Cảm hứng U23 Việt Nam: Lối thoát cho sự tự ti của một dân tộc?

Loverise

Tập phũ phàng
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/12/2014
Bài viết
4.706
bong4.jpg

Những gì tuyển U23 Việt Nam đã làm được ở Thường Châu đang truyền đi cảm hứng và một làn sóng ngầm trong tâm thức hàng triệu người dân nơi quê nhà. Một niềm tự hào, một sự giải tỏa cho tâm thế ở chiếu dưới trong hàng thập kỷ, và một hy vọng, tin tưởng cho tương lai. Không chỉ là tương lai của bóng đá nước nhà mà còn là tương lai của một dân tộc luôn khát khao tìm lại huy hoàng.

Vượt qua quan niệm
Huấn luyện viên Park Hang Seo đã thẳng thắn chia sẻ về các cầu thủ của mình trong một buổi phóng vấn với truyền thông quốc tế:

“Tôi biết Việt Nam là đội bóng tiềm năng ở Đông Nam Á. Nhưng lần đầu tiên gặp cầu thủ của Việt Nam, tôi đã rất ngạc nhiên. Họ có tốc độ, kỹ thuật và thể hình rất tốt. Nhưng dường như họ không biết rằng họ cũng có trình độ như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan. Điều đó khiến họ không tự tin”.

“Những gì tôi phải giải quyết là trạng thái tinh thần, họ cần có niềm tin vào bản thân mình. Những gì tôi phát hiện ra sau đó là các cầu thủ Việt Nam cũng giống như bọt biển. Họ tiếp thu những kiến thức mới rất nhanh, luôn có thái độ cầu tiến, thích học hỏi cái mới. Khi tôi nói một cái gì mới, họ hiểu rất nhanh và nói: “Ồ, thì ra là thế” – ông Park Hang Seo trả lời phỏng vấn FourFourTwo Thái Lan.

Tôi vẫn còn nhớ, từ cái thời của Hồng Sơn, Huỳnh Đức… cho tới Công Vinh, Văn Quyến… các bình luận viên, chuyên gia bóng đá hay ngay cả huấn luyện viên tuyển quốc gia cũng luôn khẳng định rằng cầu thủ của chúng ta không có lợi thế về thể lực so với các đội bạn trong khu vực. Đó như một điều đương nhiên và chẳng thể thay đổi hàng thập kỷ qua.

Nó đã trở thành tiềm thức, ăn sâu và giới hạn năng lực của chúng ta. Cho đến khi “thế hệ 3.0” của bóng đá Việt Nam đạt chín muồi, người hâm mộ cả nước và chính các cầu thủ vẫn suy nghĩ bằng định kiến rằng chúng ta sẽ bị lép vế trước đổi thủ sung mãn về thể lực.

Thế nhưng ông Park đã phá vỡ quan niệm, bằng cách nào đó truyền sự tự tin cho các học trò của mình. Và kết quả thể hiện ngay trên sân cỏ quốc tế, các cầu thủ U23 Việt Nam tự tin, dũng mãnh và tỏ ra không hề thua kém đối thủ trên bất kỳ phương diện nào.

“Nếu hỏi tại sao cầu thủ đá đủ 120 phút mấy trận mà vẫn sung thế. Tôi xin quả quyết rằng họ đá bằng tinh thần quả cảm, họ đá bằng tất cả những gì còn lại. Đá xong mình hỏi Văn Đức và Xuân Mạnh, ‘đã kiệt sức chưa hầy’. Hai em nói: ‘Em nỏ thấy chi cả, vẫn chạy được nữa nếu đá’”, trợ lý ngôn ngữ của HLV Park Hang Seo, ông Lê Huy Khoa đã chia sẻ như vậy.

Đó là sức mạnh không thể đong đếm, tới từ sự giải phóng tinh thần, từ sự tự ti chuyển mình thành tự tin. Là sức mạnh mà ai trong chúng ta cũng có nhưng lại tự giam cầm nó bằng những hàng rào quan niệm.

1501272839-u23vn1-1514851589633.jpg

Đá bằng cả niềm tin, hy vọng của dân tộc. (Ảnh: VTV)
Chúng ta có quyền tự tin
Cái cảnh cả nước đổ ra đường ăn mừng sau chiến thắng vỡ òa của tuyển U23 cũng phần nào nói lên khát vọng của một dân tộc đã nép mình quá lâu. Người Việt Nam mong muốn được vươn ra thế giới, được đi giữa nhân loại văn minh mà không thấy mình quá khác biệt và kém cỏi.

Bởi chúng ta có thực lực và cầu thị, nhưng không biết từ bao giờ, chúng ta lại trở nên tự ti, mặc cảm và quay qua tự chỉ trích lẫn nhau. Để rồi chỉ dám lén nhìn thế giới với con mắt rụt rè mà thèm khát.

Từ quốc gia Xích Quỷ rộng lớn với nguồn gốc con Rồng cháu Tiên, đã bao phen chiến đấu quật khởi để gìn giữ bờ cõi. Người ta đã đồ rằng, chính hàng nghìn năm bảo vệ độc lập, tự chủ nên người Việt mới thu mình lại, không dám nghĩ lớn, chỉ mưu cầu hạnh phúc đơn giản nhỏ nhoi, không có đột phá trong lao động.

Thế nhưng cho đến tận thời Pháp thuộc, nghĩa là cũng chỉ mới cách đây hơn 120 năm, toàn quyền Đông Dương Paul Doumer vẫn còn so sánh người Việt với người Nhật Bản như thế này:

“Người An Nam chắc chắn là tộc người ưu trội so với các dân tộc xung quanh. Người Cao Miên, Ai Lao và Xiêm La đều không thể chống lại được họ. Không một dân tộc nào trong Đế quốc các xứ Ấn Độ có những phẩm chất như họ. Phải tới tận Nhật Bản mới có tộc người có phẩm chất của người An Nam và giống như người An Nam. Người An Nam và người Nhật Bản chắc chắn có mối quan hệ thân tộc từ xa xưa. Cả hai đều thông minh, cần cù và dũng cảm. Người lính An Nam là một người lính giỏi, có kỷ luật và dũng cảm. Họ cũng là những người lao động mẫu mực, những nông phu giỏi việc đồng áng, những người thợ lành nghề, những nghệ nhân khéo léo và thông minh”. – (trích “Xứ Đông Dương”).

Ngày nay, vẫn có biết bao những người Việt thành công trên nhiều lĩnh vực ở tầm quốc tế, nhưng có vẻ như không phải ngẫu nhiều mà phần nhiều họ đều chỉ phát huy được tài năng khi đã ra khỏi tổ quốc của mình. Và nếu so sánh với người Nhật một lần nữa, sau hơn 100 năm, họ đã bỏ xa chúng ta một đoạn đường dài.

photo1516991681577-15169916815781498092985.jpg

Chưa bao giờ niềm tin tự hào dân tộc lại dâng cao đến vậy. (Ảnh: Vietimes.vn)
Văn hóa “tranh đấu” tưởng chừng mạnh mẽ mà lại kìm h.ãm con người
Sức mạnh của một quốc gia tới từ hệ tư tưởng chính của người dân, hệ tư tưởng đó chắc chắn bị ảnh hưởng bởi văn hóa. Thế nên để hiểu xem vì sao Việt Nam chưa thể hóa rồng, có thể là rất cần thiết phải nhìn lại văn hóa Việt Nam đương đại.

Xã hội Việt Nam sau mấy chục năm kết thúc chiến tranh, vẫn ám ảnh bởi sự tranh đấu đến kỳ lạ. Trên các phương tiện truyền thông và ở mọi ngõ ngách của cuộc sống thời bình, người ta vẫn dùng những từ như “chiến sĩ”, “mặt trận”, “xung phong”, “xung kích”, “đấu tranh”, “chiến đấu”…

Có vẻ như không có gì sai khi người Việt luôn hô hào phải chống lại những thứ như tham nhũng, đói nghèo… nhưng ảo tưởng thành quen khi nghĩ có thể chống lại được cả thiên tai thì hiếm thấy có quốc gia nào. Vậy mà chúng ta vẫn “chống” cả lũ lụt từ bao lâu nay.

Hiện vẫn chưa rõ những thứ chúng ta hô chống lại đó có suy yếu được không, nhưng rõ ràng là tự chúng ta lại hình thành một tâm lý “kháng chiến”, phân định lằn ranh “địch – ta” với ngay chính những người xung quanh mình. Trong công tác thì phải đạt “chiến sĩ thi đua”, nỗ lực trong cuộc sống thì gọi là “phấn đấu”, như thể muốn vươn lên thì ta nhất định phải đấu với ai đó.

Với thứ văn hóa tranh đấu đó, chúng ta cảnh giác, hoài nghi và phán xét mọi sự khác biệt. Không có môi trường cho tinh thần khoan dung và sáng tạo phát triển. Người với người chỉ toàn hằm hè, thiếu tin tưởng và đố kỵ.

Người ta lo sợ khi chân thành tin tưởng vào điều mà lại bị lừa gạt, thì bản thân sẽ tổn thương sâu sắc. Càng chân thành càng bị tổn thương mãnh liệt, họ càng biểu hiện ra tâm lý cảnh giác cao độ, thậm chí đi đến cực đoan, không tin tưởng bất kỳ ai.

Người ta còn sẵn sàng dành cho nhau những lời đầy tính sát thương và bạo lực. Đang đứng xếp hàng mua vé xem phim, có thể không biết từ đâu đột nhiên xuất hiện một vài người đứng chen vào. Nếu như bạn nói: “Xin anh hãy xếp hàng ạ”. Rất có thể người ta sẽ quay ra nhìn bạn hằm hằm, lạnh lùng nói một câu: “Việc gì đến mày! Đồ thần kinh!”.

Đi bộ trên đường không may đụng phải người khác, đang định xin lỗi thì một giọng the thé đã vang lên “Mắt để đâu đấy? Mù à?”. Con cái cư xử không như ý muốn thì cha mẹ lại buông một câu “Mày cứ liệu hồn đấy!”…

Người Việt thời nay hay phán xét thành công của người khác để giảm bớt cảm giác thua kém. Họ sẵn sàng chửi bới, hoặc nhẹ nhàng hơn thì cáu gắt khi chẳng may có ai đó chặn đường xe của mình. Họ chà đạp lên quyền lợi của người khác bằng cách ngang nhiên đi “cửa sau”, đi “đường tắt”, chen lấn, cướp giật để tiến nhanh hơn hay đơn giản chỉ là để có được đồ ăn hạ giá.
6_zing.jpg

Tất cả người dân đều vỡ òa trong từng cung bậc cảm xúc. (Ảnh: Zing)

Văn hóa “tranh đấu” không phải là sản phẩm của nghìn năm giữ nước

Tuy đã trải qua hàng nghìn năm giữ nước, nhưng thứ văn hóa đấu tranh này mới chỉ hình thành vài chục năm gần đây. Cách đây 70 năm, trẻ em đi học vẫn còn được dạy:

“Bổn phận người ta đối với xã hội, thường chia làm hai mối: công bình và nhân ái. ‘Không hại người’ tức là công bình, ‘Làm hay cho người’ tức là nhân ái” – (trích “Luân Lý Giáo khoa thư, 1948).

Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, nghĩa là cái gì mình không muốn thì chớ làm cho người khác. Đó là công bình.

Kỷ sở dục giả, khả thi ư nhân”, nghĩa là cái gì mình muốn thì nên làm cho người. Đó là nhân ái.

Anh em ai được sung sướng thì ta mừng, bạn hữu ai học hành được tấn tới thì ta vui. Ta chớ nên ghen tị (ghen ghét) với ai, chớ nên đem lòng làm hại ai bao giờ” – (trích “Luân Lý Giáo khoa thư, 1948).

Tập Gia huấn ca cũng viết: “Thương người như thể thương thân”.

Những ai đã sống qua hai thế kỷ 20 và 21 tại Việt Nam đều có chung một hồi ức và nỗi mong mỏi “bao giờ cho đến ngày xưa!”. Người xưa cũng đã có thời văn minh, thanh lịch, lễ độ, cầu thị. Từ nếp đi nếp ngồi, lời ăn tiếng nói, ăn mặc, dùng cơm cho đến mưu cầu sự nghiệp, công danh vẫn đều dựa trên cơ sở tự trọng và trọng người.

Vậy mà, mới chỉ hình thành thời gian gần đây, nhưng thứ văn hóa tranh đấu đã khiến người Việt quay ra hằm hè lẫn nhau mà quên mất cho nhau cơ hội cùng vươn lên. Và khi chúng ta sống quen trong sự nghi kỵ và phán xét lẫn nhau, giữa những định kiến chèn ép con người, chúng ta sinh ra tự ti.

Nhưng người Việt chúng ta vẫn mang trong mình khao khát được đứng thẳng, được sống và làm người văn minh. Chúng ta khao khát tầm nhìn khoáng đạt của người khổng lồ, nhưng chúng ta lại đang bị đè nén bởi thứ văn hóa kỳ cục có tuổi đời “non choẹt” mà dám phủ nhận hết văn hóa truyền thống tốt đẹp hàng nghìn năm.

Vì sao người Việt Nam lại hạnh phúc và tràn ngập hy vọng như vậy vào đội tuyển U23 của mình? Vì đã từ rất lâu rồi, đất nước này không có một hình ảnh mang tính biểu tượng nào cho hy vọng có sức thu hút hơn thế. Đó là hy vọng vươn xa ra thế giới, hy vọng thoát khỏi sự coi thường vì chúng ta quá khác biệt so với thế giới văn minh.

Hãy nhìn vào “kỳ tích” U23 như một sự thức tỉnh của đất nước, rằng chúng ta hoàn toàn có thể hòa mình vào dòng hải lưu chính của nhân loại. Đó là nơi con người bao dung với nhau, cấp cho nhau đủ sự tự do để sáng tạo và dám thất bại.

Nhưng chỉ sự tự tin thôi là chưa đủ. Chúng ta phải thay đổi chính từ bản thân mình, rộng mở cả trái tim và khối óc để quan sát thế giới và khơi lại những truyền thống văn hóa tốt đẹp vốn là bản sắc nhân văn của người Việt xưa.

Thuần Dương
Nguồn: https://www.dkn.tv
 
×
Quay lại
Top Bottom