Cảm nhận về bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"

zhd.95

Kẻ săn đêm
Thành viên thân thiết
Tham gia
18/10/2012
Bài viết
5.693
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh


Mọi người đã xem phim chưa nào? <3

Mình vừa xem suất chiếu sớm tối nay. ^^ Giờ vẫn thấy lâng lâng. ^^ Đối với những ai yêu thích truyện dài "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" chắc chắn sẽ không thất vọng với bộ phim này. Mình thấy phim chuyển tải được đúng tinh thần của truyện. Với những khán giả mong muốn giật gân, kịch tính, hồi hộp nghẹt thở, xúc động nghẹn ngào hay đau thương mất mát gì gì đó,... có thể sẽ thấy hơi hụt hẫng. Nhưng mình rất hài lòng và thỏa mãn. Chỉ có điều phim hơi ngắn (khoảng tiếng rưỡi). :v Khi thấy Tường và Thiều gặp công chúa đang bị lũ trẻ trêu chọc, mình bắt đầu thấy... tiếc... vì phim sắp hết rồi. :( Cái kết, cũng như trong truyện, vẫn là kết mở, khiến người xem tiếc nuối muốn nán lại không rời rạp. :'(

toi_thay_hoa_vang_tren_co_xanh_1_7.jpg

Trong phim đã lược một số chi tiết, ví dụ như vụ mất tích của chú Đàn và chị Vinh, một số chi tiết về thằng Sơn và con Na (có lẽ nó cũng không hợp với diễn viên còn con nít như vậy) và cô bé lúc đầu Thiều thích (trong truyện là Xin chứ không phải Mận, trong phim không có nhân vật này)...

hoavang-1411362574214-crop-1411362595489.jpg

Cảnh quay đẹp ạ, có một số nhận xét mình đọc nói rằng phim lạm dụng flycam quá nhiều, nhưng thực sự mình thấy chẳng nhiều đến mức họ nói. :D Xem phim và nhìn những đồ vật từ năm 1989 cảm thấy.... bồi hồi :v Dù khi đó mình cũng chưa sinh ra :p Những món đồ chơi như cái ô tô bằng ống tre, thuyền lá, thuyền giấy, con diều, dây tòng teng, con châu chấu, vỏ ốc, trò chơi đồ hàng làm sống dậy một tuổi thơ dữ dội =)) (dù tuổi thơ chăm học của mình khá nghèo nàn mấy món đồ chơi này) :v Mấy cuốn sách cũ cũ nhìn thích dễ sợ =)) Mình thích mấy quyển sách đóng kiểu cũ, giấy ngả màu ghê cơ. :)) Ấn tượng nhất là "Thơ Tình hay nhất" mà con Mận đưa cho Thiều. :))


1440995772_toi-thay-hoa-vang-tren-co-xanh-yeutrethovn-7jpg.jpg
10501905_372408959627696_2180186088870798970_n.png


thinh-vinh-hoa-vang-co-xanh-blogtamsuvn_ekum.jpg

Có một cái lỗi to đùng trong phim... =)) là lọ mực =)) Mình chắc chắn lọ mực tím trong phim mà bọn trẻ dùng là lọ mực Queen, lọ thủy tinh trong suốt đấy :v Và hồi bé lọ mực mà mình dùng chỉ là mấy lọ nhựa màu đùng đục thôi :v Không hiểu sao ekip không cố gắng nốt cái khoản đạo cụ này. :p

Diễn viên trong phim đẹp lung linh, từ em Thiều, Tường, Mận đến chú Đàn, chị Vinh, bố mẹ Thiều, mẹ con Mận, "công chúa" :v Xem đã con mắt :v bé Thiều có mấy bộ quần áo bị mọi người nói là hơi sexy vì quần ngắn quá. =))


toi-1440992096.jpg


toithayhoavangtrencoxanh1_WZYL.jpg

Xem phim, tất cả mọi người đều bật cười (không phải cười quá to), vì những lời thoại ngây ngô đáng yêu của bọn trẻ, tranh nhau viên bi, đánh nhau, tỏ tình, hờn dỗi, ghen tị,... Có lúc thấy giật mình, lạnh toát (vì điều hòa mở quá to ;__;) vì câu chuyện về con ma cọp, ác mộng của Thiều về bố con Mận,... và thốt tim vì sự xuất hiện của "nhà vua". Những câu thoại hài hước giữa hai cha con Nhi "Ta sẽ nhốt con vào lãnh cung", "Sao con dám xuất cung khi chưa được sự đồng ý của ta?" cũng mang lại tiếng cười sảng khoái nhẹ nhàng, tuy diễn xuất của hai cha con theo mình cảm nhận là chưa tới. :)


anh-toi-thay-hoa-vang-tren-co-xanh-10.jpg

Còn mọi người thì sao? Chia sẻ cảm nhận của mình đi nào. ^^ <3

P/s: Thích nhạc phim <3 Đi về rồi bỗng nhận thấy mình đang lẩm nhẩm... "Bóng trăng trắng ngà... có cây đa to... có thằng cuội già... ôm một mối mơ..."




30/09/2015
#iseeyellowflowersongreengrass
phim-viet-lai-don-tim-fan-bang-hau-truong-trong-treo1434685767.jpg

=))
 
Ai đã thấy gì trong ‘hoa vàng trên cỏ xanh’?

Bộ phim điện ảnh cùng tên với nguyên tác Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được đạo diễn Victor Vũ chuyển thể thành phim đang nhận rất nhiều sự quan tâm ủng hộ của người xem.

img_6686_resize_mxif.jpg.jpg


Bộ phim ra mắt đã phần nào làm hài lòng sự tò mò của khán giả sau gần một năm đằng đẵng chờ đợi. Mặc dù bộ phim chưa thể hiện hết những điều mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thể hiện qua trang giấy, nhưng đó cũng là điều dễ hiểu bởi phim chỉ gói gọn trong 90 phút. Tuy nhiên bộ phim đã giúp khán giả vừa cảm nhận hết cái đẹp của con người và cả những điều mà chỉ ở một vùng quê nghèo khổ mới có, vừa thấy được sự bình dị, thân quen như đang nói về tuổi thơ của mình thì cũng đủ để tất cả toại nguyện.

Những câu chuyện mà trong phim khắc họa nên như sự nghèo khổ, hỏa hoạn, bệnh tật, chia ly, xa cách… của những ngày xưa cũ nó chân thật đến mức khiến người xem như đang sống lại ở tuổi thơ đã đi qua. Và, không ít người sẽ phải thốt lên “ngày nhỏ mình cũng từng làm đèn lồng bằng tre”, “lúc nhỏ mình cũng bị ba má đánh” hay “lúc nhỏ mình cũng mò cua, bắt ốc, đào khoai lang, chơi ném đá…” khi từng thước phim nhẹ nhàng, chậm rãi lướt qua…

img_8140_resize_zhmg.jpg.jpg


Xem phim xong, họ thấy thương thằng nhóc Khang biết hi sinh và chịu đựng vì anh trai, thấy giận thằng Thiều vì làm anh mà ích kỷ, đố kỵ nhưng cũng không hờn trách nó bởi nó sớm nhận ra tình thương của thằng em mình… Và họ sẽ thấy yêu cô bé Mận hồn nhiên, trong sáng đến ngây ngô. Họ thương cho hoàn cảnh của cô bé bao nhiêu thì cũng thương cho tình cha con ông Tam Tàng bấy nhiêu… Thế thôi cũng đủ để họ thấy rằng chỉ cần một tình yêu trong sáng cũng có thể thay đổi tất cả…

“Hãy để tôi được cảm nhận Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh một cách trong sáng và nhẹ nhàng…”, đó là câu nói của một khán giả khi vô tình đọc được những “phân tích khoa học” của các “nhà chuyên môn”. Đôi khi một đạo diễn muốn làm hài lòng những nhà chuyên môn thì có lẽ khán giả phải “đu” theo những cái gọi là quá nặng nề để cảm nhận được một điều gì đó mà nếu làm đơn giản như thế này thôi cũng đủ để đi vào lòng họ một cách trọn vẹn.

chi-vinh-khanh-hien-4_resize_voxn.jpg.jpg


Nhiều người nói khán giả thời nay “dễ dãi”, một bộ phim không có quá nhiều bão tố, phong ba, không có chiến tranh, cướp bóc hay yêu ghét rõ ràng, chỉ có một sự cơ cự đến bình yên mà lại khiến họ rơi nước mắt. Nhưng họ không biết một điều, khán giả muốn gì và cần gì?!

Nhìn lại để thấy, trước giờ, tất cả những bộ phim của màn ảnh rộng, khán giả xem gì ngoài những cảnh đâm chém, đấu đá, dục vọng, hay thậm chí là những cái hài đến chọt lét để họ được cười cho đáng với đồng tiền mà họ “lỡ” bỏ ra… để rồi sau đó lại cảm tưởng như đang bị tra tấn thì họ tìm được sự bình yên ở đâu?! Đồng ý, mỗi tác phẩm điện ảnh sẽ có một cái hay riêng, một cách cảm nhận riêng và có tính giải trí riêng nhưng để nói khán giả dễ dãi vì rơi nước mắt trong sự bình yên, nhẹ nhàng củaTôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh thì thật là không đáng.

img_6975_resize_zrje.jpg.jpg


Mà, nếu như những thướt phim ấy có quá nhẹ nhàng đi chăng nữa, nhẹ nhàng đến nổi họ không thể khóc được, hoặc nếu như không phải vì rơi nước mắt cho Thiều, Tường hay Mận… mà họ rơi nước mắt cho chính họ, cho tuổi thơ cơ cực mà họ đã từng trải, thì sao? Đó cũng chẳng phải là một thành công lớn của đạo diễn?.

Thế nên nhiều khán giả nói rằng họ không cần nhiều, chỉ cần bình dị như thế, nên hãy để họ xem phim theo một cách nhẹ tênh và hồn nhiên nhất có thể để cảm nhận trọn vẹn một tác phẩm mà họ trông đợi. Họ không phản ứng ngược tức là họ hài lòng, họ khen tức là họ cảm nhận được trong những thước phim ấy nó thật sự ý nghĩa. Mà nếu có dễ dãi, thì cũng chỉ là để được tìm thấy một sự bình yên mà Victor Vũ mang đến trong những thước phim chậm rãi mà chân thực ấy, đó sẽ mãi là những cảm xúc tưởng chừng ngưng đọng rồi vỡ òa, nhẹ nhàng và tinh khôi.

chu-dan-anh-tu-4_resize_mwph.jpg.jpg


Mỗi người có một cách nhìn và cảm nhận riêng, có thể người này sẽ nhìn thấy hạnh phúc, người kia thấy vui, thấy buồn, thấy bình yên… nhưng chắc hẳn, ai sau khi xem xong bộ phim này cũng sẽ thấy mình trong đó, thấy mình một chút ở cậu bé Thiều, cậu bé Tường hay cô gái nhỏ tên Mận… họ sẽ thấy một tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng với vài con sóng nhỏ lăn tăn trong lòng tuổi mới lớn, với những cái đố kỵ ngây ngô và cả những giọt nước mắt trong veo không vướng chút bụi sầu...

Bộ phim có thành công hoặc thu lại doanh thu khủng hay không thì lúc này Victor Vũ cũng như nhà sản xuất chưa thể tính toán được. Nhưng có thể chắc chắn một điều rằng, Victor Vũ đã làm hài lòng được những "thượng đế" khó tính nhất ở đủ độ tuổi cũng như mọi tầng lớp trong xã hội. Bởi tất cả đã được hưởng thụ trọn vẹn cảm xúc, được sống lại với những hoài niệm của tuôi thơ từ những điều bình dị nhất mà Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh mang lại.
 
'Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh': Cuộc đối thoại với ký ức cảm xúc
30/09/2015 18:40

(TNO) Nguyễn Nhật Ánh là một tác giả và Victor Vũ cũng thế. Victor Vũ là tác giả của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh phiên bản điện ảnh, bộ phim chuyển thể từ cuốn sách cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đã gọi là tác giả, Victor Vũ hoàn toàn có cái quyền đưa cái tôi của anh vào tác phẩm của mình trong sự tôn trọng nguyên tác nhất định.
Tác phẩm điện ảnh 'Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh' được chuyển thể từ cuốn sách cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
Vẫn giữ nguyên câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết, mà thiết nghĩ rằng việc bám sát nguyên tác có lúc đã làm tác phẩm điện ảnh bị giới hạn ở một số chỗ, tuy nhiên bằng ngôn ngữ điện ảnh, Victor Vũ đã kể lại Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh với một cảm xúc mới. Có thể nhận ra ngay cái tinh thần Victor Vũ chọn làm nổi bật cho tác phẩm của mình không phải là cái ác tự nhiên trong con người nhân vật Thiều, và đối lập với nó là bản chất hồn hậu của đứa em trai tên Tường đã được cuốn tiểu thuyết nhấn nhá. Cái tinh thần anh chọn là những cảm xúc trong trẻo của tuổi thơ, dù người ngoài cuộc có nhìn thấy tuổi thơ đó khắc nghiệt ra sao thì nó vẫn là được nhìn qua lăng kính của những đứa trẻ mà có lần Victor Vũ thổ lộ, anh từng là đứa anh trai ích kỷ trong câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh.
Cũng không quá xa lạ với hai nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết, tác phẩm điện ảnh vẫn giữ lại những tính cách đặc trưng của hai nhân vật Thiều và Tường. Nếu như Thiều vụng về, nhát gan và lại còn hơn thua thì Tường có tất cả những đức tính mà Thiều thiếu sót. Không tập trung phát họa phản diện - chính diện theo lối trắng đen phải trái, Victor Vũ đưa những thứ vừa nhắc đến kia vào một khoảng mờ. Điều đáng trân trọng ở Victor Vũ là anh đã bắt đầu biết buông bỏ. Không cần tiếp xúc với Victor Vũ bên ngoài đời thực, chỉ tiếp cận anh qua phim cũng đủ thấy Victor là người “lụy” cốt chuyện và tình tiết như thế nào, “lụy” đến mức buộc bản thân phải xử lý những cái twist đôi khi khiên cưỡng, bằng chứng là chỉ mới đây không lâu thôi, ở trong Cô dâu đại chiến 2. Thế mà, nhẹ bâng, anh đã gần như bỏ qua những tình huống, thậm chí là có phần kịch tính nhằm khắc họa sự đối lập giữa hai tính cách của Thiều và Tường dẫn đến cao trào rồi cách thức giải quyết nó. Vậy Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanhcó gì?


Nét diễn hồn nhiên của diễn viên nhí trong phim cũng góp phần không nhỏ cho sự thành công của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
Là những trò chơi trẻ thơ như rước đèn trung thu, thả diều, chọi đá. Là hình ảnh hai anh em mà người anh chỉ vừa xấu tính với đứa em trước đó vài phút, nhưng vài phút sau đã cùng nhau nô đùa bên giếng nước. Là những cơn mưa tắm mát tuổi thơ. Người lớn nhìn thấy cơn lũ đẩy họ tới đói nghèo. Còn những đứa trẻ nhìn thấy hồ nước tự nhiên xuất hiện trong nhà mình để thả thuyền giấy. Là cảnh ba đứa trẻ buồn bã bám tay vào khung cửa sổ nhìn ra ngoài trời trong một ngày mưa. Là một ngày nọ, thằng bé thấy mình đang đứng đưa tiễn cô bạn cùng lớp ở một con đường rất dài, và chúng không bao giờ biết được khi nào sẽ gặp lại nhau. Những nỗi buồn lành mạnh là cảm xúc cần có với mỗi con người. Cái lỗi đẹp đến độ “hư cấu” về một miền Trung nắng rát và khó nghèo bỗng nhiên được tha thứ. Phải, đẹp và sạch sẽ quá mức là khuyết điểm đầu tiên của bộ phim. Nó là nhược điểm của một đạo diễn không lớn lên ở vùng nông thôn Việt Nam, cũng như chưa có trải nghiệm nhiều về nó. Ngay cả cảnh người đàn ông lao động cởi trần người lấm lem bồ hóng và mồ hôi nhễ nhại cũng lấp lánh quá mức cần thiết. Hình ảnh những người mẹ quê cũng đẹp ngời ngời. Rồi những đứa trẻ đói ăn, tôi ngửi được mùi thơm tho trên người chúng qua màn hình. Cả những con trâu chết trên đồng… Điều lo sợ nhất khi xem trailer đã biến thành hiện thực.
Song, vẫn biện hộ giúp Victor ở trường hợp này được, nếu chúng ta chịu khó trở về tuổi thơ. Tuổi thơ có thể khốc liệt, có thể hạnh phúc, nhưng mấy tuổi thơ biết cất tiếng phán xét hoặc bị phán xét, kiểu như cái nhìn này cường điệu quá, cái nhìn kia lộng lẫy quá. Và nếu đặt chính tâm hồn mình, những người từng có tuổi thơ qua mỗi khuôn hình. Không thể bắt thế giới quan của những đứa trẻ vô lo, hay giả như có gì lo lắng thì chính là “cô bạn cùng lớp” phải giống như người lớn được. Cái quan điểm này đã được Victor Vũ thể hiện ngay từ những thước phim đầu tiên. Để người lớn, lần nữa, được làm một đứa trẻ, đấy chẳng phải là điều hoang tưởng sao? Ấy vậy mà thông qua điện ảnh, Victor Vũ đã làm được. Cái sự hồn nhiên, lắm lúc ngây ngô của phim đã nói lên điều điều đó. Không ít khuôn hình, nhà làm phim phải đấu tranh để giữ vững nhân sinh quan của trẻ thơ mà họ đã quyết liệt đặt máy quay từ góc nhìn ấy, thay vì đứng từ phía người lớn, những con người đã hiểu lắm sự đời để than thở một câu. Cái đẹp huyễn hoặc này nó trông giống những cái kết luôn luôn có hậu trong truyện cổ tích vậy.
Trong một bài phỏng vấn của tôi khi Victor Vũ còn đang chuẩn bị cho dự án phim này, anh đã trả lời rằng: “Là cảm giác của tôi thời còn đi học về điện ảnh, mới mà không mới, cái thời mà mọi thứ rất trong trẻo và cách mình nhìn điện ảnh hoàn toàn mộc mạc. Nó giống như một cuộc đối thoại giữa riêng mình với nghệ thuật, không cần phải suy nghĩ đến những vấn đề khác. Trong một phân đoạn, mình không cần quan tâm công thức, cao trào thế nào, kịch tính ra sao… cũng không cần nghĩ quá nhiều về phản ứng của khán giả. Tôi muốn khi xem một bộ phim kiểu vậy, khán giả không bị chi phối bởi những thứ như kỹ thuật hay nội dung. Tất cả là cảm xúc và không khí mình tạo ra. Ví dụ, một người ngồi ngoài sân, anh ta chảy mồ hôi, nội dung chính của cảnh đó là chảy mồ hôi, vậy thôi. Tôi muốn né cụm từ “phim nghệ thuật”, tôi không dùng nó, bởi bản thân tôi nghĩ phim nào cũng là nghệ thuật”.


Những tính cách đặc trưng của hai nhân vật Thiều và Tường trong tác phẩm điện ảnh vẫn được giữ lại như trong tiểu thuyết
Nếu phim chia làm hai phần, phần đầu là câu chuyện của Thiều, phần sau là đất diễn của Tường thì thông qua phần đầu tiên, Victor Vũ đã thực hiện được “cuộc đối thoại giữa riêng anh với nghệ thuật” mà anh mong muốn. Nó không được phác họa bằng việc câu chuyện này sẽ hấp dẫn bao nhiêu, và nó sẽ hút khách thế nào. Cuộc đối thoại ấy là cuộc đối mặt với cảm xúc cá nhân, nó cho người ta biết được phần nào con người của anh ta. Ở phân đoạn đó, điều gì là nỗi buồn? Điều gì là niềm vui? Nó rất giản dị. Những góc quay cận cảnh đặc tả tâm trạng nhân vật Thiều, cứ xoay đi xoay lại và man mác buồn, liệu nó là cuộc đối thoại của Thiều, của Victor Vũ hay của những người xem với những gì thuộc về ngày hôm qua? Nhưng Victor Vũ đã không thể xử lý tốt hơn ở phần hai. Bộ phim dường như không cần thiết phải có câu chuyện của cậu em trai và “nàng công chúa” tưởng tượng. Nó không nhất định phải theo đúng nguyên tác để rồi bận loay hoay với những tình huống nên nằm ở trong cuốn sách hơn là trên màn hình, Victor Vũ đã để vuột mất sợi dây kết nối những cảm xúc nuột nà mà anh cất công tạo ra. Thật sự đáng tiếc!
Đừng phê phán flycam tùy tiện. Flycam của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh không giống flycam của VTV, đâu khiến khán giả phải tiếc nuối vì bị bỏ qua cái gì lớn lao như bàn thắng của Tuấn Anh hồi U.19 đá cúp Đông Nam Á. Nhà quay phim K’Linh Nguyễn vẫn giữ nguyên phong độ của anh dù là quay một tác phẩm đậm chất nghệ thuật như Cha, con và…, một tác phẩm giải trí thuần túy như Quả tim máu hay một tác phẩm thể nghiệm cảm xúc, phải, và cũng là thể nghiệm ở nghĩa đen đối với người chuyên trị dòng phim ly kỳ như Victor Vũ. Sẽ là thiếu công bằng nếu bỏ qua đóng góp lớn lao của âm nhạc. Nhà soạn nhạc Christopher Wrong, ở lần đồng hành này với Victor Vũ, đã cho thấy sự nâng đỡ của âm nhạc dành cho hình ảnh. Bài hát Thằng cuội của nhạc sĩ Lê Thương đã làm biết bao ký ức tuổi thơ sống dậy. Không riêng Thiều, Tường và đạo diễn, có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng là một “thằng cuội già ôm một mối mơ…”. Và không quên nhắc đến khâu dựng phim. Tôi nghĩ Victor Vũ đã có những cộng sự rất tốt.
Cuối cùng, điều làm người xem dễ chịu nhất ở Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh chính là thái độ của người đạo diễn đối với cảm xúc của cá nhân anh. Nó rất có thể là ký ức của cảm xúc chứ không hẳn là cảm xúc. Bộ phim còn một số điểm chưa tốt, việc quá sạch sẽ đã nhắc đến ở trên là một điển hình, nhưng một cách vừa vặn, nó thể hiện đó là cái nhìn trung thực của đạo diễn, không phải “lực bất tòng tâm” làm không tới để rồi bị bối rối hay gồng gượng. Nó là cái nhìn chủ quan của anh ta.
Anh ta chọn cho đi những điều trong trẻo, miễn là cái trạng thái trong trẻo đấy nó chính xác thì chúng ta tiếp nhận, thế thôi.

Ngân Vi
 
×
Quay lại
Top