Cầu “già cỗi” cõng hàng ngàn học sinh tới trường mỗi ngày

rio_sp

Cầu bao nuôi, hứa sẽ ngoan
Thành viên thân thiết
Tham gia
16/11/2011
Bài viết
14.548
(Dân trí) - Nhìn từ xa cứ ngỡ cầu Xẻo Cỏ "kiên cố" lắm. Có đi trên cầu mới biết thân cầu, mặt cầu đều đã mục ruỗng từ lâu. Hai nhịp cầu được nối sơ sài bằng... dây kẽm. Vậy mà mỗi ngày cầu phải cõng hàng ngàn học sinh qua sông.Đến ấp Long Hưng 2 (xã Tân Phú, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) hỏi những bậc cao niên cây cầu Xẻo Cỏ có từ bao giờ, các cụ chẳng nhớ nổi. Theo các cụ, cây cầu gỗ ván Xẻo Cỏ có từ rất lâu và sau nhiều lần hư mục, làm lại. Đến năm 1992 bà con góp tiền đổ được 6 trụ bê tông. Còn mặt cầu đến nay vẫn lát bằng gỗ ván. Sau 1, 2 mùa mưa nắng, người dân tiếp tục xẻ gỗ, bắc lại cầu để học sinh và người dân đi lại.Ông Lê Văn Long (75 tuổi) - ngụ ấp Long Hưng 2 - là người có thâm niên sửa cầu Xẻo Cỏ nhiều nhất, cho biết: “Công sức, góp gỗ bắc cầu bà con ở đây chẳng ngại, chỉ lo lắng và thấy buồn khi hay tin các em học sinh, thậm chí cả phụ huynh bị trượt chân, té xuống sông. Mỗi lần như vậy, bà con lại nhóm họp với Ủy ban xã bàn chuyện xây cầu bê tông. Nhưng nói đến kinh phí bạc trăm triệu, bà con và chính quyền đều “bó tay”, tiếp tục chờ đời kinh phí từ cấp trên”. Cây cầu Xẻo Cỏ hiện tại dài khoảng 25m, bề ngang rộng chưa tới 1m. Trừ 6 trụ chính được bà con đúc bằng bê tông từ năm 1992, còn lại, như mặt cầu, thân cầu, lan can được làm bằng cây gỗ thông thường.
h3-44498.JPG

Mặt cầu nhỏ, không lan can nên khi các em qua cầu rất nguy hiểm
Dẫn chứng cụ thể, ông Mai Nhất Lâm - Trưởng ấp Long Hưng 2 (nhà ông Lâm ngay đầu cầu) kể: “Hai vợ chồng tôi về đây định cư mới hơn 4 năm nay nhưng đã có trên 15 lần nhảy xuống sông vớt học sinh bị té cầu. Và cách nay khoảng 1 tuần, do mặt cầu trơn nên làm 2 em học sinh lớp 3 bị rơi xuống sông, rất may tui và chú Tư nhà bên cạnh phát hiện, kịp thời cứu vớt, chứ nếu không chẳng biết chuyện gì xảy ra nữa rồi”. Sau tai nạn đó, thầy cô nhà trường chỉ biết khuyên các em học sinh nên đi từ từ qua cầu, không đi cùng lúc. Nhưng tính hiếu động, cộng với tâm lí muốn về nhà sớm nên cứ sau tiếng trống hết giờ là các em ùa ra sân, chen nhau qua cầu. Cây cầu gỗ ván run lên, bà con lại thấp thỏm lo âu...Đang lúc trò chuyện với các hộ dân sống gần cầu Xẻo Cỏ, tiếng trống tan trường của trường tiểu học Tân Phú 3 vang lên và không đầy 5 phút sau, trước mặt chúng tôi là “đội quân nhí” túa ra. Có em đi bộ, có em đi bằng xe đạp, vôi vã, chen nhau qua cổng trường và ùa lên cây cầu Xẻo Cỏ. Một cô giáo kịp thời chạy ra hướng dẫn các em qua cầu từng đợt, mỗi đợt 3 - 4 em.
h2-44498.JPG

Hai nhịp phụ nối với nhịp chính cầu được bà con dùng dây kẽm buộc lại sơ sài thế này

“Chứng kiến cảnh các em đội nắng chờ đợi, qua cầu thương lắm! Nhưng dù sao cũng an toàn hơn việc để các em tranh nhau qua cầu cùng lúc” - cô giáo Tiền Dương Huyền Trân, dạy môn Mỹ thuật, cho biết.
Trao đổi với PV Dân trí, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Phú, ông Trương Văn Mí chia sẻ: “Xã Tân Phú là một xã mới được tách ra từ xã Long Phú của huyện Long Mỹ. Vì vậy, công việc đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã là rất lớn, nhưng kinh phí có giới hạn. Bởi vậy, sau hơn 5 năm thành lập xã, đến nay trụ sở làm việc của ủy ban vẫn còn phải sử dụng nhà tiền chế để làm việc. Do vậy, mong muốn của hàng ngàn hộ dân ấp Long Hưng 2 và hàng ngàn học sinh trường tiểu học Tân Phú 3 và trường THPT Tân Phú,… bắc mới cây cầu Xẻo Cỏ bằng bê tông là mơ ước hàng chục năm nay vẫn chưa có điều kiện thực hiện được”.
h5-44498.JPG

Trước sự già yếu của cầu Xẻo Cỏ, bà con rất lo chẳng biết ẩn họa sẽ ập xuống các em học sinh khi nào

Tranh thủ khi các em học sinh đã về nhà, vị Phó Bí thư xã và một số cán cộ, người dân ấp Long Hưng 2, lấy búa, đinh, gỗ,… sửa lại những chỗ ván bị tuột, hở. Riêng chỗ nối giữa nhịp phụ với nhịp chính bà con dùng dây kẽm lớn hơn buộc lại cho chắc. Tuy nhiên, theo ông Mí, việc làm này chỉ mang tính chất “chữa cháy” vì đầu gỗ đã mục nên có gia cố đến mấy cũng chỉ cầm cự qua ngày.“Lâu nay lãnh đạo xã cũng như bà con nơi đây rất cảm kích việc báo Dân trí cùng các mạnh thường quân bắc 5-6 cây cầu cho các em học sinh qua sông đến trường an toàn, Theo chúng tôi, việc làm này không chỉ mang ý nghĩa cổ vũ cho phong trào khuyến học, khuyến tài trên cả nước mà còn mang tính nhân văn sâu sắc. Vì vậy, chúng tôi rất mong tại xã Tân Phú xa xôi này sẽ có cây cầu mang tên Dân trí kiên cố để giúp con em chúng tôi đến trường an toàn, tiếp tục bám con chữ. Mai sau các em trở thành những công dân hữu dụng cho quê hương đất nước”, ông Trương Văn Mí chia sẻ. Theo quan sát của PV Dân trí, cây cầu Xẻo Cỏ có vị trí đặc biệt quan trọng, vừa giúp hàng ngàn lượt học sinh đang theo học tại trường tiểu học Tân Phú 3 và trường THPT Tân Phú qua sông tìm chữ, vừa giúp người dân ở ấp Long Hưng 2 qua cầu, theo tỉnh lộ 928B đến trung tâm xã, trung tâm huyện thuận lợi. Vì vậy cây cầu ước mơ mang tên Dân trí sẽ góp phần nâng cao dân trí, phát triển kinh tế và đặc biệt làm thay đổi đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người dân vùng sâu ở xã Tân Phú này.


Nguyễn Hành - Phạm Tâm
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top Bottom