Câu chuyện thành công của những người quanh ta

kinmi

Thành viên
Tham gia
5/12/2014
Bài viết
12
Mình trích đăng lại những bài phỏng vấn nhân vật thành công trong cuộc sống từ trang Giờ Học, hy vọng các bạn có thể học được nhiều điều bổ ích cho riêng mình.

Bài phỏng vấn anh Lê Vũ và câu chuyện Tự đứng trên đôi chân của mình.

Tên anh là Lê Vũ, viết tắt là “Eo Vì” (LV). Một người thích tự đứng trên đôi chân của mình, ngay từ nhỏ đã độc lập trong mọi quyết định, và cho tới bây giờ mọi quyết định quan trọng trong cuộc sống đến 9,5 phần 10 là do anh đã tự trả giá để có được. Chúng ta cùng trò chuyện với người thầy dạy đàn guitar thẳng thắn và cũng rất thông minh, hóm hỉnh này nhé!

GH: Chào anh. Anh có thể chia sẻ một chút về công việc dạy đàn guitar hiện tại được không?

LV: Công việc dạy nhạc, nếu ai không biết thì tưởng chừng nó rất đơn giản. Nhưng thực tế là anh phải làm công việc của cả một trung tâm nhỏ, từ việc tự tuyển sinh, soạn giáo trình, cho tới giáo vụ và kiêm luôn giảng viên. Một lớp học quy chuẩn của anh gồm 5-6 người, và hiện tại anh đang có khoảng 50 học viên theo học thường xuyên. Anh nắm rõ chi tiết trong đầu sự tiến bộ của từng người, tính tình của họ, mức chuyên cần, mong muốn và cả thái độ của họ trong việc học đàn có nghiêm túc hay là không. Cứ 2-3 tháng là anh nâng cấp giáo trình một lần, sự cải tiến liên tục này để giúp học viên tiếp thu ngày càng hiệu quả hơn, dễ dàng tập luyện hơn, từ đó giúp họ giảm căng thẳng trong cuộc sống. Nếu so sánh với một trung tâm trung hay cao cấp, thì anh cho rằng mình chăm sóc học viên hiệu quả hơn, bởi vì anh là một gã “all in one”, thống nhất mọi khía cạnh của sản phẩm do mình tạo ra.

GH: Em được biết, con đường học hành và sự nghiệp của anh có không ít thăng trầm. Vậy nếu quay trở lại thời điểm 10 năm trước, anh đang ở đâu và làm gì?

LV: Thời điểm đó anh đang học năm nhất đại học Bách Khoa TP.HCM. Nhưng anh quyết định nghỉ ngang đại học vì quá sức chán nản với lối học nhồi nhét, và anh lao đầu vào cuộc mưu sinh, sống đã rồi tính đến chuyện mơ ước to lớn hơn. Anh đi làm giữ xe, phát tờ rơi, bảo vệ, giữ đồ dịch vụ cho hồ bơi, trông coi phòng net, phụ việc trong xưởng cơ khí. Có thời gian anh ở bên kia cầu Sài Gòn, sáng phải dậy từ 6 giờ, đạp xe lên Gò Vấp, đôi khi là đạp xe tới tận quận 12 mất chừng một tiếng hay tiếng rưỡi đồng hồ. Buổi tối có hôm 8 giờ anh mới ra khỏi xưởng, gần 10 giờ mới lụi cụi về tới nhà thì cũng rã rời, chỉ kịp rửa ráy qua loa rồi đặt lưng xuống ngủ, chưa đã giấc lại tới 6 giờ và lại bắt đầu ngày làm việc cực nhọc. Nói chung là anh lì, làm việc cực khổ thì chịu đươc, nhưng không chịu được sự nhục nhã. Một bữa anh nghỉ việc vì người anh rủ đi làm cùng hay mắng nhiếc, chì chiết như dì ghẻ, thậm chí còn xúc phạm: “Mày không học hành tới nơi tới chốn, ra đời chỉ làm đầu trộm đuôi cướp mà sống, chứ năng lực đâu mà ai cho làm”. Đó là lời nói của một người anh con bác ruột của anh đó! Và cứ thế trong suốt 8 năm vào đời, anh không cho phép mình vấp ngã, cứng rắn đến cực đoan, nên va chạm, trầy trật trong cuộc sống cũng nhiều lắm nhưng anh học được nhiều bài học hơn các bạn đồng lứa. Trí thông minh không so sánh làm gì, nhưng về tính bền bỉ và lì đòn, anh thấy nhiều người sợ cái tính đó của anh.

GH: Vậy trong suốt thời gian đó, anh có vừa đi làm vừa học thêm không?

LV: Có chứ. Anh đi làm và tiết kiệm tiền, cộng thêm cả vay mượn để đi học rất nhiều khóa học với đủ loại kỹ năng khác nhau. Thất bại trong chuyện học cũng có nhiều, đó là chọn phải trường kém chất lượng, tiền mất tật mang, hoặc học bỏ dở giữa chừng vì thầy cô giáo dạy không tốt, vân vân. Nhưng nhờ thế, khi lớp đàn em sau này cần học gì, ở đâu, phương pháp chọn trung tâm, cách học, thái độ, cách tiếp cận thầy cô, lập nhóm học … thì anh có thể tư vấn kỹ càng và giúp đỡ hết lòng được, đó cũng là một trong những cái duyên giúp anh đến với các loại công việc “tự phát” của mình ở hiện tại.

Năm 2012 anh nghỉ làm ở một công ty game lớn của Việt Nam. Anh vẫn duy trì nguồn thu nhập từ việc mở các lớp học đàn guitar tại nhà. Đồng thời anh bắt đầu tìm kiếm cơ hội để đi du học về ngành giáo dục. Một năm trở lại đây thì anh chuyển hướng đi của mình để phù hợp với thực tế hơn, là tìm các tổ chức giáo dục hoặc phi chính phủ để làm việc hoặc cộng tác. Nếu có đi du học thì đi học theo nhu cầu của công việc và cũng ngắn hạn hơn là học lại đại học 3-4 năm sẽ tốn khá nhiều thời gian và công sức.

GH: Vậy hiện tại anh đang hợp tác với những tổ chức giáo dục nào?

LV: Ngoài việc dạy nhạc online trên một số website có mô hình đào tạo trực tuyến, thì anh cũng đang tham gia giảng dạy tại Toa Tàu.Tại đây anh dạy một khóa Trải Nghiệm Âm Nhạc dành cho mọi lứa tuổi, trong đó cây đàn Ukulele (cây guitar Hawaii 4 dây) làm nhạc cụ chính để anh dẫn dắt các bạn qua những câu chuyện âm nhạc thú vị, giúp giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống, và biết cách “sống sót” tốt đẹp với những hỗn tạp và áp lực do xã hội năng động mang đến.

GH: Thế còn, nếu nói về bí quyết để thành công trong công việc và cuộc sống, thì anh có thể chia sẻ bí quyết của anh với độc giả của Giờ Học được không?

Anh xem trọng các nguyên tắc, dù nó có cứng nhắc, nhưng nó giúp chúng ta uốn nắn bản thân mình một cách có khuông có hình. Những người tài thường như cục bột nở, bỏ vào nước là vẫy vùng, nhưng nếu họ không biết gọt giũa, thì cũng chẳng ra hình hài gì cả. Tính kỷ luật, các nguyên tắc của cuộc chơi đã định sẵn, nếu họ không đủ sức tạo ra cuộc chơi của riêng mình, thì chuyện vẫy vùng theo sức của họ, tưởng như là có ích, nhưng thật ra có nhiều phần gây hại cho tập thể, xã hội. Tính trung thực cũng rất quan trọng. Chúng ta không bao giờ phải tốn công để nhớ là nói dối ai những gì cả, rồi mọi người sẽ biết chuyện, cho nên trong mọi trường hợp, cứ trung thực. Muốn được như vậy, anh nghĩ phải từ mình mà ra, tức là mình phải trung thực với bản thân mình trước, biết mình làm được gì, có cái gì, không làm được gì. Trung thực, về lâu về dài, là nền tảng của mọi con đường thành nhân.

Còn chuyện thành công, anh không dám khuyên ai cả, nhưng anh chắc rằng con đường của việc làm đúng, thì rất gần với con đường của việc làm tốt, mà đã làm tốt rồi, thì thành công sẽ đuổi theo chúng ta.

Các bạn có thể tìm hiểu thêm và giao lưu với anh Lê Vũ qua những kênh sau:

1. Facebook.com/levu.creative: Đây là trang Facebook cá nhân của anh Lê Vũ, thể hiện suy nghĩ của anh, và anh coi đó là cách mình tự ghi lại sự trưởng thành của chính mình, trong đó có sự vui buồn, giận dữ, quan điểm và cả sự “tào lao” nữa.

2. Ngoài ra, anh Lê Vũ có viết riêng những bài viết về việc học và quan điểm cá nhân tại group “Những Điều Không Dạy Bạn Ở Trường Đại Học” – https://www.facebook.com/groups/636074949787131/
 
×
Quay lại
Top Bottom