thể yêu cầu anh làm bất cứ điều gì em muốn, anh sẽ tuân theo!

- Ngay cả việc đi xem những bộ phim mà chỉ con gái thích?

- Không vấn đề gì. Vì em, anh sẽ thích những thứ con gái thích.

- Chủ nhật tới hãy đợi em ở đây lúc năm giờ.

Trong suốt nhiều tháng, chúng tôi đi xem phim với nhau, những bộ phim ca nhạc ướt át, những bộ phim hài lãng mạn vì nàng thích được xúc động và khóc. Tôi thì đóng vai trò người đàn ông, tôi giả vờ là giả vờ thích những cái đó; trên thực tế, tôi thích những cái đó chẳng kém gì nàng; chỉ khi ở bên nàng tôi mới kiềm chế cảm xúc; sau đó, khi đã tạm biệt, tôi mới nức nở khóc trộm.

Tôi không dám hôn nàng, cũng chẳng dám cầm tay; tuy nhiên, điều chắc chắn là th.ân thể chúng tôi ngày càng sát nhau trong các buổi chiếu phim; trong những nhà hàng bình dân nơi chúng tôi ăn tối sau các buổi chiếu, chúng tôi tìm những chỗ khiến chúng tôi phải ngồi dính vào nhau.

Một hôm, tôi cầm tay nàng và gần như không kịp định thần, tôi hôn tới tấp lên đó. Nàng rùng mình rồi ngăn tôi lại.

- Em báo trước với anh, Jun à, em sẽ chỉ trao lòng mình cho một người con trai nghiêm túc.

- Anh yêu em thật lòng mà.

- Em chỉ nói chuyện yêu đương với chàng trai biết chia sẻ những giấc mơ của em.

- Có anh đây!

- Em chỉ hôn người con trai muốn lập gia đình với em, người muốn có nhiều con với em và phải nhanh lên.

Một con rùng mình chạy dọc sống lưng tôi. Tôi nhắc lại một cách vô thức:

- Nhanh ư?

- Nhanh! Nếu nghĩ quá nhiều đến việc chọn thời điểm lý tưởng để có con, chuyện sẽ hỏng. Các dì của em cũng từng làm như thế, giờ đây họ đang mòn mỏi ở tuổi bốn mươi.

Kết luận là gì? Chuyện sinh nở của họ không theo đường tự nhiên nữa, nó đã trở thành những trang sử thi ở bệnh viện; họ không phải đã mang thai, không, mà là họ bị bệnh; sau đó, việc cho con bú, rồi giáo dục con cái trở thành một cuộc đua đầy trở ngại. Các dì của em, có thể nói không ngoa là họ phải đi thi với các con, rằng họ thành công trong chuyện đó nhưng lúc nào cũng vào phút cuối, sát nút mới đạt được; em không có cảm giác là họ hạnh phúc mà chỉ là cảm thấy nhẹ nhõm. Em không muốn như thế! Nếu sinh con lúc trẻ, trong chuyển động tự nhiên của tình yêu, mọi chuyện tiếp sau sẽ cứ tự nhiên mà đến.

- Con gái bọn em nghĩ đến những chuyện như vậy hả?

- Về rất nhiều chủ đề, khối thịt to với bộ óc nhỏ thân mến, con gái thường buộc phải suy nghĩ cho hai người.

Đến lượt mình, tôi suy nghĩ suốt cả tuần.

Chủ nhật tuần kế tiếp, tôi bắt đầu câu chuyện trong xe buýt trước khi chúng tôi vào rạp:

- Reiko, anh quá yêu em nên không thể nói dối em. Anh cảm thấy anh không thể có con.

- Tại sao?

- Bởi anh không biết làm một người con. Vậy nên làm cha thì... Anh sẽ không bao giờ nuôi dạy con.

Mắt nàng nhòa lệ. Theo phản ứng dây chuyền, mắt tôi cũng thế. Tôi cảm thấy cần phải biện bạch rõ hơn nữa.

- Nhìn vào kiểu bố mẹ như bố mẹ anh, anh sẽ không lặp lại sai lầm như thế.

- Chuyện đó thì liên quan gì? Anh đâu có đẻ ra bố mẹ anh đâu.

- Bố mẹ anh cũng không phải là bố mẹ. Mẹ anh là một thiên thần yêu mọi người như nhau, là một sinh vật không thuộc về thế giới này dù rằng bà tạm thời ở đây. Bố anh là một cái tên trên hộp thư, rồi là một cái tên trên bình di cốt. Không có bố mẹ, không có người làm gương, không có hình mẫu. Anh không có kinh nghiệm trong lĩnh vực gia đình.

- Rồi anh sẽ sáng tạo ra!

- Anh không có khiếu.

- Làm sao anh biết được?

Tôi rời ghế và một cách hèn nhát, nhảy khỏi chiếc xe buýt đang chạy. Tôi không thể tiếp tục đi chơi với Reiko, người tôi yêu, mà lại từ chối không trao cho nàng cái quan trọng nhất với nàng.

về đến trường, tôi tới chỗ sư phụ Shomintsu tìm nơi trú ẩn.

- Thưa sư phụ, con vừa chạy trốn người đàn bà của đời con.

- Phía sau những đám mây luôn có một bầu trời.

- Sư phụ bảo sao ạ?

- Câu nói này trong Thiền có nghĩa là phải giữ cho đầu óc mình ở mặt tích cực của các hiện tượng, luôn suy nghĩ một cách lạc quan. Điều quan trọng nhất vào lúc này là con tiến bộ.
 
CHƯƠNG 9
Vào giải đấu tháng Chín tại Tokyo, ngay sau khi tròn mười tám tuổi, tôi cảm thấy đã sẵn sàng để bắt đầu bởi tôi đã đạt được một sự kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa trạng thái tinh thần và sức mạnh hình thể. Trong mười lăm ngày, mỗi ngày một trận, tôi thầm hứa với mình phải chứng minh rằng sư phụ Shomintsu đã không mất thời gian vô ích với tôi.

Ngày đầu tiên, tôi đấu với một đô vật đáng gờm, người thấp, to bè, anh ta định dùng sức mạnh của thân hình vạm vỡ để chiến thắng. Tôi chống cự lại cú đẩy của anh ta, tôi lùi nhưng bám chặt vào thắt lưng anh ta, đột nhiên chân tôi cảm thấy mình đã đến giới hạn của doyo, tôi liền xoay người sang bên phải, thân hình to bè ấy lao qua tôi như một viên đạn đại bác bắn từ cuối phòng, anh ta hét lên rồi ngã quy. Người ta hoan hô tôi.

Ngày thứ hai, khi lao vào nhau, tôi đoán là đối thủ hung hăng hơn tôi. Quyết định không để lòng căm thù của anh ta nhiễm sang mình, tôi coi anh ta như một vấn đề kỹ thuật thuần túy, một món đồ chơi cơ có gắn lò xo, tôi nhận lấy những cú đập nhẹ bằng lòng bàn tay của anh ta, tôi giảm khẩu độ cánh tay của đối thủ bằng cách dùng khuỷu tay ghì chết vai của anh ta rồi đột nhiên ra một cú gạt vào chân phải: anh ta ngã.

Ngày hôm sau, tôi không thể chống lại sức đẩy của một đối thủ quá to - cao hơn hai mét, hơn hai trăm ki lô. Bằng một cú lao và thúc vào ngực, anh ta đẩy tôi khỏi sới vật.

Ngày tiếp theo, một đối thủ khổng lồ khác lại lao vào tôi. Lúc đó tôi đã nghĩ: những người rất to thường có một điểm yếu là khó giữ thăng bằng do chân họ dài và đầu gối yếu. Thế nên tôi quyết định chơi nhanh; linh hoạt, di chuyển đột ngột, thoăn thoắt, tôi lượn quanh anh ta như một con cá nhỏ; bị mất tập trung, anh ta nhìn quanh tìm tôi; quá muộn, anh ta đã nằm dưới đất.

Những ngày sau đó, cả khán giả và giới chuyên môn đều quan tâm đến tôi. Người ta chờ đợi các trận thi đấu của tôi, người ta dè chừng, người ta hy vọng, tôi trở thành ngôi sao đang lên của môn su mô. Tính về yếu tố hình thể - tốc độ, cân nặng, sức mạnh - tôi được xếp vào hạng trung dưới; ngược lại, tôi làm người ta ngạc nhiên vì khả năng ứng phó với các đối thủ; khi thì mưu mẹo, tôi đập đập tay để đối thủ nháy mắt, khoảnh khắc mà tôi tận đụng để túm lấy thắt lưng đối thủ; khi thì mạnh mẽ, tôi nhấc bổng đối thủ lên. Trong vài ngày, các câu chuyện thêu dệt cho rằng tôi xuất sắc, điêu luyện, không dự đoán trước được. Trên thực tế, điều đó đến từ sự tập trung của tôi. Mỗi lần, tôi đều bay lên trên sới vật, lên trên tôi và nhờ một thứ trực giác trên sàn diễn, tôi luôn hành động đúng. Nếu như trận đấu kéo dài, tôi tập trung vào hơi thở và da của đối thủ; qua hơi thở của anh ta tôi đoán biết chỗ yếu và tấn công; căn cứ vào sự chuyển động của da đối thủ, tôi dự đoán quyết định của anh ta và phản công. Bởi tôi đặt ý thức của mình lên cao, thân hình của đối thủ trở nên nhỏ bé, rồi bởi tôi tin chắc vào điều đó, cân nặng của anh ta trở thành cân nặng của một bó rơm. Từ nay, tôi thích lên sới; trong cái vòng tròn bốn mét năm mươi lăm này chứa đựng cả nghìn câu chuyện, cả nghìn khả năng thua, cả nghìn khả năng thắng, điều đó phụ thuộc vào tôi, vào địch thủ, vào sự thông minh của chúng tôi trước tình huống và - có đôi chút - sự may rủi. Đó chính là cảnh đời. Đó chính là cuộc đời. Tôi muốn sống!

Sau giải đấu, tôi thắng nhiều hơn thua, mọi con mắt đều đổ dồn về tôi: tôi sẽ thăng hạng và lên mấy bậc trong phân cấp của môn su mô. Một hội cổ động viên của tôi vừa được hình thành.

Cùng các đồng môn và thần tượng Ashoryu, người vừa giải nghệ bằng cách cắt tóc, tôi ăn mừng tiến bộ này tất cả các tối trong suốt một tuần.

Chủ nhật tiếp theo, vào buổi sáng, tôi thức dậy tràn trề sinh lực, thu gọn hành trang, lau dọn phòng và đến trình diện thầy.

Chào tôi là tiếng nước reo trong ấm đun trong căn phòng trống chỉ bày một bó hoa.

- Con xin thôi, thưa sư phụ Shomintsu. Con sẽ không lên doyo nữa.

- Tại sao? Con cân nặng chín mươi lăm cân và cuối cùng con đã làm được.

- Như sư phụ nói: con đã làm được! Mục tiêu là làm được điều ấy. Làm cho con béo, làm con tự kiềm chế, làm con đủ tư cách dự một giải đấu. Tuy nhiên, mục tiêu của con chưa bao giờ là trở thành một nhà vô địch, càng không phải là nhà vô địch của các nhà vô địch. Con có sai không ạ?

- Chỉ có con biết được.

- Sư phụ luôn nói là nhìn thấy một người to lớn trong con chứ không phải là một nhà vô địch trong con.

- Con đã nghe ta nói rồi.

- Người to lớn trong con thì xong rồi, con đã nhìn thấy: người to lớn, không phải là người chiến thắng kẻ khác mà là kẻ chiến thắng con; người to lớn, đó là phần tốt nhất của con đi trước con, người dẫn đường cho con, tạo cảm hứng cho con. Xong rồi, con đã thấy người to lớn trong con. Giờ đây, con sẽ gầy đi và đi học để trở thành bác sĩ.

Khuôn mặt ông lão dãn ra vì sung sướng.

- Cảm ơn sư phụ vì đã chỉ cho con đường ngay, chỉ cho con biết rằng con có khả năng bước đi trên đó.

- Con nói đúng, Jun à. Mục tiêu không phải là cuối con đường mà là việc đi trên đường.

- Vậy đó. Con không muốn chiến thắng, con muốn thực sự sống.

- Ta thấy rồi. Cuộc đời không phải là một trò chơi cũng không phải trận đấu, nếu không sẽ có những người chiến thắng.

Ông đứng dậy.

- Jun, đến lượt ta phải tiết lộ cho con biết một sự thật mà ta vẫn giấu. Ta không phải là một ông già xa lạ đi qua phố, ta không ngẫu nhiên gặp con, ta không vô tình nói lời đó với con.

- Sư phụ nói sao ạ?

- Ta là ông của con. Anh của bà ngoại con, Kumiko, người đã sinh ra đời một thiên thần, thiên thần ấy là mẹ con.

- Gì cơ ạ?

- Theo huyết thống, ta là bác của mẹ con. Ta nói chuyện với con ở Tokyo bởi vì ta có một nhiệm vụ.

- Chính mẹ con là người...

- Đúng vậy, mẹ con viết thư bảo ta chăm sóc cho con.

- Thư ư? Làm thế nào mà mẹ liên hệ được với ông khi bà không biết chữ?

- Bà rất biết cách làm người khác hiểu. Bà chưa bao giờ viết cho con ư?

Tôi cúi đầu.

- Có chứ ạ.

Và tôi mở ba lô lấy ra bức thư gần nhất. Tôi đã báo với mẹ về chiến thắng của mình qua thư - bức thư đầu tiên kể từ nhiều năm nay - mẹ đã trả lời ngay lập tức bằng cách gửi cho tôi một cành nguyệt quế mà mẹ đã treo lên đó những hạt thủy tinh giả ngọc, làm thành một cái vòng chiến thắng cho tôi, thể hiện niềm tự hào của bà. Bên cạnh đó là một chiếc lông gà con để nói với tôi rằng dù có chiến thắng tôi vẫn là con của bà.

Shomintsu xem xét những thứ đó rồi vỗ vào lưng tôi.

- Bây giờ, hãy đến đây, ta muốn cho con xem một thứ.

Ông mời tôi đi theo vào phòng làm việc của ông và bật máy tính lên. Truy cập Internet, rất nhanh nhẹn, ông mở một trang về y học.

- Xem này. Nếu mẹ con là một thiên thần thì đó là vì mẹ con mắc một chứng bệnh hiếm gặp, một chứng bệnh chỉ có ở một nhúm người, đàn ông cũng như đàn bà, trên toàn thế giới, một căn bệnh lạ đến mức người ta khó có thể chẩn đoán, và chưa tìm được thuốc hay phương pháp điều trị nó.

Ông chỉ trên màn hình cho tôi.

- Đó là một căn bệnh di truyền, bẩm sinh. Bệnh đó gọi là triệu chứng Williams.

- Biểu hiện của nó như thế nào ạ?

- Dị tật tim, thiểu năng trí tuệ - vì thế mà mẹ con vẫn mù chữ - và các đặc điểm như: trán rộng, má đầy, miệng rộng, người bệnh trông giống như các vị thần Bắc Âu hoặc trông như thiên thần. Hậu quả về mặt hành vi là người bệnh rất tốt bụng, quá tốt bụng, rạng rỡ đến lạ thường, có sức hấp dẫn lớn. Điều đó làm họ lạc quan.

- Lạc quan là một bệnh ư?

- Không. Quá lạc quan mới là một bệnh. Sự thái quá trở thành căn bệnh. Mẹ con thuộc loại này. Bà chẳng thể làm gì được. Chẳng ai làm gì được. Bà bị bệnh.

- Vậy thì, chuyện bà không bình thường là bình thường?

- Đúng vậy đó.

- Vậy thì chuyện con thấy nó bất thường là bình thường?

- Đúng vậy đó.

- Rốt cuộc, chuyện mẹ con hành xử khác thường là bình thường và chuyện con không chịu nổi bà là bình thường?

- Đúng vậy đó.

- Vậy thì, dù cả mẹ và con bất bình thường do hoàn cảnh nhưng mẹ và con đều là người bình thường.

- Đúng vậy, Jun ạ. Những khó khăn mà mẹ con và con gặp phải là có lý do.

- Ôi thật nhẹ nhõm làm sao! Nếu mẹ tốt bụng với người xa lạ đến mấy, đó không phải là vì mẹ không yêu con?

- Mẹ con yêu con, chắc chắn đấy, mẹ con yêu con hơn bất kỳ ai trên đời. Mẹ con đã chẳng yêu cầu ta chăm sóc cho con đấy thôi? Đó chính là bằng chứng, có phải không?

- Đúng ạ.

Tôi bật cười.

- Ông Shomintsu: con cân nặng chín mươi lăm cân nhưng chưa bao giờ con cảm thấy nhẹ nhõm đến thế!

- Cảm ơn Jun.

- Gì cơ ạ?

- Cảm ơn con đã cho phép ta sửa chữa những năm dài thờ ơ. Quá say sưa với lò vật của ta, ta đã cắt đứt liên hệ với người thân; ta chỉ đến dự lễ cưới của cha mẹ con, những con người kỳ lạ, hai thái cực, rất hợp nhau, bố con thì khép kín, mẹ con thì rộng lượng, sau đó ta đã bỏ bẵng mối quan hệ với gia đình. Nhờ có con mà ta lấy lại được vị trí trong gia đình. Nếu con đồng ý, chúng ta sẽ cùng nhau đi gặp mẹ con chiều nay.

Tôi đồng ý, phát điên lên vì sung sưóng.

- Chúng ta sẽ đi ông Shomintsu ạ, chúng ta sẽ ôm mẹ con, ông và con. Trước đó, con có việc phải làm.

Tôi chạy thật nhanh khỏi chuồng ngựa của ông Shomintsu, bắt một chiếc taxi trên phố, chiếc xe taxi đầu tiên của đời tôi, một chiếc xe màu ghi ánh ngọc trai lịch lãm. Trong xe, từ ghế ngồi, đến chỗ tì tay, dựa đầu đều phủ đăng ten trắng.

Khi người lái xe đeo găng trắng muốt đưa tôi đến địa chỉ tôi nói, tôi thậm chí không phải bấm chuông vì cô gái, ngồi trên một chiếc ghế dài, đang đọc một cuốn tiểu thuyết dưới khóm cây treo dưới mái hiên.

Tôi lại gần Reiko, nhìn thẳng vào mắt nàng, trịnh trọng đưa một tay về phía cái bụng thon thả tuyệt mỹ của nàng đang phập phồng vì ngạc nhiên và nói với nàng:

- Anh thấy một người phụ nữ to lớn trong em.
The end
 
×
Quay lại
Top Bottom