- Tham gia
- 2/1/2013
- Bài viết
- 24
Trong Cộng hòa Phi Lý, Misha (tín đồ của bái vật giáo hiện đại, một người yếm thế và yếu ớt) thực chất là bản bi ca về cuộc hành trình mò mẫm truy tầm một thế giới mới sau đống đổ nát.
Kể từ kiệt tác Gargantua và Pantagruel của văn hào Pháp F. Rabelaise, có lẽ quá lâu rồi chúng ta không còn nhận thấy bóng dáng của những chàng khổng lồ vui tính trong văn chương thế giới. Một di sản bị mất giá chăng? May thay, điều đó đã được “cứu vãn” bằng cuốn tiểu thuyết Cộng hòa Phi Lý của nhà văn Mỹ gốc Nga
Gary Shteyngart (Absurdistan, Phạm Viêm Phương và Huỳnh Kim Oanh dịch, công ty Nhã Nam và NXB Văn học ấn hành).
Hậu duệ của Gargantua và Pantagruel là Misha Vainberg, biệt danh “Bố ăn vặt”, con trai của người giàu thứ 1.238 ở nước Nga sau thời Xô Viết. Misha được thừa hưởng từ hai tiền bối xa xôi của mình, dĩ nhiên ở mức độ khiêm tốn hơn, những “phẩm chất” vượt ngưỡng người thường. Đó là một thân hình phì nộn nặng tới 147kg với hai cánh tay như hai túi bột treo lủng lẳng. Đó là niềm đam mê ăn uống và khả năng tiêu hóa thức ăn liên tục. Thế nhưng, Misha lại trội hơn hai cha con Gargantua và Pantagruel ở sự thành thạo sử dụng máy tính và mạng internet, sự sành sỏi với các nhãn mác rượu phương Tây và các nhà hàng khách sạn được sinh ra cốt chỉ để phục vụ cho nhu cầu hưởng thụ của dân nhà giàu mới nổi. Và nếu như hai cha con nhân vật văn học Pháp quốc của F. Rabelaise rất “lơ mơ” trong sự xê dịch (họ đi du lịch, bất cứ đâu, để mở rộng hiểu biết) thì sự xê dịch trong nhân vật văn học người Nga của G. Shteyngart lại được định hướng rất chính xác: đó là nước Mỹ, thiên đường của Tự do, quốc gia mà Misha từng đến du học và không thôi khao khát được trở thành công dân.
Tuy vậy, điểm khác biệt cốt tử nằm ở chỗ: Gargantua và Pantagruel là những con người đầy ắp sức sống, đầy ắp sự hoan hỉ cuồng nhiệt khi hòa mình vào những niềm vui trần tục. Đó là bản tụng ca về sự đấu tranh vì một thế giới hồn nhiên lành mạnh bị khuất lấp. Còn Misha - tín đồ của bái vật giáo hiện đại, một người yếm thế và yếu ớt - thực chất là bản bi ca về cuộc hành trình mò mẫm truy tầm một thế giới mới sau đống đổ nát. Trên phương diện ấy, Cộng hòa phi lý của G. Shteyngart dường như là một sự “nhại” Gargantua và Pantagruel của F. Rabelaise. Misha, một cái tên quá phổ biến đối với người Nga, có lẽ chính là hình ảnh của nước Nga thời kỳ hậu Xô Viết: một gã khổng lồ nhưng bạc nhược; một kẻ giàu có (đặc biệt là giàu có về văn hóa và những giá trị tinh thần) nhưng luôn hoang mang, không tự tin vào sự giàu có của mình và đang cố trang sức cho mình bằng rất nhiều thứ rác rưởi từ bên ngoài; một người bấn loạn trong hiện tại và mờ mịt trước những con đường đi tới tương lai. Và, trong cái bối cảnh dò dẫm tìm đáp án cho câu hỏi “Làm gì?” ấy, gã khổng lồ lại phải đối mặt với những vấn đề từng khiến cho bao triết gia và nhà văn Nga ưu tú nhất đau đầu: đạo đức, sự phạm tội và mặc cảm tội lỗi. Những vấn đề này có vẻ đã được giải quyết ổn thỏa trong thời Xô Viết, nhưng ở thời hậu Xô Viết, chúng trở lại với một mức độ nhức nhối hơn nhiều. Trong việc nhân vật Misha Vainberg “Bố ăn vặt” rời nước Nga như chạy trốn, ít ra cũng có thể thấy rằng nguyên nhân không chỉ bởi hắn khao khát muốn sống ở Mỹ, mà còn bởi hắn không thể chịu đựng nổi sự giày vò của lương tâm, của ý thức đạo đức: Misha đã ngủ với vợ lẽ của “Ba yêu dấu” của hắn, không bao lâu sau khi người giàu thứ 1.238 nước Nga bị băng đảng mafia cho nổ tan xác.
Ngay ở sự kiện mẹ kế con chồng mang đậm một sắc loạn luân và sặc mùi nhục dục hạ cấp này, G. Shteyngart đã “nhại”, bằng giọng của Misha, với chính những giá trị ở đỉnh cao thế giới của nền văn học Nga thế kỷ XIX: “Tôi luôn nghĩ về Lyuba như một phiên bản đương thời của nhân vật Fenechka trong “Cha và Con” của Turgenev, người quản gia nông dân, trì độn và thiển cận, người rơi vào vòng tay của nhà quý tộc tử tế Kirsanov, do Ba yêu dấu thủ diễn trong phiên bản điện ảnh. Khả năng hiểu sai khả năng của con người của tôi thực sự đáng kinh ngạc. Lyuba không phải là Fenechka. Cô ta giống một Anna Karenina thời hiện đại hoặc con bé Natasha hư hỏng ngốc nghếch trong cuốn “Chiến tranh và thứ khác” hơn (tr 154, 155). Không những thế, tác giả còn “trộn” vào đây một giai điệu rap (hay hip-hop?) với phần ca từ rất tục tĩu, như là nhạc nền cho hoạt cảnh loạn luân. Văn hóa đỉnh cao và văn hóa đại chúng, chính trị và t.ình d.ục, cao và thấp, thanh (thiêng) và tục, sự trộn lẫn với thái độ không chút kiêng dè các đối cực ấy của G. Shteyngart, phải chăng cũng đã phản ánh chính xác một phần diện mạo tinh thần của nước Nga hiện nay, nơi mà Chúa đã chết - nói theo giọng của Nietzches - và người ta tha hồ “muốn làm gì thì làm”?
Nhưng, trở lại với niềm khát khao được trở thành công dân Mỹ của Misha, rốt cuộc thì hắn không có cách nào đặt chân lên đất Mỹ. Là bởi lúc sinh thời “Ba yêu dấu” của Misha đã trót giết chết một thương nhân Oklahoma, nên mọi hy vọng về tấm visa Mỹ của hắn đã tan thành mây khói. Misha phải đi đường vòng: đến nước Cộng hòa Phi Lý Absurdistan, mua tấm hộ chiếu Bỉ và dự định dùng nó làm tấm vé nhập cư vào Mỹ. Thật ra, Misha có đến được Mỹ hay không, điều đó không quan trọng. Quan trọng là hắn đã có mặt tại Absurdistan - một quốc gia nằm “đâu đó” gần Iran, bên bờ Caspian, thuộc khối các nước có cái hậu tố “istan” trong Liên bang Xô Viết cũ, một quốc gia mà ta cũng chẳng nên quan tâm xem nó cụ thể là nước nào. Quan trọng là hắn đã ở đó, đã sống, đã trở thành “Bộ trưởng phụ trách các vấn đề đa văn hóa” của Absurdistan và đã trải nghiệm mọi thứ bi hài kịch. Chính bằng việc quăng Misha Vainberg “Bố ăn vặt” vào Absurdistan, G. Shteyngart đã mở rộng trường “cười cợt” của mình, hay nói cách khác, dùng tiếng cười như một mũi khoan làm bóc lộ tình thế khốn khổ của các tiểu quốc đang vừa phải chịu đựng cái di sản nặng nề từ thời Xô Viết, vừa phải gồng mình lên để theo kịp mô hình phương Tây và Mỹ. Có dầu mỏ tại Absurdistan không, hay chỉ là trò lừa bịp khéo léo của đám chính trị gia xôi thịt, cốt để moi tiền? Có xung đột tôn giáo và sắc tộc thực sự không, hay rốt lại chỉ là sự nống lên mâu thuẫn tầm phào giữa một phe theo thanh gác chân bên phải (trên cây thập tự) và một phe theo thanh gác chân bên trái? Trước những chuyện “động trời” như vậy, G. Shteyngart đều hóa giải bằng tiếng cười nhẹ như không, cho dẫu, sự thật là máu đã đổ và người đã chết!
Trong Cộng hòa Phi Lý có nhắc đến giáo sư Jerry Shteynfart, một văn sĩ Mỹ gốc Nga, người đã cuỗm mất cô người tình Mỹ nóng bỏng của Misha, kẻ mà Misha gọi là “Jerry chó chết Shteynfart”. Không khó nhận thấy Jerry Shteynfart chỉ là cách đọc chệch Gary Shteyngart. Tác giả tự giễu mình, tự biến mình thành một phiên bản nhàu nát của chính mình. Động thái cuối cùng của một thái độ phủ định sạch trơn? Có lẽ tờ The New York Observer có lý khi đánh giá Cộng hòa Phi Lý: “Cuốn tiểu thuyết châm biếm đích thực đầu tiên của thế kỷ XXI”.
Kể từ kiệt tác Gargantua và Pantagruel của văn hào Pháp F. Rabelaise, có lẽ quá lâu rồi chúng ta không còn nhận thấy bóng dáng của những chàng khổng lồ vui tính trong văn chương thế giới. Một di sản bị mất giá chăng? May thay, điều đó đã được “cứu vãn” bằng cuốn tiểu thuyết Cộng hòa Phi Lý của nhà văn Mỹ gốc Nga
Gary Shteyngart (Absurdistan, Phạm Viêm Phương và Huỳnh Kim Oanh dịch, công ty Nhã Nam và NXB Văn học ấn hành).
Hậu duệ của Gargantua và Pantagruel là Misha Vainberg, biệt danh “Bố ăn vặt”, con trai của người giàu thứ 1.238 ở nước Nga sau thời Xô Viết. Misha được thừa hưởng từ hai tiền bối xa xôi của mình, dĩ nhiên ở mức độ khiêm tốn hơn, những “phẩm chất” vượt ngưỡng người thường. Đó là một thân hình phì nộn nặng tới 147kg với hai cánh tay như hai túi bột treo lủng lẳng. Đó là niềm đam mê ăn uống và khả năng tiêu hóa thức ăn liên tục. Thế nhưng, Misha lại trội hơn hai cha con Gargantua và Pantagruel ở sự thành thạo sử dụng máy tính và mạng internet, sự sành sỏi với các nhãn mác rượu phương Tây và các nhà hàng khách sạn được sinh ra cốt chỉ để phục vụ cho nhu cầu hưởng thụ của dân nhà giàu mới nổi. Và nếu như hai cha con nhân vật văn học Pháp quốc của F. Rabelaise rất “lơ mơ” trong sự xê dịch (họ đi du lịch, bất cứ đâu, để mở rộng hiểu biết) thì sự xê dịch trong nhân vật văn học người Nga của G. Shteyngart lại được định hướng rất chính xác: đó là nước Mỹ, thiên đường của Tự do, quốc gia mà Misha từng đến du học và không thôi khao khát được trở thành công dân.
Tuy vậy, điểm khác biệt cốt tử nằm ở chỗ: Gargantua và Pantagruel là những con người đầy ắp sức sống, đầy ắp sự hoan hỉ cuồng nhiệt khi hòa mình vào những niềm vui trần tục. Đó là bản tụng ca về sự đấu tranh vì một thế giới hồn nhiên lành mạnh bị khuất lấp. Còn Misha - tín đồ của bái vật giáo hiện đại, một người yếm thế và yếu ớt - thực chất là bản bi ca về cuộc hành trình mò mẫm truy tầm một thế giới mới sau đống đổ nát. Trên phương diện ấy, Cộng hòa phi lý của G. Shteyngart dường như là một sự “nhại” Gargantua và Pantagruel của F. Rabelaise. Misha, một cái tên quá phổ biến đối với người Nga, có lẽ chính là hình ảnh của nước Nga thời kỳ hậu Xô Viết: một gã khổng lồ nhưng bạc nhược; một kẻ giàu có (đặc biệt là giàu có về văn hóa và những giá trị tinh thần) nhưng luôn hoang mang, không tự tin vào sự giàu có của mình và đang cố trang sức cho mình bằng rất nhiều thứ rác rưởi từ bên ngoài; một người bấn loạn trong hiện tại và mờ mịt trước những con đường đi tới tương lai. Và, trong cái bối cảnh dò dẫm tìm đáp án cho câu hỏi “Làm gì?” ấy, gã khổng lồ lại phải đối mặt với những vấn đề từng khiến cho bao triết gia và nhà văn Nga ưu tú nhất đau đầu: đạo đức, sự phạm tội và mặc cảm tội lỗi. Những vấn đề này có vẻ đã được giải quyết ổn thỏa trong thời Xô Viết, nhưng ở thời hậu Xô Viết, chúng trở lại với một mức độ nhức nhối hơn nhiều. Trong việc nhân vật Misha Vainberg “Bố ăn vặt” rời nước Nga như chạy trốn, ít ra cũng có thể thấy rằng nguyên nhân không chỉ bởi hắn khao khát muốn sống ở Mỹ, mà còn bởi hắn không thể chịu đựng nổi sự giày vò của lương tâm, của ý thức đạo đức: Misha đã ngủ với vợ lẽ của “Ba yêu dấu” của hắn, không bao lâu sau khi người giàu thứ 1.238 nước Nga bị băng đảng mafia cho nổ tan xác.
Ngay ở sự kiện mẹ kế con chồng mang đậm một sắc loạn luân và sặc mùi nhục dục hạ cấp này, G. Shteyngart đã “nhại”, bằng giọng của Misha, với chính những giá trị ở đỉnh cao thế giới của nền văn học Nga thế kỷ XIX: “Tôi luôn nghĩ về Lyuba như một phiên bản đương thời của nhân vật Fenechka trong “Cha và Con” của Turgenev, người quản gia nông dân, trì độn và thiển cận, người rơi vào vòng tay của nhà quý tộc tử tế Kirsanov, do Ba yêu dấu thủ diễn trong phiên bản điện ảnh. Khả năng hiểu sai khả năng của con người của tôi thực sự đáng kinh ngạc. Lyuba không phải là Fenechka. Cô ta giống một Anna Karenina thời hiện đại hoặc con bé Natasha hư hỏng ngốc nghếch trong cuốn “Chiến tranh và thứ khác” hơn (tr 154, 155). Không những thế, tác giả còn “trộn” vào đây một giai điệu rap (hay hip-hop?) với phần ca từ rất tục tĩu, như là nhạc nền cho hoạt cảnh loạn luân. Văn hóa đỉnh cao và văn hóa đại chúng, chính trị và t.ình d.ục, cao và thấp, thanh (thiêng) và tục, sự trộn lẫn với thái độ không chút kiêng dè các đối cực ấy của G. Shteyngart, phải chăng cũng đã phản ánh chính xác một phần diện mạo tinh thần của nước Nga hiện nay, nơi mà Chúa đã chết - nói theo giọng của Nietzches - và người ta tha hồ “muốn làm gì thì làm”?
Nhưng, trở lại với niềm khát khao được trở thành công dân Mỹ của Misha, rốt cuộc thì hắn không có cách nào đặt chân lên đất Mỹ. Là bởi lúc sinh thời “Ba yêu dấu” của Misha đã trót giết chết một thương nhân Oklahoma, nên mọi hy vọng về tấm visa Mỹ của hắn đã tan thành mây khói. Misha phải đi đường vòng: đến nước Cộng hòa Phi Lý Absurdistan, mua tấm hộ chiếu Bỉ và dự định dùng nó làm tấm vé nhập cư vào Mỹ. Thật ra, Misha có đến được Mỹ hay không, điều đó không quan trọng. Quan trọng là hắn đã có mặt tại Absurdistan - một quốc gia nằm “đâu đó” gần Iran, bên bờ Caspian, thuộc khối các nước có cái hậu tố “istan” trong Liên bang Xô Viết cũ, một quốc gia mà ta cũng chẳng nên quan tâm xem nó cụ thể là nước nào. Quan trọng là hắn đã ở đó, đã sống, đã trở thành “Bộ trưởng phụ trách các vấn đề đa văn hóa” của Absurdistan và đã trải nghiệm mọi thứ bi hài kịch. Chính bằng việc quăng Misha Vainberg “Bố ăn vặt” vào Absurdistan, G. Shteyngart đã mở rộng trường “cười cợt” của mình, hay nói cách khác, dùng tiếng cười như một mũi khoan làm bóc lộ tình thế khốn khổ của các tiểu quốc đang vừa phải chịu đựng cái di sản nặng nề từ thời Xô Viết, vừa phải gồng mình lên để theo kịp mô hình phương Tây và Mỹ. Có dầu mỏ tại Absurdistan không, hay chỉ là trò lừa bịp khéo léo của đám chính trị gia xôi thịt, cốt để moi tiền? Có xung đột tôn giáo và sắc tộc thực sự không, hay rốt lại chỉ là sự nống lên mâu thuẫn tầm phào giữa một phe theo thanh gác chân bên phải (trên cây thập tự) và một phe theo thanh gác chân bên trái? Trước những chuyện “động trời” như vậy, G. Shteyngart đều hóa giải bằng tiếng cười nhẹ như không, cho dẫu, sự thật là máu đã đổ và người đã chết!
Trong Cộng hòa Phi Lý có nhắc đến giáo sư Jerry Shteynfart, một văn sĩ Mỹ gốc Nga, người đã cuỗm mất cô người tình Mỹ nóng bỏng của Misha, kẻ mà Misha gọi là “Jerry chó chết Shteynfart”. Không khó nhận thấy Jerry Shteynfart chỉ là cách đọc chệch Gary Shteyngart. Tác giả tự giễu mình, tự biến mình thành một phiên bản nhàu nát của chính mình. Động thái cuối cùng của một thái độ phủ định sạch trơn? Có lẽ tờ The New York Observer có lý khi đánh giá Cộng hòa Phi Lý: “Cuốn tiểu thuyết châm biếm đích thực đầu tiên của thế kỷ XXI”.
Hoài Nam